Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần II Mùa Chay Năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần II Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần II Mùa Chay
(22/03/2014) - (Lc 15, 1-3.11-32) - MÙA CHAY 2014
DỤ NGÔN NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, tất cả các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

"Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: 'Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

"Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: 'Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.' Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

"Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...' Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.' Và họ bắt đầu ăn mừng.

"Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: 'Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.' Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: 'Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!'

"Nhưng người cha nói với anh ta: 'Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Khi ấy, tất cả các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:” (Lc 15, 1-3)

Luca dành hẳn Chương 15 để thuật lại 03 dụ ngôn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là điểm đặc sắc của Tin mừng Luca mà không sách Tin mừng nào có.

Luca là một bác sĩ và là đệ tử của Thánh Phaolô, ngoài Tin mừng thứ ba, ông còn là tác giả của sách Tông đồ Công vụ. Chính vì là bác sĩ nên Luca có cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa, nên 03 dụ ngôn trong Chương 15, ông đã diễn đạt thật sống động, nhất là dụ ngôn Người cha nhân hậu, được xem là áng văn hay nhất của sách Tin mừng. Người ta thường nói: Nếu Bạn muốn biết lòng thương xót của Thiên Chúa thế nào, thì không cần phải đi đâu xa, cứ đọc dụ ngôn Người Cha nhân hậu sẽ thấy.

Ba dụ ngôn trong Chương 15 là:

- Dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15,4-7).
- Dụ ngôn đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10).
- Dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lc 15,1-3.11-33).

Đoạn Tin mừng ta vừa liệt kê (Lc 15, 1-3) là phần mở đầu chung cho 03 dụ ngôn. Chính những lời xầm xì chê bai Đức Giêsu của người Pharisêu và kinh sư, lại vô tình diễn tả Ngài là vị Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu, đó là cách diễn tả chính xác nhất. Họ nói gì? Thưa: Họ nói tới 02 điểm:

1/. Đức Giêsu luôn đón tiếp người tội lỗi. Đây là điều gây ngạc nhiên cho giới lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, ngạc nhiên dẫn đến ghen ghét vì dân chúng theo Ngài ngày càng đông. Đức Giêsu từng ví mình là Thầy thuốc cần cho người đau yếu. Đau yếu đây kể cả phần hồn lẫn phần xác, như vậy Ngài luôn mở rộng cánh tay đón tiếp người tội lỗi.

2./ Đức Giêsu ăn uống với họ. Kinh sư và Pharisêu chưa hết ngạc nhiên, không những Đức Giêsu đón tiếp người tội lỗi Ngài còn ăn uống với họ. Người tội lỗi không còn mang mặc cảm khi đến với Ngài, vì mối tương quan giữa Ngài và người tội lỗi đã trở nên thân thiết. Khi tội lỗi đè nặng lên ai đó, họ thường mang mặc cảm và từ đó xa lánh tất cả mọi người, họ không dám ngước mặt nhìn ai. Đức Giêsu thấu hiểu cái mặc cảm này, nên Ngài đã đi bước trước để đến với họ, kéo họ ra khỏi cái mặc cảm, để họ vững tin làm lại cuộc đời.

Chính thái độ tự cho mình là công chính, khinh chê người khác của Kinh sư và Pharisêu, Đức Giêsu mới nói với họ 03 dụ ngôn. Ở Bài Tin mừng hôm nay ta sẽ chú ý đến dụ ngôn thứ ba: NGƯỜI CHA NHÂN HẬU.

Dụ ngôn sẽ có 03 màn:

+ Màn thứ nhất: Người cha chia gia tài.
+ Màn thứ hai: Đứa con thứ ra đi và trở về.
+ Màn thứ ba: Người anh cả giận dữ.

Nhưng trước khi đi vào dụ ngôn Người Cha nhân hậu, ta sẽ giới thiệu sơ qua một số nhân vật trong dụ ngôn và sự ám chỉ tương ứng:

- Người kia tức là người cha: ám chỉ Thiên Chúa.
- Người con cả: ám chỉ dân Do Thái, cách riêng các luật sĩ và biệt phái.
- Người con thứ: ám chỉ người có tội.

I/. MÀN THỨ NHẤT ____ NGƯỜI CHA CHIA GIA TÀI

“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: 'Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.”

Đức Giêsu giới thiệu một người cha có hai con trai. Ngài chỉ giới thiệu có vậy và không thêm bất kỳ chi tiết nào, có lẽ Đức Giêsu muốn đi ngay vào nội dung câu chuyện. Dụ ngôn bắt đầu bằng việc người con thứ đòi chia gia tài, anh ta nói: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” Có nghĩa anh ta chỉ xin cái phần gia tài theo luật định, trước sau gì anh cũng được hưởng.

Theo luật của người Do thái, người cha không được tự do phân chia gia tài mình tùy ý thích, đứa con cả đương nhiên được hai phần ba, đứa con thứ một phần ba (Đnl 21,1).

Có lẽ độc giả sẽ bất ngờ trước yêu cầu này, bất ngờ vì cha anh vẫn còn sống. Việc chia gia tài chỉ được tiến hành sau khi cha mẹ đã qua đời. Nếu tiến hành chia gia tài trong lúc cha mẹ còn sống đó là điều bất hiếu, chẳng khác gì nguyền rủa cho cha mẹ chết sớm. Nhưng anh ta đòi chia gia tài vì lẽ gì? Thưa: vì muốn thoát ly khỏi gia đình để được sống tự do theo ý mình muốn. Luca không có dòng nào mô tả cuộc sống gia đình này: có mối bất hòa nào không, có ngột ngạt không. Ông không nói gì hết, như vậy ta có thể hiểu cái lý do đòi chia gia tài thuần túy vì muốn được sống tự do.

Nhưng độc giả còn bất ngờ hơn nữa, người cha không có bất kỳ phản ứng gì, không hỏi anh ta lấy một câu, xem anh ta đòi chia gia tài vì lẽ gì, ông đã chia gia tài theo ý người con thứ muốn.

Hình như có cái gì đó lấn cấn ở đây. Người con thứ muốn thoát ly khỏi gia đình để được sống tự do theo ý mình, cái đòi hỏi tự do đó luôn là khát vọng của con người qua mọi thời đại, vì đó là món quà quý báu Thiên Chúa ban cho họ. Nhưng hiểu thế nào là tự do mới là vấn đề, nhiều lúc con người cho đó là tự do, nhưng thực chất là nô lệ. Ngược lại nhiều lúc tưởng chừng nô lệ ta lại là người tự do thật sự.

Thứ đến, tại sao người cha không ngăn cản? Thưa: Có lẽ ông muốn tôn trọng tự do của anh ta, ông vẫn biết đòi hỏi đó rất nguy hiểm, vì cầm một số tiến lớn mà không có dự định, không có kế hoạch nào, chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ. Và ông cũng biết, lúc này có nói gì cũng vô dụng, vì ý anh đã quyết.

Như vậy, ngay đoạn mở đầu, ta thấy rõ hình ảnh người cha trong dụ ngôn ám chỉ Thiên Chúa, Ngài luôn yêu thương con người và tôn trọng tự do của họ cho dù con người từ đó có phản bội Ngài, vì chỉ có tự do, sự đáp trả của con người mới có ý nghĩa.

II/. MÀN THỨ HAI ____ NGƯỜI CON THỨ RA ĐI VÀ TRỞ VỀ.

“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.”

Những gì diễn biến sau khi người con thứ ra đi, ai cũng thấy được, đó là hệ quả tất yếu của thứ tự do mù quáng. Vâng anh đã có được những gì anh muốn, không còn bị ai quấy rầy nữa, và bây giờ anh đã sống hoàn toàn theo ý mình. Độc giả thấy rõ, đó là một cuộc trượt dốc thảm hại. Anh ta đã nướng sạch cái gia tài với bọn đàng điếm, và khi hết tiền lại xảy ra nạn đói ở vùng đó, Luca nói, đó là nạn đói khủng khiếp. Thật là sự trùng hợp chưa từng thấy, anh không còn cơ hội kiếm cho mình một công việc đàng hoàng để làm lại cuộc đời. Có lẽ anh sẽ phải chịu sự trừng phạt, sự trừng phạt này do chính anh gây ra bởi cái tự do vô lối của anh.

Anh phải đi ở đợ cho người trong vùng. Từ một chàng công tử được bao mỹ nhân vây quanh, nay bị rớt xuống thành người ở đợ. Đó là một cái nhục, nhưng cái nhục đó còn đau hơn khi ở đợ ngay chính vùng mà anh đã ăn chơi trác táng. Có nghĩa anh phải chứng kiến tất cả sự sỉ nhục mà người khác dành cho anh, họ nhìn anh bằng con mắt khinh bỉ.

Chưa hết, người này lại sai anh ra đồng chăn heo, như vậy anh bị nhấn xuống thêm một nấc nữa. Tưởng rằng chăn chiên, chăn cừu còn vớt vát lại chút thể diện, nhưng đây là chăn heo, một nghề mà xã hội Do Thái coi khinh. Và nấc cuối cùng, “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”. Có nghĩa anh muốn xuống bằng con heo cũng không ai cho, cái vị trí dành cho anh còn thấp hơn nữa.

“Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: 'Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.' Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.”

Sống trong cảnh nhục nhã và túng thiếu đến cùng cực, anh ta mới hồi tâm lại: ở nhà cha tôi thiếu gì của ăn, đến đứa đầy tớ cũng còn thừa cơm bánh, còn tôi ở đây thì phải cùng cực, muốn ăn cám heo người ta cũng không cho. Ở trong hoàn cảnh này thì vô phương giải quyết, chỉ còn cách trở về kiếm miếng cơm cho khỏi chết đói.

Anh đã soạn sẵn trong đầu những gì cần nói khi về gặp cha, độc giả để ý sẽ thấy những ý sau đây:

+ “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”, anh sẽ thú tội với cha và không dám coi mình là con của cha.

+ “Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”, anh chỉ xin là một người làm công, có nghĩa xin một địa vị còn ở dưới đầy tớ trong nhà. Theo quan niệm Do Thái, đầy tớ được coi như phần tử trong nhà, còn người làm công, làm thuê không được như vậy, chủ nhà có thể đuổi anh bất cứ lúc nào miễn là báo trước một ngày, vì người làm công không thuộc về gia đình của chủ.

Sau khi đã chuẩn bị những gì cần nói, anh ta thu hết can đảm đứng dậy trở về. Đoạn Tin mừng sau đây sẽ là áng văn đẹp nhất mà ta chưa từng thấy. Với đoạn tin mừng này, dụ ngôn trước đây có tên “Người con hoang đàng” nay được đổi thành “Người Cha nhân hậu”, làm nổi bật tình thương của người cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...' Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.' Và họ bắt đầu ăn mừng.

Trước hết nói về người cha, sau khi người con thứ ra đi, ông buồn lắm, ngày ngày đứng nhìn về cuối ngõ với hy vọng con mình sẽ trở về. Ông đợi ở đây bao lâu, Kinh thánh không nói đến. Nhưng Luca viết: “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”

“Còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”, một người già như ông có thể nhìn rõ như vậy sao? ở đàng xa, xa bao nhiêu ta không biết, nhưng với một người cha luôn mong ngóng con mình trở về, ông không những nhìn bằng con mắt mà còn bằng thần giao cách cảm, có nghĩa bằng sự linh cảm thiêng liêng của tình phụ tử. Hôm nay con ông đã về rồi ông vui quá, có lẽ chưa bao giờ ông có niềm vui lớn như vậy. Luca mô tả: “chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”, có nghĩa ông không đợi đứa con tiến đến, mà chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để. Tình yêu của người cha quá vĩ đại, ông không nhớ gì cái tội tày trời của người con nữa, ông chỉ biết trước mặt ông là đứa con, ông tưởng đã chết, nhưng nó vẫn còn sống.

Người con định nói những gì đã soạn sẵn, nhưng người cha vội ngắt lời không cho nói, nó thật không xứng với niềm vui ông đang có, và nó chẳng là gì so với tình yêu vĩ đại của ông. Không thể nào có chuyện người cha lại coi con mình là kẻ làm công, không đời nào có chuyện đó. Cho dù người con có ngỗ nghịch đến đâu, nó vẫn là con ông, nó vẫn ở trong trái tim của ông. Còn đầy tớ, người làm công dù có công lao thế nào, nó cũng không thể thay thế con ông được.

Người cha liền bảo các đầy tớ rằng: 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.' “Xỏ nhẫn”, “Xỏ dép”,.... đó là những cử chỉ có tính quy ước phục hồi Quyền làm con. Chiếc nhẫn đã xác định từ nay anh sẽ là con cái trong nhà. Và cuối cùng là tiệc mừng, mừng một người đã mất nhưng lại tìm thấy, mừng người đã mất nay đã sống lại.

Có lẽ độc giả đã nghe đọc Bài Tin mừng này nhiều lần, và hình như mỗi lần nghe lại ta cảm thấy như chưa đọc nó bao giờ, vì cảm xúc lần này nó không như lần trước. Vẫn có cái gì đó thật mới mẻ trước tình yêu Thiên Chúa. Vâng Tình yêu Thiên Chúa luôn sinh động, mới mẻ và sáng tạo, tâm tình của ta ngày hôm nay chắc sẽ khác ngày hôm qua, vì càng ngày đời ta càng chồng chất bao hồng ân Thiên Chúa.

Ta cứ thắc mắc, tại sao ta luôn là đứa con hoang đàng, không như người con trong dụ ngôn, vì anh ta chỉ bỏ nhà ra đi có một lần, còn ta đã bỏ Thiên Chúa ra đi bao lần rồi, ta cứ chạy theo những gì ta thích, ta cứ muốn mình là con người tự do, muốn làm gì thì làm, chạy theo danh lợi thú ở đời này mà không thiết tha gì những đòi hỏi của Tin mừng, thế mà Thiên Chúa vẫn đứng đó chờ ta trở về. Lạ thật! Ngài không bỏ mặc ta cho dục vọng, cho ma quỷ giày xéo, lúc nào Ngài cũng mời gọi ta trở về. Hôm nay được nghe lại tâm tình của người cha, có lẽ ta phải làm cái gì đó, không thể ngồi yên được nữa, ta phải đúng dậy để trở về với Ngài.

III/. MÀN THỨ BA ____ NGƯỜI ANH CẢ GIẬN DỮ.

“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: 'Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.' Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà.”

Đáng buồn thay, khi về đến nhà thấy người ta đang liên hoan ăn mừng người con thứ đã trở về, người anh cả giận điên lên không chịu vào nhà. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào nhà vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể hiểu được tấm lòng nhân hậu của người cha.

Người anh cả trong dụ ngôn hôm nay là hình ảnh cho kinh sư và người Pharisêu. Ngay câu đầu tiên của Bài Tin mừng, Luca viết: “Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Họ đang đóng vai người anh cả, khi thấy cha mình đang tổ chức tiệc để mừng người con thứ trở về. Người Pharisêu và Kinh sư cũng đang bực bội khi thấy Đức Giêsu ngồi ăn uống với người tội lỗi. Họ không chấp nhận một chuyện như vậy, vì đối với họ, kẻ tội lỗi cần phải lánh xa.

“Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: 'Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!' Nhưng người cha nói với anh ta: 'Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

Hóa ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài: anh không trái lệnh cha chỉ để làm tròn bổn phận chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi” mà là “thằng con của cha kia”. Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con. Anh ta là người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi thối càng ngã sâu hơn nữa.

Như vậy, đâu chỉ mình người con thứ là đứa con hoang đàng mà còn có người con cả. Kiểu hoang đàng của anh rất nguy hiểm, vì bề ngoài anh vẫn ở trong nhà, nhưng tâm hồn anh không còn ở đây, kiểu hoang đàng này không dễ gì nhận ra, vì thế nó rất nguy hiểm. Trong khi kiểu hoang đàng của người em, lại là kiểu hoang đàng dễ được biến đổi bằng tình yêu của người cha, họ là những người thu thuế, tội lỗi, gái điếm, nhưng họ dễ trở về với Thiên Chúa.

Đó cũng là thái độ của Kinh sư và Pharisêu, họ luôn có cái nhìn khinh miệt người thu thuế, tội lỗi và gái điếm. Trong cái nhìn của họ không thể có sự bao dung mà là sự tách biệt. Họ tự cho mình là công chính, thánh thiện, không cần đến thầy thuốc như Đức Giêsu, vì thế thầy thuốc không được dành cho họ.

Khi đọc hết bài Tin mừng, ta có thể đặt tên cho dụ ngôn này bằng những cái tên sau đây:

+ Dụ ngôn Người Cha nhân hậu.
+ Dụ ngôn Người con hoang đàng.
+ Dụ ngôn Hai người con hoang đàng.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3444
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  6234
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12262388

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn