Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa

Phân Tích và Chia sẻ Lời Chúa.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Sáu Trong Mùa Giáng Sinh.
(03/01/2014) - (Ga 1, 29-34)
Thứ Sáu Đầu Tháng.
Danh Thánh Chúa Giê-su.

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.”

Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”

Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.
_______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình”

“Hôm sau”, Bài Tin mừng hôm qua (Ga 1, 19-28) nói về Gioan Tẩy Giả tự làm chứng về mình. Ông đã trả lời các câu hỏi khi một số Tư tế và Lê vi, những người được Giêrusalem sai đến, hỏi về nhân thân của ông. Gioan đã đưa ra các lời chứng về mình như sau:

03 điều không phải về ông:

+ Không phải là Đấng Kitô.
+ Không phải là Êlia.
+ Không phải là vị ngôn sứ.

02 điều phải về ông:

+ Ông là tiếng người hô trong hoang địa.
+ Ông là người làm phép rửa trong nước để thanh tẩy.

Như vậy lời chứng của Gioan về mình nằm trong mệnh đề: 03 không – 02 phải.

Hôm nay, Thánh sử Gioan cho thấy, Gioan Tẩy Giả (từ nay gọi tắt là Gioan) làm chứng cho Đức Giêsu, có nghĩa ông làm chứng cho Đấng Cứu Thế mà ông có Sứ mệnh Tiền Hô.

“Ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình”. Đức Giêsu đến đây làm gì? Có phải để chịu phép rửa trong nước của Gioan không? Xin thưa: KHÔNG, vì Ngài đã chịu phép rửa trước đó rồi.

Matthêu viết: “Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.

Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 13-17)

Như vậy, hôm nay Đức Giêsu đến sông Gioc-đan này không phải để chịu phép rửa nhưng là để cho Gioan làm chứng về Ngài. Tại sao Ngài cần Gioan làm chứng về mình? Xin thưa: Vì Gioan là vị Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế, như vậy Gioan làm chứng cho ai thì người ấy chính là Đấng Cứu Thế. Ông Gioan ngoài sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế, ông còn phải làm chứng cho Ngài nữa, giới thiệu Ngài cho con cái Israen.

Mặc dù Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa, là Thiên Chúa đầy vinh quang, mọi sự tôn vinh của ta chẳng thêm gì vào vinh quang của Ngài, vì vinh quang của Ngài đã viên mãn, tròn đầy, nhưng Ngài cần mỗi người chúng ta làm chứng cho Ngài. Người ta chỉ có thể nhận biết Đức Giêsu, ngoài tác động của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa còn mời gọi ta làm chứng cho Ngài, đó chính là việc Truyền Giáo.

Thánh Phaolô trong Thư Rôma đã viết: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi? (Rm 10,14-15). Thiên Chúa đã sai chúng ta, đó là điều chắc chắn, nhưng ta có rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu như Gioan hôm nay không?

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Đây là lời chứng thứ nhất của Gioan về Đức Giêsu. Ông đã gọi Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Có nghĩa, Đức Giêsu như con chiên, Ngài sẽ bị sát tế để đền tội cho con người.

Gioan mượn 03 hình ảnh con chiên trong Cựu ước làm nền tảng cho Chiên Thiên Chúa mà ông nói tới hôm nay:

1/. Con chiên Vượt qua:

Theo sách Xuất hành: Trước biến cố Xuất Hành của người Do Thái ra khỏi Ai-Cập, mỗi gia đình phải sửa soạn giết một con chiên, và lấy máu của nó bôi trên cửa ra vào. Đêm đó, các thiên thần được lệnh đi tàn sát tất cả các con đầu lòng của người Ai-Cập. Gia đình nào có máu bôi trên cửa, các thiên thần sẽ đi ngang qua và không tàn sát con trẻ đầu lòng trong đó (Exo 12, 1-14).

2/. Con dê của Ngày Xá Tội:

Trong Ngày Xá tội này, theo sách Lêvi, dân chúng sẽ chuẩn bị 2 con dê để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ xá tội cho con người. Một con sẽ được các tư tế, sau khi cầu nguyện và đặt các tội của dân trên vai nó, phóng thích cho chạy vào sa mạc cho quỉ Azazel. Một con sẽ bị giết và lấy máu của nó rảy trên dân chúng (Lv 16, 7-30).

3/. Con chiên sát tế trong Đền Thờ:

Theo sách Xuất hành: Mỗi sáng và chiều trong Đền Thờ Jerusalem, các người phục vụ trong đó phải sát tế con chiên một tuổi, để làm lễ vật hy sinh xóa tội cho con người theo Luật ấn định (Exo 29, 38-42).

Như vậy, Gioan đã dùng hình ảnh con chiên trong Cựu ước để tuyên xưng: Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Đây sẽ là một phần của câu được đọc trong Thánh lễ để tôn vinh Đức Giêsu, trước khi rước lễ.

“Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”

Đây là lời chứng thứ hai. Ta để ý các cụm từ trong câu nói của Gioan” “Đến sau” – “Có trước” – “Trổi hơn”.

“Đến sau”, điều này rất hợp lý, vì Gioan là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế, Tiền Hô phải xuất hiện trước, Đấng Cứu Thế phải xuất hiện sau. Gioan đến trước để dọn tâm hồn con cái Israen đón nhận Đấng Cứu Thế.

“Có trước”. Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, Ngôi Lời, theo Thánh sử Gioan trong Lời mở đầu Tin mừng thứ tư: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1, 1)

Cụm từ “có trước” ở đây rất hàm hồ, dễ gây hiểu lầm, hiểu lầm ở chỗ nó bị giới hạn về thời gian, có nghĩa chỉ cần có trước Gioan một thời gian ngắn cũng được kể là có trước rồi. Nhưng thực sự ta phải hiểu, Ngôi lời đã có từ nguyên thủy, còn Gioan chỉ hiện hữu trong thời gian.

“Trổi hơn”. Cụm từ này cũng hàm hồ, dễ gây hiểu lầm, vì chỉ cần trổi hơn một chút cũng được kể là trổi hơn rồi. Làm sao có sự “hơn” – “kém” khi so sánh Đức Giêsu với Gioan. Đức Giêsu là Thiên Chúa, còn Gioan là con người, sự so sánh này quá khập khiễng. Khập khiễng giống như khi so sánh trời cao với đất thấp.

Đấng đó trổi hơn Gioan vì có trước Gioan, mà sự có trước đây là từ nguyên thủy, như vậy, ta không được dùng cụm từ “Trổi hơn” mà phải dùng cụm từ “Siêu việt”.

Nhưng ta nên nhớ, Gioan đang làm chứng Đức Giêsu cho con cái Israen, ông phải dùng ngôn ngữ con người để diễn tả. Mặc dù ngôn ngữ đó quá hạn hẹp, không thể diễn tả những thực tại cao siêu, nó hạn hẹp giống như sự hạn hẹp của người đang dùng nó, nhưng ông phải nói thế để cho người đương thời hiểu. Ta hoàn toàn đồng ý với ông. Vâng Đức Giêsu là Đấng đến sau Gioan, nhưng trổi hơn ông, vì có trước ông.

“Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”

“Tôi đã không biết Người”. Có thật Gioan không biết Đức Giêsu không?

Xin thưa: KHÔNG. Không những Gioan biết Đức Giêsu mà còn biết rõ là đàng khác. Lý do:

1/. Gioan và Đức Giêsu có quan hệ họ hàng với nhau. Bà Êlisabeth, mẹ Gioan là chị họ của Đức Maria, mẹ Đức Giêsu. Như vậy Gioan phải biết Đức Giêsu.

2/. Khi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu tại sông Gioc-đan, Matthêu viết: “Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.” (Mt 3, 13-15)

Qua cuộc đối thoại này, ta thấy Gioan đã biết Đức Giêsu, vì ông nhận thức rõ ông đang cần phép rửa của Ngài, phép rửa trong Thánh Thần.

Thế tại sao Gioan lại nói: “Tôi đã không biết Người”? Ta nên nhớ, từ “BIẾT” trong Kinh Thánh luôn có một ý nghĩa sâu xa, nó không như cái biết hời hợt của ta. Khi ta nói: “Thiên Chúa biết ta hơn ta biết ta”, có nghĩa sự biết của Thiên Chúa về ta thật sâu thẳm, Ngài biết ta từ lúc ta hiện hữu trong ý nghĩ của Ngài, Ngài biết tất cả mọi ngõ ngách về ta, biết quá khứ, hiện tại và tương lai của ta, biết được cả những vùng sâu thẳm nhất trong vô thức của ta. Còn ta biết ta thế nào? Rất hời hợt, vì thế có nhiều lúc ta tự trách mình: “Thật có nhiều lúc tôi không hiểu về tôi nữa”.

Mặc dù Gioan biết Đức Giêsu là anh em bà con, biết một số thông tin về Ngài, nhưng đó chưa phải là biết theo nghĩa Kinh Thánh. Vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nên Gioan chỉ biết Ngài khi có sự mạc khải. Nếu Thiên Chúa không mạc khải cho con người, không tỏ mình cho con người thì ta không thể biết Ngài.

Ở phần sau ta sẽ nói Thiên Chúa đã mạc khải cho Gioan về Đức Giêsu như thế nào.

“Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”. Gioan nói đúng, Đức Giêsu chỉ được con cái Israen đón nhận khi họ có sự chuẩn bị.

Luca viết: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3, 5-6)

Hết mọi người phàm thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa, khi trong lòng họ không còn thung lũng, không còn núi đồi, không còn khúc quanh co,... Chính vì vậy Gioan phải đến để làm phép rửa trong nước, thanh tẩy tâm hồn con cái Israen. Nếu Gioan không thực hiện việc này, Đức Giêsu không thể tỏ mình cho con cái Israen, vì lúc đó tâm hồn họ không còn chỗ cho Ngài ngự.

“Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.”

Gioan được Thiên Chúa cho thấy thị kiến Thánh Thần hiện xuống tựa chim bồ câu khi ông làm Phép Rửa cho Đức Giêsu trong sông Jordan. Matthêu viết: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17)

Bên Palestine, chim bồ-câu là chim thánh; con người không được săn và không được ăn bồ câu. Sách Sáng Thế Ký viết: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (Stk 1, 1-2) Như vậy ý niệm về Thần khí Thiên Chúa đã có sẵn trong Israen, do đó khi Gioan nói: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”, người ta sẽ hiểu được lời ông nói.

“Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”

“Đấng sai tôi đi” là ai? Xin thưa: đó là Thiên Chúa. Như vậy Thiên Chúa đã mạc khải cho Gioan biết: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Vâng chỉ có Thiên Chúa mạc khải, Gioan mới biết được Đấng Cứu Thế, đây mới là cái biết thực sự của ông.

Trước đây Gioan nói: “Tôi đã không biết Người”, vâng ông đã nói đúng, từ “biết” ở đây phải hiểu theo nghĩa Kinh thánh, chứ không phải cái biết vì anh em họ hàng. Nhưng chỉ khi được Thiên Chúa mạc khải, Gioan mới biết Đức Giêsu theo đúng bản chất của Ngài.

“Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

Đây mới là đỉnh điểm của Bài Tin mừng hôm nay, một sự khẳng định mạnh mẽ và tuyệt đối của Gioan. Ông “xin chứng thực”, ông nói câu này với toàn con người mình, với danh dự, với tinh thần trách nhiệm cao cả của mình, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm trước lời khẳng định: Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.

Gioan đã làm chứng Đức Giêsu cho người đương thời một cách mạnh mẽ. Còn chúng ta, ta đã làm chứng Đức Giêsu cho người chung quanh ta chưa? Nếu có ai hỏi ta: “Thiên Chúa mà bạn tin, Ngài như thế nào? Ngài ở đâu? Hãy chỉ cho tôi xem”, thì chúng ta phải nói gì để trả lời cho họ?

Thật sự ta không biết phải nói gì bây giờ. Chớ dại dột đem Cựu Ước và Tân ước ra nói với họ vì họ không thèm nghe, ta càng nói họ càng không hiểu. Thiên Chúa không phải là Đấng được chứng minh bằng những lý thuyết vô hồn, vì có ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Ta không thể chinh phục người khác bằng những lập luận trống không, vì Kitô giáo không phải là vấn đề lý thuyết, nó cũng không phải là mớ giáo điều. Trên hết và trước hết, đó là vấn đề sống. Ta phải sống thế nào để qua cuộc sống của ta, Đức Giêsu được tỏ hiện. Đó mới là Truyền giáo.

Khi chưa ý thức được điều này, ta đừng nói gì về truyền giáo, vì nếu cuộc sống của ta không phản ánh niềm tin vào Đức Giêsu, có khi còn đi ngược lại niềm tin đó, nếu truyền giáo trong tình trạng như vậy, ta sẽ trở thành kẻ lừa bịp.

Amen.
__________________________________

VÀI SUY NGHĨ VỂ DANH THÁNH ĐỨC GIÊSU:

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Đây là: Danh Thánh Đức Giêsu được Gioan Tẩy giả giới thiệu với tất cả đám đông đến với ông tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan nơi ông làm phép rửa.

Ông An-rê giới thiệu với ông Si-mon Danh Thánh Đức Giêsu là “Đấng Mê-si-a”. Phi-líp-phê giới thiệu cho Na-tha-na-en Danh Thánh Đức Giêsu là: “Người Na-da-rét”. Na-tha-na-en tuyên tín Danh Thánh Đức Giêsu là: “Con Thiên Chúa, là Vua Ít-ra-en”.

Dân chúng xưng tụng Là “Con vua Đa-vít”. Đức Giêsu sánh ví Ngài là “Mục tử nhân lành”, là “Bánh hằng sống”, là “Cây nho thật”… Ngoài ra Đức Giêsu còn nhiều Danh Thánh khác nữa.

Trở lại      In      Số lần xem: 2987
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  2819
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12339695

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn