Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần I Mùa Chay

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần I Mùa Chay 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba tuần I Mùa Chay
(11/03/2014) - (Mt 6, 7-15) MÙA CHAY 2014
KINH LẠY CHA

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
"Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: 

"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, 
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến, 
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội cho chúng con, 
như chúng con cũng tha 
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, 
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

"Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em."
____________________________

LỜI MỞ ĐẦU:

Chúng ta có hai bản Kinh Lạy Cha, một của Matthêu (Mt 6, 7-15) và một của Luca (Lc 11, 2-4).

Kinh Lạy Cha của Matthêu là một phần của Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu dạy cho dân chúng và các môn đệ. Trong Bài giảng trên núi Ngài chỉ dạy mọi cách thức để người ta có thể nên trọn lành, cụ thể là Tám mối phúc, và có cả phương pháp cầu nguyện, đó là Kinh lạy Cha. Bản kinh Phụng vụ lấy theo Kinh Lạy Cha của Matthêu, vì đây là bản kinh đầy đủ nhất.

Còn Kinh Lạy Cha của Luca, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ khi các ông xin Ngài, khi Ngài vừa cầu nguyện xong. Luca viết: “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông." (Lc 11, 1) Như vậy, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ cầu nguyện (Kinh Lạy Cha) khi Ngài vừa cầu nguyện xong, có nghĩa Ngài đã truyền cảm hứng và tâm tình của mình vào Bản Kinh này.

Nhưng Kinh Lạy Cha của Luca ngắn hơn so với Matthêu. Nó gồm một lời khẩn cầu, hai ước mong và ba lời thỉnh nguyện.

Như vậy xem ra Đức Giêsu dạy kinh Lạy Cha này nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và theo những công thức khác biệt. Có lẽ Ngài cũng thêm cả một phần chú giải chi tiết nữa.

Kinh Lạy Cha là kinh duy nhất Đức Giêsu để lại cho các môn đệ và chúng ta, Giáo hội luôn coi trọng kinh này và sử dụng nó trong phụng vụ. Ta cũng đọc kinh này hàng ngày, và đọc nhiều lần trong ngày, vì đó lời kinh hoàn hảo nhất, ta có thể dâng lên Thiên Chúa. Ta đọc kinh này trong Thánh lễ, trước khi bắt đầu một công việc đạo đức, trong những Phụng vụ khác, trước bữa ăn hay bữa tiệc,... Nhưng cũng từ đó có thể vì thói quen, nó đưa ta đến chỗ máy móc, đọc theo thói quen. Giáo hội hôm nay cho đọc lại Bản Kinh này trong phụng vụ Lời Chúa, như để nhắc nhở ta ý thức mỗi khi đọc kinh này, ta biết nhìn lên Thiên Chúa là Cha của mình, và cũng để ta ý thức lại tình huynh đệ giữa anh em với nhau, vì cùng là con của Cha trên trời.
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:” 

Cầu nguyện luôn là nhu cầu tinh thần của con người qua mọi thời đại. Cho dù có theo tôn giáo nào, người ta đều phải cầu nguyện, vì cầu nguyện chính là sự hiệp thông, liên hệ mật thiết với Đấng mà họ tôn thờ. Nhưng cầu nguyện như thế nào mới đúng, đó là vấn đề ta phải quan tâm. Đức Giêsu sẽ chỉ cho ta biết cầu nguyện. Trước hết Ngài nói về CÁCH CẦU NGUYỆN:

Đức Giêsu nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời”. Matthêu sử dụng cụm từ “lải nhải”, như muốn nói về loại người khi cầu nguyện cứ kể lể dài dòng. Họ làm vậy vì nghĩ rằng Chúa sẽ nhận lời. Matthêu nói, họ là dân ngoại, vì họ không có niềm tin đúng đắn vào Thiên Chúa, họ đã kéo Thiên Chúa xuống một cấp, coi Ngài như một Đấng có uy quyền nhưng không lòng có trắc ẩn, nên cứ phải nói nhiều, năn nỉ thật nhiều Ngài mới nhận lời.

Điểm đặc biệt ở đây, Đức Giêsu không đưa người Pharisêu làm ví dụ mà là dân ngoại, vì Ngài không nói đến sự giả hình nhưng chú trọng về sự lải nhải. Mặc dù đôi lúc Ngài lên án sự giả hình của Pharisêu như trong dụ ngôn Hai người lên Đền thờ cầu nguyện, nhưng Ngài nhấn mạnh sự lải nhải của con người qua mọi thời đại. Đức Giêsu nhắc khéo cho ta biết, trên thế giới này có bao nhiêu người, nếu người nào cũng cầu nguyện theo cách đó, nó vừa hạ thấp Thiên Chúa, không tin Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự và là Người Cha đầy lòng yêu thương, nó cũng vừa hành hạ Thiên Chúa quá đáng. Tội nghiệp cho Ngài, nguyên cái việc con người trên thế giới này lải nhải như vậy, mà phải ngồi nghe họ, chắc Ngài sẽ “bị điên mất”.

Thiên Chúa bị điên ư? Có chứ sao không, nếu người ta cứ lải nhải như vậy. Ai đã từng bị mấy “Bà Tám” hành hạ, họ sẽ thấm thía lời Đức Giêsu nói hôm nay.

Đức Giêsu nói: “Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin”. Ngài muốn nói đó là cách cầu nguyện ấu trí, chưa trưởng thành và các môn đệ phải tránh xa cách cầu nguyện này. Vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài biết trong suy nghĩ của ta, như vậy trước khi ta mở miệng Chúa đã biết rồi, vậy lải nhải để làm gì chứ! có làm Ngài nhàm chán không! Đó là cách cầu nguyện theo kiểu kéo Thiên Chúa xuống, để bắt Ngài phải ngồi đây chịu đựng nghe ta kể lể, hạ thấp Ngài một cách bất xứng. Trong khi cầu nguyện đúng đắn, đó là ta phải hướng về Ngài, kết hiệp mật thiết với Ngài. Hướng lên Ngài chứ không phải kéo Ngài xuống.

Nói tóm lại, ta không được bắt chước “dân ngoại”, thiếu niềm tin vào Thiên Chúa, Đức Giêsu sẽ chỉ cho ta biết cách cầu nguyện. Ngài nói: “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này”, “như thế này” có nghĩa ngay sau đó Ngài sẽ dạy ta cầu nguyện. Đó là KINH LẠY CHA.

Bố cục của Kinh Lạy Cha theo thánh Matthêu bao gồm các phần sau đây:

+ Lời nguyện mở đầu.
+ 03 lời cầu nguyện hướng về Thiên Chúa.
+ 03 lời cầu còn lại hướng về con người.

Ta có thể nói, Kinh Lạy Cha là bản Kinh đẹp nhất, bao gồm toàn bộ sách Tin mừng, nó diễn tả đầy đủ mối tương quan của ta với Thiên Chúa, với anh em và với chính ta.

1/. LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU

“LẠY CHA CHÚNG CON LÀ ĐẤNG NGỰ TRÊN TRỜI,”

Từ “Lạy” là từ đầu tiên của kinh Lạy Cha. Đức Giêsu nói với ta: Thiên Chúa phải là Đấng ta tôn thờ, yêu mến, ta chỉ thờ mình Ngài thôi. “Lạy” đó là thái độ đúng đắn của ta trước Thiên Chúa. Tại sao? Vì Ngài là Vị Thiên Chúa toàn năng đã dựng nên trời đất muôn vật trong quyền năng, và hằng yêu thương chăm sóc trong Tình yêu của Ngài. Do và nhờ Ngài, ta hiện hữu và ta sống. Vậy ta hãy thờ lạy Ngài.

“Lạy Cha” (Abba) cho thấy nét đặc thù của kinh Lạy Cha, Đức Giêsu gọi Ngài là Cha một cách trìu mến. Từ “Cha” sẽ được Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại trong các sách Tin mừng, "Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha.... Mọi sự đều được Cha Ta trao phó cho Ta, và không ai biết được Con trừ phi có Cha; và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con khấng mạc khải ra cho" (Mt 11, 25-27); "Abba, lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này đi khỏi con ... (Mc 14,36; Lc 22,42); "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha . . ." (Ga 17,1).

“Lạy Cha chúng con”, Đức Giêsu muốn khẳng định cho ta biết, Thiên Chúa không những là Cha của Ngài, mà còn là Cha của chúng ta. Ngài đúng là Cha của ta. Thử hỏi rằng có tôn giáo nào quan niệm về Thiên Chúa chính xác như vậy chưa? Xin thưa: chưa. Thiên Chúa đối với với họ là vị Thiên Chúa xa cách, một Thiên Chúa công minh thẳng tay công phạt. Nhưng chỉ có trong Kitô giáo, Đức Giêsu mới mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là một Người Cha, vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài biết rõ Cha mình. Từ đây con người sẽ vỡ òa lên hạnh phúc, vì ta có một Người Cha thật vĩ đại. Ta hãnh diện, ta tự tin bước vào cuộc đời này, vì luôn có Người Cha hằng yêu thương và hằng hiện diện với ta trong từng bước chân của ta, hiện diện với ta trong từng đau khổ và thử thách của ta.

“Ở trên trời”, căn tính của Cha là Thiên Chúa được Đức Giêsu minh họa bằng hình ảnh "ở trên trời". Ðây không đơn thuần xác định nơi chốn ngự trị cách biệt của Thiên Chúa, nhưng theo lối hoán dụ, lấy bộ phận để chỉ toàn thể, đây lấy "trời" để ám chỉ toàn thực tại về Thiên Chúa: Cha vừa là Thiên Chúa thật, vừa luôn siêu việt ngàn trùng. “Trời” mới xứng đáng là ngai của Ngài. Nhưng “ở trên trời”, không có nghĩa nói đến sự xa cách, vì Trời ở ngay chính lòng ta. Vậy Cha của ta hằng ở trong ta.

II/. CÁC LỜI CẦU HƯỚNG VỀ THIÊN CHÚA.

NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG. (Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển)

Trong ngôn từ Kinh Thánh, "Danh" không đơn thuần được sử dụng để đặt tên sự vật, nhưng bao gồm ba chức năng khác nhau: (1) định danh (identification); (2) quyền lực (power); và (3) thẩm quyền (authority). Cả ba thực thể này nhắm trình bày toàn diện căn tính, khả năng và phẩm vị của người mang tên đó. Áp dụng vào trường hợp "Danh Cha", ta thấy tên Thiên Chúa hội đủ ba yếu tố trên ở mức tuyệt đối. Danh Thiên Chúa là chính Thiên Chúa vậy.

Tại sao ta phải xin cho Danh Cha cả sáng? Lời cầu nguyện đó có thừa không? Xin thưa: THỪA và KHÔNG THỪA. Nó thừa vì vinh quang của Thiên Chúa đã tròn đầy và viên mãn, lời cầu xin của ta không làm cho Ngài vinh quang hơn hay kém đi. Như vậy lời cầu xin đó là thừa.

Nhưng vấn đề ở đây, con người qua mọi thời đại có nhận ra Ngài không? Đó mới là vấn đề. Như vậy lời cầu xin này rất thiết thực, ta phải cầu nguyện liên tục trong niềm khao khát: Thiên Chúa được mọi người nhận biết. Danh của Ngài phải rực sáng trong toàn vũ trụ. Thiên Chúa phải ngự trị trong mỗi trái tim của con người. Hạnh phúc của con người chính là vinh quang Thiên Chúa. Vậy nếu còn ai đó chưa nhận biết Danh Ngài, thì ta phải có một phần trách nhiệm trong đó, chứ không phải vô can. Ta chính là người làm cho Danh Cha cả sáng vậy.

NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN (Triều đại Cha mau đến)

Khi bắt đầu Sứ vụ Rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu nói với mọi người: "Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần đến" (Mt 4,17). Như vậy Đức Giêsu khẳng định: Nước Trời đã đến rồi, nhưng Ngài lại nói: nó gần đến, có nghĩa Nước Thiên Chúa đã đến theo Đức Giêsu, nhưng nó sẽ viên mãn trong ngày sau hết, đó là ngày Cánh Chung. Nếu Nước trời đã đến, vậy nó ở đâu? Nó lớn nhỏ thế nào, hình dạng ra sao?

Thánh sử Gioan viết: “Đức Giêsu đã trả lời cho Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." (Ga 18, 36)

“Nước tôi không thuộc về thế gian này”, thật đúng vậy, có nghĩa nó không được xác định theo kiểu thế gian, các phía đông tây nam bắc của nó không xác định, chẳng ai biết nó tiếp giáp với nước nào. Và cũng chẳng ai biết nó rộng bao nhiêu. Không, không có gì xác định nó, vì nó không thuộc về thế gian, nên không thể dùng các phương pháp của thế gian để xác định nó.

Nhưng Nước Trời lại ở trong thế gian vì nó đã đến, đó mới là vấn đề phải chú ý. Không thuộc về nhưng lại ở trong, sự hiện diện của Nước Trời trong thế gian thật sâu sắc, không ai có thể nhìn thấy, nhưng bất cứ ai cũng cảm nghiệm được nó. Nó như nắm men mà người đàn bà ủ trong thúng bột để làm dậy cả thúng, nó âm thầm nhưng tác động cực mạnh vào môi trường chung quanh. Vâng Nước Cha đã ở trong thế gian rồi, nó đang tác động để thế gian này chuyển mình đi về với Thiên Chúa, nó có một sức mạnh nội tại mà không có thế lực nào có thể ngăn cản được. Đức Giêsu nói, các Cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được.

Vậy tại sao ta lại xin cho Nước Cha trị đến? Xin thưa: Vì Nước Cha đã đến rồi, nhưng chưa đi vào từng ngõ ngách của con người, vẫn còn nhiều chỗ khuất, không phải vì Nước Cha không có đó, nhưng nhiều người vẫn không biết mình đang sống trong Nước Cha. Vậy lời cầu xin cho Nước Cha trị đến, phải được hiểu là, xin cho nhiều người nhận biết Cha. Như vậy Kinh Lạy Cha cũng mang ý nghĩa về Truyền giáo.

“Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI”

Ý Cha đã thể hiện đầy đủ trên trời rồi, vì trời là ngai của Ngài, Đức Giêsu còn mong muốn ý của Cha thể hiện dưới đất cũng như vậy, để tất cả đều quy về một mối. Ý của Cha phải được hiểu thế nào? Làm sao biết được Ý Cha?

Ðức Giêsu đã cô đọng ý định này của Thiên Chúa khi khẳng định, thánh sử Gioan viết: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3, 16). Thánh Phaolô còn nói rõ: "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tim 2:4). Cần biết đây không phải là ý muốn độc đoán kiểu lãnh đạo độc tài từng thấy đây đó, nhưng là ước muốn tốt đẹp nhất của người Cha dành cho con mình. Thành tựu được ước muốn của Cha đó sẽ là sung mãn hạnh phúc của con vậy.

Như vậy, khi ta đọc Kinh Lạy Cha, ta đã hướng về toàn thể nhân loại, với ước mong sao cho Ý Cha được thể hiện, có nghĩa xin cho tất cả mọi người được cứu độ, để tất cả chúng ta cùng đi về một mục đích, đó là về với Cha.

II/. CÁC LỜI CẦU HƯỚNG VỀ CON NGƯỜI.

“XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY”

Sau các lời nguyện hướng về Thiên Chúa, Đức Giêsu chú ý đến những nhu cầu thiết thực cho con người. Trong các nhu cầu, Đức Giêsu đã đặt vấn đề lương thực lên vị trí đầu tiên. Phải có lương thực cái đã rồi muốn nói gì thì nói. Không ai có thể nói hay nói tốt khi chính mình và người chung quanh đang đói được, nếu vậy thì lời nói của họ chỉ là sáo ngữ.

Nếu để ý trong lời cầu xin cho con người, Đức Giêu luôn dùng chủ thể ở số nhiều, có nghĩa Ngài luôn dùng cụm từ “Chúng con” chứ không nói “con”. Ngài muốn chúng ta sống trong tinh thần tập thể tương trợ. Trong lời cầu xin phải thể hiện tinh thần bác ái huynh đệ, chứ không phải là nơi phô diễn sự ích kỷ cá nhân.

Cụm từ: “Hôm nay” .... “hằng ngày”, nó muốn diễn tả điều gì? Xin thưa: Lời cầu xin phải thật cụ thể chứ không mông lung. Xin cho hôm nay, và bây giờ. Nhưng nó cũng hướng về tương lai: “Hằng ngày” để mọi ngày trong đời ta luôn ở trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ta phải chăm chỉ làm việc, vì Thiên Chúa là Đấng luôn làm việc, nên Ngài chỉ ở trong con người luôn làm việc, chứ không hiện hữu trong kẻ lười biếng. Nhưng lời cầu xin cho lương thực hằng ngày, nó thật cần thiết, vì không có gì không do Ngài ban cho. Nếu gạt Thiên Chúa ra ngoài cuộc đời mình, thì ta chẳng còn gì hết. Chẳng còn gì hết.

Lương thực ở đây phải được hiểu theo cả 02 nghĩa: Lương thực nuôi sống con người bằng xương bằng thịt, và Bánh Thánh thể nuôi sống phần hồn. Cả hai lương thực này phải được bao gồm trong Kinh Lạy Cha. Do đó, trong Thánh lễ, trước khi đến phần Rước lễ, Giáo hội cho đọc kinh Lạy Cha này để xin Bánh Thánh Thể nuôi sống linh hồn mình.

Ngày xưa Thiên Chúa nuôi dân Ngài bằng Manna trong sa mạc, thì ngày nay Thiên Chúa nuôi chúng ta theo cách của Ngài, mà ta gọi là sự quan phòng của Thiên Chúa.

“VÀ THA NỢ CHÚNG CON, NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON” (Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con)

Ta cứ suy nghĩ hoài câu hỏi của Thánh Phêrô với Đức Giêsu, ông nói: "Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Ðức Giêsu đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18, 21-22). Ðã tha là tha hoài tha mãi!

Ở đời, người ta chỉ tha giỏi lắm đến 03 lần, như lời ông bà nói “quá tam ba bận”. Tha đến 03 lần là giỏi lắm rồi, nhiều khi chỉ vì 01 câu nói chạm tự ái, người ta đã không nhìn nhau cho đến lúc chết. Chỉ 01 lần thôi cũng đủ để kết thúc mọi sự, thế mà Đức Giêsu lại dạy: “Tha đến bảy mươi lần bảy”. Thật kinh khủng! vượt quá ý chí của con người.

Cảm động hơn cả vẫn là lời xin ơn tha thứ của Ðức Giêsu trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23:34). Lạ lùng, đời nào có chuyện Ðấng chịu đóng đinh xin ơn tha thứ cho kẻ đóng đinh! Ðấng đã dạy tha thứ, nay nêu gương tha thứ cho chính kẻ giết mình. Tha thứ hóa giải hận thù thành tình thương.

Thử hỏi trong cuộc đời, ta đã đọc bao nhiêu Kinh Lạy Cha? Bao nhiêu kinh? Ta không nhớ nữa, chắc nhiều lắm. Cứ mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha, ta lại đọc lời nguyện này 01 lần. Nhưng nên nhớ rằng: Thiên Chúa chỉ tha tội cho ta khi tha biết tha thứ cho anh em, đó là sự ràng buộc của tình yêu và của sự hợp lý.

Ta để ý câu này theo Matthêu, ta xin Chúa tha tội cho ta, “tội” là điều nghiêm trọng, nếu ta biết tha “lỗi” cho anh em, “lỗi” là cái gì rất nhỏ so với tội. Như vậy, cái nhỏ mà ta không biết tha cho người khác, mà cứ mở miệng xin Chúa tha cho ta cái lớn. Thật quá vô lý. Như vậy lời cầu xin kia là lời cầu xin rất hợp tình hợp lý.

“XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ, NHƯNG CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ.”

Đức Giêsu không giải thích tại sao có cám dỗ, tại sao có tội, có sự dữ lan tràn trên thế gian, vì nó đã là một thực tại, ai cũng cảm nhận. Nếu chối bỏ thực tại này, cũng đồng nghĩa chối bỏ Công trình Cứu Chuộc. Như vậy cám dỗ luôn bao bọc lấy con người.

Trong lời cầu xin này, ta không xin Thiên Chúa cất mọi cám dỗ đi, diệt nó đi đừng để nó gây thảm họa cho con người. Một lời cầu xin như vậy sẽ xúc phạm đến Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu dạy ta, cầu xin Chúa gìn giữ ta trước những cơn cám dỗ để ta đừng sa vào nó, đừng ngã gục vì nó. Tại sao ta phải cầu xin? Thưa: vì ta ý thức và nhận chân rõ con người mình, một con người đầy yếu đuối và tội lỗi. Sức riêng ta không giúp ta đứng vững trong cuộc đời này, ta cần có ơn Chúa. Nếu không có Chúa, ta sẽ có ma quỷ, vì ma quỷ luôn rình rập chung quanh ta. Cám dỗ tự nó không xấu cũng không tốt, nó có thể là dịp để ta trưởng thành hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến. Nhưng nó cũng có thể đưa ta xa Chúa lúc nào ta cũng không biết. Như vậy, cuộc đời ta luôn là lời cầu xin cho được sự kiên định, và cứ mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha, sẽ giúp ta ý thức về điều đó.

“Cứu chúng con cho khỏi sự dữ&


Trở lại      In      Số lần xem: 2242
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  6187
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12262341

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn