Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần VI thường niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai tuần VI Thường niên năm chẵn
(17/02/2014) - (Mc 8, 11-13)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.

Người thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả." Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.”

Bài Tin mừng hôm nay được tiếp ngay sau Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Có lẽ phép lạ hóa bánh ra nhiều vẫn còn đọng lại trong tâm trí mọi người, chưa ai quên được phép lạ cả thể này, chỉ với 07 chiếc bánh và vài con cá nhỏ, Đức Giêsu đã nuôi hơn 4.000 người ăn no nê và thu được 07 giỏ bánh vụn. Không ai có thể giải thích được, họ chỉ còn biết im lặng để chiêm ngưỡng quyền năng của Thiên Chúa.

Nói chưa ai quên được, đó là nói quá lời, vì có một loại người đã quên thật sự không nhớ gì hết, đó là người Pharisêu. Marcô nói: “Những người Pha-ri-sêu kéo ra”, như vậy nhóm người này đã có bàn mưu tính kế với nhau, đã có sự chuẩn bị, nhất tề xung trận để tranh luận với Đức Giêsu.

Hôm nay, người Pharisêu tranh luận với Đức Giêsu về điểm gì? Chắc chắn không phải luật Sabbath, vì tranh luận về vấn đề này nhiều rồi, và lần nào cũng bị Đức Giêsu dồn vào chỗ bí, không chống đỡ nổi, đứng bất động.

Họ cũng không ngu gì tranh luận về luật ô uế, như phải rửa tay trước khi dùng bữa, vì đây là vùng dân ngoại, rút kinh nghiệm lần trước. Một nhóm kinh sư và Pharisêu lặn lội từ Giêrusalem xuống tận Galilê, để hạch họe Đức Giêsu về các môn đệ của Ngài, không rửa tay trước khi dùng bữa, họ đã bị Ngài cho một bài học nhớ đời, khi Ngài chất vấn lại họ về tập tục Corban, chỉ cần dâng tiền vào Đền thờ coi như không cần phải giữ bổn phận thảo hiếu đối với cha mẹ nữa.

Người Pharisêu hôm nay chẳng dại gì đi vào vết xe cũ, họ sẽ tránh mọi tranh luận về Luật. Như Bài Tin mừng Chúa Nhật VI Thường niên hôm qua đã nêu rõ, Đức Giêsu không hủy bỏ bất kỳ luật nào, ngay cả một chấm một phẩy cũng không bỏ sót, song Ngài kiện toàn luật Môsê, đưa luật lên một tầm cao mới, quy hướng tất cả mọi luật lệ vào lòng mến Chúa yêu người, tình yêu đó là cái hồn của mọi lề luật. Vậy không có lý do gì, người Pharisêu lại đem luật ra để tranh luận với Đức Giêsu.

Hôm nay họ sẽ tranh luận với Đức Giêsu về một đề tài khác, thật bất ngờ và vô cùng khó. Marcô nói: “họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.” Có nghĩa họ tranh luận về quyền năng của Ngài trên một phạm vi khác, không còn ở dưới mặt đất mà là trên trời.

Tất cả mọi người, kể cả người Pharisêu đã chứng kiến bao phép lạ Đức Giêsu làm, như cho què được đi, mù được thấy, điếc được nghe, câm được nói, phong hủi được sạch, đặc biệt kẻ chết được sống lại,... Ngài đã trục xuất bao quỷ ô uế ra khỏi người chúng ám, hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông.... tất cả những phép lạ đó Ngài đều thực hiện dưới mặt đất. Còn một loại phép lạ nữa họ không được chứng kiến, đó là Đức Giêsu truyền cho sóng gió yên lặng, đi trên biển. Cả dân chúng cũng không được chứng kiến phép lạ này, chỉ có các môn đệ với Đức Giêsu.

Độc giả có thể đặt câu hỏi, tại sao người Pharisêu chưa tin Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Đấng Cứu Thế? Trong khi dân chúng kinh ngạc, thán phục, ca tụng, tôn vinh,.... họ đã tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, mặc dù họ quan niệm về Đấng Cứu Thế rất sai lầm, nhưng dù sao họ cũng đã tin.

Như vậy, ta có thể phát biểu một cách chính xác không sợ sai lầm, đó là:

PHÉP LẠ KHÔNG PHÁT SINH ĐỨC TIN, NHƯNG LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ĐỨC TIN.

Điều này có nghĩa, trước những phép lạ cho người Do Thái ngày xưa, và những phép lạ cho người thời nay, sẽ có người tin và không tin, không phải tất cả mọi người đều tin. Như vậy phép lạ không phát sinh đức tin.

Nhưng khi con người biết gạt bỏ những thành kiến, biết gạt bỏ sự ghen ghét, có thái độ chân thành yêu mến sự thật, yêu mến chân lý, họ sẽ gặp được Đức Giêsu và tin nhận Ngài. Còn ngược lại chỉ là chống đối, vặn vẹo, xuyên tạc. Bao lâu còn giữ thái độ ghen ghét, đố kỵ, thì có thêm nhiều phép lạ nữa cũng vô ích, chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Như vậy phép lạ là con đường dẫn đến Đức Giêsu, nếu ai biết đến với Ngài họ sẽ gặp, còn đứng lại, không chịu đi hoặc đi theo chiều ngược lại, thì muôn đời họ sẽ không gặp.

Với người có đức tin thì họ nhìn đâu cũng thấy phép lạ, cũng thấy dấu lạ. Ngay sự hiện hữu của họ đã là một dấu lạ rồi. Họ có thể đặt dấu hỏi: Tại sao ta lại hiện hữu trên đời này? Vì lý do gì? Xin thưa: không vì lý do gì hết, không có lý do nào bắt Thiên Chúa phải dựng nên ta, tất cả không phải vì ta mà là vì Tình yêu, Ngài muốn yêu ta chỉ có thế thôi. Vậy đó không phải là sự lạ, là dấu lạ sao?

Hôm nay người Pharisêu “đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người”. Marcô sử dụng từ rất sâu sắc, ở đây họ không xin mà là “đòi”, có nghĩa họ đặt cho Đức Giêsu một yêu sách, buộc Ngài phải thực hiện. Độc giả có thể đặt câu hỏi, họ làm vậy để làm gì? Marcô nói, “để thử Người”. Thật hỗn xược!

Như vậy trước yêu sách này, phép lạ, dấu lạ sẽ chẳng đi đến đâu, chẳng phục vụ cho ai mà chỉ thỏa mãn trí tò mò của họ. Lần đầu tiên người Pharisêu dám thách thức Thiên Chúa, thách thức quyền năng Thiên Chúa. Ta phải luôn nhớ, Đức Giêsu không bao giờ làm ảo thuật, vì quyền năng Thiên Chúa không phục vụ cho những dục vọng thấp hèn, không phục vụ cho trí tò mò. Ngài làm phép lạ, đó là cách Ngài yêu thương con người cách đặc biệt, Ngài dựng nên tất cả nên Ngài có quyền trên tất cả. Ngài luôn tôn trọng tự nhiên, vì siêu nhiên không bao giờ phá đổ tự nhiên, thỉnh thoảng ở nơi này nơi kia, Ngài cho xảy ra ngoài phạm vi tự nhiên, đó là vì yêu thương chúng ta. Như vậy, phép lạ hay dấu lạ luôn dựa trên nền tảng là Tình yêu, vì tình yêu của Ngài đối với con người. 

Ta còn nhớ câu chuyện Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa sau khi đã ăn chay 40 đêm ngày. Tên quỷ cám dỗ nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4, 6-7) Đức Giêsu nói với tên quỷ: Thật hỗn xược, ngươi không được thách thức Thiên Chúa, thì ngày hôm nay người Pharisêu đã đi vào vết xe đó.

“Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả."

Marcô viết, “Người thở dài não nuột”, Đức Giêsu quá thất vọng, thất vọng đến nỗi Marcô viết “não nuột”, thất vọng đến tận ruột gan mình vì họ quá cố chấp, ở lì trong thành kiến của mình, mà không chịu bước ra để tìm kiếm sự thật. Nếu có ai rơi vào tình trạng tuyệt vọng, họ sẽ hiểu thế nào là thẫn thờ, thế nào là não nuột, không còn hy vọng gì nữa. Mọi cố gắng dường như là con số không.

Dân Do Thái thời Cựu Ước cũng thế, bao nhiêu lần Đức Chúa đã tỏ lòng trung thành với Tổ phụ họ, Ngài đã cứu họ ra khỏi cảnh khốn cùng, cảnh bị nô lệ, cảnh bị áp bức, nhưng cũng bấy nhiêu lần họ quay lưng lại. Đức Chúa đã quá ngán ngẩm với họ. Cuối cùng Ngài đã sai chính Con Một mình đến với họ, ở với họ. Nhưng hôm nay Con Thiên Chúa, Đức Giêsu lại phải thở dài não nuột vì thái độ cố chấp của người Pharisêu, nói rộng hơn còn cho những người lãnh đạo Do Thái Giáo. Họ là dân Chúa chọn, nhưng lại cố chấp không tin Con Thiên Chúa.

Marcô viết: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?”, nếu nhìn vào cú pháp, ta hiểu đó là câu hỏi, nhưng thực chất đây là câu biểu lộ sự ngạc nhiên cực độ. Dấu hỏi (?) nên thay bằng dấu chấm than (!). Đức Giêsu ngạc nhiên vì bằng ấy phép lạ chưa đủ sao! Chẳng lẽ bằng ấy phép lạ chưa đủ chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa sao!

Nếu họ đòi có dấu lạ từ trời thì đã có rồi chứ đâu phải chưa, người Pharisêu mau quên quá! Thánh sử Matthêu viết: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17) Matthêu thuật lại sự kiện Đức Giêsu chịu phép Rửa tại sông Jordan. Khi Ngài vừa lên bờ thì các tầng trời mở ra, cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần xuất hiện để chứng nhận cho Ngài là Đấng Cứu Thế.

Thử hỏi rằng trong lịch sử loài người và cả lịch sử của vũ trụ, có biến cố nào trên trời cao trọng hơn biến cố đó. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều xuất hiện. Như vậy việc họ đòi Đức Giêsu một dấu lạ từ trời, không phải để họ củng cố niềm tin của mình, nhưng là để thử Ngài, họ muốn Ngài diễn trò tiêu khiển cho họ xem. Thật láo xược và xúc phạm đến Con Thiên Chúa!

Marcô viết tiếp: “Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” Thế hệ này, ám chỉ người Pharisêu và còn ám chỉ những kẻ sau này muốn thách thức Thiên Chúa. Marcô viết: “thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả”. Đức Giêsu trả lời một cách đanh thép, Thiên Chúa không bao giờ chiều ý họ. Thiên Chúa là Đấng mọi người phải yêu mến và tôn thờ, chứ không phải là Đấng phục vụ cho những dục vọng thấp hèn của những người cố chấp.

Thái độ đòi dấu lạ không những ở nơi người Pharisêu, mà sau này còn là của vua Hêrôđê (người đã chém đầu Gioan Tẩy Giả). Trong cuộc Thương khó Đức Giêsu, sau khi biết Ngài là người Galilê, thuộc thẩm quyền cai quản của vua Hêrôđê, vả lại lúc ấy Hêrôđê đang có mặt tại Giêrusalem, Philatô cho điệu Đức Giêsu đến Hêrôđê.

Luca viết: “Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả.” (Lc 23, 8-9).

Vâng một lần nữa ta lại khẳng định chân lý này: Thiên Chúa không bao giờ làm thỏa mãn trí tò mò của những con người kiêu căng và dục vọng, nhưng Ngài sẵn sàng tỏ hiện cho những ai đơn sơ khó nghèo. Ai thành tâm tìm kiếm Ngài trong cuộc đời, họ sẽ thấy Ngài và ngược lại.

Nhưng độc giả có thể đặt câu hỏi, trong câu Đức Giêsu nói: “thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả”, Vậy thế hệ khác thì sao? Ngài có cho họ dấu lạ không?

Câu hỏi này cũng tương tự câu hỏi khác: Lúc này Đức Giêsu không thực hiện phép lạ nào, còn lúc khác thỉ sao?

Thánh sử Luca viết: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11, 29-30)

Rõ ràng, chúng không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Có nghĩa sẽ có một dấu lạ, không phải dấu lạ ở trên trời, mà là chính bản thân Ngài. Đức Giêsu sẽ tử nạn, Ngài sẽ ở trong mộ 03 ngày như Giôna ở trong bụng cá, sau 03 ngày Ngài sẽ phục sinh. Đây là một dấu lạ cả thể, một dấu lạ vĩ đại, và nền tảng của Kitô giáo. Nếu Đức Giêsu không phục sinh thì mọi niềm tin của chúng ta hóa ra vô ích.

Ta cũng đang đi tìm dấu lạ trong cuộc đời mình, có thể trong giây phút nào đó ta đang đòi Thiên Chúa phải có hành động như người Pharisêu hôm nay. Có thể ta đang lâm vào tình trạng thất vọng, bi đát, và ta đã bất lực. Ta đang mắc chứng bệnh mà án tử đã thấy rõ, chỉ chờ đến ngày chết. Ta đang sống trong cảnh đổ vỡ gia đình mà không có gì có thể hàn gắn. Ta đang vướng vào một tật xấu, quyết tâm bao nhiêu lần mà cũng chưa dứt khoát được, cứ đứng lên rồi lại ngã xuống, ngã xuống rồi lại đứng lên, xưng đi xưng lại cũng chỉ cái tội ấy .... Còn rất nhiều trường hợp bế tắc khác nữa. Trong thâm tâm ta vẫn mong Chúa làm một cái gì đó, không muốn thấy Ngài im lặng trước nỗi khốn khổ của ta.

Được đọc Bài Tin mừng hôm nay ta cảm thấy hy vọng tràn trề, vì Đức Giêsu chỉ từ chối người Pharisêu theo như Marcô viết: “họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người”. Vâng Thiên Chúa chỉ từ chối với những ai cố chấp, thách thức, nhưng Ngài luôn hiện hiện diện với những ai thành tâm tìm kiếm Ngài. Vậy ta hãy đến với Chúa trong tình con thảo và ta tin Thiên Chúa thấu suốt ta còn hơn ta biết ta. Ngài là Người Cha, Ngài sẽ biết mình sẽ làm gì cho con cái Ngài.

“Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.”

Marcô viết rất sâu sắc: “Rồi bỏ họ đó”, Đức Giêsu bỏ họ lại, vì Ngài không còn gì để nói trước thái độ cố chấp, thách thức và ngông cuồng của họ. Cứ để họ lại trong sự cố chấp của mình. “Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.”

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2340
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  30
 Hôm nay:  1811
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12257965

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn