Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần III Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần III Mùa Chay.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần III Mùa Chay
(24/03/2014) - (Lc 4, 24-30) – MÙA CHAY 2014

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi đến Na-da-rét, Đức Giêsu nói với dân chúng trong hội đường: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
_______________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi đến Na-da-rét, Đức Giêsu nói với dân chúng trong hội đường: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”

Theo Luca, sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ, “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.” (Lc 4, 14-15) Như vậy Đức Giêsu bắt đầu loan báo Tin mừng, và Ngài chọn miền Galilê chứ không phải Giuđêa.

Nadarét và Carphacnaum nằm trong Galilê, và trước khi về Nadaret Đức Giêsu đã giảng dạy tại Carphacnaum, danh tiếng Ngài vang dội khắp nơi và được mọi người biết đến. Ngài chọn thành Carphacnaum là nơi hoạt động, giống như trung tâm, để từ đó Ngài đến những vùng khác và trở về dễ dàng. Kinh thánh gọi Carphacnaum là “Thành của Người”, vì nó nằm trên giao điểm của các trục giao thông, rất lợi thế cho tầm ảnh hưởng và đưa danh tiếng Đức Giêsu đi khắp nơi. Như vậy người Nadarét đã được nghe biết các hoạt động của Đức Giêsu và họ đang mong Ngài trở về.

Luca viết: “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” (Lc 4, 16-22)

Luca viết tiếp: “Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" (Lc 4, 23) Có nghĩa người đồng hương muốn Đức Giêsu cũng thực hiện phép lạ tại đây như Ngài đã làm tại Carphacnaum, yêu cầu này hình như có tính bắt buộc.

Đó là tất cả những trích dẫn để giải thích tại sao Đức Giêsu lại nói: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”

“Được chấp nhận” có nghĩa được nhìn nhận đúng với bản chất con người của ngôn sứ. Đức Giêsu muốn nói, không ngôn sứ nào được người ta tôn trọng và đối xử đúng đắn tại quê hương ông. Người ta không tôn trọng Ngôn sứ đúng như nó phải có, mà thay vào đó là sự lợi dụng, biến ngôn sứ thành người phục vụ cho lợi ích của họ, với lý do rất hợp tình hợp lý, vì đây là quê hương. Ông bà ta có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, đã diễn tả rất đúng tâm lý này. Như vậy không những ở thời Đức Giêsu mà còn qua tất cả mọi thời đại, người ta luôn nhào nặn, bóp méo con cưng của họ, nhiều người phải bỏ xứ ra đi.

Nhưng độc giả có thể thấy trong câu này, Đức Giêsu dùng THỂ THỤ ĐỘNG, “được nhìn nhận”, nó không phù hợp với toàn bản văn. Câu đúng sẽ là câu ở THỂ XÁC ĐỊNH: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào chấp nhận quê hương mình.” Vì nó sẽ giải thích được 02 dẫn chứng Đức Giêsu đưa ra ở phần kế tiếp. Đó là trường hợp của Elia và Elisa.

Khi dùng thể thụ động, vị ngôn sứ chỉ là ngôn sứ khi được người ta nhìn nhận, có nghĩa phải phục vụ cho lợi ích của người đồng hương, phục vụ cho đến khi trở thành cái máy. Nhưng khi dùng thể xác định, vị ngôn sứ luôn là ngôn sứ, vì đó là sứ mệnh cao cả Thiên Chúa đã giao cho ông, chứ không do người đời định đoạt.

"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."

Đức Giêsu đưa ra 02 dẫn chứng trong Cựu Ước:

1/. Trường hợp Êlia:

Vào những năm đói kém dữ dội, Ê-li-a chẳng cứu giúp bà góa nào ở Do Thái, quê hương ông, mà lại giúp cho một bà góa ở Si-đôn. Mà Si-đôn lại là một vùng thuộc dân ngoại thờ ngẫu tượng, tính tình hung dữ, là địa danh mà Cựu Ước coi là xấu xa (Is 23,2), được Đức Giêsu nói đến cùng với vùng Ty-rô như những vùng tội lỗi (Mt 11, 21-22).

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao Elia lại phải bỏ quê hương mà không cứu giúp họ? Ta hãy lần mở sách Các Vua quyển thứ nhất để biết lý do này. Thời đó vua Do Thái là A-kháp bị hoàng hậu I-de-ven mê hoặc, vua đã bỏ Thiên Chúa để tôn thờ thần Ba-an, đồng thời giết hại các ngôn sứ của Thiên Chúa trên khắp đất nước, chỉ còn sót lại Êlia.

Trong cuộc thách thức quyết liệt trên núi Các-men, trước mặt toàn dân và sự chứng kiến của nhà vua. Cuộc thách thức xảy ra giữa 02 bên: Một bên là Êlia, còn bên kia là 450 ngôn sứ của thần Ba-an. Hy lễ của Êlia đã được Thiên Chúa chấp nhận, cho lửa từ trời xuống thiêu đốt, còn hy lễ của 450 ngôn sứ kia vẫn án binh bất động. Thế là mọi sự đã sáng tỏ, toàn dân đã nhận ra Thiên Chúa của Elia là Thiên Chúa đích thực. Ông Elia đã ra lệnh cho dân chúng bắt hết các ngôn sứ của Ba-an, không để tên nào trốn thoát, sau đó đem giết tại suối Ki-sôn.

Vua A-kháp về thuật lại cho hoàng hậu I-de-ven nghe tất cả sự việc. Bà sai sứ giả đến báo cho Elia biết, từ giờ đến sáng mai, phải giết bằng được Elia. Nghe vậy ông đã phải bỏ nước Do Thái để ra đi. (1Vua, chương 19).

2/. Trường hợp Elisa:

Vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi, cũng là một dân thờ ngẫu tượng. Ông cũng bị ngược đãi tại quê hương ông. Trường hợp này tương tự ta không cần dẫn chứng.

Nhưng độc giả sẽ thấy có cái gì lấn cấn ở đây, vì ai cũng có quê hương, đó là nơi người ta thường nói: “Quê hương là nơi người ta có thể ra đi, nhưng hồn vẫn phải ở lại”, có nghĩa đó là nơi mà ta sẽ nhớ suốt đời cho dù có bôn ba khắp bốn phương trời. Như vậy làm vẻ vang quê hương mình, đó phải là nghĩa vụ, là bổn phận. Độc giả có thể thắc mắc: Tại sao Đức Giêsu không làm phép lạ tại Nadaret như những nơi khác. Vì sao?

Nếu chỉ dựa vào Tin mừng Luca, ta sẽ không biết gì nhiều. Bài Tin mừng hôm nay được 03 Thánh sử Nhất Lãm thuật lại: Matthêu (Mt 13, 53-58); Marcô (Mc 6, 1-6); Luca (Lc 4, 24-30).

Matthêu viết: “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.” (Mt 13, 58). Vậy là quá rõ, lý do Đức Giêsu không làm phép lạ tại Nadaret, không phải vì Ngài mà là vì họ. Ngài vẫn có một tấm lòng đối với quê hương, vì yêu quê hương nên Ngài không quản ngại đường sá xa xôi để về đây ban cho họ lời Hằng sống. Nhưng người đồng hương không quan tâm gì đến chuyện này, họ chỉ chúi mũi vào phép lạ.

Nếu độc giả theo dõi toàn bộ Tin mừng sẽ thấy, mỗi khi Đức Giêsu làm phép lạ, bao giờ Ngài cũng đòi hỏi người bệnh phải có lòng tin, vì Phép lạ là ân sủng, là Tình yêu Thiên Chúa đổ xuống trên người nào đó, nhưng vấn đề đặt ra, người ấy có biết mở lòng mình đón nhận hay không, mở lòng mình ra, một kiểu nói ám chỉ về niềm tin. Nếu họ không đón nhận thì Tình Yêu của Thiên Chúa sẽ không vào được, có nghĩa phép lạ sẽ không xảy ra.

Matthêu đưa ra câu trả lời thật chính xác, “Ngài không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.” Cuộc đời của ta cũng vậy, nếu muốn đón nhận hồng ân Thiên Chúa xuống trên ta, ta cũng phải biết mở cửa ra đón nhận.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, có nhiều lúc ngẫm nghĩ lại cuộc đời, ta phải giật mình, vì cuộc ta được đan xen biết bao hồng ân, nó đến khi nào ta cũng không biết, đâu phải cứ cầu xin ta mới có, mà nhiều trường hợp ta không ý thức về nó. Phải đi qua chặng đường, dừng lại để hồi tường ta mới thấy được. Như vậy, ta có thể nói rằng đời ta được bao bọc trong Tình yêu Thiên Chúa. Ta phải nhận ra điều này, đời ta mới phấn khởi, mới có đủ dũng khí để đứng lên bắt đầu lại. Ta không cho phép mình cứ ngồi đó than thân trách phận, tại sao? ..... tại sao? ..... và tại sao? Đừng hỏi những câu hỏi thừa thãi như vậy, vì đời ta luôn có Chúa song hành, song hành với ta cho đến cuối đường đời. Vấn đề ta có để Ngài hướng dẫn ta đi đúng hướng không? Hay cưỡng lại chỉ biết sống theo ý mình muốn.

Ta đã trải qua 03 tuần lễ Mùa Chay, có nghĩa đã đi được 1/2 chặng đường. Thử hỏi ta đang ở vị trí nào? Có quay về với Chúa chưa? Ta đã để Ngài hướng dẫn đời ta chưa, hay vẫn ngụp lặn trong các thói mê tật xấu. Ta đừng để mình như người Nadarét, tự nhận mình là đồng hương với Đức Giêsu, tự nhận mình là Kitô hữu mà sống không có chút niềm tin. Đừng để Mùa Chay năm 2014 này qua đi như bao Mùa Chay khác đã qua đi trong đời ta.

“Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.”

Tình cảm của con người chóng qua, nó thay đổi mau hơn ta tưởng. Chỉ cách đó ít phút thôi, Luca viết: “Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, bây giờ vì không được đáp ứng phép lạ, Luca viết: “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ”. Mọi người, có nghĩa không trừ người nào, tất cả đều phẫn nộ.

Ta sẽ gặp lại hình ảnh này vào Lễ Lá. Khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, mọi người sung sướng, hò reo tung hô vạn tuế, thì cũng những người này vào thứ Sáu Tuần Thánh lại hô to: “Đóng đinh Nó vào Thập giá”. Tình cảm con người là như vậy. Hôm nay người này đang nói với ta những lời âu yếm thân mật, thì chỉ ngày mai thôi hay sớm hơn nữa, cũng người này lại đem đến cho ta sự đau khổ, chán chường và suy sụp. Vì thế, các nhà đạo đức, các sách khôn ngoan luôn khuyên ta, đừng đặt đời ta vào những tình cảm nhất thời của người đời kẻo bị thất vọng.

Ta phải đặt đời ta vào Đấng không biết đến sự thay đổi, nó sẽ đem lại cho ta niềm tin và ta sẽ không bao giờ thất vọng, ngay cả khi ta đối diện với sóng gió, thất bại. Đấng không biết đến sự thay đổi là Đấng nào? Xin thưa; Đó là Thiên Chúa.

Bây giờ ta tự xét xem, tại sao ta đau khổ, tai sao ta buồn chán và suy sụp? Xin thưa: Vì ta đã đặt cuộc đời sai chỗ. Ta quá chú trọng vào tình cảm của người đời, để khi họ thay đổi, ta bị rơi vào sự trống rỗng kinh khủng, phải đi tìm cái gì đó bù đắp lại, thế là ta lại rơi vào sự sai lầm khác.

“Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” Phẫn nộ đến mức muốn giết chết Đấng đã làm ơn cho họ như vậy sao? Thật kinh khủng. Khi cái ác của con người lên tới đỉnh điểm, thì họ phải đi đến cùng, phải kéo Đức Giêsu lên tới đỉnh núi, chứ không ở vị trí lưng chừng, để xô Ngài xuống.

Người Nadarét kéo Đức Giêsu lên đỉnh núi, họ đang làm lại hành động của tên cám dỗ trong cơn cám dỗ thứ ba. Matthêu viết: “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." (Mt 4, 8-9). Người Nadarét muốn xô Đức Giêsu xuống để Ngài tan xương nát thịt, còn tên quỷ thì muốn Ngài sụp lạy nó. Cả hai hành động này đều muốn giết chết Đức Giêsu.

“Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” Vì Giờ Ngài chưa đến. Cái Giờ chưa đến đó nó sắp đến, vì chỉ còn ít ngày nữa thôi, ta sẽ tưởng niệm Cuộc Thương khó của Đức Giêsu, ta sẽ chứng kiến cái chết của Ngài trên thập giá, đó là lúc Giờ Ngài đã đến.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2598
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  674
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12337550

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn