Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần VII thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần VII thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy tuần VII Thường niên năm chẵn
(01/03/2014) - (Mc 10, 13-16)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.

Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng”

Từ đầu tiên ta chú ý đến, đó là “dẫn”. Tại sao lại phải dẫn? Vì đây là các em nhỏ, chúng hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn, phụ thuộc vào cha mẹ chúng. Đó là điều bình thường, không có gì đáng nói, nhưng trong chính sự bình thường, nó lại trở thành bài học cho các môn đệ trong Bài Tin mừng hôm nay.

Bài Tin mừng hôm qua, Marcô nói: “Đức Giêsu tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người “ (Mc 10, 1). Sự kiện Ngài trở về miền Giuđa đã tạo ra cơn chấn động, thu hút sự chú ý của mọi người, người ta sẵn sàng bỏ công bỏ việc để đem con em mình đến với Đức Giêsu. Marcô nói, “để Người đặt tay trên chúng”, có nghĩa họ tin việc Đức Giêsu đặt tay trên con mình, chúng sẽ được phước lành của Thiên Chúa. Có lẽ ai cũng mong cho con mình được Đức Giêsu đặt tay như vậy.

Trong tất cả các tôn giáo, cử chỉ đặt tay, nhất là tay phải, là thành phần của các nghi thức có ý nghĩa nhất. Cử chỉ này chuyển ban phép lành của Thiên Chúa (St 48, 14-19) và cách này hay cách khác, diễn tả việc Thiên Chúa giải phóng một vật và thông ban Thánh Thần của Người (Tv 138, 5). Trong các bí tích, đặt tay tiếp nối cử chỉ của Ðức Chúa và các Tông Ðồ.

Như vậy việc Đức Giêsu đặt tay trên các em nhỏ trong Bài Tin mừng hôm nay, có ý nghĩa ban phép lành của Thiên Chúa. Ngày nay trong Giáo hội, có Lễ Nến kỷ niệm việc Đức Mẹ và Thánh Giuse dâng Hài nhi Giêsu trong Đền thờ, các bậc phụ huynh cũng đưa con em mình đến Nhà thờ để được Thiên Chúa chúc phúc.

“Nhưng các môn đệ la rầy chúng.”

Marcô cho thấy các môn đệ không bằng lòng về việc này, ông dùng cụm từ “la rầy” có nghĩa muốn đuổi chúng đi chỗ khác. Tại sao các ông lại có phản ứng mạnh như vậy? Có lẽ dưới con mắt của các ông, các em nhỏ là những người không quan trọng, làm mất giờ, ồn ào và quấy rầy.

Các ông đã quên đi mất một sự kiện quan trọng. Cũng mới đây, Đức Giêsu đã cho các ông một bài học, khi các ông đang tranh cãi: “Ai là người lớn hơn cả”, nói khác đi ai là người lớn nhất. Ngài đặt một em nhỏ ở giữa các ông rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy." (Mc 9, 36).

Các môn đệ cũng đã trải qua giai đoạn tuổi thơ, các ông lúc ấy cũng đơn sơ hồn nhiên như các em bé hôm nay. Nhưng khi lớn dần theo năm tháng, sự đơn sơ, hồn nhiên cũng dần biến mất để nhường chỗ cho sự suy nghĩ, tính toán hơn thua, cho những mối lợi lớn hơn và những vấn đề lớn hơn. Các ông mặc dù đi theo Đức Giêsu, nhưng các ông vẫn mang trong người đầy dục vọng, đầy ham muốn, ta phải hơn người khác. Hình ảnh em bé trong con người của các ông không còn nữa, nên các ông không thể hiểu các em đây nghĩ gì và muốn gì, nên các ông mới la rầy chúng.

“Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”

Marcô nói “Đức Giêsu bực mình”, có nghĩa Ngài đã tỏ thái độ không bằng lòng với các môn đệ, không những không bằng lòng mà Ngài còn giận dữ. Như vậy, cái nhìn của các môn đệ và của Đức Giêsu hoàn toàn đối nghịch nhau và Ngài thường dùng trẻ em để dạy các ông bài học.

"Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”, đây phải hiểu là một mệnh lệnh. “Đừng”, có nghĩa các ông không được quyền làm như vậy. Không ai có quyền ngăn cấm người khác đến với Chúa, cho dù ngăn cấm một em nhỏ. Trái lại ta còn phải khuyến khích họ nữa. Ở đây Marcô không dùng từ “ngăn cản” mà dùng “ngăn cấm”, nghĩa của nó còn mạnh hơn nữa.

Nhiều khi người lớn đã vô tình ngăn cấm trẻ em đến với Chúa vì không chú ý đến sự hồn nhiên, ngây thơ của chúng. Ta không nên hiểu đơn giản “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” như ngăn cấm chúng đến Nhà thờ, việc này ít phổ biến vì khó tìm ra cha mẹ nào ngày nay có hành động như vậy. Cho dù họ là người khô khan nguội lạnh, họ vẫn mong con mình siêng năng đến Nhà thờ với suy nghĩ rất thiển cận, “thôi mình đã lười, không có giờ đến Nhà thờ thì để con mình làm thế vậy”. Nhưng ta nên hiểu nó với ý nghĩa sâu xa hơn.

Trong Bài Tin mừng cách nay 02 ngày, Marcô viết: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9, 42) Chính những lối sống buông thả của người lớn, ăn chơi trác táng: rượu chè, cờ bạc, hút sách, đề đóm, gian dối, trai gái,... đã gieo vào đầu óc non nớt của trẻ thơ những ý nghĩ sai lệch, tạo cho chúng những chuẩn mực sai lầm. Rồi sau này chúng lớn lên cũng đi vào vết xe đó, rồi cũng xa Chúa, xa Nhà thờ. Như vậy những bậc cha mẹ này đã “ngăn cấm” con em mình cách âm thầm nhưng lại hiệu quả nhất.

Nó hiệu quả ở chỗ, nếu ngăn cấm rõ ràng và trực tiếp, có thể nó chỉ tác dụng lúc đó, và ngắn hạn, nhưng “ngăn cấm” bằng những gương mù dịp tội, nó sẽ làm cho con em mình không đến với Chúa, ngay cả khi không có sự cấm cách công khai, và nó có tác dụng trong thời gian rất dài sau này.

Matthêu viết: “Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7, 17), đó là một chân lý. Những bậc cha mẹ phải ý thức rõ, con cái mình nó như hoa quả của mình, nó chỉ có thể phát triển thành con người trưởng thành, con người đạo đức, khi chính mình phải sống gương mẫu trước đã.

Marcô còn cho biết, tại sao các môn đệ không được ngăn cấm trẻ em đến với Đức Giêsu, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Cụm từ “giống như chúng” phải được hiểu chính xác.

“Giống như chúng” không phải “là chúng”, có nghĩa Nước Thiên Chúa là của tất cả mọi người, chứ không riêng gì các em nhỏ. Nhưng nó chỉ dành cho những ai “giống như chúng”, có nghĩa giống cái tinh thần sống. Vậy “giống như chúng” là thế nào? Muốn biết điều này, ta hãy xét các đặc tính nổi bật nơi các em nhỏ.

CÁC ĐẶC TÍNH NỔI BẬT NƠI TRẺ THƠ

(1) THÀNH THẬT: Trẻ thơ thấy sao nói vậy, chúng không dấu và không sợ ai buồn lòng.

(2) KHIÊM NHƯỜNG: Trẻ thơ biết chúng không biết nên rất ham học hỏi tìm tòi. Chúng rất hay hỏi mà không sợ người khác cười nhạo vì những câu hỏi ngớ ngẩn. Chúng xấu hổ khi người khác khen ngợi. Chúng rất dễ hòa đồng với người khác và làm bạn mau chóng, chỉ cần thả chúng xuống nhà ai khoảng thời gian ngắn là chúng có thể chơi chung với nhau rồi. Người lớn thường đối xử với nhau khác, họ cần phải biết gia thế người khác và phải mất thời gian khá lâu để trở thành bạn.

(3) VÂNG LỜI: Trẻ em rất dễ vâng lời. Cha mẹ, anh chị, các thầy cô, và người lớn nói sao, chúng làm như vậy. Chúng không tranh luận cãi lại, cũng chẳng tìm hiểu lý do tại sao phải làm như vậy.

(4) TIN TƯỞNG: Trẻ thơ rất tin tưởng nơi cha mẹ, nhưng không dễ tin người ngoài.

(5) YÊU MẾN: Trẻ thơ không biết hận thù, chúng yêu mến cha mẹ và những người làm ơn cho chúng. Nếu chúng giận dỗi, chúng sẽ làm hòa mau chóng vì chúng rất dễ quên.
.......

Như vậy, Đức Giêsu nói: “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” rất chính xác. Vì Thiên Chúa muốn điều gì nơi ta? Ngài muốn ta phải tin tưởng, yêu mến và phó thác cho Ngài trong mọi biến cố xảy đến với mình. Ngài muốn ta như em bé ngủ yên trong cánh tay, để Ngài dẫn ta đi trong suốt cuộc đời này. Sở dĩ cuộc đời ta bị hư hỏng vì ta cứ cố vùng vẫy thoát ra ngoài cánh tay đó.

“Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."

Đức Giêsu khẳng định cho các môn đệ lần nữa, nếu các ông không có “tâm hồn một trẻ em”, các ông cũng không thể vào Nước Thiên Chúa, cho dù các ông mang danh là môn đệ của Ngài đi nữa. Các môn đệ đã nhận rất nhiều bài học của Đức Giêsu từ trẻ thơ, vì các ông đã đánh mất tất cả các đặc tính của trẻ thơ, các ông mang trong người rất nhiều tham vọng, sự ganh tị, sự nóng nảy và cố chấp. Như vậy nó cho ta thấy, biến đổi một con người trở nên tốt không phải là điều dễ dàng. Nếu độc giả theo dõi toàn bộ sách Tin mừng, có thể nói rằng Đức Giêsu đã thất bại, thất bại trong việc chuyển hóa các môn đệ. Nhưng sự thất bại đó lại chứa sẵn yếu tố thành công, để sau này khi Chúa Thánh Thần hiện xuống sẽ biến đổi các ông thành con người mới. Ở đời không có việc gì lại không thể, Thiên Chúa luôn hành động trong thế giới con người, cho dù nhìn bề ngoài có vẻ Ngài đang ngủ.

Đức Giêsu cũng cảnh giác mỗi người chúng ta, cuộc sống ngày hôm nay có quá nhiều thách thức, nhiều sự tranh giành, kèn cựa nhau để sống. Xã hội xuống dốc về mọi mặt, giá trị đạo đức đang bị đe dọa nghiêm trọng và nhất là bệnh VÔ CẢM đã hết thuốc chữa. Trong đầu óc chỉ có mỗi chữ “tiền”, tiền, tiền và tiền. Phải kiếm tiền bằng bất cứ giá nào, không cần xét hậu quả nó ra sao và tác hại đến người khác thế nào! “Tinh thần một trẻ thơ”, nó là cái gì đó xa lạ, xa lạ ngay cả đối với em bé, chúng đang bị cuốn hút, bị lôi cuốn vào những gì người lớn làm ra. Ngày xưa, ta còn thấy các em nhỏ chơi đánh bi đánh đáo, chơi khăng, nhảy dây,... những trò chơi di dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Còn ngày nay chúng bị cuốn hút vào các games bạo lực, những phim ảnh đồi trụy,... làm cho tinh thần trẻ thơ bị đánh mất. Ngay cả môi trường facebook, đó là mạng xã hội, người ta dùng nó để giao lưu, chia sẻ,... nhưng thử hỏi cái mặt tốt được bao nhiêu bên cạnh cái mặt xấu. Nhan nhản sự lừa dối, lừa lọc, thủ đoạn và ăn cắp,... Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong chuyện này? Không có ai hết, không có ai chịu trách nhiệm hết. Vậy là cả xã hội cùng đua nhau xuống dốc.

Thế nhưng, lời Chúa vẫn không chịu im, Chúa vẫn lên tiếng để nhắc cho con người biết: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." Và câu Marcô hay sử dụng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Cho dù không còn ai muốn nghe, Chúa vẫn lên tiếng, lên tiếng trong từng biến cố, lên tiếng trong từng sự thay đổi của xã hội. Giống như người gieo giống, ông ta gieo khắp nơi, ngay cả nơi bụi gai, sỏi đá bóp chết hạt giống ông vẫn cứ gieo.

“Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.”

Sau khi nhận lời quở trách, các môn đệ phải ê mặt xấu hổ, vì Đức Giêsu nói Nước Thiên Chúa dành cho những ai giống như chúng. Liệu mình có giống chúng không? Lúc nãy các ông la rầy chúng, bây giờ các ông phải giống như chúng. Thật không còn bài học nào đau hơn nữa, vậy thời gian vừa qua các ông theo Đức Giêsu đã học được những gì? Các ông đứng đơ người là phải.

Các trẻ em đến với Đức Giêsu, Marcô nói: “Người ôm lấy”, “đặt tay chúc lành”, đó là những cử chỉ âu yếm Đức Giêsu dành cho các em, và Ngài sẽ dành cho tất cả những ai “giống như chúng” qua mọi thời đại và nhất là cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3402
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  2967
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12339843

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn