Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần I Mùa Chay năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần I Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy sau Tuần I Mùa Chay 
(15/03/2014) - (Mt 5, 43-48) - MÙA CHAY 2014

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.

Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?

Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện."
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Trong Bài Giảng trên núi theo Thánh Matthêu, ta bắt gặp 01 công thức lặp đi lặp lại: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng ....... Còn Thầy, Thầy bảo anh em: ......”, công thức này cho ta biết Đức Giêsu muốn kiện toàn một luật nào đó trong bộ luật Môsê, kiện toàn theo nghĩa, nâng luật đó lên một tầm cao mới bằng Luật Ngài đưa ra.

Độc giả sẽ thắc mắc, kiện toàn như vậy có khác gì Ngài bãi bỏ luật cũ và thay thế bằng Luật mới. Mới đầu ta thấy suy nghĩ đó có lý, vì sau khi kiện toàn, luật mới Đức Giêsu đưa ra vượt trội hơn, cao hơn hẳn và không còn chút gì dáng dấp của luật cũ. Nhưng suy nghĩ như vậy hoàn toàn sai lầm, vì chính Đức Giêsu đã xác nhận, Matthêu viết: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5, 17-18)

Quan điểm của Đức Giêsu thật rõ ràng khi Ngài nói, trước khi trời đất qua đi, có nghĩa cho đến ngày tận thế, thì một chấm một phết trong lề luật sẽ không qua đi. Như vậy, kiện toàn không có nghĩa để loại bỏ nhưng hiểu theo nghĩa, Ngài đã thổi vào luật cũ một luồng sinh khí mới, ban cho nó 01 cái hồn làm cho luật được sống động. Nó sống động đến nỗi ta có cảm tưởng không còn chút dư âm của luật cũ. Kiện toàn thật sâu sắc, chỉ có Con Thiên Chúa mới làm được.

Trong tinh thần kiện toàn lề luật, Bài Tin mừng hôm nay đưa ra một luật mới của Đức Giêsu, đó là: HÃY YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ. Có thể nói đây là cuộc cách mạng thật sự cho luật yêu thương, một cải cách vô cùng táo bạo mà con người khó chấp nhận, nhưng nó lại biến đổi ta cách sâu sắc nhất, làm cho ta trở nên con cái Thiên Chúa. Chưa có tôn giáo nào, lý thuyết nào dạy ta phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ như vậy. Bạn và thù phải phân định rõ ràng, rõ đến độ phải “nhắm thẳng quân thù mà bắn”. Ngay như người trong nhà, có nhiều lúc ta cũng chưa yêu thương được, thì nói chi đến người xa lạ và càng không thể với kẻ thù.

Trong sự ngỡ ngàng đó, ta sẽ đi vào Bài Tin mừng hôm nay để khám phá ra chân lý mà Đức Giêsu muốn dạy, và phải hiểu lời Chúa như thế nào.

1/. LUẬT CŨ DẠY:

“Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.”

Ta thử xét xem luật này có xuất xứ từ đâu? Luật có 02 vế: “Yêu đồng loại” và “Ghét kẻ thù”. “YÊU ĐỒNG LOẠI”, Sách Lêvi dạy: “Yêu người thân cận (plêsion) như chính mình” (Lv 19,18) ___ còn “GHÉT KẺ THÙ”, ta không thấy chỗ nào trong Kinh thánh đề cập đến vấn đề này, như vậy Cựu Ước không nói đến.

Khi Đức Giêsu ghép chung 02 vế với nhau: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”, có thể Ngài nhắc đến 01 lời truyền khẩu, có nghĩa một thành ngữ đã phổ biến thời đó. Trong tinh thần Cựu Ước, lời dạy trên có thể hiểu là “HÃY YÊU NGƯỜI THÂN CẬN (plêsion) CÒN KẺ THÙ THÌ ĐƯỢC MIỄN.”

Được miễn đối với kẻ thù, có nghĩa luật không đòi hỏi ta phải yêu kẻ thù, phải cầu nguyện cho họ. Trong Cựu Ước, chỉ duy nhất sách Huấn Ca dạy con người không chấp nhận lối sống nghịch đức tin: “Sẽ chẳng có chi may lành cho kẻ ngoan cố trong điều ác, cho kẻ không thích làm việc từ thiện. Hãy cho người đạo hạnh, nhưng đừng giúp kẻ tội lỗi. đừng ủng hộ quân vô đạo, hãy khước từ, đừng cung cấp bánh ăn cho nó, kẻo nó được đàng chân lấn đàng đầu; vì chính Đấng Tối Cao cũng gớm ghét phường tội lỗi, Người sẽ trừng phạt để trả oán quân vô đạo, hãy cho người tốt, nhưng đừng giúp kẻ tội lỗi” (Hc 12, 3-7).

2/. LUẬT MỚI DẠY (KIỆN TOÀN LUẬT CŨ):

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”

Độc giả có thể ngạc nhiên và thật sự sốc trước yêu cầu của Đức Giêsu, vâng đó là phản ứng tự nhiên của con người, không có gì khó hiểu. Nhưng nếu bình tâm suy nghĩ, ý nghĩ đầu tiên của ta là: Đức Giêsu không bao giờ đòi hỏi ta điều không thực hiện được. Nếu Ngài đưa ra điều mà con người không thể làm được, thì hóa ra đạo lý Ngài phổ biến toàn chuyện không tưởng, thì làm sao chân lý có thể đi vào lòng người và tồn tại trong thế giới này.

Cho dù có trái với tự nhiên, cho dù có thể vì đó mà những người đang theo Ngài có thể bỏ ra về, Đức Giêsu vẫn khẳng định mạnh mẽ: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Để có thể hiểu được giáo huấn của Đức Giêsu, trước hết ta xét 02 từ: “YÊU” và “GHÉT” theo Tin mừng Nhất Lãm (Matthêu, Marcô và Luca)

1/. CẶP ĐỘNG TỪ “YÊU – GHÉT” THEO TIN MỪNG NHẤT LÃM

Yêu – Ghét có thể được hiểu theo cả 02 nghĩa, nghĩa mạnh và nghĩa nhẹ.

a/. Theo nghĩa mạnh: “Yêu” là yêu thương; “Ghét” là thù ghét. Như vậy 02 động từ yêu và ghét sẽ đối lập nhau, ở 02 thái cực nghịch nhau.

b/. Theo nghĩa giảm nhẹ: “Ghét là yêu ít hơn” hay “Yêu ít hơn là ghét”

2/. XÁC ĐỊNH KẺ THÙ:

a/. Kẻ thù có thể là người trong nhà, người chung quanh khi có xung đột về niềm tin:

Matthêu viết: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.” (Mt 10, 34-36). Kẻ thù của mình chính là người nhà. Từ “kẻ thù” ở đây hiểu là người không tin vào Đức Giê-su, người chống lại các môn đệ, cho dù đó là người trong gia đình.

b/. Kẻ thù là quân thù, quân đối nghịch:

“Kẻ thù” là quân thù, quân đối nghịch trong các cuộc chiến. Đức Giê-su trích lời vua Đa-vít trong Tv 110,1 ở Mt 22,44: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.”

c/. Kẻ thù là ma quỷ:

Trong dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,36-43), Đức Giê-su kể: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất…” (Mt 13,24-25). Khi về nhà, các môn đệ xin Đức Giê-su giải thích dụ ngôn cỏ lùng. Người nói với họ: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.” Kẻ thù (ekhthros) đã gieo cỏ lùng là ma quỷ (diabolos)” (Mt 13,37-39a). Như thế, trong dụ ngôn cỏ lùng, hình ảnh “kẻ thù” (ekhthros) được dùng để chỉ “quỷ” (diabolos).

Tóm lại, Tin Mừng Mát-thêu dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) với 3 nghĩa:

1) Kẻ thù có thể là người nhà, khi họ không tin vào Đức Giê-su và chống lại các môn đệ của Người.
2) Kẻ thù là những kẻ đối nghịch trong chiến tranh, không nhất thiết là “thù ghét” và hai phe là “kẻ thù” của nhau.
3) “Kẻ thù” là “quỷ” (diabolos).

3/. YÊU KẺ THÙ LÀ YÊU AI.

Rõ ràng trong 03 loại kẻ thù trên, “Yêu kẻ thù” sẽ không áp dụng cho ma quỷ. Như vậy yêu kẻ thù là yêu:

+ Yêu thương những kẻ chống lại niềm tin của mình.
+ Yêu thương những kẻ thù nghịch vì xung đột quyền lợi.
........................................

Trở lại giáo huấn của Đức Giêsu: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Độc giả có thể đặt câu hỏi, tại sao ta lại yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ? Một câu hỏi rất hay, vì một khi biết hỏi như vậy, ta sẽ ở một trong hai trạng thái nghịch nhau:

1/. Ta đã đặt 01 chân vào vạch xuất phát để đi tới chân lý. Ta sẽ tìm hiểu tại sao Đức Giêsu lại dạy như vậy, tại sao ta phải yêu kẻ thù, rồi còn cầu nguyện cho họ nữa chứ, để từ đó ta bắt đầu chuyển mình, thay đổi lối sống cho phù hợp với Tin mừng.

2/. Trạng thái nghịch lại: Ta càng lún sâu vào sự thù ghét, lòng căm thù tăng lên vì dứt khoát không thể có chuyện đó. Bạn và thù phải thật phân minh, và đến lúc chết vẫn chưa thể hóa giải.

Vậy tại sao ta phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ? Để trả lời câu hỏi này ta xét cả dưới ánh sáng Tin mừng và theo đức Khôn ngoan ở đời.

A/ THEO ĐỨC KHÔN NGOAN Ở ĐỜI:

Ai trong chúng ta cũng đều mong cho mình có một cuộc sống yên bình, lúc nào cũng sống trong cảm giác an toàn, như vậy điều trên hết và trước hết, đó là ta không được có kẻ thù. Khi ta còn kẻ thù, cho dù ít nhất 01 kẻ thù, thì cảm giác an toàn đó không còn nữa. Không cần biết kẻ thù thế nào, lớn nhỏ, mạnh yếu ra sao, ta luôn sống trong sự đề phòng. Tâm trí ta lúc nào cũng căng ra vì sự đề phòng đó. Thời gian càng kéo dài bao lâu, ta càng trở nên mệt mỏi và kiệt quệ. Lịch sử đã cho biết có những cuộc trả thù rất ác liệt, bất ngờ, xảy ra có thể cách đó hàng chục năm.

Vậy tội gì ta để kẻ thù của mình tồn tại, phải giải quyết dứt điểm để được sống trong an toàn. Nhưng vấn đề phải giải quyết kẻ thù bằng cách nào, đó mới là điều quan trọng. Ta sẽ đưa ra các giải pháp sau đây:

+ DIỆT KẺ THÙ: Nếu tiêu diệt kẻ thù thì ta lại đưa mình vào chỗ nguy hiểm hơn nữa, vi ta sẽ tạo ra kẻ thù mới, có khi còn ác liệt hơn. Oán thù sẽ chồng chất không ngừng.

+ BIẾN KẺ THÙ THÀNH BẠN: Đây là cách diệt kẻ thù khôn ngoan nhất, hay nhất, vì ta sẽ không còn kẻ thù nữa. Khi kẻ thù trở thành bạn, theo lẽ thường tình, người bạn đó sẽ là người bạn thân thiết nhất, có khi dám sống chết với ta.

Như vậy, ngay như sự khôn ngoan ở đời cũng dạy ta biết: tại sao ta phải yêu kẻ thù rồi. Ai biết sống theo sự khôn ngoan này, người đó mới có tư cách của một bậc vĩ nhân.

B/. THEO ÁNH SÁNG TIN MỪNG:

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”

Đức Giêsu cho ta biết, tại sao ta phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, đó là ta được trở con cái Cha trên trời. Đây là lý tưởng và mục tiêu phấn đấu của ta trong suốt cuộc đời này. Đức Giêsu khẳng định chắc nịch như vậy, có nghĩa khi ta yêu và cầu nguyện cho kẻ thù, ta sẽ là con cái Thiên Chúa, ngược lại ta là con cái ma quỷ, vì nơi ma quỷ chỉ có căm hờn và thù ghét.

Lẽ dĩ nhiên tình yêu đối với kẻ thù, nó không phải tình yêu đối với người thân, và càng không phải tình yêu đối với người yêu của mình. 02 loại tình yêu: yêu người thân thích, và với người yêu, đó là loại tình yêu tự nhiên, tình yêu của trái tim. Nhưng tình yêu đối với kẻ thù, đó là tình yêu của lý trí. Ta phải vận dụng hết con người mình, cả lý trí lẫn ý chí, ta mới có thể yêu kẻ thù mà bình thường, theo lẽ tự nhiên là điều không thể. Ta yêu kẻ thù vì ta muốn trở thành con cái Cha trên trời.

Đức Giêsu mạc khải cho ta biết về Cha trên trời như sau: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”, có nghĩa Cha trên trời không muốn cho bất kỳ người nào phải hư đi, Ngài chăm sóc tất cả, âu yếm tất cả, Ngài cho mưa và nắng xuống trên cả người công chính lẫn kẻ bất lương.

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã viết: “Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 32). Vâng Thiên Chúa không vui gì khi một ai đó phải hư đi, Ngài muốn cho mọi người được sống hạnh phúc, Ngài luôn kêu gọi mọi người hãy trở về với Ngài.

Vậy nếu ta muốn trở thành con cái Cha trên trời, ta phải ý thức rằng, mọi người là anh em với nhau vì cùng là con của Cha trên trời. Vậy tại sao ta lại có sự phân biệt chứ. Nếu ta nói tình yêu đối với kẻ thù là tình yêu của lý trí, không phải là tình yêu của con tim, nhưng khi ta là con cái Cha trên trời, tất cả đều sống trong đại gia đình, lúc đó tình yêu kẻ thù không còn là tình yêu của lý trí nữa, mà là tình yêu của trái tim, vì mọi người đã trở thành thân thích, là anh em với nhau.

“Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

Đức Giêsu còn giải thích thêm bằng những lý chứng chắc nịch, bằng lập luận kín kẽ khiến ta phải tâm phục khẩu phục. Ngài nói, nếu ta chỉ yêu kẻ mình thích, kẻ yêu thương mình, thì ta chẳng có công lao gì hết, vì người không biết Chúa, người tội lỗi họ cũng làm như vậy, có khi họ còn làm hay hơn ta nữa. Nếu ai chỉ biết yêu người mình thích, mà không biết yêu người mình ghét, yêu kẻ thù, thì tầm thường quá. “Nhạt”!

Hình như Đức Giêsu cũng ngầm nói rằng, nếu ta chỉ biết yêu người yêu mình, mà không biết yêu kẻ thù, Ngài cũng xếp ta vào hạng tội lỗi. Đó là ẩn ý của Ngài. Matthêu không muốn nói thẳng ra, ông chỉ đặt thành những câu hỏi, nhưng câu hỏi ông viết dường như là câu khẳng định.

“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện."

Đức Giêsu mời gọi ta hãy nên hoàn thiện, hoàn thiện như Cha trên trời. Độc giả phải thật tinh ý trước câu nói của Đức Giêsu, “Hãy nên hoàn thiện” chứ Ngài không nói ta phải hoàn thiện. Vì sao?

Ta còn nhớ Đức Giêsu trả lời cho anh thanh niên giàu có, khi muốn tâng bốc Ngài, gọi Ngài là “Thầy nhân lành”. Đức Giêsu nói: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa" (Mc 10,18). Vâng chỉ có Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, là Đấng nhân lành, còn ta dù có phấn đấu cả đời, dốc hết ý chí và lý chí ta không những không thể hoàn thiện mà có khi còn đi ngược lại, vì ta kiêu ngạo với tham vọng quá lớn.

Nhưng Đức Giêsu mời gọi ta: “Hãy nên hoàn thiện”, hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, có nghĩa, “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, là một lý tưởng. Một khi là lý tưởng cũng đồng nghĩa ta không thể đạt được. Nhưng nó vẫn là cái đích ta phải nhắm đến, mỗi ngày một chút, ta tiến lên một chút, mở rộng lòng mình hơn một chút, ta sẽ thấy được ý nghĩa cuộc đời này, ta cảm thấy niềm hạnh phúc đang lớn dần trong ta.

Mùa Chay 2014, Giáo hội cho đọc lại Bài Tin mừng này như muốn nhắc lại lần nữa, ta hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ, ta hãy nhìn lên Thập giá để nghe tiếng Đức Giêsu nói rất yếu ớt, tiếng nói của một con người đã trải qua cuộc hành hình vô cùng khốc liệt, Đức Giêsu đang xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình. Đó là bài học muôn thuở cho mỗi người chúng ta.

Vậy ta phải khẳng định: Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ là điều ta làm được, chứ không phải nại lý do nó khó quá để thoái thác, miễn là ta phải có lòng dũng cảm, vượt ra khỏi cái vỏ ích kỷ để biết tha thứ.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2757
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  25
 Hôm nay:  5755
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12254849

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn