Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần IV Mùa Chay 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần IV Mùa Chay 
(31/03/2014) - (Ga 4, 43-54) – MÙA CHAY 2014
DẤU LẠ THỨ HAI TẠI CANA
ĐỨC GIÊSU CHỮA CHO CON TRAI VIÊN SĨ QUAN.

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Một hôm, Đức Giê-su bỏ Sa-ma-ri đi Ga-li-lê. Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.

Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hóa thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. Đức Giê-su nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!" Viên sĩ quan nói: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!" Đức Giê-su bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.

Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt." Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin.

Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Một hôm, Đức Giê-su bỏ Sa-ma-ri đi Ga-li-lê”

Bài Tin mừng hôm nay tiếp ngay sau sự kiện Đức Giêsu dừng chân tại làng người Samari, khi Ngài và các môn đệ rời Giuđêa để về Galilê. Ngài đã được người Samari tiếp đón nồng hậu vì đã được nghe người phụ nữ kể về Ngài, và Ngài đã lưu lại đó 02 ngày. Bây giờ Thầy trò lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình về Galilê.

“Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình”

Độc giả nên chú ý, đây không phải câu nói của Đức Giêsu trong một cuộc đối thoại, vì ở đây Ngài không nói chuyện với ai. Gioan muốn trích dẫn lại câu nói của Đức Giêsu trong lần về thăm quê hương tại Nadarét. Sự kiện này chỉ có 03 Thánh sử Nhất lãm tường thuật, còn Gioan lại không đề cập.

Luca viết: “Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4, 23-24) Luca dùng từ “không được chấp nhận”, còn Gioan lại viết: “không được tôn trọng”.

Sở dĩ Gioan nhắc lại, vì Đức Giêsu đang trên đường về Galilê, sau đó Ngài sẽ đến Cana, một làng bên cạnh Nadaret (cả hai ở trong miền Galilê). Sự nhắc lại muốn cho độc giả thấy, có cái gì đó không được bình thường khi Ngài sắp về Cana, nó không bình thường ở chỗ, chính những nơi gọi là đồng hương lại tỏ ra thiếu thiện chí so với các nơi khác. Có lẽ do cái tâm lý “gọi chùa gọi Bụt bằng anh”.

“Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.”

Độc giả có thể hỏi: dân chúng Galilê đón tiếp Ngài, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Đức Giêsu làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, vậy họ đã chứng kiến chuyện gì? Họ chứng kiến Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ. Gioan viết: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (Ga 2, 15-16)

Hành động của Đức Giêsu thật quyết liệt và dứt khoát, không thể thỏa hiệp với những kẽ đã biến Nhà Cha Ngài thành nơi buôn bán, thành hang ổ của bọn trộm cướp.

Gioan còn viết: “Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.” (Ga 2, 23-25)

Những người được Gioan nói đến ắt hẳn có người đang hiện diện trong cuộc đón tiếp Đức Giêsu, khi Ngài về Galilê trong Bài Tin mừng hôm nay. Như vậy, ta có thể hiểu tại sao Gioan lại viết: “Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình”. Đức Giêsu nhìn thấy rõ tâm địa của họ, Ngài biết họ hết thảy. Rõ ràng đón tiếp Đức Giêsu bởi những con người như thế, sao gọi là tôn trọng.

Tôn trọng Đức Giêsu, đó là cách ta đối xử với Ngài. Cụm từ “Tôn trọng” nó có vẻ bình dân, ai cũng hiểu, nhưng để được sự tôn trọng đúng nghĩa, nó không còn đơn giản nữa, mà là cái gì ghê gớm, vì thế nào là tôn trọng đúng nghĩa? Ta hiểu sao về cụm từ này? Tôn trọng đúng nghĩa, đó là dành cho Ngài một vị trí cao nhất trong cuộc đời ta, dành cho Ngài một vị trí xứng đáng trong trái tim ta.

“Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hóa thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.”

Ca-na là nơi Đức Giêsu làm cho nước hóa thành rượu, đây là dấu lạ (phép lạ) đầu tiên. Gioan nói: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” Như vậy, Ngài không trở về Nadarét là quê hương, nhưng trở về Ca-na là nơi Ngài đã thực hiện dấu lạ đầu tiên. Bất cứ sự kiện đầu tiên nào cũng để lại cho ta nhiều ấn tượng, nó in sâu trong tâm trí ta, vì tất cả những gì ta đạt được cũng đi từ cái đầu tiên này.

“Có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um”, một sĩ quan cận vệ nhà vua, một người dân ngoại đến với Đức Giêsu, ông ta có đứa con trai bị bệnh tại Carphacnaum. Khoảng cách từ Carphacnaum tới Ca-na khoảng 20 dặm, một khoảng cách dài cho người đi bộ. Đi và trở về ngay phải mất khoảng 6 tiếng. Nhưng đối với tình yêu của người cha, khoảng cách này có nghĩa gì. Nó không là gì hết, nếu còn xa hơn nữa ông cũng sẵn sàng đi tới.

Độc giả có thể nhận ra điểm này, ông sĩ quan đã vượt qua, không những cái khoảng cách địa lý, ông còn vượt qua cái gì còn ý nghĩa hơn nữa, đó là hàng rào chủng tộc, hàng rào tôn giáo và sự bất bình đẳng giữa người cai trị và bị trị. Vâng vì đứa con, ông sẵn sàng vượt qua tất cả. Tình yêu của người cha luôn vĩ đại trong lịch sử nhân loại, trong tiềm thức của chúng ta, thời nào cũng có những người cha như vậy. Ông đến đây “xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết”.

“Đức Giê-su nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!"

Gioan dùng từ rất sâu sắc. Độc giả chú ý 02 nhóm từ: “Ông” (số ít) – “Các ông” (số nhiều). Khi dùng từ “ông”, Đức Giêsu nói với viên sĩ quan. Khi dùng từ “các ông”, Ngài muốn nói về người Do Thái. Như vậy câu trên có thể viết lại như sau:

“Đức Giê-su nói với viên sĩ quan: "Những người này mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì họ sẽ chẳng tin đâu!". Đòi hỏi dấu lạ điềm thiêng , đó là đặc tính của con người qua mọi thời đại. Người ta đòi phải xem thấy dấu lạ bất thường, tác động lên cái vĩ mô thì họ mới tin. Trong Tin mừng Luca, Matthêu, Marcô cũng nói nhiều về hiện tượng này, người Pharisêu đòi Đức Giêsu phải cho họ dấu lạ họ mới tin. Niềm tin của họ phải được nuôi dưỡng bởi cái gì giật gân, bởi cái gì gây sốc,... chứ không thể thinh lặng để nghiền gẫm.

Như vậy, độc giả sẽ phân biệt 02 loại đức tin: TIN VÌ THẤY và TIN VÌ NGHE. Loại người tin vì thấy, đó là người luôn đòi hỏi phải thỏa mãn con mắt, phải thấy được cái vĩ đại họ mới tin. Và loại người tin vì nghe, họ không cần đến con mắt, họ luôn nhắm mắt lại để chỉ nghe thấy tiếng Chúa nói trong lòng. Như vậy đức tin nào sẽ cao quý và giá trị hơn?

“Viên sĩ quan nói: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!" Đức Giê-su bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.”

Nếu người Do Thái đòi hỏi phải có dấu lạ điềm thiêng họ mới tin, Gioan muốn cho họ biết, Đức Giêsu sẽ cho họ dấu lạ nữa, gọi là dấu lạ thứ hai, ngoài dấu lạ làm cho nước thành rượu. Dấu lạ thứ hai là dấu lạ gì? Đó là niềm tin không dựa vào dấu lạ điềm thiêng của viên sĩ quan.

Viên sĩ quan khẩn khoản Đức Giêsu, xin Ngài đến nhà để chữa cho con trai ông, nhưng Ngài không đi. Ngài chỉ nói: "Ông cứ về đi, con ông sống." Nếu viên sĩ quan chưa tin đủ, ắt ông sẽ cố nài kéo Đức Giêsu lần nữa. Nhưng ở đây, Gioan viết, “Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.” Chứng tỏ ông đã tin, tin mà không chút hoài nghi, vì ông là một quân nhân. Lối sống nhà binh đã hình thành nơi ông sự dứt khoát và mau mắn.

Độc giả hẳn còn nhớ câu chuyện Đức Giêsu chữa cho người nô lệ của viên đại đội trưởng. Luca viết: “Ông Đại đội trưởng thưa với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm." (Lc 7, 6-8). Vâng đó cũng dấu lạ nữa, người ngoại giáo này cũng có niềm tin không dựa vào dấu lạ điềm thiêng.

Hình như ta chỉ bắt gặp niềm tin như vậy nơi người ngoại giáo, trong khi dân Chúa chọn, lại có niềm tin rất ấu trí. Đức Giêsu nói: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế." Cụm từ “ngay cả trong dân Ít-ra-en” ý muốn nói, có một cái gì nghịch lý, người không nhận biết Thiên Chúa lại có niềm tin mạnh mẽ, trong khi người tin Thiên Chúa lại không được như vậy.

Đã đến lúc ta phải xét lại niềm tin của mình. Ngày nay xét về khía cạnh nào đó ta diễm phúc hơn người Do Thái thời Đức Giêsu rất nhiều. Ta được nghe lời Chúa hằng ngày, được nghe giảng giải lời Chúa kỹ càng, được hiểu biết các mầu nhiệm trong Đạo, nhưng đức tin của ta có tương xứng với những điều kiện đó không? Hay vẫn là niềm tin ấu trí? Ta có nhận ra Chúa trong mỗi biến cố, trong mỗi sự kiện xảy đến cho ta chưa? Ta có hiểu được ý Chúa muốn nói gì với ta chưa? Hay ta chỉ nhìn thấy ta, chỉ nghe thấy tiếng nói của ta? Nếu ta chưa biết đặt lại vấn đề, thì niềm tin của ta mãi mãi vẫn chỉ có vậy, cuộc đời ta mãi mãi cũng chỉ có vậy, mà chưa thể tiến lên bước nào. Và cuộc đời luôn có một nguyên tắc thật nghiêm khắc, không tiến ắt phải lùi. Có nghĩa, nếu đời sống đạo đức của ta không tiến lên, thì nó phải lùi xuống, chứ không thể đứng yên một chỗ.

“Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt." Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin.”

Gioan nói, viên sĩ quan đang trên đường trở về nhà, có nghĩa chưa về đến nhà, thì người nhà đã đón ông và cho ông biết, con ông đã sống rồi. Viên sĩ quan cũng không được chứng kiến giây phút con ông hết sốt. Niềm tin của ông hoàn toàn không dựa vào bất kỳ yếu tố giật gân nào, vì niềm tin đó đã phát sinh từ lúc nghe Đức Giêsu nói: "Ông cứ về đi, con ông sống." và niếm đó vẫn còn y nguyên khi ông không chứng kiến cảnh con hết sốt.

Vốn là một quân nhân, ông đòi hỏi một sự rõ ràng, để biết con ông sống từ lúc nào. Người nhà đã cho ông biết cái giờ con ông sống, nó trùng vào giờ Đức Giêsu nói. Có nghĩa lời nói của Đức Giêsu có quyền năng tuyệt đối, có sức mạnh tuyệt đối, nó thay đổi tức thì, chuyển biến tức thì, nên ông và cả nhà đều tin.

“Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.”

Gioan nói, đây là dấu lạ thứ hai, vậy dấu lạ thứ nhất là dấu lạ nào? Đó là Đức Giêsu đã làm cho nước thành rượu trong tiệc cưới cũng tại Ca-na. Còn nhiều dấu lạ nữa, sau này Gioan sẽ kể, nhưng vẫn còn dấu lạ nữa, mà Gioan không kể, nhưng người kể sẽ là chúng ta, ta sẽ kể cho người khác nghe những gì Đức Giêsu đã làm trong cuộc đời ta, trong gia đình ta,....

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2693
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  2078
 Hôm qua:  5802
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12323878

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn