Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần II thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên năm chẵn
(23/01/2014) - (Mc 3, 7-12)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.

Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
_________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ”

Người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài phải lánh về Biển Hồ? Có phải Ngài sợ điều gì đó bất lợi đến với Ngài chăng?

Trong Bài Tin mừng hôm qua, Đức Giêsu chữa người bại tay trong hội đường vào ngày Sabbath, Ngài gặp phải sự công kích của người Pharisêu, họ luôn dò xét để bắt lỗi Ngài. Trước thái độ ghen ghét, dò xét đó, Đức Giêsu đã hỏi họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Họ không thể trả lời câu hỏi này và phải im lặng. Đức Giêsu rất giận dữ và buồn rầu vì họ cố chấp, không biết nhận ra sự thật và cứ cố chấp nuôi dưỡng ý đồ xấu của mình. Ngài chữa cho người bại tay và anh ta đã được khỏi bệnh.

Người Pharisêu thất bại trong âm mưu của mình, họ liền nghĩ ra một kế hoạch táo bạo hơn, đó là giết Đức Giêsu, và để thực hiện việc này có kết quả, họ sẽ hợp tác với phe Hêrôđê để cùng lên kế hoạch.

Vậy Đức Giêsu và các môn đệ, có phải vì đó mà lành về phía Biển Hồ không? Xin thưa: Không, vì nhiều lần Đức Giêsu còn trực diện với đám đông tìm cách hãm hại, còn nguy hiểm hơn nữa, nhưng Ngài vẫn bước qua phía họ mà đi, vì Giờ Ngài chưa đến. Vậy Đức Giêsu lánh qua Biển Hồ để làm gì?

Đức Giêsu lánh qua Biển Hồ để mở rộng phạm vi hoạt động. Từ “lánh” ở đây không nên hiểu thuần túy theo nghĩa, tránh vùng nguy hiểm để đến vùng an toàn, mà nó còn có nghĩa tránh vùng bất lợi để sang vùng thuận lợi hơn. Và Galilê sẽ là vùng thuận lợi cho việc loan báo Tin mừng.

Khởi đầu Sứ vụ, theo Marcô, Đức Giêsu chọn Hội đường làm nơi hoạt động. Kết quả bước đầu, Ngài đã được nhiều người biết đến, nhưng dù sao, cứ mỗi lần nhắc đến Hội đường làm ta liên tưởng đến ngày Sabbath, và đi liền đó là vô số âm mưu bẩn thỉu nhắm vào Ngài, Đức Giêsu không muốn mất giờ vào những cuộc tranh luận như vậy, trước mắt là cả cánh đồng truyền giáo rộng lớn đang chờ đón. Như vậy, Ngài phải bước sang môi trường rộng lớn hơn.

Còn ta, nhiều lúc ta cũng phải biết lánh mình ra khỏi vùng nguy hiểm, ra khỏi môi trường bất lợi, nó luôn kéo mình vào chỗ sa đọa, xuống dốc. Đời sống đạo đức của ta phải được nuôi dưỡng bằng môi trường lành mạnh, để như một cây phải được hấp thụ đủ chất bổ dưỡng mới có thể phát triển. Đừng liều mình vào chỗ nguy hiểm, đừng tự hào mình có đủ ý chí và nghị lực, coi thường ma quỷ, thế gian và xác thịt. Ai tự hào như vậy sẽ là người kiêu ngạo, và họ sẽ bị té đau nhất.

“Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.”

Đức Giêsu lánh về Biển Hồ, nó nằm trong Galilê. Và khi nhắc đến Galilê, người ta biết đến nó là nút giao nhau giữa các trục lộ của vùng Trung cận đông, do đó danh tiếng của Đức Giêsu được nhiều người biết đến. lan truyền rất nhanh và rất xa. Marcô nói “người ta lũ lượt đi theo Ngài”. Ta có thể nói khởi đầu Sứ vụ loan báo Tin mừng của Đức Giêsu rất thành công, một sự khởi đầu tốt đẹp, nó có đủ sức để vận chuyển công trình loan báo Tin mừng cho khắp thế giới và cho đến ngày tận thế, một sự khởi đầu rất ấn tượng, qua cụm từ “lũ lượt”, vâng dân chúng lũ lượt đi theo Ngài.

Trước đây người ta đến với Gioan Tẩy Giả tại sông Jordan, miền Giuđêa, thì ngày nay, sứ vụ của Gioan đã kết thúc, tất cả lại chuyển mình về Galiê. Như vậy, từ miền Giuđêa, trong đó có Giêrusalem, thủ đô nước Do Thái và cũng là trung tâm tôn giáo, người ta cũng lũ lượt về đây. Nó có ý nghĩa gì? Xin thưa: nó cho biết Triều đại Nước Thiên Chúa đã đến, đã được mở ra, khởi đầu là dân Chúa chọn, họ được thừa hưởng lời Chúa đã hứa cho các tổ phụ họ. Bây giờ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa thực hiện lời hứa đó.

Đâu chỉ có dân Do Thái, mà là tất cả mọi người. Hôm nay dân ngoại từ 02 miền Tia và Xiđôn cũng lũ lượt về đây. Họ cũng được mời gọi vào Nước Thiên Chúa. Theo Thánh Phao-lô sứ mạng cứu rỗi của Đức Giêsu, nó trải rộng ra cùng với ơn cứu độ của Thiên Chúa, cho tất cả mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại. “Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người.” (Rm 10,12)

Marcô nói, dân Do Thái và cả dân ngoại lũ lượt đến với Đức Giêsu, vì nghe biết những gì Người đã làm.” Như vậy, khi chọn Galilê là trung tâm cho việc loan báo Tin mừng, hẳn Đức Giêsu đã thấy trước tiềm năng của nó, vì tất cả những gì Ngài đã làm, mọi người đều nghe biết.

Còn ta ngày nay thì sao? Ta có “nghe biết” những gì Thiên Chúa đã làm cho ta, cho gia đình ta, và cho giáo xứ ta không? Nhiều khi việc Chúa làm âm thầm quá, khiến ta khó nhận biết. Ngài đâu có nói cho ta biết mỗi lần Ngài ban ơn, trái lại cứ âm thầm ban phát, và chỉ có ai biết lắng đọng lòng mình mới nhận thấy. Vấn đề quan trọng bây giờ, sau khi đã nhận biết, ta phải làm gì? Ta có bắt chước dân Do Thái xưa lũ lượt lũ lượt đến với Ngài không? Hay ta cứ dậm chân tại chỗ, có khi còn đi ngược lại.

“Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn”

Marcô cho độc giả một bản tóm lược hoạt động của Đức Giêsu: Giảng dạy – Chữa lành bệnh tật và trục xuất ma quỷ.

Vấn đề đặt ra, hôm nay dân chúng đến với Ngài rất đông, nhưng thử hỏi họ đến Đức Giêsu với động cơ gì? Vì muốn được nghe lời Thiên Chúa, điều này không có gì phải bàn cãi, nhưng có lẽ vì muốn được Ngài chữa bệnh và trục xuất ma quỷ. Họ đã nghe và đã mục kích quyền năng của Đức Giêsu. Có người nói, họ đến với Ngài vì vụ lợi. Điều này không đúng, vì mỗi con người đều có 02 phần: phần hồn và phần xác. Đức Giêsu chăm lo cho dân chúng cả 02 phần, có nghĩa Ngài chăm lo cho họ tất cả. Như vậy, khi ta yếu phần nào ta đến với Ngài để xin Ngài cứu chữa, và hình như khi được Đức Giêsu chăm lo cho ai phần nào, thì họ cũng được cả phần còn lại. Đức Giêsu đã chữa cho rất nhiều người, và mỗi lần như thế Ngài lại cấm họ không được nói với ai, nhưng càng cấm họ càng la to hơn. 

Vì thế, Đức Giêsu bảo các môn đệ dành sẵn cho Ngài một chiếc thuyền nhỏ, nhưng chỉ đề phòng trường hợp đám đông chen lấn, còn Ngài vẫn ở với họ.

“Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người”

Ta để ý các cụm từ: “đổ xô” – “sờ vào Người”. Ta hãy tưởng tượng khung cảnh đang diễn ra, một đám đông không thể đếm được, đó là những người bệnh. Nếu bảo họ đứng xếp hàng chờ lần lượt đến phiên mình, thì biết đến bao giờ, ai cũng có bệnh và tâm lý ai cũng cho mình là người bệnh nặng nhất, do đó phải tìm cách tiếp cận để sờ vào Ngài, không đợi Đức Giêsu chữa cho mình. Họ tin Đức Giêsu có quyền năng chữa cho họ, tin mạnh đến nỗi chỉ cần sờ vào Ngài thôi cũng được khỏi bệnh. Quyền năng chữa bệnh của Đức Giêsu, không những thể hiện những lần Ngài chữa trực tiếp, mà còn ấn tượng trong trường hợp Ngài không trực tiếp, nhưng do người ta chạm đến Ngài.

Chỉ cần đến với Đức Giêsu và sờ vào Ngài, đó là niềm tin chân thành, đơn sơ và mãnh liệt nhất. Như vậy đã đủ chứng tỏ Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Thế mà người Biệt phái, Kinh sư, Thượng tế không tin, trái lại còn tìm cách hãm hại. Vậy họ còn mong Đấng Cứu Thế nào nữa? Có lẽ Đấng Cứu Thế phải như ý họ muốn. Còn người thời nay, cũng không muốn công nhận Đức Giesu là Con Thiên Chúa, cũng như pharisêu, kinh sư,... con người thời nay, họ cũng mong Đấng Cứu Thế như ý họ muốn.

“Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.”

Thần ô uế chính là ma quỷ, nó làm cho người ta ra xấu xa. Khi Đức Giêsu chưa xuống thế làm người, thực hiện Chương trình cứu chuộc, trần gian này chìm ngập trong bóng tối sự chết. Nhưng khi Ngài xuất hiện, ma quỷ phải sợ hãi tránh xa.

Ta để ý cụm từ “hễ thấy Đức Giê-su”, có nghĩa chúng đã có kế hoạch tấn công Đức Giêsu rất thâm hiểm. Vậy kế hoạch của chúng là gì? Xin thưa: hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”.

Danh xưng “con Thiên Chúa” không nhất thiết chỉ bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu, vì danh xưng này được dùng để chỉ nhiều người như: các thiên thần (Gen 6, 2), dân Do-thái là con Thiên Chúa (Hos 11,1), vua của Do-thái là con Thiên Chúa (II Sam 7, 14), người công chính là con Thiên Chúa (Sir 4, 10)…

Nhiều người nghĩ rằng, khi nó nói: “Ông là Con Thiên Chúa!”, chúng tôn vinh Đức Giêsu, thật ra không phải tà thần tuyên truyền dùm Ngài, mà chúng muốn phá họai hoạt động của Ngài thôi, vì khi làm như thế, chúng khiến dân chúng chỉ để ý tới khía cạnh quyền phép của Đức Giêsu, và do đó không chấp nhận khi Ngài cho biết Ngài là một Đấng Messia dùng Thập giá để cứu con người. Bởi đó việc Ngài “nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người” cũng là một biện pháp ngăn chận quan niệm sai lạc này.

Amen.

 

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3082
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  26
 Hôm nay:  6164
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12262318

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn