Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VI Thường Niên năm A

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật VI thường niên năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật VI thường niên năm A
(16/02/2014)

 



BÀI ĐỌC I (Hc 15, 16-21): “Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác”.
BÀI ĐỌC II (1 Cr 2, 6-10): “Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng ta”.
BÀI TIN MỪNG (Mt 5, 17-37): “Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo các con thế này”.

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời. Ta bảo thât các con, nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật các ngươi biết: Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng.

“Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi. Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

“Cũng có lời dạy rằng: ‘Ai ly dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình.

“Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: ‘Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa’. Còn Ta, Ta bảo các con: Đừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”.
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Trong Tin mừng Thánh Matthêu, BÀI GIẢNG TRÊN NÚI trải dài suốt 03 chương: Chương 5 – Chương 6 – Chương 7, nó đi từ câu (Mt 5, 1) đến câu (Mt 7, 29). Bài Giảng trên núi gồm có:

+ Bắt đầu bằng Bài Tin mừng TÁM MỐI PHÚC. (Mt 5, 1-12)

+ Tiếp đến là PHÂN ĐOẠN CHÍNH, từ (Mt 5, 17) đến (Mt 7, 12), phân đoạn này có tên gọi là: “SỰ CÔNG CHÍNH CỦA NƯỚC TRỜI hay là SỐNG NHƯ CON CÁI CỦA CHÚA CHA”.

Bài Tin mừng hôm nay (Mt 5, 17-37) thuộc về phần đầu của Phân đoạn chính, được đặt tên là ĐỨC CÔNG CHÍNH DỒI DÀO. Nó được chia thành các phần sau đây:

I/. KIỆN TOÀN LỀ LUẬT:

Phần này sẽ được phân tích cặn kẽ, vì nó sẽ là kim chỉ nam cho các phần sau của Bài Tin mừng. Nó nói lên quan điểm của Đức Giêsu về luật Môsê.

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.”

Theo lý thuyết, chỉ có ai ra luật mới có quyền hủy bỏ luật hay kiện toàn luật, đó là tính chính danh của một bộ luật. Luật Môsê do ai đặt ra? Xin thưa: Do chính Thiên Chúa, Ngài đã trao cho ông Môsê trên núi Sinai để phổ biến cho dân. Do Thiên Chúa đặt ra nên chỉ có Thiên Chúa mới có quyền hủy hay kiện toàn nó, ngoài Ngài ra không ai được phép làm điều đó. Như vậy, ta có thể khẳng định:

1/. Ông Môsê không có quyền hủy bỏ hay kiện toàn luật, mặc dù luật mang tên ông, Luật Môsê. Ông chỉ là người phổ biến cho dân và giải thích cho dân.

2/. Đức Giêsu cũng không có quyền hủy bỏ. Vì thế Đức Giêsu mới nói với các môn đệ: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”. 

Tại sao Đức Giêsu nói câu này? Thưa vì có quá nhiều tranh luận nảy lửa giữa Đức Giêsu với giới lãnh đạo Do Thái giáo, về các khoản luật như: giữ ngày Sabbath, về ô uế như: Rửa tay trước khi ăn... khiến cho các môn đệ và dân chúng có cảm nghĩ: Đức Giêsu đến để hủy bỏ luật Môsê, hoặc vài điều nào trong bộ luật đó, và Ngài sẽ thiết lập luật mới do mình viết ra.

Matthêu viết: “Các con đừng tưởng”, có nghĩa các ông đừng mơ hồ, đừng nghĩ Ngài đả phá lề luật hay các tiên tri, Ngài không đả phá mà vẫn trân trọng toàn bộ lề luật, nhưng Ngài muốn kiện toàn vì Ngài có quyền đó. Sau này các môn đệ cũng tuân giữ luật Môsê trong Giáo hội sơ khai và mãi mãi cho đến tận thế. Tại sao Đức Giêsu có quyền kiện toàn Luật?

Thưa: Đức Giêsu có quyền kiện toàn vì Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài được Chúa Cha sai xuống trần gian thực hiện Chương trình Cứu chuộc, trong Chương trình đó Ngài sẽ tự hiến mình làm Hy lễ trên thập giá để giao hòa con người với Thiên Chúa, đưa con người trở lại con Thiên Chúa. Con người muốn làm con Thiên Chúa thì phải vâng theo lời Ngài, theo Luật Ngài đã ban cho. Như vậy, luật lệ phải làm sao thể hiện được ý muốn Thiên Chúa, vậy Đức Giêsu là Con, Ngài sẽ hiểu ý Cha mình hơn ai hết. Ngài sẽ kiện toàn theo ý Cha muốn. Từ đây, người ta giữ luật không phải giữ lấy cái mặt chữ, giữ lấy cái hình thức bên ngoài, mà giữ trong tinh thần, theo nội dung bên trong.

Toàn bộ “Lề luật”, trong sách Luật Do Thái, được rút và diễn nghĩa từ Cựu Ước, gồm 613 điều luật, trong đó điều cấm là 365, còn điều phải làm là 248, không tính những điều luật phụ. Thoáng nhìn qua, có vẻ như rất minh bạch. Luật có hai loại “Khinh luật”, và “Trọng luật”, Khinh luật thì bị phạt, còn Trọng luật thì phải bị tử hình.

Nhìn kỹ lại ta thấy, Luật Chúa đã bị người ta bóp méo, vẽ rắn thêm chân làm cho Luật trở thành gánh nặng, Đức Giêsu sẽ gỡ bỏ tất các rối rắm đó và quy về 02 luật quan trọng. Marcô viết: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. (Mc 12, 29-31) Khi tuân giữ luật Mến Chúa yêu người, thì người ta đã chu toàn lề luật. Thật dễ hiểu.

“Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.”

Để cho các môn để hiểu quan điểm của mình, Đức Giêsu còn khẳng định với các ông cách mạnh mẽ: ngay đến dấu chấm, dấu phẩy trong luật cũng không được bỏ cho đến ngày tận thế. Dấu chấm dấu phẩy, là những dấu ngắt câu, như vậy ngay cả chữ, từ, đoạn còn không được bỏ huống chi là một điều trong luật. 

“Không được bỏ cho đến khi mọi sự hoàn thành”, có nghĩa bản thân luật được Thiên Chúa ban cho, để dẫn người ta đi trên con đường trọn lành đến với Ngài, thì luật đó chỉ kết thúc khi mọi sự được hoàn thành. Khi mọi người đã về với Thiên Chúa, và lúc ấy con đường không còn cần thiết và luật cũng không cần thiết nữa.

“Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.”

Đức Giêsu lấy một luật nhỏ nhất để phân định, ai không giữ và còn dạy người khác.... sẽ được kể là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Ngược lại là người lớn nhất. Như vậy trong câu nói của Đức Giêsu: Nhỏ nhất/ lớn nhất trong Nước Trời, Ngài không có ý diễn tả về một phẩm trật thứ hạng trong Nước Trời, nhưng là một cách nói của người Do Thái để diễn tả, SỰ BỊ LOẠI RA hay ĐƯỢC THUỘC VỀ NƯỚC TRỜI.

“Ta bảo thât các con, nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.”

“Ta bảo thât các con, nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu”. Dịch sát sẽ là: “…nếu sự công chính của anh em không vượt hơn các kinh sư…”.

Vấn đề không phải chỉ là sự công chính theo nghĩa luân lý, đạo đức. Trước hết, đó là sự công chính do tin vào Đức Giêsu, Đấng kiện toàn tất cả Sách Thánh, sau đó mới là chuyện luân lý. Vậy sự công chính của các môn đệ sẽ siêu vượt hơn hẳn sự công chính của các kinh sư, vì nó được gắn vào và tùy thuộc vào Đấng làm cho mọi sự nên thành toàn, chứ không phải chỉ vì đời sống luân lý của các môn đệ siêu vượt hẳn so với các kinh sư. Các kinh sư, ở mức độ cao nhất, chỉ có thể gắn sự công chính của mình trên nền tảng các lời hứa của Thiên Chúa trong Sách Thánh; nhưng chính Đức Giêsu mới là Đấng kiện toàn các lời hứa ấy.

Vì thế, Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Người phải gắn bó thiết thân với Ngài và đặt sự công chính của mình trên nền tảng là chính Ngài, thay vì chỉ hài lòng với sự công chính theo kiểu các kinh sư, tức là sự công chính dựa vào việc tuân giữ Luật Môsê.

Như thế, một đàng Đức Giêsu quả quyết rằng Ngài không hủy bỏ “Luật Môsê và các lời ngôn sứ”, nhưng đàng khác, Ngài cho thấy sự hơn hẳn của Ngài so với các thực tại thuộc nhiệm cục cũ mà không hề làm đứt đoạn sự tiếp nối sâu xa từ Cựu Ước sang Tân Ước.

Bây giờ chúng ta sẽ đi vào những phần tiếp theo, là những ví dụ sống động cho thấy Đức Giêsu kiện toàn luật như thế nào. Nói chung Ngài sẽ đưa người ta về với nội dung, ý nghĩa của luật chứ không dừng lại ở mặt chữ.

2/. BẠO LỰC:

Trong mỗi ví dụ Đức Giêsu đưa ra, trước hết Ngài cho biết “Quan niệm của người xưa”, có nghĩa luật của Cựu ước, hay luật của Môsê. Sau đó Ngài kiện toàn luật đó bằng cách đưa ra luật mới của Ngài.

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.”

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án’. Đây là Điều răn thứ 5 dạy “chớ giết người”. Giết người là có tội.

Luật của Chúa Giêsu thì chi tiết hơn: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm đến người khác, đã là lỗi luật rồi. Đức Giêsu dạy chúng ta biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận, không ghét, không mắng chửi.

Vâng, Luật của Đức Giêsu thật chí lý. Vì nếu, người ta giữ được lòng yêu thương, tôn trọng, không giận ghét, không mắng chửi thì không có nguyên nhân dẫn đến việc giết người. Như vậy, Đức Giêsu đã đưa luật “Chớ giết người” đi vào tận nơi thâm sâu nhất của con người, tại đó người ta phải có một trái tim biết yêu thương.

“Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan toà, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật các ngươi biết: Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng.”

Đức Giêsu đưa ra một trường hợp cụ thể, đó là phải giải quyết các xích mích bất hòa ngay lập tức giữa con người với nhau. Quan điểm của Ngài: không được để những mối bất hòa kéo dài, vì người ta cần có một bầu khí yêu thương, người ta sẽ thấy hạnh phúc và an toàn khi sống trong bầu khí yêu thương đó. Ngược lại, nếu sống trong bầu khí bất bình, thù oán, người ta luôn cảm thấy đau khổ và bất an.

Nhưng ở đây có một điểm ta cần chú ý: Đức Giêsu đưa ra mức cao nhất, đó là Anh em đang bất hòa với mình, chứ không phải mình bất hòa với anh em.

Luật cũ quy định, mình bất hòa với anh em thì mình phải xin lỗi, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng đòi hỏi của Đức Giêsu, KHI ANH EM BẤT HÒA VỚI MÌNH, đây chính là trở ngại lớn nhất, vì lòng tự ái, ta không thể đến với người đó. Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ, phải biết vượt ra khỏi lòng tự ái đến với anh em, không phải để xin lỗi, nhưng là để làm hòa.

Ngài còn nhấn mạnh ở chỗ, khi đang còn mối bất hòa thì dâng của lễ nào có ích gì, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, đến với Thiên Chúa Yêu Thương, mà ta là kẻ đang sống trong căm hờn thì coi sao được! Bỏ của lễ lại đó, từ từ dâng sau, đi làm hòa trước đã, để ta trở thành người con xứng đáng dâng của lễ lên Đấng Tối Cao.

3/. TÍNH DỤC:

“Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi.”

Luật Môsê cấm hành vi bên ngoài: sự ngoại tình. Ngoại tình là bất chính

Nhưng Đức Giêsu lại đòi hỏi một trái tim trong sạch, một sự thuần khiết ngay từ trong lòng. Ngoại tình là bất chính, nhưng ngay cả sự thèm muốn bất chính cũng đã là ngoại tình rồi.

Nói cách khác, quyền lực cuối cùng thúc đẩy và quyết định trong lãnh vực tính dục nói riêng, và trong tương quan với phụ nữ nói chung, không được là những sức mạnh tự nhiên và bản năng bộc phát của những thèm khát và khoái lạc tính dục. Nhưng đó là những cố gắng vượt bực, vì phải vượt lên cao hơn những gì thuộc bản năng, những gì là tự nhiên, nó phải là cái gì thật ghê gớm, đòi hỏi người ta phải hy sinh, phải cố gắng vượt bực. Leo lên một ngọn núi, bơi ngược một dòng sông, đó là bản lĩnh của người quân tử, bản lĩnh của môn đệ Đức Giêsu.

Ta đang đang thắc mắc, tại sao Đức Giêsu chỉ nói: “Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ...”. Còn trường hợp: “Hễ ai nhìn xem người nam mà ước ao phạm tội với họ...” thì sao? Thực ra nó cũng vậy, Luật Chúa áp dụng cho cả 02 phái.

“Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.”

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thuần khiết ngay từ trong lòng, Đức Giêsu đưa ra lời khuyến nghị, thà móc mắt phải và chặt tay phải còn hơn là “toàn thân bị ném vào hỏa ngục”. Tất nhiên sẽ là quá ngô nghê và không chính xác nếu chúng ta hiểu các lời khuyến nghị này theo sát mặt chữ. Điều quan trọng là chúng ta không được phó mặc các quan năng của mình cho bản năng thấp hèn, nhưng phải biết làm chủ chúng một cách có trách nhiệm. “Con mắt” biểu tượng cho ước muốn; “bàn tay” biểu tượng cho hành động. Cần phải loại bỏ tất cả những ước muốn xấu xa ngược với sự tinh sạch trong lòng.

4/. CHÂN LÝ:

“Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: ‘Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa’. Còn Ta, Ta bảo các con: Đừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được.”

THỀ LÀ LỜI CAM KẾT CỦA TA VỀ MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ, LỜI THỀ CHỈ CÓ GIÁ TRỊ KHI GẮN LIỀN VỚI MỘT CÁI GÌ VĨNH CỬU LÀM BẢO CHỨNG. Chính cái bảo chứng vĩnh cửu, nó sẽ nói lên tính chân thực và đúng đắn của lời thề.

Luật Cựu ước cho phép thề, nhưng nghiêm cấm thề gian, và một khi đã thề thì phải giữ trọn lời thề vì lời thề gắn liền với Thiên Chúa.

Sở dĩ có chuyện thề thốt trong xã hội, là vì có sự thiếu chân thành giữa người với người. Sự thề thốt, tự nó, đã là một bằng chứng rõ ràng của sự trục trặc trong tương quan giữa người với người. Các kinh sư và các người Pharisêu phân biệt hai loại thề: thề nhân danh Đức Chúa và lấy sự vật mà thề. Họ cho rằng loại thứ nhất (thề nhân danh Đức Chúa) có tính ràng buộc, còn loại thứ hai (thề lấy sự vật làm chứng) thì không, tức là người ta có thể rút lại lời thề.

Thỉnh thoảng ta nghe được câu chuyện giữa 02 người yêu nhau, anh chàng thề như sau: “Trước bóng đèn, anh xin thề là không biết cô ấy”.... Không biết trong lời thề ấy có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Rồi còn mang bóng đèn ra thề nữa chứ, vậy mai mốt bóng đèn bị hư, vất vào sọt rác thì lời thề đó ra sao! Cái đó chỉ có Đức Chúa Trời mới biết. Nhưng cho dù biết nó vô lý đi nữa nhưng ta vẫn mạnh dạn thề, vì thề để chạy tội.

Còn với Đức Giêsu, Ngài nói: “ĐỪNG THỀ CHI CẢ”, vì không thể lấy bất cứ cái gì bảo chứng cho lời thề của mình. Ngài nói: “đừng lấy trời,.... đừng lấy đất,... đừng lấy Giêrusalem,.... đừng lấy đầu ngươi...” như vậy không thể dùng bất cứ thứ gì làm bảo chứng, vậy không được phép thề.

Xin mở ngoặc một chút, những điều Đức Giêsu nói đây, không áp dụng cho các lời thề ở tòa án, các lời thề khi lãnh Thiên chức, hay các lời thề trong dòng tu. Vì các lời thề này mang tính chất khác, đó là những lời cam kết, cam kết bằng chính danh dự và con người của mình.

“Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”.

Trong Nước Thiên Chúa, sự chân thật là quy luật sống và “phúc thay ai tinh sạch trong lòng”. Vì thế, sự thề thốt hoàn toàn không còn giá trị. Và Đức Giêsu dạy: “Đừng thề chi cả”. Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 3154
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  874
 Hôm qua:  2507
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12325181

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn