Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Lễ Truyền Tin (thứ ba tuần III Mùa Chay)

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Lễ Truyền Tin (thứ ba tuần III Mùa Chay)

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa LỄ TRUYỀN TIN
(25/03/2014) - (Lễ trọng)

 

 

Bài đọc I: Trích sách Tiên tri Isaia (Is 7,10-14)
Bài đọc II: Trích Thư gửi Tín hữu Do Thái (Dt 10, 4-10)
Bài Tin mừng: Trích Tin mừng theo Thánh Luca (Lc 1,26-38)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."

Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"

Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
_______________________

LỊCH SỬ NGÀY LỄ TRUYỀN TIN

Lễ Truyền tin được mừng đầu tiên tại Giáo hội Đông phương vào Chúa nhật I mùa Vọng từ thế kỷ IV hay thế kỷ V để kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể.

Đến thế kỷ VII, lễ này lan sang Giáo hội Tây phương để kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria chịu thai Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời kỷ niệm Chúa Kitô được xức dầu làm Thượng Tế và làm Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người.
Đức Thánh Cha Sergiô I lập bốn lễ: Lễ Đức Mẹ tịnh tẩy, dâng Con vào đền thờ, lễ Truyền tin, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, và lễ Đức Mẹ lên trời. Mỗi dịp lễ này, ngài truyền dạy tổ chức cuộc rước Đức Mẹ từ nhà thờ Thánh Adrianô về đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma. Thánh Phêrô Kim ngôn đã giảng nhiều trong lễ Truyền tin.

THÁNH AUGUSTINÔ ĐÃ ĐỀ NGHỊ MỪNG LỄ TRUYỀN TIN VÀO NGÀY 25 THÁNG 3 CHO ĐÚNG CHÍN THÁNG TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH, nhưng Giáo hội Tây Ban Nha không đồng ý, nên Công đồng Toleđô năm 656 ấn định mừng tám ngày trước lễ Giáng sinh rồi đổi sang ngày 18 tháng Giêng để tránh mùa Chay. Đức Bênêđictô XIV ra sắc lệnh ấn định khắp Giáo hội mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 theo Thánh Augustinô đã đề nghị và như ngày nay.

Năm 1884 Công đồng Baltimore quyết định lễ Truyền tin ngày 25 tháng 3 là lễ nghỉ và lễ buộc cho Giáo hội Hoa Kỳ.

(Theo L.m. Phêrô, CMC)
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.”

Luca giới thiệu: Thời gian – Không gian – Sứ thần truyền tin – và người được truyền tin ngay trong đoạn mở đầu.

Thời gian truyền tin: “Bà Êlisabeth có thai được sáu tháng”.

Tại sao Luca không dùng thời gian theo năm tháng, hay lấy mốc của vị vua nào để xác định? Như trong sự kiện truyền tin cho ông Dacaria, Luca lấy niên hiệu vua Hêrôđê để tính. Ở đây Luca có một dụng ý, ông lấy chính sự kiện bà Êlisabeh có thai được 06 tháng để kết nối các sự kiện trong Tin mừng thành một chuỗi liên tục.

Về không gian: Biến cố Truyền tin xảy ra tại nhà Trinh nữ Maria ở Nadarét, một thành miền Galilê. Nước Do Thái thời Đức Giêsu được chia thành 04 miền:

- Galilêa có thành Capharnaum, Nazareth.
- Samaria nằm giữa xứ Palestina với những con đường nối liền Nam-Bắc.
- Giuđêa là miền núi có thủ đô Giêrusalem và Pêrêa bên kia sông Giođan.
- Phía Bắc là miền Decapolis nơi dân cư phần nhiều thuộc văn hoá Hylạp.

Nói thành Nadarét cho nó vinh dự nhưng thực ra đây chỉ là làng quê nghèo hẻo lánh, nó khoảng 20 căn nhà với 150 dân, làng Nadarét thường bị xem là tầm thường và như Gioan đã viết: “Từ Nazarét, thì có cái gì hay được?" (Ga l, 46).

Sứ thần truyền tin: là Tổng lãnh Thiên thần Gabrien, Vị lãnh sứ mệnh truyền tin cho những biến cố trọng đại. Chẳng hạn: Truyền tin cho ông Dacaria và Đức Maria.

Người được truyền tin: là cô Trinh nữ Maria.

CÓ MỘT SỐ ĐIỂM ĐỘC GIẢ CẦN CHÚ Ý TRONG ĐOẠN MỞ ĐẦU NÀY:

1/. Điểm thứ nhất:

“Gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít”, Độc giả chú ý đến cụm từ “Thành Hôn”, thực ra đây mới chỉ là đính hôn. Phong tục cưới xin ở nước Do Thái được chia thành 02 giai đoạn:

+ Giai đoạn Đính hôn: Đây là thời gian 02 người đã thành hôn trên mặt pháp lý, nhưng chưa chung sống với nhau. Nếu trong thời gian này 02 người có con với nhau, thì đứa con đó được pháp luật thừa nhận.

+ Giai đoạn Lễ cưới: cách giai đoạn Đính hôn khoảng 01 năm. Người đàn ông sẽ tổ chức Lễ cưới để đón cô dâu về nhà mình. Bắt đầu từ thời điểm này 02 người chính thức thành vợ chồng trên mọi phương diện.

2/. Điểm thứ hai:

Cô Maria cũng như bao cô gái khác, ngay từ đầu có ý hướng lập gia đình rồi sinh con cái, bằng chứng Maria đã đính hôn với Giuse. Như vậy nếu cho Đức Maria đã khấn mình đồng trinh trọn đời là không phù hợp với Kinh thánh. Chỉ sau khi được Sứ thần truyền tin mang thai Con Thiên Chúa, thì cô Maria mới tự nguyện sống đồng trinh trọn đời. Việc mang thai Con Thiên Chúa là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

3/. Điểm thứ ba:

Biến cố Truyền tin đã được chuẩn bị từ ngàn đời, được loan báo trong Cựu Ước, nhưng khi xảy ra Sự kiện Truyền tin, ai cũng thấy bất ngờ. Bất ngờ vì lẽ nó xảy ra quá âm thầm, và tại nơi một làng quê hẻo lánh. Nó không như sự kiện truyền tin cho ông Dacaria, nó diễn ra trong Đền thờ Giêrusalem trang trọng, và càng không như sự sinh hạ của các bậc vua chúa. Như vậy ngay từ lúc Truyền tin cho tới khi sinh hạ, Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận nghèo hèn đến tột cùng. Đó là bài học cho ta khi chỉ mải miết tìm kiếm danh lợi thú đời này, hãy nhìn vào Con Thiên Chúa, nhìn thật kỹ vào Ngài, ta mới khám phá ra bài học vĩ đại, chỉ khi ta sống trong tinh thần khó nghèo, vâng phục Thánh ý Chúa ta mới trở nên cao cả, mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời mình.

“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

+ Mừng vui lên: Sứ thần Gabrien lấy lại lời Ngôn sứ Xôphônia để chào Đức Maria: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Si-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.” (Xp 3, 14) Thiên sứ muốn cho Maria nhớ lại Cựu Ước, các ngôn sứ yêu cầu "thiếu nữ Sion" hãy reo vui lên khi ngắm nhìn Đấng cứu độ mình đang tiến đến gần: "Reo vui lên! Nữ tử Sion, hãy vui lên". Và chúng ta biết, niềm vui là đề tài luôn được nói đến trong Tin Mừng Luca. Như vậy, Sứ thần muốn Đức Maria hãy vui lên vì một sự kiện trọng đại sắp xảy ra.

+ “Đấng đầy ân sủng”: Sứ thần không nói “Kính mừng Maria”, ngài đã đổi thành “Đấng đầy ân sủng”. Thông thường trong Kinh thánh, khi Thiên Chúa đổi tên người nào, Ngài muốn trao cho người ấy một sứ vụ. Như vậy, tên Maria đã trở thành "Đầy ân sủng" mà ta còn có thể nói là “Được Thiên Chúa sủng ái". Điều này ngầm ý cho Maria biết, cô sắp sửa được Thiên Chúa trao cho một sứ mệnh quan trọng.

+ “Đức Chúa ở cùng bà”: Đó là kiểu nói Thiên Chúa quen dùng, khi Người muốn trấn an những kẻ Người mời gọi đảm nhận những trách nhiệm nặng nề (St 15,1; Xh 4,12; Tl 6,12-17). "Đừng sợ? Ta sẽ ở cùng ngươi!"

Như vậy, ngay lời chào đầu tiên, Sứ thần cho Maria biết, cô là người được Thiên Chúa tuyển chọn cho một sứ mệnh cao cả, đừng lo lắng vì có Thiên Chúa ở cùng.

“Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.”

Tâm trạng của Maria sau khi nghe lời chào của Sứ thần thế nào? Luca mô tả: Maria rất bối rối. Maria bối rối vì lời chào của Sứ thần trang trọng có tính kinh điển, nó chỉ dành cho ai được Thiên Chúa sủng ái, còn mình chỉ là cô thôn nữ nghèo, lại sống ở một nơi hẻo lánh thật không xứng với lời chào ấy. Maria bối rối có pha lẫn sợ hãi, vì không biết điều gì sẽ xảy đến cho mình.

“Và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.” Ta nên nhớ Sứ thần Gabrien khi đến truyền tin cho Maria với bộ dạng bình thường, không như lần truyền tin cho ông Dacaria, lúc ấy ngài rực rỡ làm cho Dacaria phải sợ hãi. Maria chưa gặp Sứ thần bao giờ và cũng không biết Sứ thần đến đây với mục đích gì, nên cô phải đặt câu hỏi trong đầu: lời chào như vậy có nghĩa gì? Cô muốn biết cái ẩn ý đằng sau lời chào ấy. Đó là lẽ tự nhiên.

“Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.”

Trong các cuộc truyền tin, người được truyền tin bao giờ cũng lâm vào tình trạng sợ hãi ngay giây phút đầu tiên. Như vậy công việc mà Sứ thần phải làm, là trấn an Maria, ngài nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ”. Cái lý do đừng sợ đã được Sứ thần cho biết: “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” Khi một người đẹp lòng Thiên Chúa, thì Thiên Chúa luôn ở trong người ấy, mà Thiên Chúa là Đấng Đầy Hoan Lạc thì không có gì phải sợ. Cái lý do: “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”, có một sức mạnh trấn an Maria, cho Maria thế quân bình mà phút đầu đã bị dao động. Cô đã lấy lại bình tĩnh để đón nhận những điều Sứ thần nói.

Ta đã trải qua những nỗi sợ hãi trong cuộc đời. Ta sợ hãi khi đối diện trước một tương lai đen tối, bấp bênh; ta sợ hãi khi đứng trước điều kinh khủng sắp đến mà không có cách đối phó; ta sợ hãi khi đang ở trong hoàn cảnh quá mong manh, mà không có điểm tựa để vin vào,... vâng cuộc đời là thế, vì ta chỉ là con người nhỏ bé, yếu ớt, trong khi sóng gió cuộc đời lại quá lớn. Nhiều đêm ta không ngủ, chỉ vì tưởng tượng tình huống này, tình huống nọ xảy ra ta không biết phải đối phó thế nào. Ngày hôm nay Sứ thần cũng muốn trấn an ta, “đừng sợ”. Nhưng để được đừng sợ, theo lời Sứ thần, ta phải đẹp lòng Thiên Chúa. Có nghĩa, cuộc đời ta phải có Chúa, Ngài chính là sức mạnh của ta. Khi đã có Chúa, ta sẽ bước vào cuộc đời bằng những bước đi vững chắc, đầy tin tưởng. Ngược lại, khi đời ta không có Chúa, ta sẽ đơn phương chống chọi với sóng gió cuộc đời, thì thử hỏi làm sao ta không sợ hãi cho được.

“Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.”

Sau khi Maria lấy lại sự bình tĩnh, Sứ thần mới truyền đạt Thánh ý Thiên Chúa, đó là: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” Có lẽ Maria không ngờ đến điều này và đó là một cú sốc thật sự. Tại sao là cú sốc? Xin thưa: vì Maria đang ở trong tình trạng đính hôn và cô là người con gái đức hạnh. Mặc dù có lời hôn ước với Giuse, nhưng trong tình trạng đính hôn không được phép xảy ra điều đó, cô không thể mang thai. Nhưng cô vẫn chú ý vào lời Sứ thần nói.

“Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.”

Sứ thần bắt đầu nói về người con đó: Người sẽ nên cao cả, và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đấng Tối Cao theo quan niệm Do Thái, đó là Đức Chúa, Thiên Chúa. Con Đấng Tối Cao, có nghĩa, Con Thiên Chúa. Như vậy, đây không phải là người con bình thường như bao người con khác, mà là Con Thiên Chúa.

Ta để ý cụm từ “sẽ nên”, hiểu ở thì tương lai. Luca dùng cụm từ này rất sâu sắc, vì Sứ thần khẳng định Người con này là Con Thiên Chúa, khi sinh ra sẽ là đứa trẻ bình thường, không có gì khác biệt, nhưng sau này chính Người con đó sẽ nên cao cả vì đã thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.

“Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng tận.”

Trong sách Samuen quyển thứ hai có đề cập đến sự kiện vua Đavit sau khi đã yên ổn, mọi quân thù bị dẹp tan, ông ngỏ ý với Tiên tri Nathan, muốn xây cho Đức Chúa một ngôi nhà là nơi đặt Hòm bia Thiên Chúa. Đức Chúa nói với Nathan: “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: ĐỨC CHÚA phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? ..... Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.” (2 Sm 7, 1-16)

“Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra”, Người con mà Tiên tri Nathan nói đến, Đức Maria sẽ cưu mang, đó là Đức Giêsu. Vì Maria đã đính hôn với Giuse thuộc dòng dõi vua Đavit, như vậy Giuse sẽ là cha nuôi của Hài nhi Giêsu, nên Hài Nhi Giêsu cũng thuộc dòng dõi vua Đavit xét theo bản tính nhân loại. Sứ thần cho biết: “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng tận.”

Sau này Đức Giêsu sẽ xác nhận vương quyền của Ngài trước mặt Philatô, Ngài là Vua, nhưng Vương quốc của Ngài không thuộc thế gian này, mặc dù nó vẫn ở trong thế gian. Ngài là Vua của những kẻ tin và sống theo lời Ngài. Vương quốc của Ngài là Nước Thiên Chúa, Nước đó đã đến trong trần gian và sẽ triển nở trọn vẹn khi mọi sự kết thúc.

“Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Độc giả chú ý lời Đức Maria, “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”, đây là câu Kinh thánh xảy ra rất nhiều tranh luận về sự đồng trinh trọn đời của Maria.

Như đã đề cập, quan niệm hiện nay trình bày về giai đoạn đầu đời trưởng thành của Đức Maria là: khi đến tuổi lập gia đình, Maria đã sẵn sàng kết hôn như bất cứ thiếu nữ Do-thái nào khác, và trong thực tế Maria đã đính hôn với Giuse. Nói như thế có nghĩa là Maria sẵn sàng đi vào con đường thông thường của mọi thiếu nữ thời ấy, là lấy chồng và sinh con cái, với hy vọng là con mình sinh ra biết đâu lại là Đấng Mêsia (Đấng Cứu thế)!

Nhưng khi Maria đang ở trong giai đoạn đính hôn, tức chưa được phép ăn ở với Giuse qua câu nói “vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”, lại xảy ra sự kiện truyền tin. Maria thắc mắc: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”, có nghĩa chưa được phép ăn ở với Giuse thì làm sao có con. Tôi đang là người con gái còn trinh, vì chưa về sống với chồng, mà bây giờ lại có con theo ý muốn của Thiên Chúa, thì phải hiểu việc đó xảy đến thế nào? Đây là một thắc mắc chính đáng.

Thánh ý Chúa không phải lúc nào cũng dễ hiểu, vì nó thường đi ra ngoài sự suy nghĩ của con người. Đứng trước một biến cố, đứng trước một sự việc, ta thường hành xử theo lối suy nghĩ của mình và giả sử đã được cân nhắc. Nhưng cái kết cục lại không như ý ta muốn, mà đi theo hướng khác, có thể đem đến cho ta điều bất lợi, sự đau khổ. Ta có thể phản ứng lại bằng phản ứng của con người, nhưng nếu bình tâm suy xét, và phải thật lắng đọng ta mới nhận ra thánh ý Chúa. Thánh ý đó luôn tốt đẹp và là một hồng ân cho cuộc đời ta.

“Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”

Độc giả để ý các cụm từ “sẽ ngự xuống” và “sẽ rợp bóng”, có nghĩa chính Thánh Thần sẽ làm điều đó, vì đây không phải việc con người, mà là việc của Thiên Chúa: mang thai, sinh con nhưng vẫn còn đồng trinh. Sứ thần muốn nói cho Maria biết, việc bà mang thai đây, là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không phải mang thai bình thường do con người.

Ta có thể thắc mắc: Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, sau này Đức Giêsu mới mạc khải cho con người. Đối với người Do Thái, họ chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất, chưa có ý niệm Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Sách Sáng Thế Ký viết: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (Stk 1, 2), như vậy Thần khí Thiên Chúa có thể hiểu một cách mơ hồ, chưa xác định. Làm sao Đức Maria có ý niệm về Chúa Thánh Thần?

Khi Sứ thần nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”, độc giả phải hiểu Thánh Thần đã rợp bóng trên Đức Maria ngay lúc này. Như vậy, chính Thánh Thần đã soi sáng cho Maria hiểu được lời Sứ thần nói.

Sự kiện Truyền tin xảy ra ngay trong giai đoạn đính hôn (chứ không xảy ra trong giai đoạn đã thành hôn) là một quyết định khôn ngoan của Thiên Chúa, nó chứng tỏ, Maria mang thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không do con người. Nếu Maria mang thai do người đàn ông, thì người con đó sẽ mắc tội Tổ tông truyền, vì đây là tội thuộc bản tính chứ không còn là tội cá nhân. Nếu Đức Giêsu mắc tội Tổ tông thì làm sao Ngài có thể giải thoát con người ra khỏi vòng tội lỗi. Chỉ có Đấng không có tội mới làm được điều đó. Như vậy, sự kiện Truyền tin phải xảy ra ở giai đoạn đính hôn.

Ta nói sự thụ thai của Maria là sự thụ thai đồng trinh. Và Maria thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, nên sau khi sinh con, Maria vẫn còn đồng trinh. Điều này, ngày nay đã được các tôn giáo Thiên Chúa giáo, cụ thể là Tin Lành xác tín. Maria đồng trinh trước và sau khi sinh Đức Giêsu.

“Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Sau khi Sứ thần cho Maria biết, sự thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, ngài muốn dẫn chứng 01 trường hợp, Thiên Chúa đã làm cái điều mà con người không thể làm, đó là bà Êlisabeth, chị em họ hàng với Maria, mặc dù đã già rồi, và mang tiếng hiếm hoi, tức chưa có con bao giờ mà nay lại đang mang thai, đó là việc Chúa làm.

Sứ thần muốn xác quyết với Maria: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Thiên Chúa là Đấng dựng nên vũ trụ, muôn loài, Ngài là Đấng quyền năng, chẳng lẽ Ngài không làm được điều đó sao, chẳng lẽ Ngài không làm được việc: Sinh con vẫn còn đồng trinh sao! Đối với Ngài thì không gì là không thể.

Tuy nhiên có 02 điều mà ta phải để ý:

1/. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, muôn loài, Ngài lập nên những quy luật để vũ trụ này tồn tại và hài hòa. Ngài luôn tôn trọng những quy luật đó. Nhưng Ngài luôn ở trên những quy luật ấy, có nghĩa Ngài có quyền thay đổi chúng theo ý định của Ngài. Khi xảy ra điều này, ta gọi là phép lạ. Cụ thể ở đây: Sinh con vẫn còn đồng trinh.

2/. Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài làm được mọi sự, nhưng Ngài luôn mời gọi con người cộng tác. Ngài có thể cứu con người thoát khỏi sự chúc dữ khi Ông bà Nguyên tổ phạm tội chỉ bằng lời nói của mình, không cần qua cái chết khổ nhục của Con Thiên Chúa. Ngài cũng có thể sai Con Thiên Chúa xuống làm người để cứu chuộc nhân loại không cần qua sự sinh nở của con người. Thế nhưng Ngài đã không làm vậy, mà đã sai Con Một của mình xuống trần gian làm người như mọi người bình thường khác, ngoại trừ tội lỗi. Đức Giêsu là Ađam mới cứu chuộc nhân loại bằng sự vâng phục tuyệt đối Thánh ý Thiên Chúa. Chính vì thế Ngài luôn mời gọi con người cộng tác, cụ thể qua sự kiện truyền tin cho Maria, truyền tin cho Giuse, và con người đã đáp trả, đã cộng tác với Ngài trong công trình cứu chuộc.

“Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Sau khi được Sứ thần giải thích cặn kẽ, Đức Maria đã hiểu được ý định của Thiên Chúa, Maria liền thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Có nghĩa Đức Maria đã chấp nhận trong hai tiếng “Xin vâng”

“Nữ tỳ của Chúa”, có nghĩa một người luôn ở trong tư thế sẳn sàng, sẵn sàng làm theo Thánh ý Thiên Chúa. Khi con người luôn ở trong tình trạng sẵn sàng để cho Thiên Chúa hành động trong mình, Ngài sẽ làm nơi người ấy điều kỳ diệu. Thiên Chúa muốn ta trở thành khí cụ của Ngài, để Ngài biến đổi thế giới này. Thế giới này có trở nên tốt đẹp hay không, khi có nhiều người sẵn sàng để cho Thiên Chúa hành động.

“Xin Chúa cứ làm”, vâng đó phải là lời cầu xin của ta mỗi ngày, ta luôn cầu xin cho Thánh ý Chúa nên trọn, nghĩa là xin Ngài cứ làm điều Ngài muốn làm nơi ta. Đừng bao giờ bắt Chúa làm điều ta muốn, nhưng xin Ngài cứ làm điều Ngài muốn. Khi ta đã thấm nhuần tư tưởng này, trở thành khí cụ của Ngài, thì Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi con người nhỏ bé của ta những việc kỳ diệu mà không ai có thể làm được. Miễn là cuộc đời ta phải luôn biết nói tiếng “Xin vâng” như Mẹ Maria.

Như vậy có thể nói, sự kiện truyền tin cho Đức Maria được cả triều thần trên trời, dưới đất và địa ngục chờ đợi từ bao đời nay, tất cả dường như đang hồi hộp chờ đợi hai tiếng “xin vâng” của Đức Maria. Và khi Đức Maria nói lên hai tiếng “Xin vâng” thì cả triều thần trên trời, dưới đất và địa ngục vỡ òa lên vì hạnh phúc.

“Rồi sứ thần từ biệt ra đi.”

Amen.
_______________________
Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 3849
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  2179
 Hôm qua:  2680
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12335890

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn