Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Bài Giảng Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B - Lm Phê-rô Lê Văn Chính

Bài Giảng Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B - Lm Phê-rô Lê Văn Chính 

Bài Giảng Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B (26/07/2015)

PHÉP LẠ HÓA BÁNH, DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG

Lm. Phêrô Lê văn Chính

 

 

1.- Phép lạ hóa bánh ra nhiều đã được tiền báo trong những tường thuật của các tiên tri thời Cựu Ước. Vào thời tiên tri Êlisê, phép lạ này cho thấy với sự hiện diện của tiên tri, người ta không sợ hãi vì số lượng ít ỏi của bánh mà mình đang có, vì nhờ vị tiên tri, chính Chúa sẽ ban phát dư dật bánh ăn cho mọi người, ngay cả trong thời kỳ đói kém. Trong khi người dâng bánhvà người môn đệ bối rối vì biết mình chỉ có một số bánh ít ỏi và hạn chế, nhưng tiên tri Êlisê vẫn cứ truyền cho ông : “cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa đã phán người ta ăn rồi mà vẫn còn dư”. Những phép lạ này cũng như phép lạ man-na trong sa mạc thời Môisen báo trước thời kỳ của Đấng cứu thế sẽ ban bánh đích thực nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu và là lương thực ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ thực hiện cụ thể những hình ảnh đã được báo trước trong Cựu ước. Người sẽ hoàn tất những gì đã được báo trước qua các tiên tri. Đấng cứu thế sẽ ban tặng bánh dư dật, người sẽ là vị Môisen mới qui tụ dân chúng tản mác quanh bàn tiệc Thánh Thể, thực hiện một cuộc xuất hành mới quyết định, sẽ dẫn đưa tới quê trời đích thực và sự sống thần linh. Vì thế, câu chuyện của bài Tin mừng Gioan Chúa nhật này với những lời dẫn nhập thật ý nghĩa: lúc bấy giờ là lúc gần đến đại lễ Vượt qua của những người do thái, Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ, có đám đông dân chúng theo người. Câu chuyện được tập trung ngay từ đầu vào Chúa Giêsu: người lên núi và ngồi đó với các môn đệ, người ngước mắt lên và nhìn thấy dân chúng, người có sáng kiến tìm bánh cho dân chúng ăn nên người chủ động hỏi Philipphê : “Ta mua đâu bánh cho những người này ăn”. Tuy hỏi môn đệ Philipphê, nhưng người biết mình sẽ làm gì, người ra lệnh cho dân chúng ngồi xuống và từ năm chiếc bánh và hai con cá ít ỏi của một em bé, người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi đoàn người đông đảo, khoảng năm ngàn người đàn ông. Sau khi ăn no, các tông đồ còn thu lại được mười hai thúng đầy.

 

2.- Chúa Giêsu là Đấng cứu thế đã được báo trước. Người là Môisen mới dẫn đưa mọi người đến sự sống chân thực. Người không chỉ thực hiện phép lạ hóa bánh để nuôi mọi người ăn no, mà còn ban tặng Thánh Thể là thịt máu của người. Bài tường thuật phép lạ vượt quá khung cảnh lịch sử với những lời tường thuật của cộng đoàn Giáo hội hậu phục sinh là những lời mà các tín hữu vốn đã quen thuộc trong những cử hành Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh và tạ ơn”. Chính người là Đấng hành động cách quyết định và mạnh mẽ, người cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát. Chính Người là Đấng ban tặng cách dư dật từ nguồn sống phong phú của người và mọi người được hưởng nhờ sự sống sung mãn của người. Các tông đồ là những người được mời gọi cộng tác với người để phân phát cho dân chúng và số bánh được thu lại là mười hai thúng đầy là hình ảnh đoàn dân mới của Thiên Chúa được nuôi dưỡng bằng lương thực thần linh là Thánh Thể. Đứng trước phép lạ hóa bánh, nhiều người có thể hiểu lầm và lợi dụng. Những người do thái đã hiểu rằng Chúa Giêsu là vị tiên tri cao cả mà Thiên Chúa ban tặng khi chứng kiến phép lạ hóa bánh, nhưng họ dừng lại ở ý nghĩa vật chất của bánh ăn, họ muốn bắt người để tôn người lên làm vua, nhưng người lại trốn lên núi một mình.

 

3.- Sự phong phú dư dật của bánh được ban tặng nhắc đến ý nghĩa cánh chung của đời sống phục sinh. Việc hóa bánh ra nhiều hướng đến thời kỳ hoàn tất khi mà dự định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách quyết định. Chúng ta đã mường tượng điều này từ những chi tiết dẫn vào  tường thuật Tin mừng như ngày lễ Vượt qua của những người do thái là ngày lễ cử hành hằng năm để tưởng niệm những hành động giải thoát mạnh mẽ của Thiên Chúa đối với những người do thái. Việc làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc nuôi dân chúng ăn no nhưng đúng hơn, phép lạ này là dấu chỉ của Chúa Giêsu. Với việc ngài rao giảng và hành động, thì đây là thời đại hoàn tất, khi Thiên Chúa nuôi dưỡng dân người cách dư dật, và ban tặng cho họ sự sống dồi dào sung mãn. Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cách đặc biệt cho hai tông đồ Philipphê và Anrê: “Ta mua đâu đủ bánh cho những người này ăn” là hai vị tông đồ vốn được truyền thống Giáo hội xem là những tông đồ dân ngoại. Câu hỏi đặt ra cho các ngài muốn nói lên ý nghĩa  vào thời Đấng cứu thế, các dân ngoại cũng được dự phần vào sự sự sống phong phú của Thiên Chúa ban tặng, họ cũng được cứu độ. Bánh và cá cũng là hình ảnh gợi ý, vì đây là lương thực của những người nghèo. Vào thời Đấng cứu độ, những người nghèo là những người được dự phần vào sự sống vô tận của Thiên Chúa. Ngoài ra mười hai thúng đầy bánh thu lại sau khi nuôi dân chúng ăn no cũng là hình ảnh của Israen mới của thời đại hoàn hảo của thời cánh chung. Thế nhưng việc Chúa Giêsu biểu lộ quyền năng sự sống sung mãn của người không bảo đảm cho mọi người được thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất của mình như sự chờ đợi nồng nhiệt của dân chúng: Chúa Giêsu rút lui lên núi một mình. Mọi người được mời gọi tìm kiếm Chúa Giêsu, không phải vì những của ăn vật chất, nhưng người chính là Đấng ban tặng sự sống thần linh, và dấu chỉ người ban tặng là dấu chỉ của sự sống vô tận thời cánh chung. Người chính là Bánh ban sự sống trường sinh. Người tự hiến chính mình để trở nên bánh cho chúng ta để rồi mời gọi mỗi người bước đi trên con đường tự hiến này để đạt đến sự sống đời đời. Thánh Phaolô mạnh mẽ nhắc nhở người tín hữu phải sống xứng đáng với ơn gọi cao cả của mình. Và cố gắng này phải được diễn tả bằng những nhân đức trong đời sống luân lý là yêu thương, khiêm nhường và sống hòa thuận với nhau, bởi vì chỉ có một Chúa, một đức tin và một phép rửa. Đón nhận sự sống đời đời mà Chúa Giêsu ban tặng cần phải được diễn tả bằng đời sống phù hợp của người tín hữu là khiêm nhường và phục vụ trong sự hợp nhất yêu thương. Phép lạ của Chúa Cứu thế là dấu chỉ cánh chung, thời đại mà mọi người dấn thân trên con đường Chúa Giêsu dẫn đưa họ đến sự sống muôn đời. 


Trở lại      In      Số lần xem: 4171
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  2844
 Hôm qua:  2680
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12336555

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn