Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật III Mùa Chay năm A

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật III Mùa Chay năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT III MÙA CHAY - Năm A
(23/03/2014)
Bài đọc I: Trích sách Xuất Hành (Xh 17, 3-7)
Bài đọc II: Trích Thư Thánh Phaolô Tông đổ gửi Tín hữu Rôma (Rm 5,1-2.5-8) Bài Tin mừng: Trích Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 4,5-42)

NGƯỜI PHỤ NỮ XỨ SAMARI

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : "Chị cho tôi xin chút nước uống!" Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?" Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống." 

Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy." Đức Giê-su trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước."

Người bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây." Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng." Đức Giê-su bảo: "Chị nói: 'Tôi không có chồng' là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng."

Người phụ nữ nói với Người: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa." Đức Giê-su phán: "Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." Đức Giê-su nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây."

Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: "Thầy cần gì vậy?" Hoặc "Thầy nói gì với chị ấy?" Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?" Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.

Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: "Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa." Người nói với các ông: "Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết." Các môn đệ mới hỏi nhau: "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ?" Đức Giê-su nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ "kẻ này gieo, người kia gặt" quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả ; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ."

Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian."
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Trước khi đi vào phân tích Bài Tin mừng Chúa nhật III Mùa Chay năm A, ta cần nhắc lại mối thù nghịch giữa 02 dân tộc: Samari và người Do Thái.

Theo Lm. FX. Vũ Phan Long

NGƯỜI SAMARI: là con cháu của hai nhóm: 1) Những người Israel không phải đi lưu đày khi Vương quốc phía Bắc sụp đổ vào năm 722 TCN (trước Công nguyên). 2) Những người thực dân xứ Babylon và Mêđia do các đoàn quân xâm lăng Átsua đưa vào (2 V 17, 24tt).

Có một sự đối lập về thần học giữa những người Do Thái phía Bắc này và người Do Thái phía Nam, bởi vì người Samari không chịu thờ phượng Thiên Chúa tại Giêrusalem. Tình trạng này thêm trầm trọng vì người Samari đã gây khó khăn cho người Do Thái hồi hương trong việc tái thiết Đền Thờ Giêrusalem, rồi đến thế kỷ II TCN, người Samari lại giúp các vua Syri trong các cuộc chiến chống người Do Thái. Vào năm 128 TCN, thượng tế Do Thái đã đốt Đền Thờ Samari trên núi Garidim. Đối với người Do Thái, dân Samari là dân ô uế.

(Hết trích)

“Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.”

Gioan cho biết Đức Giêsu và các môn đệ đến một thành xứ Samari, tên là Xy-kha. Nhưng độc giả có thể thắc mắc, Đức Giêsu phải biết, ít khi người Do Thái đi vào miền của người Samari, vì 02 dân tộc này không tiếp xúc với nhau từ lâu. Vậy Đức Giêsu đến miền này để làm gì?

Gioan viết: “Nhóm Pha-ri-sêu nghe tin Đức Giê-su thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gio-an. (Thực ra, không phải chính Đức Giê-su làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người). Biết thế, Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê. Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri. (Ga 4, 1-4)

Như vậy đã rõ, mục đích của chuyến đi, Đức Giêsu muốn bỏ Giuđêa (nơi Gioan làm phép rửa) để trở về Galilê, vì Ngài muốn tránh chuyện không hay giữa môn đệ của Ngài với Gioan Tẩy giả, và trên đường đi Ngài phải băng qua Samari, mục đích của Ngài không phải đến miền Samari mà là đi băng qua.

Gioan mô tả rất đời thường: “Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng Giacop”. Độc giả sẽ thấy lạ lẫm một vị Thiên Chúa biết mỏi mệt, biết khát nước. Vâng đúng vậy, vì Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Ta cảm thấy Ngài thật gần gũi, vì Ngài đã chia sẻ thân phận làm người của ta. Ngài giống ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi.

Gioan nói, lúc này vào khoảng mười hai giờ trưa, một cái nắng như đổ lửa đã tiêu hao biết bao năng lượng trong con người, khát nước và mệt mỏi là điều dễ hiểu. Bài Tin mừng hôm nay sẽ xoay quanh một số chủ đề sau đây:

1/. NƯỚC HẰNG SỐNG

“Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống!" Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?" Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống."

Câu chuyện được bắt đầu. Có một phụ nữ Samari đến giếng lấy nước, đồng thời các môn đệ của Đức Giêsu vào thành để mua thức ăn, như vậy tại giếng này chỉ có 02 người, đó là Đức Giêsu và phụ nữ Samari.

Độc giả có thể thấy, xét theo quan niệm của người Do Thái, Đức Giêsu đã vi phạm 03 điều cấm kỵ: về chủng tộc, về tôn giáo, về giới tính. Ở Phương Đông, người ta cấm nói chuyện với một người đàn bà ở chỗ công khai. Nhưng ở đây, Đức Giêsu là một con người tự do, Ngài không bị ràng buộc bởi những quy định đương thời, Ngài đến trần gian để cứu chuộc mọi người, nên không có quy định nào giới hạn cho Ngài.

Cuộc nói chuyện giữa Đức Giêsu với phụ nữ Samari thật thú vị, nó giống như cuộc đuổi bắt thật sự, nó pha trộn giữa siêu nhiên và tự nhiên, và đặc biệt chuyển đề tài liên tục. Hình như người phụ nữ muốn lẩn tránh điều gì đó, nhưng Đức Giêsu lại muốn chị ta phải nhìn nhận, vì chỉ có nhìn nhận người ta mới nhìn thấy mình rõ hơn để từ đó làm cuộc hoán cải. Người phụ nữ chỉ nhìn vấn đề dưới góc độ con người, nhưng Đức Giêsu lại đưa nó lên cao hơn, hướng về giá trị siêu nhiên.

Cuộc đối thoại được bắt đầu và Đức Giêsu ngỏ lời trước: "Chị cho tôi xin chút nước uống!" Đây là câu nói rất tự nhiên, khát thì phải uống. Nhưng chị ta đã từ chối khéo dựa vào tập tục: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?" Người phụ nữ muốn nhắc Đức Giêsu nhớ, đã có những quy định mà người Do Thái không được tiếp xúc với người Samari. Và nếu phải tiếp xúc, các kinh sư đã dạy người Do Thái: nếu ai cần xin một phụ nữ điều gì, thì phải nói thật ít, một hoặc hai từ thôi.

Đức Giê-su trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống." Đức Giêsu nhân nước thiên nhiên, Ngài đã mạc khải cho chị biết có một thứ nước khác, siêu việt hơn nước thiên nhiên này, đó là nước hằng sống. Ngay cụm từ "Nước hằng sống", nó cũng cho ta biết giá trị của thứ nước ấy như thế nào, có nghĩa đó là thứ nước ban sự sống đời đời, vì thế mới gọi là "hằng sống". Nhưng điều quan trọng Ngài muốn mạc khải cho chị biết, nếu chị nhận ra Ngài thì sẽ xin Ngài nước hằng sống đó. Như vậy Đức Giêsu muốn khẳng định: Ngài chính là Đấng ban Nước hằng sống.

"Nước hằng sống" là hình ảnh Thiên Chúa ban sự sống (Gr 2,13; Is 12,3; 55,1; Ed 47,1; Dc 14,8). Biểu tượng nước đầy dẫy trong sách Tin Mừng Gioan; nước hóa rượu của Cana (Ga 2,7); nước mà trong đó người ốm muốn lặn xuống ở chỗ giếng Betsaida (Ga 5,7); nước mở mắt cho người mù ở giếng Si-lô-ê (Ga 9,7), con sông nước hằng sống chảy từ ngực Đức Kitô được loan báo trên bậc thềm của Đền Thờ (Ga 7,38), nước của sự sống cho những ai muốn sinh lại bởi nước và Thánh Linh, được loan báo cho Ni-cô-đê-mô (Ga 8,5), sau cùng, nước chạy vọt ra từ cạnh sườn của Đấng chịu khổ hình thập giá (Ga 13,39).

Nhưng ta phải nhớ, quan niệm về nước hằng sống giữa Đức Giêsu và chị này hoàn toàn khác nhau, đoạn Tin mừng kế tiếp sẽ cho ta thấy.

Ta bắt đầu cảm thấy bị cuốn hút bởi cuộc đối thoại này, vì nó đang đưa ta đến những mạc khải vĩ đại. Độc giả cần thả giãn người ra, đừng căng thẳng quá khi đọc Tin mừng của Gioan, vì ông viết Tin mừng rất sâu mà ta phải suy nghĩ và cảm nghiệm mới có thể khám phá được.

"Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy." Đức Giê-su trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước."

Người phụ nữ Samari lại kéo Đức Giêsu trở lại đời thường, chị quan niệm Nước hằng sống mà Đức Giêsu nói, nó đang ở trong giếng này. Nước nào không phải là nước, con người cần phải có nó mới có thể duy trì sự sống. Nước ở giếng này cũng vậy, Tổ phụ họ đã ban cho họ, nó duy trì sự sống cho người Samari qua bao đời nay.

Chị có vẻ mỉa mai Đức Giêsu: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?", có nghĩa trước câu nói của Đức Giêsu "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống." hình như chị muốn đánh đố Đức Giêsu, Ông không có gàu mà giếng lại sâu, thì Ông có cách gì để lấy múc nước hằng sống đó. Ngài phải biết: ai đang xin ai, Ngài đang xin tôi chứ không phải là người ban cho tôi.

Đức Giêsu muốn chặt đứt dòng suy nghĩ của chị, vì chị lẫn lộn quá, thứ nước đây là nước thiên nhiên, nó chỉ giúp cho con người duy trì sự sống trên trần gian tạm bợ này, nó không phải là Nước hằng sống. Đức Giê-su khẳng định: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."

Đức Giêsu đưa ra đặc tính phân biệt giữa nước thiên nhiên và nước hằng sống. Nước thiên nhiên, là thứ nước uống vào sẽ lại khát, có nghĩa nó không làm cho con người hết khát, vì nó chỉ duy trì sự sống thể lý. Còn nước hằng sống là thứ nước đáp ứng niềm khao khát cho con người, vì thế nó làm cho con người hết khát, nó ban cho con người sự sống đời đời. Tại sao con người hết khát khi uống nước hằng sống? Theo Đức Giêsu, khi uống nước này, nó sẽ trở thành mạch nước vọt lên trong người đó, và khi đã hình thành một mạch nước có sẵn trong người của họ, thì làm sao họ còn khát nữa.

Đức Giêsu chính là Nước hằng sống, khi trong ta có Ngài là có tất cả, vì Ngài sẽ đáp ứng mọi khát vọng của ta. Đây là Chân lý vĩ đại Ngài mạc khải cho người phụ nữ Samari. Nước Hằng sống là chủ đề được nói nhiều trong Kinh thánh, đó chính là Máu của Ngài trong Thánh Thể.

Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước." Chân lý Đức Giêsu mặc khải cho chị vĩ đại quá, với bộ óc con người như chị, khó có thể đón nhận trong thời gian ngắn, vì muốn đến với chân lý ngoài việc phải do Thiên Chúa mặc khải, còn phải xét đến yếu tố con người, phải biết mở rộng lòng mình để đón nhận. Nhưng dù sao chị cũng phân biệt một số vấn đề sau đây:

+ Nước Hằng sống không phải là nước trong giếng Giacop này.
+ Đức Giêsu là Đấng ban Nước hằng sống đó.

Nhưng chị chưa phân biệt nước thiên nhiên với nước Hằng sống. Nước thiên nhiên duy trì sự sống thể lý, còn nước hằng sống đem lại sự sống đời đời. Như vậy không thể dùng nước Hằng sống thay thế cho nước thiên nhiên được. Đức Giêsu nhận thấy bây giờ chưa phải lúc chị có thể hiểu được mặc khải, Ngài đã gieo vào trong chị một hạt giống để rồi sau này nó sẽ từ từ phát triển. Ngài chuyển sang đề tài khác.

2/. ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG THẤU SUỐT MỌI SỰ.

"Người bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây." Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng." Đức Giê-su bảo: "Chị nói: 'Tôi không có chồng' là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng."

Người Do Thái quan niệm về dân Samari, đó là thứ dân "bán mình làm dĩ cho các thần minh", mà người phụ nữ này là một trường hợp. Tại sao Đức Giêsu lại nói với chị ta: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây."? Có phải Ngài muốn khơi đời tư của chị ra không? Thưa không, vì đây là con người đáng thương hơn đáng trách. Ngài muốn chứng tỏ cho chị biết, Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự và Ngài sẽ xoa dịu những đau khổ, bất hạnh của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới thấu suốt nơi bí ẩn của con người.

Thời nay đầy rẫy những con người phải bán thân nuôi miệng. Họ có đáng bị lên án không? Thưa không, vì ai lại đi làm cái nghề đó nếu ban đầu họ không bị hoàn cảnh dồn vào đường cùng. Và ai cũng phải nghĩ đến cái hậu quả của nghề này, rồi họ sẽ ra sao khi lao vào cái nghề như vậy. Có ai quan tâm đến họ không, hay chỉ nhìn họ bằng cặp mắt khinh bỉ?

Chị ta trả lời cho Đức Giêsu: "Tôi không có chồng." Đức Giê-su bảo: "Chị nói: 'Tôi không có chồng' là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng." Đức Giêsu nói những điều này hoàn toàn không muốn bôi xấu chị, vì ở đây chỉ có 02 người. Không ai bêu xấu người đối thoại với mình khi chỉ có 02 người với nhau, hiểu thật chính xác đó là cuộc trò chuyện. Ngài muốn đặt vấn đề về đời sống hôn nhân một cách tế nhị trong 01 câu khen, chị đã nói đúng. Ngài đã chạm vào nơi thâm sâu nhất đời tư của chị, như một lời nhắc nhở, chị phải thay đổi, đừng sống như vậy nữa.

Con người được Thiên Chúa dựng nên cho những lý tưởng cao thượng, cho những mục đích tốt đẹp, thánh thiện, chứ không dành cho những dục vọng thấp hèn, cho tham vọng vô lối và đời sống vô kỷ luật. Khi ai cố tình lao vào những dục vọng thấp hèn như vậy, họ đã tự giết chết mình, phản bội lại Thiên Chúa.

Bây giờ lại chuyển sang đề tài khác. Độc giả cứ bình tĩnh để xem cuộc đối thoại này đi đến đâu và kết thúc ra sao.

3/. NƠI THỜ PHƯỢNG ĐÍCH THỰC

Người phụ nữ nói với Người: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa." Đức Giê-su phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." Đức Giê-su nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây."

Có lẽ chị ta muốn tránh né, không muốn Đức Giêsu nói thêm về đời tư của chị, vì nó đáng xấu hổ trước mặt Đấng Thánh, nên chị đã chuyển sang đề tài khác: Nơi thờ phượng Thiên Chúa đích thực.

Chị nêu ra mâu thuẫn lớn nhất giữa người Do Thái và người Samari về nơi thờ phượng: Người Samari thờ phượng Thiên Chúa trên núi Garizim, miền Samari; còn người Do Thái thờ phượng trên núi Si-on ở Giêrusalem. Chị ta đang trình bày tình thế lưỡng nan mà ngay như chính bản thân chị cũng không biết quan niệm nào là đúng. Chị muốn nhờ Đức Giêsu giải quyết vì chị đã tin vào uy thế của Ngài, "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ...

Bây giờ chính là lúc Đức Giêsu giải quyết mâu thuẫn này, vì nó đã tồn tại từ bao đời nay giữa 02 dân tộc. Ngài sẽ đi từng bước một như sau:

+ "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem". Đức Giêsu thật mạo hiểm khi đưa ra câu trả lời này, vì Ngài đã vi phạm truyền thống của cả 02 miền. Có thể nói đây là sự phạm thượng, đẩy nền phụng tự của cả 02 miền xuống hố sâu như muốn bãi bỏ nó. Nhưng câu khẳng định của Ngài có điều gì mà ta cần nghe tiếp.

+ Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết.

Đức Giêsu nói câu này hoàn toàn đứng đắn, vì Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài biết rõ Cha mình, còn người Do Thái hay Samari được biết Thiên Chúa qua mặc khải. Vấn đề đặt ra: Ai mặc khải đây? Chỉ có Thiên Chúa mới mặc khải cho con người biết về Ngài. Như vậy, cả người Samari và người Do Thái thờ Đấng họ không biết, hoàn toàn chính xác.

Bây giờ Đức Giêsu mặc khải cho người Samari biết: "Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." Đó là sự thờ phượng đích thực. Ai yêu mến chân lý, yêu mến sự thật, người ấy đã có Thiên Chúa trong lòng rồi. Ngược lại đều là giả dối. Với những kẻ sống giả dối, lươn lẹo, thì việc họ ngồi trong Đền thờ Giêrusalem nào có ích gì. Thiên Chúa đâu có trong đó, Ngài chỉ đến với những ai yêu mến chân lý và sự thật.

Với người Kitô hữu chúng ta, ngôi đền thờ thiêng liêng không chỉ được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố, được trang hoàng nguy nga tráng lệ mà còn được xây dựng bằng chính tâm hồn của mỗi người. Thật thế, tâm hồn của ta được sánh ví là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, là nơi Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Ngôi đền thờ thiêng liêng này vượt xa giá trị của những ngôi đền nguy nga hoành tráng, đôi khi chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc, nhưng không mang lại giá trị cứu chuộc.

+ Thêm một mặc khải nữa Đức Giêsu muốn dành cho chị, đó là cho biết Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Kitô. Đây sẽ là mặc khải lớn nhất, vì một khi công nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia sẽ kéo theo một loạt niềm tin khác.

"Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: "Thầy cần gì vậy?" Hoặc "Thầy nói gì với chị ấy?" Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?" Họ ra khỏi thành và đến gặp Người."

Các môn đệ sau khi mua thức ăn trở về, họ ngạc nhiên vì thấy Thầy mình đang nói chuyện với một phụ nữ Samari. Họ ngạc nhiên vì đây là cuộc nói chuyện giữa 01 người Do Thái và 01 người Samari, là điều cấm kỵ. Nó còn ngạc nhiên hơn vì đó là 01 phụ nữ Samari. Không ai dám hỏi Ngài.

Riêng người phụ nữ Samari, có lẽ cuộc đối thoại này đã giải tỏa trong chị rất nhiều vấn đề. Chị sung sướng và bỏ lại tất cả, bỏ lại vò nước, vì nó không quan trọng trong lúc này nữa, vì chị ta mới được mặc khải về nước hằng sống, mà cái vò kia làm sao múc được nó. Điều quan trọng hơn, chị đã gặp được Đấng Mêsia. Việc làm của chị lúc này là việc của người loan báo Tin mừng. Chị chạy về thành để nói cho mọi người biết, để dân Samari cũng vui và chia sẻ với niềm vui với chị.

"Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: "Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa." Người nói với các ông: "Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết." Các môn đệ mới hỏi nhau: "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?" Đức Giê-su nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ "kẻ này gieo, người kia gặt" quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ."

Sau khi người phụ nữ đi rồi, các môn đệ tiến đến để mời Đức Giêsu dùng bữa. Các ông thật bất ngờ khi nghe Đức Giêsu nói: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Ngài muốn nói với các ông, chuyện ăn uống nó cũng cần thiết để duy trì sự sống thể lý, nhưng tâm trí các ông phải vượt cao hơn và vươn xa hơn, đừng quẩn quẩn trong những lo toan đời thường.

Ngài muốn các ông quan tâm đến điều gì? Xin thưa, đó là loan báo Tin mừng, các ông hãy ngước mắt lên, đừng có nhìn dưới đất để thấy đồng lúa đã chín và chờ ngày gặt hái. Rồi đây Tin mừng sẽ được loan báo không những ở Do Thái, mà còn ở Samari và vươn xa ra thế giới. Chính Ngài chứ không phải các môn đệ, chính Ngài đã gieo vào miền Samaria một hạt giống đức tin, nó sẽ phát triển và thành đồng lúa tươi tốt. Các ông sau này sẽ là người gặt hái thành quả đó.

“Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian."

Được đánh động bởi lời chứng của người phụ nữ, dân Samari đã đến gặp Đức Giêsu. Bây giờ họ muốn trực tiếp nghe Ngài. Những người Samari này đã xin Ngài ở lại với họ. Nhưng dù thế nào, chỉ nhờ tiếp tục mở ra hiệp thông với Ngài, người ta mới có thể có kinh nghiệm về Ngài là ai và Ngài ban tặng điều gì. Như ngày xưa được Đức Giêsu nhận cho ở lại với Ngài, các môn đệ đầu tiên đã khám phá ra Ngài là “Đấng Mêsia” (Ga 1, 41); được Đức Giêsu chấp nhận ở lại với họ, người Samari đã nhìn nhận Ngài như là “Đấng Cứu độ trần gian”, như là Đấng đã được Chúa Cha ban vì lòng yêu thương và được sai phái đến để cứu độ trần gian. Nay họ tin là nhờ chính tương quan trực tiếp với Đức Giêsu chứ không dựa vào lời chứng của người phụ nữ nữa. Lời chứng ấy đưa họ đến chỗ nghe Đức Giêsu để đào sâu đức tin, và bây giờ đức tin đó có thể thực sự bắt đầu triển nở.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2114
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  945
 Hôm qua:  2507
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12325252

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn