Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy tuần VI Thường niên năm chẵn
(22/02/2014) - (Mt 16, 13-19)
LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊ-RÔ.

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG?

Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."

Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."

Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."
__________________________

NGAI TÒA THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ.

Hàng năm vào ngày 22 tháng 02 tại Roma, trong Đền thờ Thánh Phêrô, Ngai Tòa Thánh Phêrô do Berlini xây năm 1656 được thắp sáng. Ngai tòa Thánh Phêrô tại Roma là chiếc ngai khổng lồ.

Bên trong ngai đựng CHIẾC GHẾ GỖ khảm xà cừ của Thánh Phêrô, được 04 Thánh Tiến sĩ nâng trên tay, gồm:

+ Thánh Augustino.
+ Thánh Ambrosio.
+ Thánh Atannasio.
+ Thánh Chrisos-tomo (Gioan Kim Khẩu)

Bên trên ngai có một hào quang rực rỡ bằng cẩm thạch giả, chính giữa có hình chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.

Bên phải Ngai tòa Phêrô là đài kỷ niệm Đức Giáo hoàng Urbano VIII và 02 tượng, biểu trưng cho 02 nhân đức Bác ái và Công bằng.

Bên trái là Đài kỷ niệm Đức Giáo hoàng Phaolô III do G. Della Porta tạc: phía trên Đài có tượng của ĐGH, bên dưới là 02 tượng biểu trưng cho 02 nhân đức: Cẩn trọng và Công bằng.

Lễ lập Tông Tòa thánh Phêrô được kỷ niệm hằng năm vào ngày 22/2. Vào thời kỳ Phụng vụ Roma còn chịu ảnh hưởng của Giáo hội Gallica, ngày mừng của Phụng vụ Gallica là ngày 18/1, nhưng ngày 22/2 vẫn được cử hành với tước hiệu “Lễ lập Tông Tòa Phêrô tại Antiokia”. Đức Giáo hoàng Phaolô đệ Tứ đã truyền vào năm 1558 phải mừng cả hai lễ trọng. Bộ luật Chữ Đỏ năm 1960 chỉ giữ lại ngày 22/2 là “Ngày lập Tông tòa Phêrô tại Roma” cho Giáo hội toàn cầu.

(Sưu tầm)
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài tin mừng hôm nay được được 03 thánh sử Nhất lãm tường thuật: Matthêu (Mt 16, 13-19); Marcô (Mc 8, 27-30); Luca (Lc 9, 18-21). Bài Tin mừng theo Marcô ta đã phân tích, như vậy những gì Matthêu trùng lắp với Marcô sẽ không cần nhắc lại nữa.

“Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê”.

Vùng Xêdarê Philipphê cách Betsaida khoảng 35 km về phía bắc, thuộc hạt Iturê. Xêdarê Philipphê là trung tâm quyền bính vì Hêrôđê Philipphê cư trú ở đây, đặt tên thành phố là “Xêdarê” để tỏ lòng kính trọng Hoàng đế Rô-ma. Đây cũng là đầu nguồn của sông Gio-đan từ các sườn núi Héc-môn.

Đây là lần thứ hai Đức Giêsu ra khỏi biên giới xứ Palestina đến phía cực Bắc miền Galilêa, tới gần thành phố Xêdarê Philipphê. Lần thứ nhất Ngài đến Tia và đã chữa cho con gái bị quỷ ám của người đàn bà dân ngoại.

Đức Giêsu ra khỏi biên giới Palestina, xa người Do Thái để thuận tiện cho việc huấn luyện và đào tạo các môn đệ. Thời gian đó cũng khá dài, đủ cho các ông cảm nghiệm sâu sắc về Ngài. Và trong bài Tin mừng hôm nay, trước lời tuyên xưng của Phêrô, ta có thể thấy được kết quả đó.

“Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."

Đức Giêsu hỏi các môn đệ xem dân chúng nghĩ gì về Ngài. Matthêu viết: “Người ta nói Con Người là ai?”. Câu trả lời của các ông cũng tương tự như ở Marcô, do đó không cần phải nhắc lại. Nhưng trong phần trả lời của các môn đệ, có xuất hiện thêm một nhân vật, đó là Tiên tri GIÊRÊMIA. Như vậy có thêm một luồng dư luận cho Đức Giêsu là Giêrimia.

Độc giả có thể thắc mắc: Giêrêmia là ai và tại sao dân chúng lại nghĩ Đức Giêsu là Giêrêmia? Xin thưa:

GIÊRÊMIA là một trong 4 tiên tri lớn thời Cựu ước, đã được Thiên Chúa cho biết: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm tiên tri cho chư dân”.

Đúng là Thiên Chúa đã chuẩn bị, Ngài chọn Giêrêmia từ xa xưa, sai ông đi “để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá”. Ông dám tuyên bố thẳng thắn với dân chúng con đường sống còn duy nhất của họ là phải canh tân đời sống, hướng về Chúa và kêu cầu Ngài cứu giúp. Nghe ông thuyết giảng như thế, đám dân liền nổi giận. Họ lẩm bẩm kêu lên: “Ông nội Giêrêmia này dám nghĩ mình là ai mà bầy đặt phê phán chúng ta, vì dầu sao chúng ta cũng là đồng bào của ông ấy”.

Tiếc thay, sứ vụ của ông đã thất bại, ông chết tại Ai cập, nhưng dung mạo của ông không ngừng lớn lên sau khi ông chết. Ông là người có tâm hồn dịu hiền, sinh ra để được yêu mến, luôn luôn nêu cao những liên lạc thân mật tâm hồn phải có đối với Thiên Chúa, ông đã quên mình, chịu đau khổ để phục vụ Thiên Chúa, nên ông trở thành một dung mạo của Chúa Kitô.

Dù cho Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả, là Êlia, là Giêrêmia hay là một trong các vị ngôn sứ, họ cũng đánh giá cao về Ngài. Nhưng các luồng dư luận đó vẫn không đánh giá đúng căn tính của Đức Giêsu, ngay như cho tất cả cộng lại vẫn không đúng. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thì không có gì so sánh với Ngài, vì tất cả những người mà dân chúng đưa ra, dù có cao cả đến đâu vẫn chỉ là con người.

“Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Sau khi nghe dư luận dân chúng, Đức Giêsu muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Ngài, có lẽ đây sẽ là dịp Đức Giêsu trắc nghiệm các ông.

Nghe Đức Giêsu hỏi, Phêrô đã nhanh nhẹn trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Có lẽ đọc đến đây độc giả rất bất ngờ trước câu trả lời của Phêrô, bất ngờ không phải vì câu trả lời ấy có vấn đề, nó rất chính xác, nhưng bất ngờ ở chỗ: Cùng một sự kiện, cùng một Phêrô, nhưng câu trả lời của ông lại khác nhau ở 03 Thánh sử. Cụ thể như sau:

+ Ở Matthêu: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
+ Ở Marcô: “Thầy là Đấng Ki-tô.”
+ Ở Luca: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa."

Vậy câu trả lời nào đúng của Phêrô? Ta có thể nhận thấy, câu trả lời của Phêrô giống nhau ở 02 thánh sử Luca và Marcô nên có thể gom chung thành một, chỉ riêng Matthêu thêm hẳn mệnh đề: “Con Thiên Chúa hằng sống”. Như vậy ta sẽ xét riêng câu trả lời của Matthêu:

“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Các nhà chú giải đã đưa ra nhiều ý kiến, nhưng tựu chung chúng quy về các ý sau đây:

+ Ý kiến 1: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” là câu trả lời của Phêrô, Matthêu muốn làm nổi bật Bản tính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

+ Ý kiến 2: “Thầy là Đấng Ki-tô” là câu trả lời của Phêrô, giống Marcô và Luca. Có nghĩa Matthêu đồng nhất với các thánh sử khác.

+ Ý kiến 3: Ban đầu Matthêu xác nhận “Thầy là Đấng Ki-tô” như thánh sử Marcô và Luca, nhưng sau này ông muốn nối dài ra bằng cách thêm mệnh đề “Con Thiên Chúa hằng sống”. Ông cố ý nối dài thêm lời tuyên xưng là để tránh những âm vang quân sự chính trị của danh hiệu Mêsia.

Thật sự không ai dám khẳng định ý kiến nào là đúng, coi như vấn đề bỏ ngỏ, và ta tuân thủ theo Kinh thánh, khi Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

“Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Matthêu dùng kiểu nói của người Do Thái, khi gọi tên ai thường kèm theo tên người cha, ý muốn nhấn mạnh hơn nữa với sự chú ý đặc biệt, Matthêu viết “Này anh Si-môn con ông Giô-na”, Đức Giêsu gọi tên Simon với sự nhấn mạnh.

Matthêu viết: “anh thật là người có phúc”. Đức Giêsu đã khen ông vì câu trả lời đó, nó đã nói đúng căn tính, Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Đức Giêsu khen ông là người có phúc.

Nhưng Đức Giêsu cũng cho Phêrô biết, “không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy”. Cụm từ “phàm nhân” dịch sát là “thịt và máu”. Đây là kiểu nói Do Thái để chỉ các tài nguyên của con người tự nhiên, các sức lực riêng của con người. Có nghĩa tự sức con người không thể biết được điều đó. Với lý trí, trí khôn của con người, họ có thể nhìn vào một vũ trụ vận chuyển trật tự hài hòa, mà suy luận phải có bàn tay nào đó, một Đấng nào đó vận hành chúng, nhưng Đấng đó như thế nào con người không thể xác định. Như vậy, khi dùng lý trí để khám phá Thiên Chúa, con người chỉ đứng ở ngưỡng cửa Mầu nhiệm mà không thể vào trong.

Đức Giêsu nói cho Phêrô hiểu rõ, “vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Vâng Phêrô đã trả lời đứng căn tính của Đức Giêsu, đó là do Chúa Cha mặc khải.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

Ngay lúc đó, Đức Giêsu đã ban tặng cho Simon một danh xưng mới PHÊRÔ, là ĐÁ TẢNG và xây nền móng Hội Thánh trên tảng đá này!

Đến đây độc giả có thể thắc mắc, trước đây Đức Giêsu đã đổi tên Simon thành Phêrô. Thánh sử Gioan viết: “Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô). (Ga 1, 40-42) Như vậy, ngay từ cuộc gặp đầu tiên, Đức Giêsu đã đổi tên cho ông thành Phêrô, mà bây giờ Matthêu lại đề cập đến chuyện này?

Để xác định Đức Giêsu đổi tên từ Simôn thành Phêrô từ lúc nào, ta phải xét đến truyền thống của Kinh thánh. Thiên Chúa khi đổi tên cho ai, Ngài sẽ trao cho họ một nhiệm vụ quan trọng. Rõ ràng, trong Bài Tin mừng này Đức Giêsu chính thức đặt Phêrô nhiệm vụ đứng đầu Hội Thánh và là nền tảng của Hội thánh, do đó việc đổi tên ở đây đúng đắn nhất.

Để dễ theo dõi, ta sẽ xác định Đức Giêsu giao cho Phêrô nhiệm vụ đứng đầu với 03 biểu trưng như sau:

1/. Đá tảng (nền tảng của Hội thánh)
2/. Chìa khóa Nước Trời.
3/. Quyền tháo cởi và cầm buộc.

ĐÁ TẢNG:

Sau khi chúc phúc cho Simon Phêrô, Đức Giêsu long trọng tuyên bố: Con là Phêrô, nghĩa là ĐÁ, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực hoả ngục sẽ không thắng được”.

Một điều vô cùng lạ lùng: Đức Giêsu lập Hội Thánh của Ngài trên nền tảng Phêrô, một người hèn nhát vì chỉ sau đó ít lâu, trong cuộc Khổ Nạn của Ngài, ông đã chối Thầy đến 03 lần! Mới thoạt nghe, xét theo phương diện nhân loại, thì người ta thấy hầu như tòa nhà Hội Thánh dễ dàng té nhào!... Ngài biết hết mọi sự, biết ông yếu đuối, nhưng việc Đức Giêsu tuyển chọn ông làm nền tảng cho tòa nhà Hội Thánh, càng chứng tỏ: Hội Thánh luôn được Chúa giữ gìn để đi đúng Con Đường Chúa muốn, mặc dầu người lãnh đạo có yếu đuối, bất toàn. Ta có thể nói: Sự yếu đuối bất toàn của con người càng chứng tỏ: Đức Giêsu vẫn ở bên cạnh Hội Thánh, vẫn ngự trị trong chiếc thuyền Hội Thánh, Ngài không bao giờ để cho con thuyền đó bị sóng gió, bão táp của hoả ngục nhận chìm!

Phêrô yếu đuối, Phêrô sa ngã…đó là về phương diện xác thịt, phương diện bất toàn của nhân loại, nhưng có lời hứa của Đấng tuyệt đối Chân thật, Toàn Năng, thì mãi mãi, Hội Thánh vẫn trường-tồn, con thuyền Hội Thánh không thể lung lay, Đức Tin của Hội Thánh vẫn luôn kiên vững trước mọi lạc giáo và ly giáo, do lời cam kết long trọng của Đức Giêsu, Đấng tuyệt đối tín trung…Hai mươi thế kỷ qua, lời của Đức Giêsu vẫn tuyệt đối ứng nghiệm, mặc dầu Hội Thánh, có nhiều lúc gặp phong ba, bão táp, nhiều bè rối nổi lên đánh phá, mặc dầu hàng Giáo phẩm chỉ là những con người phàm nhân, nhưng về phương diện Đức Tin và Luân Lý luôn đi đúng đường lối của Đức Giêsu, vẫn trung thành với Đức Tin Tông Truyền.

CHÌA KHÓA – QUYỀN THÁO CỞI

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."

Khi trao chìa khoá Nước Trời cho Thánh Phêrô, Đức Giêsu đã trao cho ông quyền bính tối cao để cai trị Hội Thánh mà Ngài sẽ thiết lập. Chìa Khóa là hình ảnh tượng trưng cho quyền tối thượng để MỞ nước Trời hay ĐÓNG NƯỚC TRỜI lại đối với bất kỳ ai

Thực vậy, chỉ mình Đức Giêsu, Con Thiên Chúa mặc xác phàm mới có quyền đóng hay mở cửa Thiên Đàng cho bất cứ ai. Thế nhưng, tất cả quyền năng đó, Ngài đã trao cho Thánh Phêrô, Vị Giáo Hoàng Tiên Khởi, và sau đó, truyền lại cho các vị đại diện Đức Giêsu ở trần gian, đó là các Đức Thánh Cha, để các Ngài cai trị Hội Thánh.

Với quyền ràng buộc và tháo cởi; thậm chí ông có quyền và có nhiệm vụ tuyên bố điều gì bị cấm và điều gì được phép đón vào trong cộng đoàn Hội Thánh. Trong Bài Giảng trên núi và trong các giáo huấn khác, Đức Giêsu chỉ bận tâm tỏ bày ý muốn của Thiên Chúa và trình bày cho thấy những cách sống cần thiết để được vào Nước Trời. Phêrô phải tiếp tục nhiệm vụ này. Giáo huấn của ông đòi hỏi đến mức có thể loại trừ khỏi cộng đoàn những ai không theo và có thể đưa trở lại cộng đoàn những ai hối lỗi. Đức Giêsu không bỏ mặc cộng đoàn các tín hữu, nhưng ban cho cộng đoàn này một người lãnh đạo có uy quyền lớn lao.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2816
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  5606
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12254700

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn