Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba Tuần IV Mùa Chay
(01/04/2014 ) - (Ga 5,1-3a.5-16)
ĐỨC GIÊ-SU CHỮA MỘT NGƯỜI ĐAU ỐM Ở HỒ NƯỚC TẠI BẾT-DA-THA

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.

Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!" Đức Giê-su bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!" Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.

Hôm đó lại là ngày sa-bát. Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!" Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: 'Anh hãy vác chõng mà đi!" Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: 'Vác chõng mà đi'?" Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.

Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.”

HỒ NƯỚC BẾT-DA-THA

Theo Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP, đăng trên trang web Tổng Giáo phận Huế. (năm 2012)

Trước thế kỷ 20, các học giả của Tin Mừng Gioan cho hồ nước này chỉ là biểu tượng, chứ không có thật tại Jerusalem, nhiều người còn chú giải 5 hành lang tượng trưng cho 5 Sách của Ngũ Kinh, 38 năm tượng trưng cho 38 năm dân Do-thái lang thang trong sa mạc. Trường Kinh Thánh và Khảo Cổ của Dòng Đa-minh, École Biblique, tìm ra tông tích của chiếc hồ này ở phía Tây của Đền Thờ, gần nhà thờ St. Ann hiện nay, cùng với các các di tích lịch sử của nó. Hai cái hồ tìm thấy nằm kế cận nhau được giải thích trong tờ hướng dẫn của các cha dòng White Friars như sau:

- Thời xa xưa, những hồ chứa nước được thiết lập trong thung lũng này. Một cái hồ đơn giản được đào để chứa nước chảy qua thung lũng như một cái hồ thiên nhiên. Sau này, cái hồ này được xây và biến thành hồ nhân tạo với chiều kích 40x50 m bằng cách dùng một ống dẫn nước rộng khỏang 6 m. Nước trong hồ được dẫn vào Đền Thờ bằng một con kênh nhỏ. Sách Isaia 7:3 và 2 Kgs 18:17 ám chỉ con kênh nhỏ này.

- Vào cuối thế kỷ 3rd BC, một chiếc hồ thứ hai được thiết lập, có lẽ vào khoảng thời gian của Thượng Tế Simon (x/c Sir 50:3). Nó được xây ở phía Nam của ống dẫn nước, con kênh nhỏ được bao phủ và trở thành ống dẫn nước vào Đền Thờ.

- Vào giữa năm 150 BC và 70 AD, một trung tâm chữa bệnh nổi tiếng được phát triển về phía Đông của hai cái hồ này. Một giếng nước, chỗ tắm, và những bàn thờ cũng được thiết lập cho mục đích chữa trị và tôn giáo. Nơi đây là nơi tụ họp của nhóm người bị cấm không cho vào trong Đền Thờ vì bệnh tật. Họ chờ đợi khi thiên thần khuấy động nước là lăn xuống hồ để được chữa trị. Chính tại nơi Cửa Chiên này, Chúa Giêsu đã chữa lành người bại liệt.

- Vào thế kỷ 1st AD, một cái hồ lớn hơn, BIRKET ISRAEL, được xây gần Đền Thờ, làm cho những cái hồ ở Bethzatha không còn quan trọng nữa. Một tường thành mới được xây dựng về phía Bắc bởi Herod Agrippa vào năm 44 AD, ngăn cản không cho nước chảy vào Đền Thờ nữa.

(Hết trích)

“Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm”. Con số 38, đủ cho độc giả hiểu được tình trạng của người bất toại này thế nào, tuyệt vọng đến mức nào. Nếu Đức Giêsu không đi qua đây, tình trạng đó có thể kéo dài đến hết cuộc đời. Chắc chắn anh đã nghĩ ra các giải pháp, vì người ta thường nói: “Cái khó nó ló cái khôn”, nhưng tất cả các giải pháp anh đưa ra đã thất bại, vì “cái khó nó bó cái khôn”.

Con số 38 năm cũng nói lên một cuộc sống đơn độc, không những không có người thân, mà cũng không có đến sự trợ giúp của người khác. Như vậy nhìn về phía nào cũng thấy đen tối.

Nếu Đức Giêsu không đi qua đây, có lẽ không ai biết đến anh, Thánh sử Gioan cũng không có dịp ghi lại. Nhưng Đức Giêsu đã đi qua đây, mọi sự phải thay đổi. Ngài sẽ can thiệp để đem hy vọng, đem sức sống cho người bất toại này.

Đời ta phần nào cũng giống vậy, có thể ta không bất toại về thể lý (phần xác), nhưng không có gì đảm bảo ta không bất toại về linh hồn. Ta đã phạm nhiều sai lầm, làm nhiều điều sai trái để rồi bị lương tâm cắn rứt. Nhưng ở đây chỉ muốn nói đến, có một thói quen xấu đã khống chế ta suốt thời gian dài mà chưa dứt ra được. Ta đã từng đấm vào ngực mình, tai sao tôi không thể khắc phục, tại sao? .... tại sao? ...... và tại sao? Quá vô lý và thật vô lý, vậy mà ta cứ xét đoán người này người nọ, cứ phê bình người này người kia. Thật tội chồng lên tội.

“Nếu Đức Giêsu không đi qua đây”, có nghĩa không đi qua đời ta, thì tất cả chỉ là tuyệt vọng, một sự tuyệt vọng khủng khiếp. Vậy độc giả hãy cầu xin với Đức Giêsu: “xin Ngài đi qua đời con, để con được đổi mới, và để con được sống.”

“Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không?"

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao Đức Giêsu mới đi qua đây lần đầu, sao Ngài có thể biết “anh sống trong tình trạng đó đã lâu”? Và tại sao “Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động”, Ngài lại chỉ chú ý đến anh ta? Gioan dùng từ rất sâu sắc. Ông nói, Đức Giêsu “biết”. Vâng Đức Giêsu đã biết. Cái biết của Thiên Chúa không như cái biết của con người.

Con người là loài thụ tạo, phải tuân theo quy luật về không gian và thời gian, nó đầy tương đối. Tầm nhìn xa con người không quá “01 mét” và cái biết cũng không cao quá “01 gang tay”. Ngay như chính ta, ta cũng không biết về ta. Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa. Cái biết của Thiên Chúa là cái biết tuyệt đối, vượt lên trên không gian và thời gian. Tất cả mọi sự, từ khai thiên lập địa cho đến tận thế đang trải ra trước mặt Ngài như một cuốn phim. Thử hỏi: làm sao Đức Giêsu không biết người bất toại này đã sống 38 năm nay. Và mặc dù “Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động”, Ngài chỉ chú ý đến anh ta, vì con số 38 năm quá ấn tượng. Ngài không muốn nó thêm một ngày nào nữa.

“Biết và lên tiếng” là phong cách của Con Thiên Chúa, nếu biết mà không lên tiếng thì có ích gì! Thiên Chúa đã lên tiếng trước, không đợi con người cầu xin. "Anh có muốn khỏi bệnh không?" Đức Giêsu đã đánh vào khát vọng của anh. Làm sao anh không muốn.

Như vậy độc giả an tâm, Thiên Chúa luôn là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài biết rất rõ khát vọng thầm kín nhất của ta. Ngài sẽ lên tiếng trước, không đợi ta lên tiếng xin Ngài. Nhưng liệu ta có nghe được tiếng Ngài nói không, đó lại là vấn đề khác. Hy vọng ta sẽ nghe được tiếng Ngài, ta đừng để sự ồn ào của cuộc đời át đi tiếng nói đó.

“Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!"

Qua câu nói của người bất toại, độc giả sẽ hiểu được đặc điểm của hồ nước Bết-da-tha, mỗi khi nước trong hồ khuấy lên, ai khuấy nó nên ta không biết, khi nước trong hồ khuấy lên, thì ai xuống hồ trước, người đó sẽ được khỏi bệnh. Gioan không giải thích sự kiện này, cho dù chỉ một lời vắn tắt. Nhưng cái gì nó cũng có nguyên nhân, nguyên nhân sâu xa nhất, đó là Quyền năng của Thiên Chúa trên thiên nhiên.

“khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ”, nói lên sự đơn độc của anh. Anh bị nhiều nỗi đau một lúc, ngoài đau khổ thể lý ra, anh còn bị sự bỏ rơi của người chung quanh. 

“Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi”, người bất toại này luôn là người đến sau, có giỏi lắm cũng chỉ là người đến thứ hai. Một sự đến sau, cũng đồng nghĩa tiếp tục sống trong bóng tối. Người bất toại này như thế, nhưng liệu ta có hơn anh ta không? “Anh luôn là người đến sau” đã giải thích tất cả. Luôn là người đến sau thật tai hại, mất tất cả, mất luôn cái hạnh phúc mà đúng lý nhanh chân một chút là được.

“Đức Giê-su bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!" Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.”

Gioan muốn cho ta biết, người bất toại này không cần phải chờ nữa vì Đức Giêsu đã đến. Cái hồ nước kia cho dù có đặc tính trổi vượt như vậy, nhưng muôn đời nó vẫn chỉ là hồ nước, tự nó không có sức chữa bệnh nếu Thiên Chúa không giao phú cho nó. Con Thiên Chúa đang ở đây, cái hồ nước sẽ trở nên vô nghĩa, vì anh ta không còn cần nó nữa.

Con Thiên Chúa ra lệnh: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!", một quyều uy tuyệt đối và tức khắc anh đã lành bệnh. Nhưng độc giả nên lưu ý cụm từ “vác chõng mà đi”, nếu hôm nay không phải là ngày Sabbath, sẽ không có chuyện gì, nhưng khổ nỗi hôm nay là ngày Sabbath nên mới có chuyện.

Độc giả có thể nghĩ, Đức Giêsu cố tình nói vậy và Ngài biết rất rõ hôm nay là ngày Sabbath, vì không người Do Thái nào lại không biết, biết để phòng thân. Vâng, có thể Đức Giêsu cố tình làm như vậy vì: “Anh hãy trỗi dậy”, có nghĩa anh sẽ khỏi và anh sẽ vui mừng tột cùng, thì niềm vui của con người không có gì cản được, vì Ngày Sabbath dựng nên vì con người chứ không phải con người vì ngày Sabbath. Ngày Sabbath dựng nên vì con người, thì ngày đó cũng phải phục vụ niềm vui và hạnh phúc của con người. Nếu niềm vui và hạnh phúc của con người bị ngày Sabbtah hạn chế, thì ngày đó có quyền trên con người và con người được dựng nên để phục vụ cho ngày Sabbath.

Con người được dựng nên trước, và ngày Sabbath chỉ được thiết lập vào thời Môsê, thì không lý gì cái đến trước lại phục vụ cho cái đến sau. Con người là đỉnh cao của sự Sáng tạo, không lẽ cái đỉnh cao lại đi phục vụ cho cái đang nằm phía dưới trong cái tháp nhọn sáng tạo. Những người lãnh đạo Do Thái giáo đang cố tình sống trong sự đảo ngược này và bắt tất cả dân Chúa chọn cũng phải sống như vậy.

Chính vì thế Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, mạnh mẽ và quyết tâm, kéo cái ngày Sabbath về đúng vị trí của nó, nó phải phục vụ con người.

“Hôm đó lại là ngày sa-bát. Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!" Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: 'Anh hãy vác chõng mà đi!"

Sự kiện người bất toại sau khi được chữa khỏi, đã vác chõng về nhà, đã gây sự chú ý của mọi người, thật táo bạo và lạ đời! Gioan viết: “Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh”, “Người Do Thái” ở đây, là tiếng chỉ chung cho loại người trung thành với lề luật, luôn lên án bất kỳ ai đi ra ngoài lề luật, cụ thể ở đây là luật Sabbath.

Độc giả có thấy phản ứng của người đã khỏi bệnh. Anh ta không vì câu nói của “Người Do Thái” mà bỏ chõng xuống, anh ta cứ tiếp tục vác, vì anh đang tuân lệnh của một Đấng. Anh nói: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: 'Anh hãy vác chõng mà đi!". Lệnh của Người đó vượt trội trên Luật Sabbath. Như vậy, thái độ vác chõng và câu trả lời của anh như một cái tát nảy lửa vào mặt những kẻ chống lại Thiên Chúa, khi đưa ra một luật biến con người trở thành tên nô lệ cho ngày Sabbath.

“Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: 'Vác chõng mà đi'?" Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.”

Như vậy cái câu, "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!" đã bị anh vô hiệu hóa. Người Do Thái biết không thể làm gì được với người này, vì anh ta thuộc loại người đã bị dồn đến đường cùng, nói theo ngôn ngữ bình dân, anh ta thuộc loại người “cùi không sợ lở”. Người Do Thái mới quay sang người đã ra lệnh cho anh. Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: 'Vác chõng mà đi'?". Anh ta trả lời không biết, đó làm một sự thật. Anh không biết đó là người nào, theo Gioan nói: “Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.”

Độc giả có thể thắc mắc: Tại sao Ngài phải lánh đi, Ngài sợ đám đông chăng? Ta liên tưởng đến Bài Tin mừng Chúa nhật IV Mùa Chay vừa qua, Đức Giêsu cũng lánh mặt sau khi nói anh mù đến hồ Si-lô-ác để rửa. Cả 02 sự lánh mặt này có cái gì đó mà ta cần tìm hiểu.

Đức Giêsu để cho người mới được chữa khỏi tự đối phó mọi tình huống xảy ra, Ngài không can thiệp và phải vắng mặt. Chính những lời người này nói khi không có mặt Ngài, một mặt để họ biểu lộ bản lĩnh của mình cách can đảm, không sợ uy quyền của luật pháp, mặt khác để họ biểu lộ niềm hạnh phúc của mình, như ngầm nói với những người đang ngăm nghe rằng, họ không có quyền gì hết, không có quyền bắt người khác không được biểu lộ niềm vui của mình.

“Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.”

Độc giả rất ngạc nhiên trước câu nói của Đức Giêsu: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" Vậy hóa ra Ngài cũng đồng quan điểm với người Do Thái, khi cho rằng bệnh hoạn có liên quan đến tội của họ sao?

Trong khi ở trường hợp chữa cho người bị mù từ khi mới sinh, Đức Giêsu nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. ” Như vậy 02 trường hợp này hoàn toàn trái ngược nhau.

Để giải quyết vấn đề này, ta phải hiểu: Tội lỗi là một màu nhiệm, nó có thật. Vì nó có thật nên mới có công trình cứu chuộc. Ông bà Nguyên tổ đã phạm tội, đây không phải là tội cá nhân, mà là tội thuộc về bản tính. Như vậy, bất cứ ai là người đều là kẻ tội lỗi ngay từ lúc sinh ra, sinh ra đời với thân phận kẻ tội lỗi.

Hậu quả của tội là sự dữ, sự đau khổ và sự chết. Như vậy nếu xét một cách sâu xa, ta có thể nói, bệnh hoạn, tật nguyền không thể nào đứng biệt lập mà không liên quan đến tội lỗi. Không tội của mình thì cũng tội của người khác.

Ở trường hợp người mù từ khi mới sinh, Đức Giêu khẳng định, không phải tội anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Đó mới chỉ xét anh và cha mẹ anh, chứ chưa xét đến cao hơn nữa và chưa đi đến Nguyên tổ. Đức Giêsu nói vậy để cho công trình Thiên Chúa được tỏ hiện, đó là đánh tan mặc cảm đang ngự trị đời anh, cái mặc cảm pha lẫn sự oán hận cha mẹ, vì các ngài mà anh phải chịu khổ.

“Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.” Độc giả sẽ ngạc nhiên trước thái độ của người này, tại sao phải đi nói với người Do Thái, anh có thể im lặng, vì lúc đầu anh đã trả lời không biết, lúc đó anh thực sự không biết. Còn bây giờ anh đã biết và cũng không ai hỏi anh nữa, vậy tại sao anh lại nói ra?

Có lẽ đây là nhược điểm của anh ta. Nhưng từ nhược điểm này đã nói lên nhiều điều:

+ Cái uy quyền của luật pháp quá lớn, làm cho mọi người phải khiếp sợ, nhất là vi phạm luật Sabbath. Anh ta sợ trước sau gì người Do Thái cũng biết nên tự nói trước, không đợi họ hỏi lần nữa.

+ Anh ta nói cho người Do Thái biết, đó là Đức Giêsu. Nói như vậy hóa ra lại hay, vì muốn cho người Do Thái biết, Ngài không bao giờ để cho con người phải khổ vì lề luật chằng chịt và rối rắm như vậy. Ngài luôn lên tiếng về ngày Sabbath, vì ngày Sabbath được dựng nên vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì ngày Sabbath. Đó là sự dứt khoát, quyết liệt và rõ ràng.

“Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.”

Gioan dùng từ rất sâu sắc “vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.”. Từ “hay” nó nói lên quan điểm dứt khoát của Đức Giêsu về ngày Sabbath. Nếu nói theo ngôn ngữ bình dân, Đức Giêsu là một chuyên gia, chuyên gia vi phạm ngày Sabbath.

Sự chống đối, mâu thuẩn càng lúc càng tăng lên, nó sẽ đi đến đỉnh điểm, đó là cây Thánh giá trên đồi Golgotha, và người nằm trên Thánh giá đó, không ai khác hơn là Đức Giêsu.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2669
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  16
 Hôm nay:  1964
 Hôm qua:  2555
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12332995

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn