Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu sau Lễ Chúa Hiển Linh

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu sau Lễ Chúa Hiển Linh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
(10/01/2014) - (Lc 5, 12-16)

 



 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.

Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
__________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia”

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử tường thuật: Matthêu (Mt 8, 1-4); Marcô (Mc 1, 40-45); Luca (Lc Lc 5, 12-16). Nhưng mỗi Thánh sử giới thiệu không gian, nơi chốn Đức Giêsu chữa cho người phong hủi khác nhau:

+ Matthêu: “Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người” (Mt 8, 1) Có nghĩa Đức Giêsu không ở trong thành phố nào, mà đang từ trên núi đi xuống.

+ Marcô: Không đề cập đến nơi chốn Đức Giêsu gặp người phong hủi.

+ Luca: Xác định rõ, Đức Giêsu đang ở trong một thành kia. Thành kia là thành nào, Luca cũng không xác định cụ thể.

Mặc dù không nhất trí với nhau về nơi chốn, nhưng ta vẫn có thể nói Đức Giêsu đang ở miền Galilê, Carphanaum, vì đây là trung tâm cho Sứ vụ loan báo Tin mừng của Ngài.

Và điểm chắc chắn thứ hai, đó là Đức Giêsu không ở trong vùng dành cho người phong hủi, vì theo sách Lêvi: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế!" Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” (Lv 13, 45-46). Nơi ở của người phong hủi, đó là một vùng bị cô lập ngoài trại. Người phong hủi không được phép ra ngoài vùng dành cho mình và người bình thường cũng không được phép đến nơi người phong hủi ở, để tránh sự ô uế.

Người phong hủi bị coi là thứ ô uế và phải tách hẳn khỏi cộng đồng, sống những nơi ít bóng người qua lại, lỡ thấy ai đi qua thì phải la lên cho người ta biết mình bị hủi mà tránh xa, không cắt tóc cạo râu và luôn mang đồ rách.

“Có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng”

Luca xác định đây là “người đầy phong hủi”, có nghĩa các vết phong đã chiếm đầy thân thể người này, không còn sót chỗ nào. Như vậy đây sẽ là con người đau khổ nhất trong số những người đau khổ, một con người đã bị đẩy đến đường cùng, và đang ở đáy của sự tuyệt vọng.

“Vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống”. Hình như có một sự vô lý ở đây, vì tiếp theo đó, ta xác định được khoảng cách giữa người này với Đức Giêsu, đó là ngắn hơn 01 cánh tay, Luca viết: “Người giơ tay đụng vào anh ta”. Làm sao anh ta có thể tiếp cận với Đức Giêsu với một khoảng cách gần như vậy? Những người bình thường không ngăn cản sao?

Nhưng chính sự vô lý này, ta có thể nghĩ ra diễn biến của câu chuyện. Rất có thể, anh ta vừa thấy Đức Giêsu, liền thu hết can đảm, chạy đến với Ngài bất chấp tất cả hình phạt sẽ dành cho mình, khi vi phạm Luật Người phong hủi được quy định trong sách Lêvi. Những người bình thường đang theo Đức Giêsu, phải chạy dạt ra tứ phía để tránh anh vì không ai muốn mình bị ô uế. Như vậy, không gian bây giờ chỉ còn lại Đức Giêsu với người phong hủi khốn khổ.

Tại sao anh ta làm như vậy? Xin thưa: Vì anh ta tin vào Đức Giêsu, tin rằng đây là Đấng có thể cứu mình ra khỏi cảnh khốn cùng này. Nhưng anh đã gặp Ngài bao giờ chưa? Chắc chắn là chưa, nhưng những tin đồn về Ngài sẽ là những thông tin quý báu cho những con người như anh, và đây là dịp may hiếm có, anh quyết không bỏ lỡ.

Khi tiếp cận được Đức Giêsu, anh ta liền sấp mặt xuống. Cử chỉ “sấp mặt xuống”, nó nói lên niềm tin mạnh mẽ, tin vào quyền năng của Đức Giêsu, nó biểu lộ sự tôn vinh trước Đấng có thể cứu mình ra khỏi sự tuyệt vọng này.

Vâng khi người ta bị đẩy đến đường cùng, bị đẩy vào tuyệt vọng thì ý chí sống sẽ mạnh hơn bao giờ hết. Ta phải cố tìm cho mình con đường sống, tìm cho mình lẽ sống vì không ai muốn mình phải chết bao giờ.

Ta không bị phong hủi như người phong hủi hôm nay, nhưng ta đang sống trong cảnh tuyệt vọng như họ. Ta tuyệt vọng vì cuộc sống của ta đang lâm vào bế tắc mà không tìm ra cách giải quyết. Ta tuyệt vọng vì lương tâm ta đang bị đè nặng bởi biết bao điều xấu mà ta đã làm. Ta cũng tuyệt vọng vì một thói quen xấu muốn bỏ nhưng không thể bỏ được. Đã bao lần quyết tâm đứng lên thì cũng bấy nhiêu lần ta ngã xuống, để mỗi ngày ý chí một yếu dần đi, đến một lúc ta phải buông xuôi. Vâng cái kinh nghiệm tuyệt vọng cay đắng này, ai cũng có lúc phải trải qua, vì đó là thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người.

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

Ai cũng phải bỡ ngỡ trước lời cầu xin này và Đức Giêsu cũng phải ngạc nhiên vì trong đó có cụm từ: “Nếu Ngài muốn”, chứ không phải “nếu con muốn”.

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”, nó không hẳn là lời cầu xin, nó vượt lên trên lời cầu xin rất xa, vì nó muốn gợi lên lòng trắc ẩn của Đức Giêsu. Hình như nó muốn “thách thức” Đức Giêsu, làm cho Ngài phải chú ý, làm cho Ngài phải quan tâm. Có lẽ chưa bao giờ Đức Giêsu gặp một người dám “thách thức” tình yêu của Ngài như vậy.

Lời của người phong hủi cũng nói lên niềm tin tuyệt đối vào Đức Giêsu, anh ta tin, Ngài có thể làm cho anh được sạch, nếu Ngài muốn. Vấn đề còn lại bây giờ là: Ngài có muốn không? Có muốn chữa cho anh không?

Nhưng nếu giả sử Đức Giêsu không muốn thì sao? Một câu hỏi quá thừa, vì Ngài không thể không muốn, Ngài không thể tự mâu thuẫn với chính mình vì Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài không thể chối bỏ căn tính của mình, nên trước lời cầu xin đó, Đức Giêsu chỉ còn mỗi việc phải làm, đó là chữa cho anh.

Tại sao anh không nói: “Thưa Ngài, xin Ngài làm cho tôi được sạch”? Anh ta có thể cầu xin như vậy mà không có gì đáng trách. Vâng đó là lời cầu xin bình thường và cũng đủ để Đức Giêsu chữa cho anh. Nhưng anh đã không xin như vậy, vì trong lời cầu xin đó không hề xét đến ý muốn của Thiên Chúa mà chỉ nghĩ đến mình. Nó không có sức mạnh đánh động vào lòng trắc ẩn của Thiên Chúa.

Vậy câu nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”, sẽ là lời cầu xin tuyệt vời nhất, vì nó: - Luôn đặt Thánh ý Chúa lên trên hết – Tôn vinh Thiên Chúa – và cuối cùng khơi dậy lòng trắc ẩn của Ngài.

Ta không thể hiểu tại sao người phong hủi này có thể nghĩ ra câu nói sâu sắc như vậy? Có ai “mớm” cho anh không? Xin thưa: Có. Chính sự tuyệt vọng đã dạy anh. Khi anh bị đẩy vào bước đường cùng: “người đầy phong hủi”, tự bản thân anh phát ra như vậy. Vâng khi người ta sống trong tuyệt vọng, người ta mới thấm thía thế nào sự ê chề của nó, lời cầu xin của ta cho dù có ngây ngô nhất vẫn có sức mạnh đánh vào lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Nhưng vấn đề đặt ra: Trong cảnh khốn cùng, trong cảnh tuyệt vọng ê chề đó, ta có dốc sức mình để dâng lên Thiên Chúa một lời cầu xin không?

“Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.

Luca diễn tả thật sâu sắc: “Người giơ tay đụng vào anh ta”. Vâng đó là cử chỉ đầy yêu thương, gạt bỏ tất cả các quy định của Luật. Đức Giêsu sẽ trở nên ô uế, nhưng Ngài chấp nhận tất cả chỉ vì Ngài đang muốn gánh lấy mọi nỗi thống khổ của con người.

Luca luôn nhấn mạnh điểm này, ông viết: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!" Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7, 13-14) Vâng, một lần nữa Đức Giêsu lại ra ô uế khi sờ vào quan tài của con trai bà góa thành Nain.

Đức Giêsu đã ứng nghiệm lời tiên báo về Ngài trong sách Tiên tri Isaia như sau: “Chính các bệnh tật của chúng tôi. Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán... Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh... Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7.10)

“Tôi muốn, anh sạch đi.”

Trước câu nói của người phong hủi: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Đức Giêsu trả lời dứt khoát và mạnh mẽ: “Tôi muốn, anh sạch đi.”

Làm sao Đức Giêsu không muốn cho được, vì câu nói khôn khéo của người phong hủi làm cho Ngài không còn đường lùi, không thể không muốn. Nhưng nếu không có cậu nói của anh ta, Đức Giêsu vẫn muốn anh ta được sạch, vì Đức Giêsu xuông thế làm người là vì ai? Vì người phong hủi và cũng vì tất cả chúng ta. 

“Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.” Luca dùng từ rất ấn tượng: “Lập tức”, có nghĩa ngay sau câu nói của Đức Giêsu anh ta liền khỏi bệnh. Anh là người đầy phong hủi, nhưng chỉ sau câu nói mọi vết phong biến mất, trả lại cho anh một da thịt nhẵn như xưa. Lời của Đức Giêsu là lời Thiên Chúa nên luôn đầy quyền năng và uy lực.

Thiên Chúa có vui gì khi con người bị đau khổ, vì khi dựng nên trời đất muôn vật, dựng nên con người, Thiên Chúa luôn thấy mọi sự tốt đẹp. Nhưng chỉ vì con người đã phạm tội nên phá hỏng Chương trình Sáng tạo đó, làm cho con người phải đau khổ và phải chết. Thế nhưng Ngài đã không bỏ mặc con người nên đã sai Con Một của mình thực hiện Chương trình Cứu chuộc. Như vậy, tận đáy sâu thẳm trái tim Ngài, Ngài luôn muốn cho con người được hạnh phúc.

“Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai”.

Ta để ý cụm từ: “Người truyền anh ta”, có nghĩa Ngài ra lệnh cho anh. Tại sao Ngài không cho anh ta được nói với ai? Xin thưa: Vì Ngài biết dân Do Thái đang mong chờ Đấng Cứu Thế, để giải thoát họ khỏi áp bức của Rôma. Một quan niệm về Đấng Cứu Thế rất trần tục. Đức Giêsu không phải là Đấng Cứu Thế như vậy, vì Ngài sẽ chịu chết một cách ô nhục trên thập giá để giải thoát con người khỏi tội lỗi. Đây mới là Đấng Cứu Thế đích thực. Do đó, Ngài không cho người phong hủi nói với ai về việc này.

Nhưng Ngài có cấm được anh ta không? Xin thưa: không. Vì càng cấm anh ta càng nói lớn hơn. Nếu anh ta không nên tiếng thì hòn đất sẽ lên tiếng, vì không thể im lặng trước hồng ân của Thiên Chúa, phải nói lớn hơn, nói như hét vào khoảng không này cho mọi người biết: Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta.

“và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Đức Giêsu nói với anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ để chứng nhận mình đã được sạch. Tất cả các điều này đã được Luật quy định trong sách Lêvi, ở 02 chương 13 và 14.

Sự chứng nhận này rất cần thiết, vì khi một người bị mắc bệnh phong sẽ được tư tế kiểm tra và xác nhận (quá trình xác nhận bị bệnh diễn ra 02 lần cách nhau 07 ngày) và bị cách ly khỏi cộng đồng.

Nếu người mắc bệnh may mắn được khỏi, anh ta cũng phải được tư tế kiểm tra và xác nhận, (quá trình xác nhận khỏi bệnh cũng diễn ra 02 lần cách nhau 07 ngày) và sau đó được chứng nhận để gia nhập vào cộng đồng trở lại. Đồng thời phải dâng của lễ tạ ơn.

Vì người Do Thái có quan niệm: bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, nên bệnh tật có liên quan với tôn giáo, chính vì thế người xác nhận: bị mắc phải hay được khỏi phải là các tư tế.

“Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.”

Phép lạ Đức Giêsu chữa cho người phong hủi hôm nay đã đưa danh tiếng Ngài đi rất xa, vì trường hợp khỏi bệnh phong là điều rất hiếm. Các tư tế chỉ có thể xác nhận mắc bệnh chứ chưa xác nhận khỏi bệnh bao giờ. Vì thời đó bệnh phong hủi là vô phương cứu chữa. Ai mắc bệnh phong sẽ coi như đặt dấu chấm hết vào đời mình. Do đó đám đông lũ lượt, vâng Luca đã dùng từ rất ấn tượng “lũ lượt”, nó đông như trảy hội đến để nghe Ngài giảng dạy và chữa bệnh.

Luca viết: “Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.” Đức Giêsu luôn là mẫu mực cho sự kết hợp hài hòa giữa đời sống hoạt động và cầu nguyện. Không được vì cái này mà bỏ cái kia. Chính trong đời sống cầu nguyện mà Ngài kín múc sức mạnh từ Chúa Cha, để cho việc Ngài loan báo Tin mừng và chữa bệnh mới thật sự hiệu quả.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2737
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  19
 Hôm nay:  6260
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12262414

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn