Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần I mùa chay năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần I Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai sau Chúa nhật I Mùa Chay
(10/03/2014) - (Mt 25, 31-46)

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ :"Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."

Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?" Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." 

Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."
_______________________________

VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI TIN MỪNG:

Độc giả đã có dịp đọc Bài Tin mừng này nhiều lần, nó đã in đậm trong tâm trí mình vì sự dễ hiểu của nó. Nhưng ta không biết phải xếp nó thuộc loại nào? Chắc chắn nó không phải là một bản văn Khải huyền giống như trong Sách Khải huyền của Gioan, vì ở đây không có thị kiến. Nó cũng không là bài giáo huấn về phán xét, vì Đức Giêsu không ngỏ lời với dân chúng mà chỉ nói riêng với các môn đệ, vả lại Ngày Cánh chung vẫn luôn là bí mật. Nó cũng không là dụ ngôn vì ở đây không một chút nào ẩn dụ,.... nó không là gì hết, nhưng ta luôn nhớ đến nó, chỉ vì Bài Tin mừng hôm nay là:

MỘT BỨC TRANH VỀ CUỘC PHÁN XÉT CHUNG

Vì là một Bức Tranh, nên ai nhìn vào cũng ghi nhớ và hiểu rất rõ ý nghĩa của nó. Một bức tranh thật sống động, đủ cho con người qua mọi thời đại ghi nhớ: Một vị Thiên Chúa hóa mình thành kẻ nghèo hèn, người tù tội, người khách lỡ đường, người cơ nhỡ, người bị xã hộ bỏ rơi....

Nhưng có điều không ai nhận ra Ngài, kể cả người lành đến kẻ dữ, không ai hay biết, cho dù có cố tìm cũng không thể, để đến giờ phút chót, khi mọi cơ hội đã chấm dứt, khi mà không ai có thể làm gì cho mình được nữa, Vị Thiên Chúa đó mới bật mí: Ngài là ai? Là kẻ bất hạnh đó. Ai cũng bất ngờ và sửng sốt. Cho dù ai cũng được nghe đi nghe lại Bài Tin mừng này nhiều lần, mỗi lần nghe lại vẫn buột miệng kêu: “Thật không ngờ”

Người ta cứ tưởng Thiên Chúa phải ở trong Nhà thờ để mọi người tôn thờ, trong những cuộc rước sách linh đình để mọi người tôn kính,... vâng điều đó không có gì sai, nhưng Ngày phán xét, Đức Giêsu mới bật mí Vị Thiên Chúa đó đang ngồi ăn xin kia, đang xin ta một chén nước lã. Ngài là lữ khách lỡ đường gõ cửa nhà ta để xin trọ qua đêm, đang trần truồng không miếng vải che thân co rúm trong một góc khuất,.... Thật quá bất ngờ, không ai có thể học được chữ ngờ. Từ đây không còn cơ hội nào học được chữ ngờ này nữa. 

Bài Tin mừng hôm nay là một cái tát nảy lửa, cho những kẻ từng vỗ ngực mình hiểu rõ lời Chúa, từng tự hào mình đã nắm được chân lý và nắm chắc phần rỗi đời đời. Nó cũng là một cú giáng mạnh vào những kẻ chỉ biết tìm thú vui ở đời này, vung tay quá trán trong những bữa tiệc linh đình, trong những cuộc nhậu nhẹt liên miên,.... Vâng Bài Tin mừng hôm nay sẽ là cú sốc mạnh cho tất cả mọi người, mọi giới qua mọi thời đại.
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.”

Bắt đầu Bài Tin mừng Đức Giêsu nói đến thời điểm Cánh chung, qua cụm từ “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người”, Ngài đang mô tả quang cảnh uy nghi, tráng lệ, hùng vĩ, tràn ngập vinh quang Chúa. Matthêu nói đến “ngai vinh hiển” của Con Thiên Chúa, đó là chỗ dành cho Ngài muôn đời muôn thưở, khi hoàn tất Chương trình Cứu độ, Ngài trở lại để chủ trì cuộc phán xét.

“Các dân thiên hạ”, ám chỉ hết mọi người, ta có thể hiểu theo công thức “Do Thái + Dân Ngoại”. Vâng một cuộc tập hợp vĩ đại mà không có cuộc lễ nào ở trần gian có thể so sánh được. Cả người lành đến kẻ dữ từ khai thiên lập địa cho đến tận thế đều trình diện trước Con Người. Không ai có thể trốn tránh cuộc phán xét này. Thật kinh khủng!

Trong Cựu ước cũng nói đến cuộc tập họp này, nói đến cuộc quy tụ mọi dân nước để chịu cuộc phán xét. Tiên tri Gierêmia viết: “Tận cùng cõi đất còn vang tiếng ồn ào, vì ĐỨC CHÚA đứng ra tố cáo muôn dân, chính Người ngự toà xét xử mọi xác phàm, phường gian ác, Người để mặc cho gươm chém. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.” (Gr 25, 31),.... và còn nhiều chỗ khác nữa.

“Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.” Bây giờ bắt đầu vào giai đoạn phán xét. Ta hãy chú ý những chi tiết sau đây:

+ Tách biệt mọi người ra làm hai. Matthêu nói “như mục tử tách biệt chiên với dê”. Matthêu dùng cụm từ “mục tử” để nói đến sự tách biệt vô cùng chính xác, không thể có sự nhầm lẫn. Gioan viết: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 14-15). Vâng Đức Giêsu chính là Vị Mục tử nhân lành, Ngài biết rất rõ chiên mình, đó là sự biết của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự.

+ Chiên, ám chỉ người lành, đứng ở bên phải Con Người, vì bên phải là bên danh dự, dành cho người xứng đáng. Còn Dê, ám chỉ kẻ dữ, đứng ở bên trái.

Như vậy cuộc phán xét này có tính tập thể nhưng có phân định rõ ràng lành – dữ không thể lẫn lộn.

Có lẽ độc giả sẽ ngạc nhiên về sự phân định quá chớp nhoáng này, nó mau quá, nhanh quá, không thể tưởng tượng được. Một cuộc triệu tập quá vĩ đại, mà tách biệt chỉ bằng một vài động tác. Vâng, đó là cách diễn tả của Kinh thánh, đối với Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài biết rõ từng người, Ngài biết ta hơn ta biết ta. Như vậy cuộc đời mỗi người đã trải ra trước mắt Ngài. Sự phân định chớp nhoáng và vô cùng chính xác như vậy không có gì khó hiểu.

Độc giả cũng thấy kinh sợ, vì đây là cuộc tách biệt quyết liệt và dứt khoát, một là hưởng hạnh phúc đời đời và hai là bị trầm luân vĩnh viễn. Matthêu nói rõ, Con Người chỉ tách làm hai, chứ không tách làm ba, làm bốn,.... không có cửa cho người không tốt cũng không xấu, có nghĩa không có chỗ cho người lưng chừng. Vậy điều này có nghĩa gì? Quá khắc nghiệt không? Marcô viết: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40) Đức Giêsu khẳng định với Gioan và các môn đệ, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chứng ta, có nghĩa chỉ có những ai chống lại quyết liệt và dứt khoát mới được kể là người dữ.

Như vậy, không cần cửa thứ ba nữa, chỉ cần hai bên là đủ rồi, vì đối với Thiên Chúa, thì hoặc là yêu hay không yêu. Chỉ khi nào ta từ chối quyết liệt, cự tuyệt dứt khoát mới được kể là kẻ dữ.

Độc giả cứ nghĩ rằng cuộc phán xét này thật đáng sợ, nhưng không phải, mặc dù nó tách biệt, minh bạch, rõ ràng, nhưng đàng khác lại nói đến lòng nhân từ của Thiên Chúa thật sâu thẳm. Ngài không muốn cho bất cứ ai phải hư đi. Thiên Chúa Công bằng vô cùng và Nhân từ vô cùng là ở chỗ đó. Do đó tách làm hai, mới thể hiện sự công bằng và nhân từ của Thiên Chúa.

Giai đoạn tách biệt LÀNH – DỮ đã xong, bây giờ bắt đầu cuộc phán xét. Phần còn lại của Bài Tin mừng có 02 mục, nhưng bố cục giống nhau, giống nhau hầu hết mọi chi tiết, do đó ta chỉ cần phân tích một mục là đủ.

PHÁN XÉT NGƯỜI LÀNH

“Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.”

Ngay câu đầu tiên đã có chuyện để nói. Tại sao từ đầu Bài Tin mừng Matthêu luôn dùng cụm từ “Con Người” để nói về Con Thiên Chúa, mà ở đây ông lại dùng cụm từ “Đức Vua”?

Danh hiệu Đức Vua của Đức Giêsu đã được nói đến trong Cựu Ước. Sách Đanien viết: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.” (Đn 7, 13-14). Như vậy trong một thị kiến, Đanien đã chứng kiến Chúa Cha đã trao cho Chúa Con vương quyền, Ngài sẽ thống trị và xét xử mọi dân tộc và vương quyền đó vĩnh viễn.

Và Danh xưng Đức Vua đã được Đức Giêsu xác nhận, Marcô viết: “Ông Phi-la-tô hỏi Người: "Ông là vua dân Do-thái sao? " Người trả lời: "Đúng như ngài nói đó." (Mc 15, 2)

Như vậy, bây giờ là lúc xét xử, Matthêu dùng danh xưng Đức Vua để nói về Con Thiên Chúa, như để khẳng định Ngài có toàn quyền và quyền đó là tối thượng. Ngài hành động với tư cách là vị Vua, nhưng nhân Danh Chúa Cha. Matthêu viết: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.”

Vâng những người ở bên phải (chiên) là những người đã được Chúa Cha chúc phúc, có nghĩa đã được Cha chuẩn nhận, Ngài mời gọi họ đến thừa hường Vương quốc đã dọn sẵn cho họ từ khai thiên lập địa. Trong Vương quốc đó Ngài là Vua và những kẻ lành đây là thần dân Ngài.

Vương quốc đó chỉ đến ngày Cánh chung mới được bật mí, bây giờ Philatô mới hiểu Vương quốc đó ở đâu. Ta còn nhớ trong cuộc Thương khó, Gioan viết: “Đức Giêsu đã trả lời cho Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." (Ga 18, 36) Bây giờ Philatô đã hiểu, vì ông cũng hiện diện ở đây.

“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."

Độc giả sẽ thật bất ngờ trước cuộc phán xét này:

1/. TIÊU CHUẨN XÉT XỬ:

Đức Vua sẽ không căn cứ vào bằng cấp đã đạt được, vào các công trình đã làm, vào sự nổi tiếng, về danh thơm tiếng tốt,... nhưng căn cứ vào những chuyện rất nhỏ nhặt, rất tầm thường, nhưng đầy dũng cảm. Dũng cảm ở chỗ biết vượt qua cái vỏ ích kỷ để đến với anh em, giúp đỡ anh em mình cách cụ thể thiết thực. Ở đây Ngài đã nêu ra một danh sách liệt kê các việc cụ thể:

“Đói được cho ăn – Khát được cho uống - Khách lạ được tiếp rước - Trần truồng được cho mặc - Đau yếu được thăm viếng - Ngồi tù được hỏi han."..... Toàn những việc không tên tuổi, nói chung đó là TIÊU CHUẨN BÁC ÁI.

2/. TÍNH BẤT NGỜ:

Điều bất ngờ trong cuộc xét xử này, đó là làm các việc đó cho chính Chúa, nhưng Chúa lại không hiện ra rõ ràng, Ngài hiện diện bên trong những con người nghèo khổ và bất hạnh, hiện diện sâu thẳm đến độ không ai nhận ra Ngài. Đó mới là điều bất ngờ cho cả kẻ lành lẫn kẻ dữ và cho chúng ta hôm nay.

Tính bất ngờ này tạo ra niềm vui tột cùng và cũng tạo ra nỗi buồn tuyệt vọng. Thế là xong, ai được thưởng và ai bị phạt đã rõ. Cuộc phán xét bất hồi tố, có nghĩa số phận được định đoạt dứt khoát, không thể khiếu nại, hay xét xử lại.

Đây là sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa, nếu Ngài hiện ra rõ ràng và công khai, thì Ngài không còn là Thiên Chúa, mà Ngài đã tạo một áp lực rất lớn cho con người. Như vậy, hiểu theo cách nào đó, Ngài đã tước đoạt tự do của họ, và ép họ phải làm việc lành. Thử hỏi rằng, nếu Thiên Chúa hiện ra cách công khai, thì ai dám làm ngược lại điều Ngài đòi hỏi, vậy có phải là áp lực không?

Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do mỗi người, Ngài luôn để họ hành động hoàn toàn tự do theo suy nghĩ của mình, họ cứ theo lòng nhân từ và yêu thương mà xử sự với anh em mình bằng tấm lòng chân thành vô vị lợi, cho dù Thiên Chúa không hiện diện trong con người bất hạnh đó, họ vẫn cứ làm theo lòng yêu thương của mình. Đó là bài học mà Đức Giêsu muốn dạy chúng ta hôm nay.

Trong thế giới hôm nay, có biết bao con người quảng đại, cống hiến đời cho người nghèo, người bất hạnh. Họ đang sống theo lý tưởng Đức Giêsu đặt ra. Nhưng cũng không ít người làm những việc đó vì động lực khác, nói thẳng ra là vì mình. Và cũng không ít người dửng dưng trước những nỗi khổ của người anh em,.... Tất cả sẽ được sáng tỏ trong ngày Cánh Chung, lúc đó mọi mặt nạ sẽ bị rớt xuống, mọi vỏ bọc sẽ bị xé ra, để hiện ra đúng bản chất của mỗi người. Mọi sự sẽ sáng tỏ.

PHÁN XÉT NGƯỜI DỮ

“Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?" Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”

Trường hợp cho người dữ sẽ là sự tương phản, do đó ta không cần phân tích, chỉ cần hiểu ngược lại là đủ.

Câu cuối cùng của Bài Tin mừng.

“Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."

Vâng cuộc phán xét đã xong, ai thưởng ai phạt đã rõ ràng, thực ra nó được biết trước, khi Con Người tách biệt Chiên với Dê.

Hôm nay Giáo hội cho đọc lại Bài Tin mừng vào những ngày đầu Mùa Chay 2014, như là lời kêu gọi mọi người: Hãy trở về với Chúa, với anh em và với chính mình. Cụ thể, để ta thay đổi lại cái nhìn, thay đổi quan niệm sống. Ta đừng nghĩ rằng mình phải làm những điều to tát, đừng nghĩ mình phải đi đây đi đó để rao giảng Tin mừng, nếu có điều kiện cũng nên làm, nhưng Giáo hội muốn ta hãy chú ý đến người bên cạnh, đến người bất hạnh mà mình có dịp gặp gỡ, mà mở tấm lòng quảng đại giúp đỡ họ. Không những người nghèo, bất hạnh về thể xác, mà còn là những người đang cần ta một lời an ủi, một sự chia sẻ, ta đừng tiếc với họ. Bác ái và yêu thương, nó phải cụ thể, thiết thực, chứ không thể chung chung, vì chung chung cũng đồng nghĩa không có gì hết.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2052
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  2643
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12339519

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn