Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Thường Niên năm chẵn

Phân Tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Thường Niên Năm Chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Thường Niên năm chẵn 
(15/01/2014) - (Mc 1, 29-39)


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
_________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.”

Sau khi Đức Giêsu trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị ám, buổi tập họp tại hội đường đã kết thúc và ai trở về nhà nấy. Theo luật Sabath, người ta không được phép đi xa hơn khoảng cách đã quy định, cụ thể không được đi hơn 3.000 bước chân (có tài liệu nói 5.000 bước). Chính vì thế, hội đường sẽ được dựng tại vị trí thuận tiện cho mọi người để đi hay về đều không vượt quá quy định đó.

Tại gần hội đường có nhà mẹ vợ của ông Phêrô, như vậy Đức Giêsu đi đến ngôi nhà này, cùng đi với Ngài là 04 môn đệ đầu tiên: Phêrô – Anrê, Giacôbê – Gioan. Như vậy ta có thể hiểu, các môn đệ còn lại trong Nhóm 12 chưa được kêu gọi.

Marcô viết: “Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê”, thực chất đây là nhà mẹ vợ của ông Phêrô, nhà của 02 ông này ở Bethsaiđa. Còn 02 anh em Giacôbê và Gioan, Marcô viết: “Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo”. Như vậy từ đây cuộc đời của các ông sẽ gắn bó với Đức Giêsu, Ngài đi đâu các ông sẽ đi theo đó.

“Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.”

Khi Đức Giêsu đến nhà, bà mẹ vợ ông Phêrô (Simon) đang lên cơn sốt. Bà bị sốt thế nào, Marcô không cho biết, hoặc có thể sốt kinh niên hay thỉnh thoảng trái gió trở trời bị cảm? Nhưng có một chi tiết, “Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà”, từ “họ” ở đây ý nói về Phêrô và Anrê. “Tình trạng của bà”, có nghĩa theo danh từ bây giờ gọi là “hồ sơ bệnh án”. Như vậy ta có thể hiểu bà bị chứng sốt kinh niên. Sốt rất nhiều lần và theo chu kỳ.

Mặc dù cơn sốt không đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó cũng hạn chế nhiều khả năng của con người. Cụ thể, khi lên cơn sốt người ta sẽ bị co cụm một chỗ, đóng băng tất cả mọi khả năng vốn có. Nếu được điều trị đúng cách thì bệnh sẽ khỏi. Nhưng đối với bà mẹ vợ của ông Phêrô, bà bị lặp đi lặp lại tình trạng này nhiều lần trong đời, như vậy sốt đã trở thành gánh nặng luôn đồng hành với đời bà.

Nhưng sẽ tồi tệ hơn khi chứng sốt bị người Do Thái coi là một trong những hình phạt của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi.

Sách Đệ nhị Luật viết: “Nhưng nếu anh em không nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, không lo đem ra thực hành tất cả những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, thì những lời nguyền rủa sau đây sẽ đến với anh em và bao trùm anh em: .........................

ĐỨC CHÚA sẽ làm cho anh em bị suy mòn, nóng sốt, viêm, phỏng, bị hạn hán, và làm cho lúa mì bị úa vàng, bị sâu đục: các thứ đó sẽ theo sát anh em cho đến khi anh em biến mất.” (Đnl 28, 15-23)

Như vậy, người bị bệnh nói chung, và bị sốt nói riêng, ngoài cái khổ về thân xác, người bệnh còn nỗi khổ về tinh thần, đó là mang mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm, nó làm khả năng con người bị hạn chế, hạn chế trong mối tương giao với xã hội, với người khác, cần phải gấp rút giải tỏa mặc cảm này.

“Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.”

Nếu ai đã trải qua cơn sốt trong đời, họ sẽ cảm nghiệm điều này rất rõ. Khi bị sốt, nhiệt trong người mất đi, làm cho ta bị lạnh, người ta có thể đắp đến 2, 3 cái mền để giữ nhiệt, làm cho cơ thể ấm trở lại, và phải trùm kín phủ đầu.

Ta để ý cụm từ “cầm lấy tay bà”, chính lúc này quyền năng của Thiên Chúa truyền từ Đức Giêsu sang cho bà, làm bà trở về trạng thái bình thường. Sau đó Ngài đỡ bà dậy.

Bài Tin mừng hôm nay, phần chữa cho bà nhạc gia Phêrô được cả 03 Thánh sử Nhất lãm tường thuật: Matthêu (Mt 8, 14-15), Marcô (1, 29-31), Luca (Lc 4, 38 -39) nhưng có sự khác biệt trong cách Đức Giêsu chữa bệnh:

+ Matthêu: “Đức Giê-su đến nhà ông Phê-rô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người.”

+ Luca: “Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.”

Như vậy ở Matthêu, Đức Giêsu chỉ đụng vào tay bà, chứ không cầm tay như ở Marcô. Còn ở Luca, Đức Giêsu không cầm tay, không đụng vào bà mà chỉ ra lệnh. Có lẽ ta thiên về Luca nhiều hơn, vì Luca bản thân là một y sĩ nên ông biết rõ bệnh này, ông muốn nhấn mạnh Đức Giêsu có quyền năng trên bệnh tật của con người, quyền năng trên thiên nhiên và các quỷ thần, nên Ngài chỉ cần ra lệnh.

“cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.” Cơn sốt dứt ngay, đó là do quyền năng Thiên Chúa mà con người chỉ biết thán phục, không những người cùng thời với Đức Giêsu mà cả người thời nay và sau này nữa. Con người phải biết tôn vinh Thiên Chúa trong những kỳ công của Ngài và tôn vinh Chúa trong đời mình. Vấn đề là sau khi khỏi sốt sẽ là cái gì? Xin thưa: đó là “bà phục vụ các ngài”. Khi con người được giải phóng mọi khả năng bị hạn chế bởi bệnh tật, họ phải biết sống phục vụ, Thiên Chúa ban cho ta khả năng này khả năng nọ để làm gì? Có phải để ta lo làm giàu cho mình không? Xin thưa: Không. Ta phải phục vụ cho người khác. Vì khi ta phục vụ ta sẽ tìm lại chính mình (Phanxicô Assisi)

“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa”

Theo lịch Do Thái và cũng theo Lịch Phụng vụ, khi mặt trời lặn sẽ được kể vào ngày hôm sau, vì thế tại nhiều giáo xứ có tổ chức Thánh lễ vào tối thứ Bảy thay cho ngày Chúa Nhật.

Như vậy, đến lúc này đã hết ngày Sabath, người ta đem mọi kẻ ốm đau và người bị quỷ ám đến với Đức Giêsu. Có lẽ phép lạ Đức Giêsu trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị ám sáng nay tại hội đường, quá ấn tượng với người Do Thái, nên đến chiều người ta tranh thủ đem bệnh nhân đến với Ngài.

Họ đông đến nỗi, Marcô tả: “Cả thành xúm lại trước cửa”. Đây là kiểu nói của Marcô diễn tả một cái vô cùng lớn bên cạnh cái vô cùng nhỏ, cả thành phố xúm lại trước cửa của một ngôi nhà sao? Đó là điều không thể, nhưng nó muốn cho ta thấy, sự đau khổ của con người rộng lớn như biển cả. Từ khi Ông bà Nguyên tổ phạm tội, tội lỗi và sự chết bắt đầu len lỏi vào thế gian, và cũng từ đó con người bắt đầu sống trong đau khổ. Đau khổ vì thiên nhiên, đau khổ trên con người của mình với vô vàn bệnh tật và đau khổ trong mối tương giao với người khác. Đứng trước cửa nhà bà nhạc gia, đâu phải chỉ có người đau ốm bệnh tật về thể xác, mà còn có những người bị quỷ ám. Hình như tất cả các bất hạnh của con người đều tập trung về đây.

“Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.”

Đức Giêsu chữa bệnh cho hết mọi người đến đây, và Marcô nói: “mắc đủ thứ bệnh tật”. Nó chứng tỏ cho ta thấy 02 điều: Quyền năng của Thiên Chúa thật vĩ đại và Tình yêu của Ngài cũng vĩ đại không kém. Thiên Chúa không thể vui khi con người Ngài dựng nên phải đau khổ, chính vì thế Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian để cứu chuộc thế gian, để những ai tin vào Con của Ngài sẽ được sống. Ta có thể nói: Hạnh phúc của con người chính là Vinh quang Thiên Chúa, vì nếu con người mà Ngài dựng nên, phải sống trong đau khổ thì Vinh quang của Thiên Chúa nằm ở đâu?

“và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai”. Ngoài bệnh tật ra, Đức Giêsu còn trừ nhiều quỷ, trục xuất chúng ra khỏi người bị ám. Nó không được phép cự ngụ và khống chế con người. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô viết: “Anh em không biết rằng: Anh em là đền thờ Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong mình anh em ư? Nếu kẻ nào phá hủy đền thờ Thiên Chúa thì Ngài sẽ tiêu diệt nó. Bởi vì đền thờ Thiên Chúa là thiêng thánh và đền thờ đó là chính anh em” (1Cr 3,16-17).

Vâng, thân xác chúng ta là Đền thờ Chúa Thánh Thần, và thánh Phaolô khẳng định: Nếu kẻ nào phá hủy đền thờ Thiên Chúa thì Ngài sẽ tiêu diệt nó. Đức Giêsu hôm nay trục xuất quỷ ra khỏi người chúng ám, để trả lại cho họ đền thờ trong người của họ.

Nhưng tại sao Ngài không cho chúng nói? Xin thưa: vì chúng chỉ nói lời xảo trá, nơi chúng không thể có sự thật, cho dù là chút sự thật. Ngài không cho chúng nói, vì cho dù chúng có biết Ngài là ai đi nữa, thì Danh Con Thiên Chúa không thể được tuyên xưng bởi những kẻ dối trá. Chỉ con người được Thiên Chúa dựng nên, là đỉnh cao Sáng tạo mới xứng đáng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Nhưng có một chứng bệnh, Đức Giêsu không chữa mà muốn con người tự chữa, đó là sự ích kỷ. Nó đã tạo ra bao mối bất hòa, gây ra bao đau khổ giữa người với người. Chỉ khi nào con người biết sống bao dung, biết rộng lượng thì họ mới tạo hạnh phúc cho nhau. Tại sao ta lại làm khổ nhau như vậy? Hành hạ nhau như vậy? Phải biết mở rộng lòng mình ra, ta sẽ thấy mọi người là anh em. Matthêu viết: “Nếu khi bạn sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người đang có chuyện bất bình với bạn, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”(Mt 5:23-24). Vâng phải làm hòa ngay, càng sớm càng tốt. Những căn bệnh loại này, chỉ có người bệnh mới chữa cho mình mà thôi.

“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

Cả buổi tối hôm trước cho đến khuya, Đức Giêsu phải làm việc vất vả, chữa bệnh cho tất cả những ai đến với Ngài, thế mà sáng sớm, Marcô nói, “lúc trời còn tối mịt”, Ngài đã dậy rồi. Hình như có điều gì đó làm cho ta phải suy nghĩ, đó là sự khẩn trương, gấp rút. Chương trình Cứu chuộc phải khẩn trương thi hành, vì thời gian không còn nhiều. Ngay những giây phút bắt đầu Sứ vụ ta thấy Đức Giêsu tận dụng tối đa, không hề chút lãng phí.

Đức Giêsu dậy sớm như vậy để làm gì? Để đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Như vậy, một ngày sống của Đức Giêsu sẽ được bắt đầu bằng việc cầu nguyện, để sống thân tình với Chúa Cha. Giây phút đầu ngày vô cùng quan trọng, và giây phút đó phải được dành cho việc đạo đức. Vì trong giây phút đó ta sẽ lãnh nhận muôn vàn hồng ân cho thời gian còn lại và cho cả đời ta. Cho dù trong cả ngày, ta phải vùi đầu vào công việc, nhưng chính giây phút đầu ngày này sẽ là kim chỉ nam giúp cho ngày sống của ta đi đúng hướng, theo Thánh ý Thiên Chúa.

Cho dù Đức Giêsu có bận rộn thế nào, Ngài cũng luôn trung thành dành giây phút đầu ngày hoặc cuối ngày để cầu nguyện, đó là sự quân bình cho đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm, không bao giờ được phép vì cái này mà bỏ cái kia, 02 đời sống luôn quan trọng ngang nhau. Đó là bài học cho mỗi người chúng ta.

“Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”

Ở đây có sự khác biệt giữa Thánh sử Marcô và Luca. Ở Luca: “Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.” (Lc 4, 42)

Cả 02 thánh sử đều giống nhau ở điểm, sau khi Đức Giêsu chữa bệnh cho mọi người, dân thành Carphanaum đi tìm Ngài và muốn giữ Ngài ở lại. Họ giữ Ngài lại để làm gì? Câu trả lời thật đơn giản, vì họ muốn an tâm khi có Ngài ở bên cạnh. Tình cảm đó không có gì là xấu, nhưng vô tình họ đang cầm chân Đức Giêsu, cản trở Sứ vụ Rao giảng Tin mừng. Sứ giả của Đức Giêsu hôm nay cũng thế, họ phải thoát ra khỏi mọi tình cảm ràng buộc, cho dù những tình cảm đó có tốt đẹp đến đâu đi nữa, họ phải chấp nhận bỏ lại sau lưng để tiến lên phía trước.

Nhưng ở 02 Thánh sử có sự khác biệt trong tiểu tiết, ở Marcô ta thấy có sự hợp lý hơn, chỉ có môn đệ đi tìm Đức Giêsu và báo cho Ngài, đám đông đang đi tìm Ngài, như vậy Đức Giêsu dễ dàng bỏ đi nơi khác.

Còn ở Luca, khi đám đông gặp Đức Giêsu để giữ Ngài ở lại, đó sẽ là lực cản lớn khi Ngài muốn dứt ra. Chính vì thế, ở đoạn này theo Marcô hợp lý hơn.

“Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”

Ngài nói với các môn đệ hãy đi đến nơi khác, đến các làng xã chung quanh để rao giảng, cái lý do Đức Giêsu đưa ra, đó là: “vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Có nghĩa, Đức Giêsu xuống thế làm người thực hiện Chương trình Cứu chuộc, Chương trình đó sẽ dành cho hết mọi người, không bị giới hạn bất cứ miền nào, giới nào. Trước mắt Chương trình đó sẽ dành cho dân Chúa chọn, tức dân Do Thái. Sau khi Ngài về trời, các môn đệ và những người kế vị các ông sẽ tiếp tục, loan báo Tin mừng cho đến cùng bờ cõi trái đất.

Như vậy, ngày hôm nay Ngài không thể ở đây mà phải đi sang miền khác, Đức Giêsu nói: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa”.

“Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”.

Carphanaum chỉ là 01 thành của miền Galilê, nó không phải là tất cả, mặc dù đó là trung tâm hoạt động, Đức Giêsu vẫn phải ra khỏi nó để đi khắp miền Galilê. Công việc của Ngài vẫn là rao giảng trong các hội đường, địa điểm rao giảng phải là hội đường nơi quy tụ dân Do Thái vào mỗi ngày Sabath. Kết hợp với việc rao giảng là chữa bệnh và trừ quỷ.

Đau khổ của con người rộng lớn như biển cả, và người bị quỷ ám ở đâu cũng có, trước khi Đức Giêsu thực hiện Chương trình Cứu chuộc, thì thế gian này đã nằm trong sự chế ngự của chúng. Toàn vũ trụ bị chìm ngập trong bóng tối sự chết. Như vậy khi bắt đầu Sứ vụ, Đức Giêsu đã lao ngay vào công việc, không xao nhãng một giây phút. Thánh sử Gioan viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” (Ga 1, 9)

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2225
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  28
 Hôm nay:  7372
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12263526

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn