Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần VIII thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần VIII thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba tuần VIII Thường niên năm chẵn
(04/03/2014) - (Mc 10, 28-31)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!" Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”

Trong Bài Tin mừng hôm qua (Mc 10, 17-27), có một chi tiết mà ta chưa bàn đến. Đó là, Đức Giêsu nói với anh thanh niên: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Độc giả có thể đặt vấn đề: Tại sao anh ta không hỏi Đức Giêsu, VẬY THEO THẦY TÔI SẼ ĐƯỢC GÌ? Câu hỏi này rất hợp tình hợp lý anh có thể đưa ra và yêu cầu Đức Giêsu trả lời, đó là lẽ thường tình. Khi anh đã bỏ mọi sự theo lời đề nghị của Ngài, anh có quyền được biết, đổi lại anh sẽ được gì! Nhưng thực tế anh đã không hỏi như vậy.

Ta có thể lý giải vấn đề này như sau: Marcô đã khẳng định anh ta rất giàu, như vậy nguyên việc bán tất cả cho người nghèo, theo anh, cho dù Đức Giêsu có hứa hẹn thế nào cũng không đủ bù đắp lại phần anh đã bỏ ra. Mặt khác, anh đã gắn bó với tiền của không dứt ra được, nên không thể theo lời đề nghị của Đức Giêsu. Như vậy anh không cần thiết phải hỏi thêm nữa mà chỉ biết bỏ đi. Rồi còn việc đi theo Đức Giêsu làm môn đệ Ngài, nó cũng đồng nghĩa với việc bắt đầu cuộc phiêu lưu mới đầy bất định. Sự suy nghĩ và tính toán của anh chỉ ở mức giới hạn vật chất, chưa lên tầm cao hơn vì thế anh không nhận ra ý nghĩa thâm sâu trong lời của Đức Giêsu.

Nhưng nếu anh hỏi: Nếu theo Thầy tôi sẽ được gì? Thì tình hình nó sẽ khác, nhiều khi diễn biến theo chiều ngược lại, vì phần sau của Bài Tin mừng Đức Giêsu có giải thích cho các môn đệ, đi theo Ngài các ông sẽ được những gì. Rõ ràng anh thanh niên này đã bỏ lỡ 01 cơ hội bằng vàng, anh sẽ được làm môn đệ, được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Sau khi anh thanh niên bỏ đi, Phêrô lên tiếng thưa với Đức Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Hình như câu nói của Phêrô vẫn chưa đủ ý, ta có thể diễn đạt đầy đủ hơn như sau: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! Vậy chúng con sẽ được gì?”

Câu nói của Phêrô là sự đối nghịch với thái độ bỏ đi của anh thanh niên. Các ông đã đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu một cách mau mắn và dứt khoát, đến nỗi ai đọc Tin mừng cũng phải kinh ngạc. Ta còn nhớ khi Ngài gọi ông ở Biển hồ Galilê, trong lúc các ông vừa đánh xong mẻ cá, các ông đã bỏ mọi sự mà theo Ngài (Lc 5, 1-11). Luca viết: “Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.” Bỏ hết, vâng bỏ hết không còn gì nữa để toàn tâm toàn ý theo Đức Giêsu. Đến nỗi trong trường hợp của Giacôbê và Gioan, các ông còn bỏ luôn cha già nữa. Thật kinh khủng!

“Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Đoạn Tin mừng trên được cả 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 19, 27-30); Marcô (Mc 10, 28-31); Luca (Lc 18, 28-30). Nhưng ở đây có sự khác biệt khá lớn giữa các Thánh sử, cụ thể như sau:

+ MATTHÊU: “Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.”

+ MARCÔ: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

+ LUCA: “Chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau."

Để cho tiện phân tích, ta sẽ đưa ra 02 danh sách: DANH SÁCH TỪ BỎ, bao gồm những gì các môn đệ phải từ bỏ - DANH SÁCH PHẦN THƯỞNG NHẬN ĐƯỢC, bao gồm những gì các môn đệ nhận được sau khi đã từ bỏ đi theo Đức Giêsu.

NHẬN XÉT SỰ KHÁC BIỆT GIỮA 03 THÁNH SỬ:

1/. XÉT VỀ MẶT CẤU TRÚC:

a/. Matthêu và Luca:

Đưa ra danh sách những gì các môn đệ từ bỏ, nhưng không có danh sách phần thưởng các ông sẽ nhận được, mà chỉ nói 01 câu duy nhất: “sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” 

b/. Marcô: Đưa ra cả 02 danh sách, tuy nhiên Danh sách liệt kê phần thưởng nhận được, có khác biệt so với danh sách từ bỏ (sẽ nói ở phần sau).

2/. KHÁC BIỆT Ở DANH SÁCH TỪ BỎ.

a/. Matthêu và Marcô: Không đề cập đến việc bỏ vợ.
b/. Luca: Đề cập luôn việc bỏ vợ.

Theo các nhà chú giải, Luca là đồ đệ của Thánh Phaolô, mà Thánh Phaolô là người sống độc thân, nên Luca có thể diễn tả sự từ bỏ một cách quyết liệt (bao gồm cả việc bỏ vợ) sẽ không gặp trở ngại gì về phía thầy mình.

Marcô là đồ đệ của Thánh Phêrô, mà Thánh Phêrô là người đã có gia đình, nên trong danh sách từ bỏ, Marcô không liệt kê việc bỏ vợ, đó là vấn đề tế nhị.

Matthêu cũng không đòi hỏi môn đệ phải bỏ vợ, nhưng vì không đưa ra danh sách phần thưởng, mà chỉ nói chung chung sẽ được gấp bội. Nếu liệt kê bỏ vợ vào, thì độc giả có thể hiểu lầm các ông sẽ được nhiều vợ! Đó là sự hiểu lầm tai hại (nên nhớ đây là phần thưởng ngay ở đời này, chứ chưa nói đến đời sau).

3/. KHÁC BIỆT Ở DANH SÁCH PHẦN THƯỞNG NHẬN ĐƯỢC.

a/. Marcô: Sau khi liệt kê những gì các môn đệ sẽ nhận được, Marcô còn nhấn mạnh thêm “cùng với sự ngược đãi”, ông muốn nói, các môn đệ sẽ là người nên giống Đức Giêsu, Thầy mình.

b/. Matthêu và Luca: Không đề cập vấn đề này.

TÓM LẠI: Ở 03 Thánh sử đều nêu rõ, sau khi đã từ bỏ để theo Đức Giêsu, các môn đệ sẽ nhận được gấp trăm (Marcô), gấp bội (Matthêu và Luca) so với những gì các ông đã từ bỏ, ngay ở đời này và còn được sự sống đời đời. Nhưng CÁI NHẬN ĐƯỢC SẼ MANG TÍNH CHẤT KHÁC VỚI CÁI TỪ BỎ (sẽ phân tích ở phần sau).

Ta ghi lại đoạn Tin mừng trên theo Marcô.

“Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Đức Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em”. Marcô viết ra điều này, nó làm cho câu nói của Đức Giêsu mang tính khẳng định mạnh mẽ. Đó là sự đảm bảo cho các ông. Ở đây độc giả sẽ thấy có 02 phần song song nhau:

A/. DANH SÁCH TỪ BỎ:

1- Nhà cửa.
2- Anh em.
3- Chị em
4- Mẹ
5- Cha
6- Con cái
7- Ruộng đất.

B/. DANH SÁCH PHẦN THƯỞNG NHẬN ĐƯỢC NGAY Ở ĐỜI NÀY VÀ BÂY GIỜ:

1- Nhà cửa.
2- Anh em.
3- Chị em
4- Mẹ
5- 
6- Con
7- Ruộng đất.
8- Cùng với sự ngược đãi.

C/. DANH SÁCH PHẦN THƯỞNG NHẬN ĐƯỢC Ở ĐỜI SAU:

Sự sống vĩnh cửu.

Bây giờ ta sẽ xét đặc tính 02 danh sách:

1/. NHÀ CỬA: Trước khi theo Đức Giêsu, các ông chỉ có 01 ngôi nhà duy nhất (có thể là 2, 3...), đó là nhà mình ở và làm việc. Nhưng khi các ông đi theo Đức Giêsu, ngôi nhà kia không còn cần thiết nữa, các ông sẽ ở trong một cộng đồng rộng lớn, đó là Giáo Hội, mà đi đến đâu cũng có thể là nhà của mình. Như vậy các ông đã được gấp trăm, gấp bội rồi.

Các mục sau cũng lý luận tương tự, do đó để cho đỡ mất thời giờ, ta không cần lặp lại, mà chỉ để ý những mục sau:

5/. CHA: Danh sách từ bỏ có mục Cha, nhưng trong danh sách phần thưởng lại không có. Tại sao vậy? Vì khi đi theo và làm môn đệ Đức Giêsu, Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu, Ngài cũng là Cha của các ông. Marcô đã viết: “Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện như sau: “Khi anh em đứng cầu nguyện, anh em hãy tha thứ nếu anh em có gì bất bình với người nào, để Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, cũng tha cho anh em những lỗi lầm của anh em” (Mc 11, 25). “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” là Cha của các môn đệ Đức Giê-su.

6/. CON: Trước khi đi theo Đức Giêsu, đa số các ông là người đã có gia đình và có thể có con, nên trong danh sách từ bỏ, Marcô dùng cụm từ “con cái”. Nhưng khi đi theo Ngài, các ông sẽ trở thành vị mục tử, các ông sẽ có muôn vàn người con trong đức tin, trong danh sách phần thường Marcô dừng từ “con”.

8/. CÙNG VỚI SỰ NGƯỢC ĐÃI: Trong danh sách từ bỏ không có mục này, nó phản ánh đúng thực tại, vì khi chưa theo Đức Giêsu, các ông là những con người bình thường như bao người khác, không có ai ngược đãi các ông. Nhưng khi đi theo Ngài, các ông sẽ bị người đời ganh ghét, ngược đãi vì họ đã ganh ghét thầy của các ông trước.

Và cuối cùng các ông được sự sống đời đời. Đây là phần thưởng cao quý nhất dành cho những ai đã dám bỏ mọi sự theo Đức Giêsu, và theo Ngài cho đến giây phút cuối cùng. Đây cũng là vấn nạn mà anh thanh niên giàu có, xin Đức Giêsu chỉ cho mình cách được sự sống đời đời: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Nhưng tiếc thay anh đã bỏ đi không nghe được câu nói này của Đức Giêsu.

Câu cuối cùng của Bài Tin mừng:

“Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."

Có lẽ độc giả thấy hơi lạ về câu cuối cùng này, nó chẳng ăn nhập gì đến toàn bài, thậm chí không có nó cũng chẳng sao, Bài Tin mừng vẫn mạch lạc và khúc chiết. Vậy Marcô viết câu này với ý gì?

Trong câu cuối cùng này ta có Nguyên tắc đảo chiều như sau:

1/. ĐẢO 01 CHỀU: Ta có 02 cuộc đảo 01 chiều:

+ Theo chiều xuống: “kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”
+ Theo chiều lên: “còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”

2/. ĐẢO 02 CHIỀU:

“nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.

Ý NGHĨA CỦA ĐẢO 01 CHIỀU:

Đức Giêsu muốn nói đến dân Do Thái, đó là dân Chúa chọn và được thừa hưởng lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa với Tổ phụ họ. Ta có thể nói họ là dân của LỀ LUẬT và LỜI HỨA. Nhưng họ không tin vào Con Thiên Chúa, không tin vào Đức Giêsu đã được Thiên Chúa sai đến. Còn những ai tin vào Đức Giêsu và đi theo Ngài, tuy không phải là người Do Thái, sẽ được gia nhập vào Hội Thánh, họ là dân Chúa chọn theo ÂN SỦNG. Như vậy sẽ có sự đảo ngược ở đây, dân Do Thái theo lề luật và lời hứa lúc đầu đứng ở vị trí cao nhất sẽ xuống chót và dân Chúa theo ân sủng, lúc đầu đứng chót nhưng sẽ trở thành đứng đầu.

Như thế, người Công Giáo trổi vượt hơn dân Do Thái đã được Chúa kêu gọi từ trước, nhưng lại khước từ không theo Đức Giêsu vào Hội Thánh, họ đã tự loại khỏi ơn cứu độ (Lc 14,15t). Thậm chí cả ông Gioan Tẩy Giả cũng thua người Công Giáo là kẻ nhỏ, như Lời Đức Giêsu đã nói : “Trong những người do người nữ sinh ra, không ai cao trọng bằng ông Gioan Tẩy Giả, nhưng kẻ nhỏ trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).

Ý NGHĨA ĐẢO NGƯỢC 02 CHIỀU

Đảo ngược 02 chiều, ý ám chỉ Đức Giêsu, Thánh Phaolô trong Thư Philiphê đã viết: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:"Đức Giê-su Ki-tô là Chúa". (Pl 2, 6-11)

Như vậy, sự đảo ngược 02 chiều nơi Đức Giêsu xảy ra như sau: Từ đời đời Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, ngự bên hữu Thiên Chúa, nhưng vì vâng lời Chúa Cha, Ngài đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, có nghĩa đã từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa xuống làm thân phận con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Đó là chiều đi xuống.

Sau cuộc Khổ nạn và Phục sinh, Thiên Chúa đã suy tôn Người và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Ngài sẽ về trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Như vậy từ thân phận tôi đòi, Ngài đã được vinh quang vì đã đi qua con đường khổ giá. Đây là đảo ngược chiều đi lên. Đức Giêsu đã sống trọn lời Ngài nói với các môn đệ, và sau khi đảo ngược 02 lần như vậy, Ơn Cứu độ đã ban xuống cho con người, để những ai bước theo Ngài, vác thập giá đời mình, cũng sẽ được cứu độ.

Như vậy, “nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” các môn đệ và chúng ta hôm nay, được Đức Giêsu mời gọi theo Ngài. Ta cảm tạ Chúa vì bản thân ta không phải người Do Thái, tức dân của Lề luật và Lời hứa, nên ngay từ đầu ta không được thừa hưởng lời hứa, nhưng nhờ tin vào Ngài, được gia nhập vào Giáo hội, có nghĩa trở thành dân Chúa chọn theo ân sủng và ta đã dược Thiên Chúa cất nhắc lên vị trí cao nhất trong bậc thang Nước Trời. Vấn đề còn lại bây giờ, ta phải sống thế nào xứng với tình yêu thương của Ngài.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2348
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  4872
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12253966

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn