Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần V thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần V thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba tuần V Thường niên năm chẵn
(11/02/2014) - (Mc 7, 1-13)
Đức Mẹ Lộ Đức - Ngày Quốc tế bệnh nhân

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, Người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế à dùng bữa?”

Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “co-ban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm những điều khác giống như vậy nữa!”
______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến”

Đức Giêsu và các môn đệ đang ở Galilê, đó là miền mà dân ngoại chiếm đa số, và là môi trường rao giảng Tin mừng rất phù hợp. Trong khi đó Marcô nói, những người Pharisêu và một số kinh sư đang tụ họp quanh Đức Giêsu, họ là những người từ Giêrusalem tới. Có lẽ đây là hình ảnh lạ mắt đối với độc giả, vì từ trước đến nay, người ta chỉ thấy dân chúng tụ họp quanh Đức Giêsu để nghe Ngài giảng dạy, chứ có nghe nói đến các kinh sư và Pharisêu tụ họp quanh Đức Giêsu. Chẳng lẽ họ cũng muốn nghe lời Thiên Chúa sao?

Thật sự họ tụ họp quanh Đức Giêsu để công kích Ngài. Nếu vậy thì sự công kích đó rất đáng sợ, vì họ tụ họp quanh, có nghĩa họ sẽ tấn công từ nhiều phía. Như vậy từ Giêsrusalem, thủ đô của Do Thái và cũng là Trung tâm tôn giáo của cả nước, sẽ là nơi xuất phát mọi cuộc công kích và đó cũng là nơi đóng đinh Ngài vào thập giá.

Thật ngược đời, họ là dân Chúa chọn, bây giờ chính họ sẽ công kích Con Thiên Chúa, và công kích dưới danh nghĩa luật Thiên Chúa.

“Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.”

Marcô nói: “Họ thấy vài môn đệ”, có nghĩa không phải tất cả, và đây chỉ là một nhóm nhỏ trong toàn thể các môn đệ. Chẳng lẽ chỉ vài người lẻ tẻ mà họ phải cất công từ Giêrusalem tới đây sao? Thực sự đây chỉ là cái cớ để họ đến đây. Nhưng họ đã thấy gì? Họ thấy môn đệ của Đức Giêsu dùng bữa mà tay còn ô uế. Marcô xác định tại sao tay bị ô uế, đó là vì chưa rửa.

Marcô thêm cụm từ “nghĩa là chưa rửa”, vì độc giả của Marcô đa số là người Rôma, họ không hiểu thế nào là ô uế, nên ông cần giải thích thêm, “nghĩa là chưa rửa”.

Như vậy, rửa tay trước khi dùng bữa, sẽ không còn là vấn đề vệ sinh nữa, mà nó được đưa vào tập tục tôn giáo về “sạch” và “dơ”, được ghi thành luật của Môsê trong sách Lêvi (Lv 11), được thêm vào nhiều chi tiết và quy định qua truyền thống.

“Thật vậy, Người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.”

Marcô cho biết, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân. Tiền nhân ở đây được tính từ Môsê trở lại. Truyền thống tiền nhân, đó là các tập tục từ thời Môsê đến giờ. Tập tục, nó có thể là các luật lệ, các quy định của con người không do luật Môsê, nhưng có ai đó nghĩ ra và được lưu truyền từ đời này đến đời nọ. Không hẳn truyền thống Tiền nhân tất cả đều xấu, có tập tục tốt và cũng có tập tục xấu.

Marcô đã liệt kê các truyền thống của tiền nhân, mà đầu tiên là chủ đề của cuộc tranh cãi hôm nay, đó là: “HỌ KHÔNG ĂN GÌ, KHI CHƯA RỬA TAY CẨN THẬN”

ĐÂY CHÍNH LÀ CÁI HỚ LỚN NHẤT CỦA HỌ. Tại sao?

Trước hết ta phải xác nhận, có Luật Rửa Tay, luật đó quy định như sau:

Luật Mô-sê đề ra nhiều điều khoản buộc phải thanh tẩy bằng nước như: Khi chuẩn bị lãnh chức vụ (Xh 29,4), trong lễ Xá Tội (Lv 16,4.24), khi lỡ tay chạm đến xác chết (Lv 11,40 ; 17,15), khi thanh tẩy khỏi ô uế bệnh phong cùi (Lv 14,8), thanh tẩy khỏi ô uế dục tình (Lv 15,1-32). Về sau tập tục còn quy định lễ nghi thanh tẩy cách tỉ mỉ hơn như: Phải lấy nước ở trong bình bằng đồng hay bình sành.... Phải rửa từ khuỷu tay xuống.... Phải rửa hai lần: Lần trước để làm sạch tay bẩn, lần sau để làm sạch nước bẩn còn dính trên tay...

Như vậy có luật Rửa Tay, nhưng KHÔNG LUẬT NÀO QUY ĐỊNH PHẢI RỬA TAY TRƯỚC KHI DÙNG BỮA. “Rửa tay trước khi dùng bữa” không phải là luật, mặc dù người ta khuyên nên làm như vậy vì vấn đề vệ sinh. “Khuyên nên làm như vậy” và “bắt buộc”, hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau.

“Thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn”

Sách Lêvi Chương 11 có luật quy định: loài vật thanh sạch và loài vật ô uế. Loài vật sống dưới nước, trên cạn và trên không, con vật nào được ăn và không được ăn. Nhưng không luật nào quy định, “THỨC GÌ MUA NGOÀI CHỢ VỀ, CŨNG PHẢI RẢY NƯỚC ĐÃ RỒI MỚI ĂN”. Có nghĩa, nếu không làm điều này cũng không sao, nó không làm cho ta ra ô uế, nhưng khuyên làm như vậy vì hợp vệ sinh.

“Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.” Marcô nói, họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, nghĩa là ngoài 02 tập tục vừa kể còn rất nhiều tập tục, ví dụ cả tủ, giường,.... Độc giả sẽ thấy có nhiều tập tục rất vô lý như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Họ không còn phân biệt giữa 02 điều:

+ Nên làm, vì nó hợp vệ sinh
+ Phải làm, vì không muốn lỗi luật.

Hai điều này hoàn toàn khác xa nhau. Hình như Marcô có vẻ châm biến người Pharisêu và Kinh sư.

KHÁI NIỆM THANH SẠCH VÀ Ô UẾ chiếm một chỗ quan trọng trong Do Thái Giáo. Do Thái Giáo quan niệm con người là một thực thể thống nhất, vì thế, cái thanh sạch hay ô uế bên ngoài là dấu chỉ cho thấy cái thanh sạch hay ô uế bên trong. Vì thế, chẳng lạ gì khi sách Lê-vi trong bộ Cựu Ước quy định những gì thanh sạch và những gì không thanh sạch. Kinh sư và Pharisêu nhầm lẫn tai hại, vì có những cái người ta nên làm, ví dụ rửa tay trước khi ăn, thì họ lại cho ô uế hay không ô uế trong tâm hồn.

“Vậy, người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế à dùng bữa?”

Sau khi đưa ra vài điều cụ thể về Truyền thống tiền nhân để làm chỗ dựa lưng, bây giờ họ bắt đầu công kích Đức Giêsu. Họ tin Ngài sẽ không phản bác được, vì đụng vào vấn đề này là đụng vào lịch sử, đụng vào cả một hệ thống, mà họ tin chắc, đó là những gì đúng đắn vì đã trải qua bao thế hệ, đã được các nhà làm luật thông qua.

Marcô nhấn mạnh: “Sao các môn đệ của ông”, có nghĩa họ không tấn công trực diện vào Đức Giêsu, nhưng vẫn cái trò cũ rích: “Dùng trò để chửi Thầy”. Khi họ nhắm vào các môn đệ, họ muốn nói với Đức Giêsu:

+ Một là ông không biết dạy bảo học trò của mình.
+ Hai là ngay cả bản thân ông cũng không biết điều đó, vậy ông còn tự hào mình là thầy sao?

Họ ngốc ở chỗ, đây là Galilê chứ không phải Giêrusalem. Galilê là Galilê, còn Giêrusalem là Giêrusalem. Miền Galilê là miền dân ngoại, và ngay việc ở Galilê cũng đủ làm cho ta ra ô uế rồi, vì ngày nào người Do Thái không tiếp xúc với dân ngoại! Ở Galilê, người ta có quan tâm gì đến chuyện nhỏ nhặt này mà đem từ Giêrusalem ra áp đặt. Thật xuẩn ngốc!

“Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.”

Câu trả lời của Đức Giêsu thật mạnh mẽ. Ngài bắt đầu tấn công. Ngài dựa trên Kinh thánh để trả lời cho những kẻ tấn công môn đệ của Ngài, đó là câu trích trong sách Tiên tri Isaia (Is 29,13). Các ngôn sứ cũng thường lên án thứ tôn giáo duy hình thức đó. Đối với Thiên Chúa, không phải những cử chỉ bên ngoài là quan trọng, mà là “tấm lòng”. Thờ phượng chỉ để thờ phượng, thì không có giá trị gì vì nó không có nội dung, chỉ là hình thức, việc phụng tự phải nói lên những xác tín sâu xa.

Marcô viết: “Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”. Thờ phượng Thiên Chúa mà đem những giới luật của con người ra sao, có khác gì họ đang nhào nặn Thiên Chúa theo ý họ. Thật phạm thượng!

Vừa xuẩn ngốc vừa phạm thượng, ta sẽ gọi chung là gì!

“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”

Marcô thật sâu sắc, giữa Thiên Chúa và con người, bên nào trọng hơn. Ngay cả một em bé cũng biết phải trả lời thế nào, vậy mà những người ngồi trên tòa Môsê, giảng dạy dân chúng còn không phân biệt được. Vậy thì họ sẽ dạy dân Do Thái cái gì? Chắc chắn đó là điều sai lầm. Như vậy ta sẽ thấy, không phải Marcô phóng đại, mà ông diễn tả thật chính xác, ông luôn nói, khi dân chúng đến với Đức Giêsu rất đông, đông như một biển người, vì họ như đàn chiên không có người chăn, họ không tìm thấy nơi những người dạy dỗ họ cái điều họ khao khát, đó là chân lý, là lời Thiên Chúa. Và họ đến với Đức Giêsu, vì chỉ nơi Ngài mới có lời Hằng Sống.

“Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “co-ban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.”

Marcô viết: “Các ông thật khéo”, khéo đóng kịch, khéo lừa dối, khéo đến độ dân Do Thái cứ nghĩ đó là điều chân thật và tuân giữ để tạo thành Truyền thống Tiền nhân, Họ làm vậy để trục lợi cho mình. Ở phần sau ta sẽ thấy rõ.

Đức Giêsu đã trích một điều luật ghi trong sách Xuất Hành: “Ai đánh cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết. Ai bắt cóc người - dù đã bán đi hay còn giữ trong tay-, thì phải bị giết chết. Kẻ nào nguyền rủa cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết.” (Xh 21, 15-17) Như vậy chỉ cần nguyền rủa cha mẹ thôi, cũng đã đủ loại người đó ra khỏi thế giới người sống rồi, chứ chưa kể những việc khác. Luật Môsê rất chú trọng vào vấn đề thảo kính cha mẹ. Đây là lệnh truyền của Thiên Chúa.

“Còn các ông, các ông lại bảo”, Marcô muốn nói, họ tự nghĩ ra luật phản lại chính luật mà họ tuân giữ chi li, tỉ mỉ. Như vậy có khác gì họ đang chà đạp lên luật Môsê.

Khi ta yêu ai, ta lại làm điều có hại cho người mình yêu, thì tình yêu đó gọi là gì? Họ từng tự hào Luật Môsê, chính Thiên Chúa đã ban cho họ, họ nghĩ rằng tuân giữ luật Môsê là yêu mến Đức Chúa, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng họ lại đặt ra tập tục đi ngược lại luật Môsê, thì tình yêu của họ dành cho Đức Chúa sẽ được hiểu thế nào!

Đức Giêsu trưng ra TẬP TỤC CORBAN để lột trần sự giả nhân giả nghĩa của Kinh sư và Pharisêu. Corban là của dâng cúng cho Thiên Chúa. Tập tục Corban như sau:

Để khuyến khích người ta đóng góp cho Đền thờ, Biệt phái và Kinh sư dạy rằng nếu ai khấn hứa đem những gì phải giúp cho cha mẹ để dâng cho Đền thờ thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Thật hàm hồ!

Đạo Hiếu là Đạo mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong trái tim mỗi người. Nó cao trọng đến nỗi, trong Mười Điều Răn, sau 03 điều nói về Đức Chúa, là điều “Thảo kính Cha Mẹ”. Nó là giới răn vô cùng quan trọng, đứng trên hết các giới răn về con người. Không có bất kỳ lý do gì, bất cứ điều gì có thể hủy hay thay thế nó.

Như vậy, chỉ vì ham mấy bạc cắc của “bà góa” dâng cúng trong Đền Thờ, mà họ dám hủy bỏ luật Thiên Chúa. Tập tục Corban sẽ là tập tục vô liêm sỉ nhất của Do Thái. Họ nghĩ việc thảo kính cha mẹ là điều mà bất kỳ người làm con nào cũng phải tuân giữ, tuân giữ cả đời, chắc nó sẽ là gánh nặng lắm, nên họ bày ra kế để trục lợi cho mình, cứ dâng cúng vào Đền Thờ đi là đủ rồi, xong bổn phận rồi, không còn phải thảo hiếu nữa. Thật vô liêm sỉ!

“Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”

Đây là câu kết án đanh thép nhất mà Đức Giêsu dành cho Kinh sư và Pharisêu từ Giêrusalem đến. Thật phạm thượng! Các người tự lập ra luật, rồi truyền lại cho nhau để biến nó thành Truyền thống tiền nhân và dựa vào truyền thống đó để hủy luật Thiên Chúa.

Không phải mọi truyền thống là xấu, vì nó kết tinh từ bao đời, nó là tinh hoa của cả dân tộc. Nhưng nếu Truyền thống nào đi ngược lại luật Chúa, ta phải cương quyết gỡ bỏ, không được phép duy trì sự sai lầm, sự xúc phạm đến luật Chúa.

Còn ta thì sao? Ta nên dừng lại ít phút để xét lại mình, ta đã chu toàn luật Chúa thế nào? Cụ thể bổn phận đối với Tổ tiên và Ông bà cha mẹ. Coi chừng ta còn pharisêu hơn cả người Pharisêu. Lúc sống thì không cho ăn, lúc chết thì lại làm văn tế ruồi. Lúc cha mẹ còn sống thì bỏ rơi, đến lúc chết, cố vay nóng vay nguội để làm đám ma thật to, thuê vài hội kèn thổi cho đinh tai nhức óc, như để hét vào mặt thiên hạ, ta là người con có hiếu.

Có lẽ không thời đại nào như thời đại hôm nay, thời đại mà người ta yêu chuộng hiệu năng, yêu chuộng sự nổi tiếng, yêu chuộng thành đạt, yêu chuộng thần tượng... yêu chuộng đến nỗi người già cả, tật nguyền bị đẩy ra lề xã hội. Có bao nhiêu người con đã đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão, phủi tay bổn phận hiếu thảo, như tập tục Corban của kinh sư và Pharisêu mà hôm nay Đức Giêsu đề cập. Ta có ở trong số đó không? Hy vọng là không! Coi chừng ta lại lừa dối mình lần nữa.

“Các ông còn làm những điều khác giống như vậy nữa!”

Còn nhiều điều nữa mà Đức Giêsu không muốn đề cập. Marcô thật châm biến khi nói: “điều khác giống như vậy”, do đó chỉ cần đề cập đến điều này là hiểu tất cả, vì chúng giống nhau mà không cần giải thích.

Hôm nay thật may mắn cho Pharisêu và Kinh sư, chỉ cần điều này thôi cũng đủ choáng rồi, nếu kể thêm nữa chắc chắn họ sẽ bị đột quỵ ngay tại Galilê này, không còn đường trở về Giêrusalem nữa.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2727
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  214
 Hôm qua:  2680
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12333925

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn