Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật VII thường niên năm A

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật VII thường niên năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên Năm A.
(23/02/2014)

 



Bài đọc I (Lv 19, 1-2. 17-18) : “Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”.
Bài đọc II (1 Cr 3, 16-23) : “Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”.
Tin Mừng (Mt 5, 38-48) : “Các con hãy yêu thương thù địch các con”

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.

“Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”.
__________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Trong Tin mừng theo Thánh Matthêu, BÀI GIẢNG TRÊN NÚI trải dài suốt 03 chương: Chương 5 – Chương 6 – Chương 7, nó đi từ câu (Mt 5, 1) đến câu (Mt 7, 29). 

+ Bài Tin mừng hôm nay (Mt 5, 38-48) tiếp theo Bài Tin mừng Chúa nhật VI Thường niên (Mt 5, 17-37) trong Bài Giảng trên núi, nó gồm 02 phần:

- Phần I (Mt 5, 38-42): Chớ trả thù.
- Phần II (Mt 5, 43-48): Phải yêu kẻ thù.

Trong Bài giảng trên núi, ta bắt gặp công thức sau đây lặp đi lặp lại: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng….còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”

Cụm từ “Luật dạy người xưa rằng”, Matthêu hay dùng để tránh không nói đến cụm từ Thiên Chúa, ông muốn tỏ lòng tôn kính, nhưng bản chất của cụm từ “Luật dạy người xưa rằng”, ý muốn nói như vậy, vì Ngài đã ban lề luật cho dân qua trung gian Môsê. Như vậy công thức trên sẽ được diễn đạt đúng bản chất như sau:

“Thiên Chúa đã nói ...... còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”

Như vậy dưới con mắt những người lãnh đạo Do Thái giáo, Đức Giêsu đã dám chống lại lời của Thiên Chúa, chống lại sách kinh Tô-ra bằng những khẳng định của riêng Ngài. Không bao giờ có một ngôn sứ nào đã nói như thế. Vai trò của họ chỉ là truyền đạt lại hay chú giải sứ điệp của Thiên Chúa thôi, như vậy Đức Giêsu đã phạm thánh.

Đức Giêsu chỉ có thể là: người điên hay là Thiên Chúa. Là “người điên” vì dám chống lại Thiên Chúa. Là Thiên Chúa vì Ngài đang đứng ngang hàng với Thiên Chúa trong công thức trên.

Trong Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã công bố một sứ điệp siêu phàm, sứ điệp của Thiên Chúa, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã đưa Luật Thiên Chúa tới đỉnh của nó, để cho thấy Thiên Chúa là Tình yêu, là Tình yêu tuyệt đối. Luật của Thiên Chúa sẽ thắng vượt tất cả những sự trả thù nhỏ nhen, đánh tan sự căm thù, ghen ghét, để mọi người trở thành anh em với nhau vì cùng là con một Cha trên trời. Ngài dạy chúng ta “hãy nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời”.

Với vài gợi ý như trên, chúng ta bắt đầu đi vào phân tích Bài Tin mừng hôm nay.

PHẦN I: CHỚ TRẢ THÙ.

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.

Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”, hay còn gọi là "luật phạt ngang bằng" (loi du talion), là luật tiến bộ nhất thời ấy. Trước khi Thiên Chúa ban lề luật cho dân qua trung gian Môsê, người ta sống theo bản năng, có nghĩa người bị tấn công sẽ “trả đũa nhiều hơn” và có thể không giới hạn. Nếu bản năng con người không được giáo dục, nó sẽ như một con thú và người ta sẽ đi đến cùng trong sự trả đũa, nó không còn là “trả đũa nhiều hơn” nữa mà là không giới hạn.

Ta hãy nhìn vào xã hội hôm nay, người ta sẽ kinh tởm tội ác nó man rợ đến dường nào, có khi chỉ vì một cái nhìn vô tình, một câu nói bâng quơ cũng có thể dẫn đến tội ác kinh khủng. Vậy thử hỏi người thời nay còn sống theo luật pháp hay hoàn toàn sống theo bản năng, theo thú tính? Hình như khi người ta càng văn minh, họ không cần đến Thiên Chúa nữa, lúc ấy giá trị đạo đức của họ quay trở về thời nguyên thủy. Đó là xét trên bình diện cá nhân. Nếu đi sang bình diện tập thể, quốc gia thì sự trả thù còn ác liệt hơn, hậu quả còn khủng khiếp hơn nữa.

Vì thế luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”, đã cố gắng giới hạn bạo lực và khuyến cáo chỉ nên bắt kẻ tấn công chịu sự đối xử, giống như người này bắt nạn nhân của hắn phải chịu (Xh 21, 24; Lv 24,20; Đnl 19,21)

Nhưng Matthêu viết: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”. Đức Giêsu muốn cho môn đệ và những ai tin theo Ngài, đừng quan tâm đến luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”, vì thế nào là “trả thù ngang bằng”, lấy gì làm chuẩn mực cho biết nó đã ngang bằng. Khi ta cố nghĩ đến sự ngang bằng, lúc ấy ta đã đi quá xa rồi. Như vậy, Đức muốn dạy chúng ta “đừng chống cự lại với kẻ hung ác”, Ngài đã kiện toàn luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” đưa nó lên tầm cao mới, đó là đừng trả thù.

Trước một sự ác, nếu ta đáp trả lại bằng một sự ác, ta đã vẽ một vòng tròn trở về chính sự ác đó, con người của ta sẽ bị giam hãm trong cái vòng tròn hỏa ngục. Ta chỉ có thể sống thanh thản, hạnh phúc khi không bị giam hãm trong cái vòng tròn đó, có nghĩa đừng chống cự lại với kẻ hung ác, phải dùng một điều thiện để hóa giải.

Đức Giêsu là Nhà sư phạm đại tài, Ngài sẽ đưa ra 04 ví dụ cụ thể cho Luật “đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.

VÍ DỤ 1:

“Nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa.”

Với người Do Thái “vả má bên phải” của người nào là sỉ nhục người đó nặng nề. Thông thường khi vả má ai, ta thường dùng bàn tay phải vả vào má bên trái người đối diện. Lúc ấy họ sẽ bị vả bằng lòng bàn tay, đó là sự đau đớn. Nếu vả má bên phải, người đó sẽ bị vả bằng mu bàn tay, nó ít đau về thể xác hơn, nhưng lại đau về tinh thần nhiều hơn. Bị vả bằng mu bàn tay, ý nói đó là sự khinh bỉ.

Theo nghĩa đen, Đức Giêu nói khi bị vả má bên phải, tức bị khinh bỉ, ta còn đưa thêm má bên trái cho người đó nữa, tức chịu sự đau đớn về thể xác. Như vậy vừa bị sỉ nhục lại vừa bị đau đớn, ắt phải dẫn đến sự trả đũa.

Ở đây ta không được hiểu lời Đức Giêsu theo nghĩa đen, có nghĩa không được phép hiểu Ngài khuyến khích bạo lực, khuyến khích sự cam chịu. Chính Đức Giêsu, khi đã nhận cái vả của người đầy tớ Thượng Tế, Ngài đã không giơ má kia ra! Ngài đã đáp lại dũng cảm và xứng đáng: "Sao anh lại đánh tôi" (Ga 18,23). Ngài không cấm chống lại sự bất công, sự chà đạp lên người khác.

Nhưng Đức Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: đừng trả đũa hoặc gây ra cho đối phương cùng một sự thiệt hại họ đã gây ra cho mình. Thay vào đó hãy lấy lòng nhân từ mà chinh phục kẻ dữ.

VÍ DỤ 2:

“Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa.”

Theo luật Môsê, chủ nợ không được cầm giữ áo ngoài như vật thế chấp, và nếu có lấy áo ngoài thì buộc phải trả lại áo cho người nghèo trước khi mặt trời lặn, vì áo ngoài, tức áo choàng dùng để làm chăn đắp ban đêm (Xh 22,25-27; Đnl 24,12-13).

Đức Giêsu đưa ra trường hợp một người nghèo đến cùng tận, anh ta phải vay mượn để sống qua ngày, nhưng không thể trả nợ được. Khi bị kiện, chủ nợ chỉ có thể lấy áo trong của người ấy để trừ nợ, chứ không được lấy áo ngoài, cho dù áo ngoài có giá trị hơn.

Nhưng nếu chủ nợ là người không có lòng thương xót, muốn đoạt luôn áo ngoài, có nghĩa chủ nợ đã bất chấp luật Môsê, không còn chút lương tâm, muốn lột trần con nợ, ngay trường hợp đó Đức Giêsu dạy hãy trao cho y cả chiếc áo ngoài nữa, đừng chống cự lại với người ác. Tại sao Đức Giêsu lại khuyên như vậy? Xin thưa, vì Ngài đã bị lột áo, cả áo trong (Ga 19, 23) lẫn áo ngoài (Mt 27, 31.35), và nên trần truồng hoàn toàn trên thập giá.

VÍ DỤ 3:

“Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm”

Nước Do Thái thời Đức Giêsu đang bị La Mã cai trị, luật pháp La Mã cho phép lính tráng và quan chức có quyền bắt người Do Thái trên đường phải khuân vác đồ đạc của họ, hoặc đi với họ như một con tin, hoặc là người dẫn đường. Có lẽ không người Do Thái nào vui vẻ khi lâm vào trường hợp như vậy.

Điều này được minh chứng trong trường hợp ông Simôn Kyrênê, lính La Mã đã bắt ông vác đỡ thánh giá Đức Giêsu khi ông đang từ đồng trở về nhà.

Trong trường hợp người môn đệ bị bắt đi một dặm, Đức Giêsu lại khuyên hãy đi hai dặm. Ta cũng không nên hiểu lời của Ngài theo nghĩa đen, Đức Giêsu muốn mở ra một con đường khác cho nhân loại: chiến thắng điều ác bằng điều thiện, dùng tình yêu để đáp lại hận thù.

VÍ DỤ 4: 

“Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.”

Việc giúp đỡ và cho vay mượn được nói rất nhiều trong Cựu ước, mà đối tượng nhắm đến thường là người nghèo (Xh 22,25; Lv 25,36-37; Đnl 15,2-6). Người Israel không được cho người đồng chủng vay lấy lãi (Xh 22,24; Lv 25,35-37; Đnl 15,7-11; 23,20-21).

Đức Giêsu đưa ra ví dụ này với ngụ ý, người vay mượn muốn chiếm đoạt luôn tài sản. Ngay cả trường hợp này, Ngài vẫn đưa ra một nguyên tắc tổng quát và không phân biệt người được cho và cho vay: “Ai xin, ngươi hãy cho. Ai muốn vay, ngươi chớ khước từ trong đó bao hàm cả người ác/ xấu.

PHẦN II: PHẢI YÊU KẺ THÙ.

“Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch”

Sách Lêvi (19,18) buộc người Do Thái yêu thương người thân cận, là người cùng sống giao ước với Đức Chúa, những thành viên của cộng đồng dân Chúa; người ngoại quốc đi vào cộng đồng tôn giáo với người Israel cũng được hưởng tình yêu này (Lv 19:18, 33-34; Đnl 10:18-19).

Ghét thù địch, nó không được quy định trong lề luật, nhất là với một công thức rõ ràng. Sự thù ghét này phát sinh như một hậu quả của luật yêu thương người thân cận, nó như mặt trái của mặt phải, có mặt này ắt phải có mặt kia. Cụm từ “thù địch” ở đây ta phải hiểu thế nào?

Trong sách Thánh vịnh có viết: "Lạy Chúa, ước chi Ngài tiêu diệt kẻ gian tà… Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét? Con ghét chúng, ghét cay, ghét đắng, chúng trở thành thù địch của chính con" (Tv 139,19-22). Như vậy “thù địch” ở đây phải hiểu, trước hết không phải là những kẻ thù của mình mà là những “kẻ thù của Thiên Chúa".

“Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương.”

Có thể nói trước Đức Giêsu, không có ai dạy bảo con người như thế. Khi có sự xuất hiện của Đức Giêsu, Ngài dạy ta phải yêu kẻ thù, thì trong ngôn ngữ loài người mới xuất hiện một từ mới agapan (= Tình yêu kẻ thù). Như vậy, về Tình yêu, ta có thể liệt kê các từ về nó như sau, trong tiếng Hy Lạp, có 3 động từ YÊU hết thảy: 

+ Thứ nhất, eran, để chỉ tình yêu trai gái.
+ Thứ hai, philein, để chỉ tình yêu giữa những người trong gia đình, hay tình bằng hữu.
+ Sau cùng, agapan, để chỉ thứ tình yêu chỉ có trong khuôn khổ của Kitô Giáo.

Tình yêu nào cũng vậy, mặc dù không định nghĩa được, nhưng mỗi loại tình yêu đều có những thể hiện ra bên ngoài. Không có tình yêu trong trí tưởng tưởng tượng, trong lý thuyết, vì ngay từ “Yêu” nó đã là động từ, nên luôn bao hàm hành động. Riêng Tình yêu kẻ thù (agapan), nó còn đòi hỏi ta cả ý chí lẫn lý trí, phải vượt lên chính mình, vượt lên trên phản ứng tự nhiên của mình mới thể hiện được.

Đức Giêsu dạy: “Hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con”, đó là thể hiện Tình yêu kẻ thù. Matthêu nêu ra 02 thể hiện, đó là: 1/. Làm lành, có nghĩa làm điều tốt cho kẻ ghét mình và 2/. Cầu nguyện cho họ. Đây là đòi hỏi cao nhất đối với môn đệ Đức Giêsu.

Tại sao Đức Giêsu đòi hỏi môn đệ của Ngài như vậy? Xin thưa: vì “để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Đây là lý do sâu xa nhất Ngài dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù, để ta trở nên con cái Thiên Chúa. Ngài yêu thương tất cả mọi người không phân biệt ai, vậy chúng ta phải là anh em với nhau.

“Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao?”

Đức Giêsu đưa ra lý luận rất thuyết phục, nếu ta không yêu thương kẻ thù, thì ta cũng chẳng khác gì người tội lỗi, người thu thuế, ta chẳng hơn gì họ. Mặc dù tình yêu kẻ thù nó đòi hỏi cả ý chí lẫn lý trí khó thực hiện, nó luôn đi ngược lại những gì là tự nhiên, song nó là lý tưởng để con cái Chúa hướng đến. Một khi được gọi là lý tưởng, nó luôn khó và có khi cả cuộc đời ta chưa thể đạt được, nhưng ta vẫn được mời gọi để sống tình yêu ấy.

Trước khi đi đến kết luận, Đức Giêsu đưa ra hai minh hoạ về cách yêu thương mà người môn đệ không nên noi theo, “Nếu chỉ yêu thương…”, “Nếu chỉ chào hỏi…”, bằng không họ sẽ không công chính hơn người thu thuế và dân ngoại chút nào. Tính từ so sánh “hơn” liên quan đến sự công chính của các môn đệ. Vậy ai hành động như Thiên Chúa thì sẽ nên con cái Ngài, và con cái của Ngài phải là người xây dựng hoà bình, chứ không lấy ác báo ác.

“Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”.

Việc “nên trọn lành như Cha trên trời” được đặt trong tương quan Cha - con, “Cha trên trời” - “con cái Cha trên trời”. Sự trọn lành của con cái bắt nguồn từ sự trọn lành của Cha và có cùng phẩm tính là yêu thương, và tình yêu của Cha thể hiện qua việc “cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành” để nêu gương, thì con cái cũng bắt chước gương Cha mà làm như vậy: làm điều tốt cho người khác vì yêu thương.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2541
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  29
 Hôm nay:  8354
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12264508

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn