Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư tuần IV thường niên năm chặn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư tuần IV thường niên năm chẵn.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư tuần IV thường niên năm chẵn
(05/02/2014) - (Mc 6, 1-6)
Thánh Agatha Trinh nữ Tử đạo.
MÙNG SÁU TẾT GIÁP NGỌ - 2014

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người.

Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.”

Đức Giêsu ra khỏi nhà ông Gia-ia, Trưởng hội đường, người mà Ngài mới cho con gái ông chết sống lại. Ngài về quê quán của mình là Nadarét, nó thuộc miền Galilê cách hồ Ghênêsarét khoảng 30 km về phía Tây. Đây là chuyến trở về quê hương đầu tiên sau khi Ngài bắt đầu sống công khai.

Nói đến Nadarét, ai cũng biết làng này không có gì nổi bật, không có gì đáng nói. Thánh sử Gioan viết: “Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét." Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?" Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem!" (Ga 1, 45-46)

Philipphê nói với Nathanaen: "Cứ đến mà xem!", có nghĩa ông muốn Nathanaen bỏ đi cái thành kiến của mình, đến một lần để xem cho biết. Ý ông muốn nói, không đến Nadarét vì Nadarét, nhưng đến vì một người, đó là Đức Giêsu, con ông Giuse. Xét về mặt địa dư, Nadarét chẳng có gì nổi bật, nhưng nó lại là quê hương của Đấng Cứu Thế. Sau này nó sẽ được mọi người nhắc đến khi nói về Đức Giêsu.

“Có các môn đệ đi theo”, đây là đặc điểm của Tin mừng Marcô. Mỗi khi xảy ra sự kiện gì có Đức Giêsu và môn đệ, Marcô ưa thích kiểu nói “Có các môn đệ đi theo”, không phải đi ngang hàng hay đi trước nhưng là đi theo, có nghĩa từ khi được chọn, các ông sẽ dành trọn cuộc đời mình để theo Đức Giêsu.

“Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường.”

Đến Nadaret, ngoài chuyện thăm bà con họ hàng, Đức Giêsu thực hiện Sứ vụ Ngôn sứ của mình. Marcô nói, đến ngày Sabbath Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhưng cuộc giảng dạy ở Nadarét sẽ không giống cuộc giảng dạy ở các nơi khác, vì trước mặt Ngài là những người đồng hương, quá quen thuộc. Chính vì quen thuộc nên sẽ xảy ra nhiều vấn đề mà ta sẽ thấy sau này.

“Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”

Marcô nói: “Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên”. Đây là thái độ đầu tiên của người đồng hương. Có lẽ trước mặt họ, Đức Giêsu đã lột xác để trở thành con người mới hoàn toàn, không còn dấu vết gì của một anh Giêsu ngày xưa. Họ không thể ngờ, chỉ thời gian ngắn thôi, Ngài đã thay đổi, họ không còn nhận ra nữa. Ăn nói, giảng dạy quá khôn ngoan và đặc biệt đã làm những phép lạ cả thể. Vùng Nadaret không xa Capharnaum bao nhiêu, nên những gì Đức Giêsu làm mọi người đều biết.

Họ ngạc nhiên và sự ngạc nhiên đó được bộc lộ trong những câu hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?

Ta để ý cụm từ “Bởi đâu”, có nghĩa sự thay đổi đó phải có nguyên nhân, chứ không thể tự nhiên! Đó là sự tò mò lớn nhất mà người đồng hương đang muốn biết. Tâm trạng của họ không có gì ngạc nhiên, nhưng vấn đề đặt ra, họ phải đi tìm nguyên nhân đó ở đâu mới là vấn đề quan trọng.

Trước hết họ truy tìm nguyên nhân trong họ hàng thân thích của Đức Giêsu, và đây sẽ là thử thách mà họ bị vấp ngã, có nghĩa họ không suy nghĩ cao hơn nữa mà chỉ chú ý đến những gì hết sức con người.

“Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”

Trước hết, bản thân Đức Giêsu chỉ là anh thợ mộc, cái nghề này Ngài đã học nơi thánh Giuse và Ngài cũng phải làm việc để sinh sống. Nghề thợ mộc không giải thích được gì trong sự kiện Đức Giêsu đã trở thành con người khác.

Kế tiếp, Đức Giêsu là con bà Maria, cũng không có gì nổi bật, ngoài trừ bà được mọi người công nhận là phụ nữ đức hạnh. Nhưng có điều gì đó ta muốn nói đến ở đây, tại sao người ta không nói, Ngài là con ông Giuse? Ông Giuse còn sống không? Nhiều nhà chú giải cho rằng ông Giuse đã mất khi Đức Giêsu được 14 tuổi. Nhưng cho dù ông Giuse đã mất, họ vẫn có thể nhắc đến ông khi nói: Đức Giêsu là con ông Giuse. Vậy họ nói: Ngài là con của bà Maria, có ý nghĩa gì? Xin thưa:

Họ đang miệt thị và xem thường sự xuất thân của Đức Giêsu. Ta nên nhớ, người Do Thái luôn chú trọng đến người cha, khi họ nói về người nào đó, họ luôn kèm theo tên cha, tuyệt đối không nói đến tên mẹ, cho dù người cha đã mất cũng thế. Ví dụ: anh A con ông B. Khi họ không đề cập đến tên cha, mà chỉ đề cập đến tên mẹ, ngụ ý nói cho biết, bà mẹ là người lăng loàn mất nết, và người con đó cũng không ra gì.

Kế tiếp họ nói: “và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”

Anh chị em của Đức Giêsu, đều là người quen thuộc, hàng xóm với họ. Những người này cũng không có gì nổi bật. Ở đây lại một lần nữa chúng ta phải xác nhận lại, những anh chị em của Đức Giêsu đề cập ở đây là anh chị em họ, con của bà cũng tên là Maria, chị ruột của Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu. Vấn đề này ta đã chứng minh nhiều lần, ở đây tưởng cũng nên nhắc lại.

Anh chị em nói đây chỉ là anh chị em bà con. Chẳng hạn: Gia-cô-bê và Giô-xép là con của bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (Mt 27, 56; Ga 19, 25), Giu-đa là con của ông Gia-cô-bê (Lc 6, 16). Ngay từ ban đầu, Giáo Hội Công giáo luôn khẳng định: Đức Giê-su là "con trai đầu lòng" (Lc 2, 7) và "Người con duy nhất" của Đức Ma-ri-a. Cũng vì thế mà khi sắp tắt thở trên thập giá Đức Giê-su đã trối Mẹ Người cho môn đệ Gio-an, và từ giờ đó Gio-an đã đón bà về nhà mà phụng dưỡng (Ga 19, 27). Cuối cùng, nếu những người này thực là con của Đức Ma-ri-a, thì dân làng đã phải nói là "các em trai của ông ta", "các em gái của ông ta", thay vì nói từ chung chung "anh em ông" và "chị em ông".

“Và họ vấp ngã vì Người.”

Marcô đã đưa kết luận thật chua xót, “họ vấp ngã vì Người”. Tại sao lại nói “họ vấp ngã vì Người”?

Ta hãy nhớ lại lời tiên tri của cụ già Simêon, khi cha mẹ Đức Giêsu đưa Hài Nhi Giêsu lên Đền thờ để thanh tẩy. Cụ đã nói tiên tri như sau: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” (Lc 2, 34-35)

Vâng quả đúng như vậy, Đức Giêsu sẽ là duyên cớ làm cho nhiều người Do Thái sẽ ngã xuống hay đứng lên, có nghĩa bị vấp ngã. Ngày hôm nay người đồng hương chỉ vặn óc nghĩ ra nguyên nhân nào làm cho Đức Giêsu thay đổi toàn diện như vậy, họ cứ đi tìm những gì thuộc về con người, như tìm trong dòng tộc của Ngài có ai nổi tiếng không, để còn có câu kết luận DO GEN DI TRUYỀN, họ không chịu tìm những gì cao hơn. Thử hỏi, những phép lạ cả thể Đức Giêsu đã làm, thì thử hỏi con cái loài người ai có thể làm được? Đáng lý, nếu chưa tìm ra nguyên nhân thì chí ít họ đừng chúi mũi vào cái dòng tộc làm gì!

“Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”

Câu này tương đương với câu ông bà ta để lại: “Bụt nhà không thiêng”. Đó là tâm lý chung của con người qua mọi thời đại.

Nói chi đâu xa xôi, ngay bây giờ thôi, thử hỏi có bao nhiêu người chạy đến Đài Đức Mẹ trong giáo xứ mình để cầu nguyện, nhưng họ không tiếc tiền, có khi còn vay nóng nữa, họ không quản ngại khó khăn vất vả đi đến tận Đức Mẹ Tà Pao, đến tận Đức Mẹ Lavang, đến tận Kontum để viếng Đức Mẹ Măng Đen... Ủa các Đức Mẹ đó khác nhau sao! Vâng nó khác nhau thật đấy, vì Đức Mẹ trong giáo xứ mình không thiêng, thiêng gì nổi vì ngày nào cũng thấy nhẵn mặt, phải đi thỉnh Đức Mẹ ở nơi khác. Thật hàm hồ và ngụy biện!

Đức Giêsu đã nói trúng tim đen của người đồng hương, khi Ngài nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Vâng Ngôn sứ chỉ được kính trọng ở nơi khác, còn ở quê hương, ông vẫn bình thường, nhất là nếu ông xuất thân từ một dòng tộc không có gì đặc sắc thì tình trạng còn thậm tệ hơn nữa. Đức Giêsu đang ở trong tình trạng này.

“Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.”

Marcô diễn tả thật sâu sắc: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó”, tại sao vậy? Vì mỗi khi thực hiện phép lạ, Đức Giêsu luôn đòi hỏi người bệnh phải có lòng tin. Niềm tin chính là điều kiện để cho ân sủng Thiên Chúa đổ xuống, không có lòng tin, phép lạ sẽ không xảy ra.

Không hiểu sao cứ mỗi lần nhắc đến ý tưởng này, ta phải viết luôn câu nói của Thánh Augustinô: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Ngài không thể thánh hóa con nếu không có sự cộng tác của con.”

Vâng rất đúng, niềm tin của ta vào Đức Giêsu chính là sự cộng tác của ta vào ơn Chúa, ơn Chúa mới đổ xuống trên ta được. Người đồng hương không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai đến. Họ có thể ngưỡng mộ Ngài nhưng dưới phương diện con người. Nhưng ngay phương diện của con người, họ cũng đã bế tắc không giải thích được. Đó mới là cái vòng luẩn quẩn chết người.

“Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.” Nhưng dù sao không phải tất cả đều nghĩ như vậy. Bao giờ cũng thế, trong một tập thể, trong một cộng đoàn, đoàn thể vẫn còn sót lại thiểu số suy nghĩ khác. Họ đã tin và đã được Ngài chữa lành.

“Người lấy làm lạ vì họ không tin.”

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn lấy làm lạ vì họ không tin, huống chi chúng ta. Rõ như vậy mà họ còn mù mờ không khám phá ra căn tính của Ngài, đó là căn tính của một vị Thiên Chúa.

Nhưng ta hãy coi chừng, vì có nhiều lúc ta cũng như họ, có khi còn tệ hơn nữa là đàng khác, đừng cười họ vội! Nếu ta nói ta đã xác tín Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thế sao ta vẫn làm điều xấu, ta vẫn làm hại người khác, ta vẫn chưa bao dung cho đủ, yêu thương cho đủ,... Đấy ta trả lời đi! Ta hơn họ chỗ nào, vì một khi đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì ta phải thực hành lời Ngài dạy chứ. Nếu không, thì niềm tin đó có ích gì cho phần rỗi chúng ta. Rốt cuộc nó chỉ là mớ kiến thức vô hồn.

Ta còn Pharisêu hơn cả người Pharisêu nữa!

“Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.”

Vâng cuối cùng Đức Giêsu cũng phải ra đi, vì người đồng hương không đón nhận Ngài. Cụ già Simêon đã nói rất đúng, Ngài sẽ là bia cho dân Do Thái chống đối và chua xót nhất bị chống đối ngay tại quê hương mình. Thánh sử Gioan viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1, 11-12) Về nhà mình, cụm từ “nhà mình” thật chua xót, Nadarét không phải là nhà Ngài sao!

Và đỉnh điểm của sự chống đối, đó là cái chết của Ngài trên thập giá.

Đức Giêsu phải ra đi vì còn biết bao miền khác chưa đón nhận ánh sáng Tin mừng. Ngài sẽ đem Tin mừng đến cho họ, và các tông đồ sau này, và những người kế tiếp các ông sẽ nối tiếp Sứ vụ của Ngài.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 1841
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  28
 Hôm nay:  910
 Hôm qua:  5802
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12322710

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn