Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần II Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần II Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ ba Tuần II Mùa Chay năm chẵn
(18/03/2014) - (Mt 23, 1-12) – MÙA CHAY 2014

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".

"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.

Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Thánh sử Matthêu dành nguyên Chương 23 để nói về Kinh sư và Pharisêu, trong đó Đức Giêsu chủ yếu lên án thái độ giả hình, và thái độ đóng kịch: Cha ông họ giết các tiên tri và ngôn sứ, còn họ thì xây mồ mả cho các ngài. Matthêu làm vậy hẳn có chủ đích, vì Tin mừng do ông viết nhắm vào người Do Thái, họ đã chán ngấy lối sống giả hình của Pharisêu nhưng không dám nói ra, nên việc tập trung các giáo huấn này vào một chương sẽ có tác động rất mạnh.

“Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người”

Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu lên án lối sống giả hình của Kinh sư và Pharisêu, nhưng độc giả thấy rõ, Ngài không nói trực tiếp với họ mà nói với dân chúng và các môn đệ. Độc giả có thể thắc mắc: Tại sao Đức Giêsu làm vậy? Sao Ngài không nói thẳng với Kinh sư và Pharisêu? Xin thưa: vì ở đây Đức Giêsu không nhắm vào giáo huấn họ đang giảng dạy, nhưng tấn công trực diện vào lối sống, vào thái độ “Ngôn hành bất nhất” (lời nói và cách sống không đi đôi với nhau) dễ gây ra gương mù dịp tội cho dân chúng. Điều này sẽ dẫn đến cái chết của Ngài sau này, vì họ luôn nhìn Ngài là kẻ xách động quần chúng nổi loạn.

"Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.”

Truyền thống Do Thái coi Môsê là một vị Thầy (Ga 9,28) đã được Thiên Chúa đặt tòa trên núi Sinai; uy quyền này được ban xuống cho các kinh sư qua các vị kỳ mục và ngôn sứ. Như thế, “ngồi trên tòa ông Môsê” có nghĩa là tiếp nối chức năng làm thầy của Môsê: giải thích, áp dụng bằng cách triển khai Luật Môsê, nhưng cũng có nghĩa, các kinh sư chiếm cho mình quyền giảng dạy trong các hội đường.

“Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”

“tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”, như vậy chứng tỏ Đức Giêsu công nhận quyền làm thầy của họ, vì họ là thành phần được tuyển chọn, được huấn luyện để dẫn dắt dân chúng. Ngài nói với dân chúng là: hãy làm, hãy giữ những gì họ nói, như vậy ngay cả giáo huấn của Kinh sư và Pharisêu, Ngài cũng không đả động đến.

Nhưng độc giả có thể thắc mắc, chính câu này đã gây ngạc nhiên không ít, vì Đức Giêsu trong Tin mừng Matthêu đã lên tiếng chống lại giáo huấn của người Pharisêu dù họ dựa trên “truyền thống của tiền nhân” (Mt 15, 1-9), Ngài đã loại bỏ cách họ giải thích luật về trong sạch, và đã gọi họ là mù dắt mù (Mt 15, 10-14). Chính Matthêu cũng cảnh giác đối với giáo huấn của người Xađốc và Pharisêu (Mt 16,12).

Ở đây ta có thể hiểu như sau: Thôi tạm thời cứ coi giáo huấn của họ đúng đi, vì mục đích chính là nhắm vào thái độ giả hình: HỌ NÓI MÀ KHÔNG LÀM, chứ không nhắm vào giáo huấn. Còn trong lĩnh vực giáo huấn, Đức Giêsu sẽ bàn đến sau.

“Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào”. Matthêu dùng cụm từ “bó những gánh nặng” để ám chỉ họ vẽ ra đủ thứ luật, phải nói đó là một rừng luật mà dân chúng phải tuân giữ. Ngay luật Ngày Sabat, cũng đủ làm người ta choáng váng, nào là không được làm điều này, không được làm điều kia, đến nỗi không biết đâu mà lần, thôi thì Ngày Sabath cứ ở luôn trong nhà cho nó lành. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các Kinh sư và Pharisêu không tuân giữ những luật đó, Matthêu diễn tả trong cụm từ “không buồn động ngón tay vào”. Như vậy họ đã tự cho mình ở trên lề luật. Đức Giêsu lên án thái độ hống hách này.

Nếu đối với Kinh sư và Pharisêu, Matthêu dùng cụm từ “gánh nặng”, thì với Đức Giêsu sẽ là “gánh nhẹ nhàng”, Matthêu viết: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11, 28-30). Một sự tương phản thật sâu sắc.

“Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".

Matthêu dùng cụm từ “Họ làm mọi việc”, có nghĩa bất kỳ việc gì Kinh sư và Pharisêu làm cũng cốt để cho người ta thấy. Giới chuyên môn gọi đó là “KHUYNG HƯỚNG QUY NGÔ, có nghĩa khuyng hướng muốn tất cả mọi sự phải quy về mình. Đó là tính phô trương lố bịch, để cho người ta thấy, mà đâu phải chỉ thấy không, còn để người ta khen nữa, đó mới là chủ đích. Như vậy, họ làm mọi việc không xuất phát từ thiện ý, không xuất phát từ lòng yêu mến, mà là cố để tự đề cao mình. Đây là sự đóng kịch kinh tởm, họ luôn đeo chiếc mặt nạ đối với dân chúng, và ngày hôm nay, Đức Giêsu sẽ lột chiếc mặt nạ đó xuống để họ phải hiện nguyên hình.

Có lẽ càng đi sâu vào Mùa Chay, sự mâu thuẫn giữa Đức Giêsu và Kinh sư, Pharisêu càng đi đến quyết liệt. Vì Đấng Chân Thiện Mỹ không thể khoan nhượng với lối sống giả hình như vậy, sự mâu thuẫn càng ngày càng tăng và đỉnh điểm của nó sẽ là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Khi người ta đóng đinh Ngài vào thập giá, cũng đồng nghĩa đóng đinh tội lỗi nhân loại vào đó.

Sự đóng kịch và phô trương thể hiện ở 03 lãnh vực phổ biến:

+ Cách ăn mặc.
+ Ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường.
+ Thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng và được người ta gọi là “ráp-bi”

a/. Về cách ăn mặc: “họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài”.

“Hộp kinh”: (Theo Lm PX Vũ Phan Long, ofm)

Đây là những hộp vuông nhỏ bằng da bê đen chứa những giải giấy da bê trên đó có chép bốn bản văn Kinh Thánh: Đnl 11,13-22; 6,4-9; Xh 13,11-16; 13,2-10. Hộp kinh rất được tôn kính vì nói lên lý tưởng: thường xuyên ghi nhớ Lề Luật Thiên Chúa và cam kết thi hành. Khi được 13 tuổi, người nam Israel đeo một hộp ở trên đầu và một hộp trên cánh tay trái, buổi sáng những ngày thường (làm việc), vào giờ cầu nguyện, và đọc lời chúc tụng sau: “Chúc tụng Ngài, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, vì Ngài đã thánh hóa chúng con bằng các giới răn của Ngài và đã truyền chúng con đeo các hộp kinh”. Bản văn chúng ta nói đến một tập tục của những người Do Thái mộ đạo, họ đeo các hộp kinh và học tập Kinh Thánh suốt ngày, và nới rộng các giải vải để cho mọi người thấy. Đức Giêsu không trách họ đã đeo các hộp kinh, nhưng trách họ đã đeo để khoe khoang.

Hết trích.

“Tua áo”: (Theo Lm PX Vũ Phan Long, ofm)

Về các tua áo (kraspeda): đấy là những núm tua bằng len hoặc lụa mà luật dạy (Ds 15,37-39) đeo ở bốn góc áo choàng, như một lời thường xuyên nhắc nhớ đến các giới răn của Chúa phải thi hành. Người Pharisêu nối dài các tua này vì khoe khoang.

b/. Thích ngồi chỗ nhất trong bữa tiệc:

Có lẽ Kinh sư và Pharisêu còn nhớ như in một lần bị bẽ mặt, khi dự bữa tiệc nhà của vị thủ lĩnh, có Đức Giêsu và môn đệ tham dự. Luca viết: “Người (Đức Giêsu) nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 14, 7-11)

Luca viết họ nín thinh mà không có phản ứng gì, không phản ứng gì có nghĩa Đức Giêsu đã đánh thẳng về tính háo danh của họ. Ngày hôm nay Ngài nhắc lại như để vạch trần cho dân chúng thấy.

c/. Thích được người ta gọi là “ráp-bi”

“ráp-bi” (rabbi): (Theo Lm PX Vũ Phan Long, ofm).

Vào thời Đức Giêsu, từ Híp-ri Rab (to lớn) có nghĩa là “chúa”, và rabbi là “chúa của tôi”. Nhưng dần dần rabbi chỉ còn nghĩa là “chúa, ngài”, rồi đến cuối thế kỷ I, chỉ một phận vụ (giống như “tiến sĩ, thầy”), và được dùng để gọi các vị thầy tôn giáo và các chuyên viên nổi tiếng nhất về Luật.

Hết trích.

Như vậy, Đức Giêsu đã vạch trần tất cả thói xấu xa của Kinh sư và Pharisêu cho dân chúng thấy, nó cũng đồng nghĩa đưa những gì còn nằm trong bóng tối ra ánh sáng, và vạch trần những gì mà dân chúng biết nhưng không dám nói ra. Ngài nói thay cho họ, và mục đích của Ngài muốn nhắn gửi đến mọi người và cho chúng ta hôm nay, hãy sống đúng với con người thật của mình trong sự khiêm tốn và chân thành, hãy loại bỏ ra khỏi mình những sự giả hình, đóng kịch và phô trương.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.”

Đức Giêsu muốn nói riêng với môn đệ, và cho những người lãnh đạo Giáo hội hôm nay, đừng đi vào vết xe của kinh sư và Pharisêu. Cụ thể: “đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", “đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo” và “đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em”, có nghĩa đừng rơi vào thói vụ hình thức, giáo sĩ trị. Quyền bính của Sứ giả Tin mừng có được, nó được xuất phát từ Đức Giêsu và quyền bính đó để phục vụ anh em chứ không phải bắt người khác phục vụ mình.

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao người ta vẫn gọi các tu sĩ, linh mục là thầy, cha,... trong khi Đức Giêsu lại nói, anh em đừng để ai gọi như vậy vì anh em chỉ có một Cha ở trên trời? Để trả lời cho câu hỏi này ta hãy đi đến câu cuối cùng của Bài Tin mừng.

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải sống trong tinh thần phục vụ và khiêm tốn, đây là bài học lớn nhất các môn đệ nhận được từ Đức Giêsu, Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã khiêm tốn tự hạ, trở thành người phục vụ mọi người. Các môn đệ cũng vậy, “người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”, khi trở thành người phục vụ, các môn đệ mới trở thành người cao cả, vì Đức Giêsu nói: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Sở dĩ ta gọi các tu sĩ, linh mục là thầy, là cha, vì các ngài đã sống theo tinh thần phục vụ của Đức Giêsu, các ngài đã được Chúa cất nhắc lên, được tôn lên, và khi được gọi bằng những danh xưng như thế, các ngài đã chia sẻ quyền bính từ Đức Giêsu.

Nhưng nếu ai đó không sống tinh thần phục vụ này thì sao? Hỏi tức là trả lời.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2474
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  19
 Hôm nay:  8
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12336884

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn