Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần V thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần V thường niên năm chẵn

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai tuần V Thường niên năm chẵn
(10/02/2014) - (Mc 6, 53-56)

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 

Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến thì đều được khỏi.
_____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ.”

Ngay dòng chữ đầu tiên, Marcô viết: “Khi qua biển rồi”, làm cho độc giả có cảm tưởng Đức Giêsu và các môn đệ vừa trải qua một biến cố hãi hùng nào đó trên biển.

Quả đúng như vậy, ở đoạn Tin mừng đi liền trước (Mc 6, 45-52), Marcô thuật lại sự kiện, sau khi giải tán dân chúng, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện. Vào khoảng canh tư đêm ấy, Đức Giêsu thấy các môn đệ phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên Ngài đi trên mặt biển mà đến với các ông, làm các ông cứ tưởng là ma thì la lên. Đức Giêsu phải lên tiếng trấn tỉnh các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

Có lẽ Đức Giêsu dừng lại ở Biển Hồ Galilê khá lâu, lấy Carphanaum làm điểm xuất phát đi và về. Thường lượt đi gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn, như bài Tin mừng đi trước, còn lượt về thì bình an vô sự. Điều này làm cho độc giả phải suy nghĩ, hình như các thế lực của Satan cố cản trở Ngài đến với dân ngoại, và phổ biến nhất là hay xảy ra cuồng phong, sóng to gió lớn hay bị gió ngược chiều. Nhưng cuối cùng Thầy trò Đức Giêsu đều vượt qua không phải bằng sức con người, nhưng bằng quyền năng Thiên Chúa, vì Ngài có quyền trên cả thiên nhiên. Ngài chỉ dùng lời mà ra lệnh.

Cuối cùng Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. Ghennêxarét: Đây là tên Hy Lạp của giải đất nhỏ thuộc phía tây Biển Hồ, có đất đai mầu mỡ và đông dân cư; giải đất này ở phía nam Caphácnaum.

“Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su.”

Người ta nhận ra ngay Đức Giêsu, khi Ngài vừa ra khỏi thuyền. Marcô muốn diễn tả, Đức Giêsu đã trở thành quá quen thuộc đối với họ. Điều này cũng dễ hiểu, vì người ta khắp nơi đổ về Carphacnaum để nghe Ngài giảng dạy và thực hiện các phép lạ chữa bệnh. Biển hồ tuy rộng, nhưng vẫn không đủ ngăn cản họ đến với Ngài.

Nhưng nếu Đức Giêsu định vị luôn tại Carphacnaum, cố định luôn ở đây quả là bất lợi cho những người ở xa, vì phải di chuyển bệnh nhân với đường sá xa xôi như vậy, do đó Ngài phải đến với họ. Các nhà tu đức gọi đây là công việc mục vụ hay sứ vụ.

Cụm từ “lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su”, nó đặt cho ta câu hỏi. Có bao giờ ta nhận ra Chúa ngay lập tức trước mỗi biến cố xảy đến cho ta chưa? Có lẽ điều này hơi khó, vì nhận ra Chúa ngay lập tức, nó đòi hỏi ta phải rất nhạy bén, phải luôn biết sống tin tưởng và phó thác. Nếu cứ mỗi biến cố, ta tập cho mình có thói quen, luôn tìm Thánh ý Chúa trước, thì đến một lúc nào đó, phản ứng của ta sẽ nhanh nhạy đến mức, có thể nhận ra Ngài ngay lập tức, ta không để lỡ hẹn với Chúa. Ngược lại, trước mỗi biến cố, ta cứ tìm ý riêng mình, ta sẽ không thể nhận ra ý Chúa, và suốt đời ta luôn lỡ hẹn với Chúa đến thăm ta. Như vậy, trước sự nhạy bén của người dân miền Ghennêxarét, ta phải xét lại mình để thay đổi cái nhìn của ta trước mỗi biến cố, mỗi sự việc. Đừng để Chúa đi qua đời ta cách vô ích, đừng để Ngài đi qua mà không ghé vào.

“Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.”

Có lẽ việc Đức Giêsu đến Ghennêxarét là một tin sốt dẻo, một cơn chấn động. Marcô nói: “nghe tin Người ở đâu”, có nghĩa tai họ rất thính, mắt họ rất sáng, họ có hệ thống truyền thông rất tuyệt vời, chỉ cần một người nắm bắt thông tin, thì y như rằng cả một miền đều biết.

Họ nghe ngóng thông tin để làm gì? Marcô nói: để cáng bệnh nhân đến đó. Bệnh nhân nhiều như vậy sao? Quả đúng như vậy, vì với nền y học còn thô sơ thời bấy giờ, chỉ dăm ba lá cây cỏ thì làm gì có thể khống chế bệnh tật. Mà có chữa được chăng nữa, cũng phải mất thời gian khá dài, hao tốn nhiều tiền của. Người ta đã chứng kiến biết bao phép lạ Đức Giêsu đã làm, như vậy việc Ngài xuất hiện tại đây sẽ thu hết sự chú ý của mọi người.

Marcô nói: “bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.” Tại sao không đi mà phải cáng? Nó muốn nói lên điều gì?

+ Trước hết, đây là những bệnh nặng, họ không thể tự đi được, phải nhờ người khác cáng mình đến.

+ Thứ hai, nó nói lên tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Ta thử tưởng tượng dân miền Ghennêxarét hôm nay náo động như thế nào, hình như mọi sinh hoạt đành phải gác lại để ưu tiên cho việc chữa bệnh. Nếu người Do Thái quan niệm bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, thì việc Đức Giêsu đến miền Ghennêxarét hôm nay, Ngài muốn giải thoát con người khỏi vòng xiềng xích tội lỗi, trả lại cho con người sự tự do, sự khỏe mạnh cả ngoài thể xác lẫn tâm hồn. Có nghĩa hồi phục con người: Hình ảnh của Thiên Chúa.

“Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người”

Nếu độc giả để ý một chút, tại miền Ghennêxarét, Đức Giêsu không giảng dạy bất cứ điều gì. Ngài không đứng yên một chỗ và dân chúng tụ tập chung quanh, đó là hình ảnh ta thường thấy, nhưng ở Ghennêxarét Ngài luôn di chuyển. Marcô muốn cho ta biết điều gì?

Có lẽ Marcô muốn cho ta thấy miền Ghennêxarét quá nhiều người ốm đau bệnh hoạn, Satan đã khống chế toàn bộ vùng này. Như vậy Đức Giêsu phải ưu tiên cho việc chữa bệnh, nhưng khi chữa bệnh về phần xác thì Ngài cũng chữa bệnh về phần hồn. Bao giờ cũng vậy, trước khi chữa bệnh, Ngài đòi hỏi người bệnh phải tin vào Ngài, đó là điều kiện để Ngài chữa lành, Như vậy khi họ đặt niềm tin vào Đức Giêsu, thì chính niềm tin đó sẽ biến đổi đời họ. Còn khi Ngài giảng dạy, cũng là để cho lời Thiên Chúa đi vào và biến đổi con người. Rõ ràng Đức Giêsu không giảng dạy điều gì tại miền Ghennêxarét, nhưng Ngài đã biến đổi tâm hồn rất nhiều người, thì có khác gì Ngài đã giảng dạy.

“Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ”

Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động bởi lòng tin vững vàng của họ. Marcô dùng từ rất ấn tượng, ông viết: “Người đi tới đâu”, có nghĩa Ngài đến bất kỳ chỗ nào, cũng có con bệnh chờ Ngài ở đó. Ta cũng có thể nói ngược lại, bất kỳ nơi nào có người bệnh thì cũng có Ngài ở đó. Cho dù đó là nơi ngoài đường ngoài chợ. Người ta hay sử dụng cụm từ “đầu đường xó chợ” để chỉ những nơi không ra gì mà người đạo đức không nên lui tới. Nhưng hôm nay, nó lại là nơi để Thiên Chúa thi ân giáng phúc.

Hình ảnh dân miền Ghennêxarét mà Marcô mô tả hôm nay nó muốn nói lên điều gì? Xin thưa, nó muốn nói lên một chân lý bất di bất dịch, Thiên Chúa luôn hiện diện trong nỗi thống khổ của con người. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, ở nơi nào có đau khổ, có bất hạnh thì Thiên Chúa hiện diện, như Đức Giêsu đến với bệnh nhân miền Ghennêxarét hôm nay. Vậy tại sao ta lại phải than thân trách phận? Xin thưa, vì ta không thấy Ngài hiện diện trong nỗi khốn khổ của ta. Vì ta không thấy, chứ không phải Ngài không có ở đó. Sở dĩ ta không thấy, vì con mắt của ta bị bao thành kiến che mờ, bao dục vọng bịt kín, như vậy ta không thấy và ta than thân trách phận. Ta muốn cuộc đời nó phải xảy ra như ta nghĩ, có nghĩa ta muốn Thiên Chúa phải đáp ứng nhu cầu của ta. Nó có khác gì ta muốn Thiên Chúa trở thành một ngẫu tượng cho ta nhào nắn và đây là sự xúc phạm đến Thiên Chúa cách kinh khủng nhất.

“và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người”. Tại sao họ xin ít nhất cho họ chạm đến tua áo của Người? Ở đây ta lại bắt gặp hình ảnh người phụ nữ băng huyết đã 12 năm, cũng do chạm vào áo Đức Giêsu nên đã khỏi bệnh. Chạm đến áo, đó là quan niệm phổ biến thời đó, vì ở phương Đông thời xưa, y phục là biểu tượng của nhân cách. Chạm vào y phục ai tức là đụng vào chính kẻ ấy.

Chạm đến tua áo choàng, nó biểu lộ một niềm tin mạnh mẽ, người ta tin Đức Giêsu có quyền trên bệnh tật, và quyền năng đó sẽ không bị hạn chế bởi bất kỳ yếu tố gì, điều kiện gì. Họ đã chứng kiến, Ngài có thể dùng chỉ lời nói để truyền lệnh và bệnh tật đã phải rút lui.

Nhưng vấn đề làm sao cho Ngài biết, họ đang cần Ngài chữa lành? Đó mới là vấn đề họ quan tâm. Họ phải dùng cách gì bây giờ?

Họ có thể dùng lời nói chăng? Rất có thể, vì điều đó người ta vẫn hay sử dụng khi nài xin Đức Giêsu chữa cho mình. Nhưng chỗ đông người thế này, liệu rằng tiếng nói của mình có được Ngài nghe thấy không? Hay bị át đi bởi sự ồn ào náo nhiệt chung quanh.

Vậy phải dùng cách gì cho Ngài biết? Chỉ còn một cú chạm, một cú chạm sẽ đánh thức Thiên Chúa để Ngài phải chú ý. Và họ tin, quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa sẽ thoát ra khỏi Đức Giêsu, đi ra ngoài, đi qua cánh tay của họ để vào trong người mình và họ sẽ khỏi bệnh. Vâng, một ý nghĩ quá đơn sơ, đơn sơ như một em bé. Ý nghĩ quá đơn giản và mộc mạc. Và thật kỳ lạ, Thiên Chúa lại chấp nhận ý nghĩ đơn sơ đó.

Thiên Chúa còn đơn sơ hơn ta nghĩ, ta cứ tưởng phải thế này, phải thế nọ mới làm đẹp lòng Ngài. Phải sắm những lễ vật thật quý giá, thật đắt tiền, phải tổ chức những lễ lạc rình rang mới lôi kéo sự chú ý của Thiên Chúa. Ngài đâu cần những thứ đó, vì vinh quang của Thiên Chúa đã tròn đầy, thì mấy lễ vật kia có nghĩa gì chứ. Cái mà Ngài cần, đó là một tấm lòng, và nghĩa cử giơ tay ra, nó muốn nói lên sự khẩn thiết mong Ngài đoái nhìn đến.

“và bất cứ ai chạm đến thì đều được khỏi.”

Marcô đã kết thúc Bài Tin mừng hôm nay bằng câu nói thật ấn tượng, “bất cứ ai chạm đến”, có nghĩa không phân biệt ai hết, bất cứ ai đã chạm đến Ngài thì đều được khỏi bệnh.

Quyền năng của Thiên Chúa thật kỳ lạ, với biết bao người được khỏi, nhưng quyền năng Thiên Chúa trong đức Giêsu vẫn không suy giảm, một quyền năng tuyệt đối. Không những Ngài đã chữa hết bệnh nhân trong miền Ghennêxarét hôm nay, mà còn biết bao bệnh nhân cho đến ngày tận thế. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết: "ơn Cha luôn đủ cho con" (2 Cor 12, 9), vâng đúng vậy, ơn Thiên Chúa luôn đủ cho con người và không bao giờ cạn kiệt.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2375
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  229
 Hôm qua:  2680
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12333940

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn