Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật VIII thường niên năm A

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật VIII thường niên năm A.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường niên năm A
(02/03/2014)

 



Bài đọc 1: Is 49,14-15
Bài đọc 2 : 1 Cr 4,1-5
Tin Mừng : Mt 6, 24-34

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

"Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 

Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? 

Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 

Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 

Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy."
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài Tin mừng hôm nay là một trong những áng văn hay nhất của các sách Tin mừng. Nội dung nói về SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA. Chỉ từ khi Con Thiên Chúa, Đức Giêsu xuống thế làm người, mới mạc khải cho con người biết, họ có một Người Cha trên trời. Người Cha đó đầy quyền năng và đầy yêu thương. Nhưng yêu thương thế nào chỉ có Ngài mới diễn tả được, Đức Giêsu nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10, 29-31) Thật quá tỉ mỉ đến từng sợi tóc, ai nghe cũng xúc động và hạnh phúc vì được Thiên Chúa đoái hoài chăm sóc từ cái nhỏ nhất.

Bài Tin mừng hôm nay được Giáo hội cho đọc trong những ngày Tết Nguyên Đán, như để nhắc cho con cái mình biết, đứng trước thềm năm mới, ta sẽ đối diện với những thách thức mới, những vấn đề mới, may mắn có, bất lợi có,... nó sẽ làm xuất hiện trong tâm tư mỗi người sự lo lắng, nhiều lúc đi tới chỗ thái quá, đánh mất hoặc hoài nghi Tình yêu Thiên Chúa. Giáo hội muốn nhấn mạnh rằng, ta không được quyền hoài nghi về điều này, vì Thiên Chúa luôn là Người Cha luôn yêu thương con cái mình.

Trong năm Phụng vụ, Giáo hội thỉnh thoảng cho đọc lại Bài Tin mừng này để tiếp tục nhắc nhở, con người không bao giờ được phép lãng quên sự Quan phòng của Thiên Chúa, cụ thể trong Chúa Nhật VIII Thường niên năm A hôm nay.

“Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.”

Ta để ý ngay cụm từ “làm tôi”. Nó có vấn đề gì đó ở đây, người theo Phong trào Tự do sẽ lên án, vì Đức Giêsu đã cổ võ cho chế độ nô lệ, cho dù có làm tôi cho chủ nào đi nữa, thì con người vẫn mang thân phận nô lệ. Họ chủ trương con người phải được tự do, tự do tuyệt đối, và không được phép làm tôi cho bất kỳ chủ nào.

Lý luận của họ thoạt nghe có lý, ai cũng muốn mình được tự do và tự do tuyệt đối. Nhưng đó là thứ lý luận rẻ tiền và bị sai lầm từ gốc. Họ sai lầm ở chỗ, ta chỉ có thể tự do tuyệt đối, khi ta tự mình mà có chứ không do ai dựng nên. Điều này không thể xảy ra vì ta đã được Thiên Chúa tạo dựng, như vậy ta phải thuộc về Ngài. Khi một ai đó phá bĩnh đòi tự do tuyệt đối, họ chuẩn bị bước đi kế tiếp là làm nô lệ cho chính mình, nô lệ cho dục vọng của mình. Như vậy ta phải chấp nhận đi về một hướng chứ không thể không biết đi về hướng nào.

Matthêu viết thật chí lý: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ”. Con người dứt khoát phải có hướng đi rõ rệt, không thể có chuyện hai chân đặt trên 02 con đường khác nhau, nếu vậy họ làm sao có thể tiến lên. Do đó không thể có chuyện làm tôi 02 chủ.

Đức Giêsu còn giải thích: “hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ”. Ông chủ theo truyền thống Kinh thánh là một ông chủ “hay ghen”, luôn muốn người của ông phải hướng trọn về ông. Đó là điều mà Đức Chúa không chấp nhận, khi dân Ngài luôn đánh đu với các thần lân bang. Đó cũng là mối dây liên kết giữa Chúa Giêsu và Hội thánh.

Nhưng vấn đề ở đây, 02 ông chủ nào? Một ông chủ ta biết, đó là Thiên Chúa, còn ông chủ kia? Matthêu viết, đó là Tiền Của. Ta để ý “Tiền Của” ở đây viết hoa, đó là kiểu nói nhân cách hóa.

“Tiền Của”, cụm từ này viết bằng ngôn ngữ A-ram đã được Matthêu giữ lại trong bản văn Hy-lạp, đó là tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu. Trong ngôn ngữ này; “Tiền Của = Mam-mon" có nghĩa cụ thể là "tiền bạc", "thu hoạch", "lợi nhuận", "sự giàu có". Khi đặt "Thiên Chúa" đối lập với "Tiền Của”, Đức Giêsu dường như muốn nhân cách hóa tiền bạc, để nó thành một thứ ngẫu tượng. Người ta có cảm tưởng Đức Giêsu nghĩ đến "Tiền Của" như đó là đối thủ của Thiên Chúa, một cách diễn tả cụ thể về Satan.

Như vậy, ngay đoạn mở đầu Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đặt ra cho ta một sự chọn lựa, nói đúng hơn là một sự thách thức khi phải đưa ra một quyết định, chọn Thiên Chúa hay Tiền Của? Sự chọn lựa này thật không dễ dàng chút nào, nhiều khi ta phải trả giá bằng máu và nước mắt, vì trong ta luôn có sự giằng co xâu xéo giữa 02 sự chọn lựa: Thiên Chúa hay Tiền Của. Có thể cho đến giây phút cuối đời vẫn chưa ngã ngũ.

“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc.”

“Anh em” ở đây là ai? Matthêu không xác định cụ thể, có thể là dân chúng, là môn đệ? Chính vì không xác định cụ thể, nên Matthêu ngầm cho biết, Đức Giêsu đang nói với tất cả mọi người qua mọi thời đại. Như vậy Bài Tin mừng này sẽ được đọc đi đọc lại cho đến ngày tận thế.

Đức Giêsu nói: “Đừng lo”, chứ Ngài không nói “không nên lo”. Từ “đừng”, đó là mệnh lệnh dứt khoát. Ta không được phép lo lắng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

“Đừng lo cho mạng sống”. Đây là câu nói thật sự gây sốc cho độc giả, mạng sống của ta, sự sống của ta mà ta lại không được lo ư? Vậy ta phải lo cái gì bây giờ? Đức Giêsu nói thật chí lý, vì ta có làm ra mạng sống, làm ra sự sống mình đâu. Sự sống của ta là do Chúa ban cho, như vậy theo lý mà nói: Ai làm ra cái gì, thì người ấy mới lo lắng, mới bảo vệ cái đó, còn người không làm ra thì không việc gì phải lo lắng.

Đức Giêsu nói: “đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn”, Đức Giêsu muốn nói, chính Thiên Chúa làm ra sự sống của ta, thì Ngài sẽ hành động theo cách của Ngài để duy trì sự sống đó. Vì vậy ta đừng lo lấy gì mà ăn, lo lắng như vậy quá tầm thường và vô tình nghi ngờ sự quan phòng của Thiên Chúa.

“Cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc”. Vâng cũng theo cách lập luận như vậy, ta cũng không phải lo lắng, chẳng lẽ Thiên Chúa dựng lên sự sống, thân thể ta, rồi Ngài để đó sao. Nếu Thiên Chúa dựng nên ta, rồi bỏ mặc muốn ra sao thì ra, thì Ngài không còn là Thiên Chúa nữa, Công trình Sáng tạo chẳng có ý nghĩa gì nữa, vì Ngài toàn dựng nên những gì thừa thãi, không có mục đích. Nhưng Thiên Chúa là Người Cha hằng yêu thương con cái mình, Ngài dựng lên tất cả, và bất cứ thực thể nào Ngài dựng nên, Ngài cũng thấy tốt đẹp, Ngài hằng yêu thương, chăm sóc ta từng giây từng phút. Như vậy Đức Giêsu nói với chúng ta: “Đừng lo” là hoàn toàn chính xác.

Nhưng vì yêu thương chúng ta, nên Đức Giêsu muốn giải thích cho ta biết tại sao đừng lo. Ngài muốn chứng minh bằng những hình ảnh sống động mà ta phải tâm phục khẩu phục.

“Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”

“Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Đây là câu hỏi, nhưng có tính chất khẳng định. Rõ ràng mạng sống trọng hơn của ăn, và thân thể trọng hơn áo mặc, mà mạng sống, thân thể ta không được phép lo vì nó thuộc về Chúa, chẳng lẽ ta đi lo lắng cái hạ cấp sao. Quá vô lý! Cái lớn không phải lo mà đi lo cái nhỏ.

“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.” Đức Giêsu muốn nói cho những kẻ còn hồ nghi biết, cứ xem chim trời đi, chúng có làm gì để nuôi sống mình không, chúng chẳng gieo chẳng gặt như con người, chúng cũng chẳng cần phải tích trữ như con người, thế mà Chúa Cha vẫn nuôi chúng. Nếu so sánh với chim trời, chúng ta còn hơn chúng gấp bội lần, sao lại hồ nghi như vậy.

“Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”

Đức Giêsu muốn nói cho ta biết, số mệnh mỗi người đều do Thiên Chúa quyết định, vì mạng sống của ta, sự sống của ta không do ta làm ra thì ta không có quyền trên nó. Ta không có quyền kết thúc nó, cũng như không có quyền kéo dài nó. Ai làm một hai điều này là muốn đoạt quyền Thiên Chúa. Mà nói thực ra ta cũng không làm được, vì ta không thể kéo dài sự sống của ta thêm gây phút nào khi giờ Chúa gọi đã đến. Vậy không có lý gì làm ta phải lo lắng.

“Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!”

Ở đây cũng một lập luận tương tự, chỉ khác một điều:

+ Ở đoạn trên nói về cái ăn, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh chim trời.
+ Ở đoạn dưới nói về cái mặc, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh bông huệ ngoài đồng.

Chim trời, chúng không phải làm gì, thế mà vẫn được Chúa Cha yêu thương chăm sóc. Còn bông huệ ngoài đồng, chúng cũng chẳng làm gì, mà cũng được Chúa Cha ưu ái.

Đức Giêsu nói một câu thật sốc: “ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.” Vâng vinh quang của vua Salômon, người Do Thái nào chẳng biết, đến độ Nữ hoàng Phương Nam phải bái phục về sự giàu sang, sự khôn ngoan của ông, khi bà được chứng kiến. Thế nhưng Đức Giêsu lại nói, cho dù vua Salômon có mặc đẹp đến đâu, vẫn thua xa bông huệ ngoài đồng. Như vậy có nghĩa gì? Xin thưa: sự chăm sóc của Chúa Cha quá tuyệt vời mà nỗ lực của con người không thể sánh được.

“Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” Đưa ra ví dụ bông huệ ngoài đồng, Đức Giêsu muốn nói với những kẻ còn hồ nghi rằng, không còn bất cứ lý do gì để nghi ngờ sự Quan phòng của Thiên Chúa.

“Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm.”

Đức Giêsu muốn nói với chúng ta, những vấn đề: cái ăn, cái mặc là những vấn đề cần thiết. Ta phải nỗ lực làm việc để có của nuôi thân. Nhưng đó không phải là mục đích sống của con cái Chúa. Nỗ lực làm việc và mục đích sống là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Nhưng với người không có niềm tin vào Thiên Chúa (dân ngoại), thì cuộc đời họ chung quy là cái bụng, cái bụng là chúa của họ.

“Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”. Vâng Chúa Cha biết chứ, Ngài biết rất rõ con cái Ngài đang lo lắng điều gì. Matthêu dùng cụm từ “thừa biết”, có nghĩa Thiên Chúa biết rất rõ, con cái Ngài cũng phải ăn để sống, phải lo lắng để tìm ra cái ăn cái mặc.

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.”

Đây là ý chủ lực của Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn con cái Ngài, trong mọi nỗi ưu tư, lo lắng phải ưu tư, phải lo lắng, phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Có nghĩa phải thể hiện thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình, đó là mối ưu tiên hàng đầu.

Còn vấn đề cái ăn cái mặc, không phải là cái ta tìm kiếm, không phải là mục đích cuộc đời, mặc dù ta phải nỗ lực lo cho mình, cho gia đình mình một cuộc sống đúng nghĩa con người, không để rơi vào cảnh túng quẫn. Chính Chúa Cha sẽ quan tâm cho ta, Ngài sẽ ban cho ta khi ta chăm chỉ làm việc.

Như vậy, Đức Giêsu muốn con cái Ngài phải chọn đúng mục đích cuộc đời mình, đó là lý tưởng sống. Mục đích đó là tìm kiếm Thiên Chúa.

“Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

Sau khi Đức Giêsu phân tích hết mọi khía cạnh, Ngài mới đi đến kết luận: ĐỪNG LO LẮNG VỀ NGÀY MAI. Tại sao không lo lắng? Xin thưa, vì “ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

Ngày nào có cái khổ của ngày đó, thật vô cùng chính xác, tại sao ta không tập trung vào những gì đang xảy ra hôm nay, đang xảy ra trước mắt, mà cứ tưởng tượng ra cái khổ của ngày hôm sau, hay cái khổ nó đang ở trong vùng tương lai. Ta có biết cái khổ ngày mai nó ra sao, nó lớn bé thế nào không? Tại sao cứ tưởng tượng ra để làm khổ mình chứ!

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2851
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  16
 Hôm nay:  289
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12337165

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn