Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Thường Niên năm chẵn

Phân Tích Và Chia Sẻ Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Thường Niên Năm Chẵn

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Thường Niên năm chẵn 
(16/01/2014) - (Mc 1, 40-45)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.

Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Có người bị phong hủi đến gặp Người”

Đặc tính của Tin mừng Marcô: rất vắn ngọn, ông không để ý đến tiểu tiết mà chỉ chú trọng đến sự kiện, do đó sách Tin mừng theo Marcô là cuốn sách ngắn nhất trong 04 Thánh sử, nhưng bù lại, Marcô nêu nhiều phép lạ Đức Giêsu đã làm. Ngay câu đầu tiên của Bài Tin mừng, Marcô không cho ta biết người phong hủi đến gặp Đức Giêsu ở đâu, vào lúc nào. Ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Marcô không nêu chi tiết này? Ông muốn giấu chăng?

Nếu tham chiếu thêm các Thánh sử khác, như Matthêu (Mt 8, 1-4) và Luca (Lc 5,12 -16):

+ Ở Matthêu: “Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người” (Mt 8, 1-2)

+ Ở Luca: “Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống” (Lc 5, 12)

Mặc dù 02 thánh sử Matthêu và Luca không chỉ đích danh núi nào, thành nào, nhưng dù sao cũng cho ta biết phần nào về nơi chốn xảy ra chuyện người phong hủi đến gặp Đức Giêsu.

Còn ở Marcô không thấy nói đến dù chỉ một chữ, ông muốn giấu chăng hay vì ông không để ý đến chuyện này?

Sách Lêvi viết: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế!" Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” (Lv 13, 45-46). Rõ ràng người bị mắc phong hủi phải ở một nơi tách biệt, cụ thể là ở ngoài trại, cách ly với người bình thường. Mỗi khi có người nào đến gần, người phong hủi phải kêu lên: “Ô uế! Ô uế!”

Đó là lý do Marcô không muốn đề cập đến nơi chốn người phong hủi đến gặp Đức Giêsu, vì ông muốn tránh cho Ngài sự khó xử dưới con mắt nhà lãnh đạo Do Thái giáo.

Người phong hủi trong Bài Tin mừng hôm nay đã vi phạm luật Môsê, khi xé rào đến gặp Đức Giêsu. Tội của anh sẽ bị xử lý rất nặng vì có thể lây bệnh cho người khác. Nhưng anh bất chấp tất cả, vì anh đã bị xô đẩy vào đường cùng, nên phải tìm cho mình con đường sống.

Tại sao ta nói anh bị đẩy vào đường cùng? Xin thưa: Vì mắc bệnh phong hủi, coi như mang án tử vào mình, vì thời đó bệnh phong hủi là bệnh nan y, không có thuốc chữa. Vả lại theo Luca, ông viết: “có một người đầy phong hủi”, đã bị phong hủi mà còn bị phong hủi đầy người, coi như đã bước vào giai đoạn cuối. 

Khi ta bị đẩy vào đường cùng, bị lâm vào cảnh tuyệt vọng, ta cũng phải cố vẫy vùng để tìm cho mình con đường sống, vì ý chí sống luôn tồn tại trong người. Những lúc như vậy, ý chí sống sẽ mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ta sẽ làm tất cả để ra khỏi cảnh tuyệt vọng. Nhưng vấn đề đặt ra, trong những lúc như vậy, ta sẽ chọn cách xử lý nào? Đó mới là vấn đề quan trọng.

Nhiều người đã chọn phương án tự tử, ăn cướp, giết người,... Họ muốn thay đổi số mệnh bằng những cách như vậy. Thật dại dột, vì chọn những phương án đó ta càng đưa mình vào chỗ “cùng” hơn, chỗ tuyệt vọng hơn. Nó không giải quyết được gì, trái lại còn làm cho tình trạng rối tung lên. Vậy ta phải chọn phương án nào? Ta hãy đọc lại câu đầu tiên của Bài Tin mừng: “Có người bị phong hủi đến gặp Người”. Vâng, người phong hủi hôm nay đã cho ta phương án hiệu quả nhất, đó là chạy đến với Đức Giêsu. Đây sẽ là phương án mà ta phải chọn lựa, vì Thiên Chúa luôn yêu thương con người, trong Trái tim của Ngài luôn có chỗ cho ta, cho dù ta là con người đầy tội lỗi. Thiên Chúa có vui gì khi con người mà Ngài dựng nên bị lâm vào cảnh tuyệt vọng, Ngài luôn chờ ta đến với Ngài, để Ngài đưa ta ra khỏi tình trạng đó. Vấn đề là, ta có biết chạy đến với Ngài không?

“Anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

“Quỳ xuống van xin”, đó là thái độ đúng đắn của con người trước Thiên Chúa. Ta phải quỳ xuống, vì Ngài là Đấng cao cả, còn ta lại thấp hèn. Ta phải quỳ xuống vì Ngài là Đấng Cứu Tinh, còn ta đang ở trong cảnh khốn cùng xin Ngài cứu giúp. Động tác của con người quỳ xuống trước Thiên Chúa luôn là thái độ đúng đắn qua mọi thời đại. Nó muốn nói với những kẻ thách thức Thiên Chúa rằng, họ là những con người hỗn xược, lố bịch và ngạo mạn!

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

Người phong hủi đã nói một câu mà ta phải suy nghĩ. Nên nhớ anh ta không xin Đức Giêsu chữa cho mình. Đúng vậy anh ta không xin. Nhưng trong câu nói của anh, Đức Giêsu chỉ còn một chọn lựa duy nhất, đó là chữa cho anh khỏi bệnh, Ngài không còn con đường nào khác. Tại sao? Xin thưa, vì:

1/. Anh đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có đủ uy quyền để chữa cho anh. Anh tin chắc như vậy.

2/. Anh thách thức Tình yêu Thiên Chúa: “Nếu Ngài muốn”. Tại sao Đức Giêsu không muốn cho được, nếu Ngài không muốn thì bao lời rao giảng của Ngài về Tình yêu Thiên Chúa sẽ chẳng còn nghĩa gì nữa.

Như vậy, câu nói của người phong hủi: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” là câu nói, chỉ những kẻ mà cuộc đời đã bị bế tắc mới dám nghĩ ra. Chỉ trong cảnh khốn cùng, tuyệt vọng, người ta mới dâng một lời cầu xin mạnh mẽ, tác động nhất. Lời cầu xin đó chắc chắn sẽ đánh động lòng trắc ẩn của Thiên Chúa.

Vậy thử hỏi, tại sao những lời cầu xin của ta chưa được Chúa nhậm lời? Ta cầu xin mãi mà chẳng thấy gì, trái lại tình trạng ngày càng bi đát hơn, tại sao? Ở đây ta tạm bỏ qua lời cầu xin của ta đã đẹp lòng Chúa chưa, bỏ qua luôn vấn đề Chúa sẽ ban cho ta cách khác, mà chỉ xét đến lời cầu xin của ta đã đủ mạnh để đánh động lòng trắc ẩn Thiên Chúa không. Ta hãy xét lại mình, ta cầu xin với thái độ thế nào, có khẩn thiết không, có tin tưởng đủ không? Như vậy, lời cầu xin của người phong hủi hôm nay sẽ là bài học cho mỗi người chúng ta.

“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”

“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh”, một cử chỉ đầy yêu thương của một vị Thiên Chúa. “Chạnh lòng thương”, nó muốn diễn tả sâu sắc tình yêu của Đức Giêsu. “Giơ tay đụng vào anh”, Ngài đã vi phạm Luật Môsê, vì làm như vậy Ngài sẽ bị ô uế. Vâng đã bao lần Đức Giêsu bị ô uế, chẳng hạn Ngài giơ tay chạm vào quan tài của con trai bà góa thành Naim, việc này đã làm cho Ngài ra ô uế. Đức Giêsu ra ô uế chỉ vì Ngài muốn lấy hết các đau khổ của con người vào mình, lấy hết tội lỗi, lấy sự bất hạnh của họ, vì Đức Giêsu là Đấng gánh tội trần gian.

Luật ô uế, xét về mặt nào đó, làm cho người bình thường mất lòng trắc ẩn đối với người bất hạnh. Vì sợ ô uế nên họ muốn tránh xa. Như vậy luật vô tình đẩy người bất hạnh vào chỗ bi đát hơn nữa. Những người bất hạnh, họ là những người đáng thương và đang cần tình thương, nhưng chỉ vì luật, nó làm cho họ bị xa lánh. Đức Giêsu đã xử sự theo Tình yêu, Ngài không hề quan tâm đến sự ô uế, tình yêu của Ngài đã đưa bàn tay Ngài ra chạm vào anh ta.

“Tôi muốn, anh sạch đi!”, làm sao Đức Giêsu không muốn cho được! Ngài nói một cách dứt khoát và mạnh mẽ: “Tôi muốn”. Thiên Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc, vì hạnh phúc của con người chính là Vinh quang Thiên Chúa. Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Ngài, theo hình ảnh Ngài có nghĩa con người phải được hạnh phúc, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Lúc nào Thiên Chúa cũng muốn cho ta trở nên trọn hảo, không bao giờ Ngài muốn ta phải hư đi. Như vậy, ta phải tin vào Ngài, vấn đề còn lại, đó là ta có muốn không? Có muốn nghe và sống theo Lời Ngài để được hạnh phúc không? Đó là vấn đề ta phải tự vấn lương tâm mình.

“Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” Vâng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài có quyền trên tất cả: trên bệnh tật, trên ma quỷ, trên sức mạnh thiên nhiên. Như vậy, lời của Ngài có sức mạnh chữa lành người phong hủi này. Anh sạch đi, và anh đã được sạch ngay lập tức, da thịt anh trở lại đẹp đẽ.

Con người của ta khi mới sinh ra là một tờ giấy trắng, nhưng với thời gian nó bị nhiễm bẩn bởi biết bao tham vọng bất chính, bởi biết bao dục vọng thấp hèn, làm sao có thể trở lại trắng tinh như thưở ban đầu. Ta có làm cho nó trắng ra không? Xin thưa: Không. Vì ta đang sống trong tội, đang ngụp lặn trong nó, làm sao có thể làm gì được. Chính lời Đức Giêsu nói hôm nay: “Tôi muốn, anh sạch đi!”, sẽ cho ta niềm tin tưởng chắc chắn. Bây giờ chỉ còn lại một việc duy nhất, đó là hãy chạy đến với Ngài, để Ngài biến đổi đời ta.

“Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay”

Đây sẽ là câu khó hiểu nhất trong Bài Tin mừng hôm nay. Tại sao Đức Giêsu lại “nghiêm giọng đuổi anh đi ngay”?

Marcô dùng từ “đuổi” rất sâu sắc, thay vì nói anh ta đi, nhưng Marcô muốn nhấn mạnh khi dùng từ “đuổi”. Đuổi có nghĩa gì? Đó là một mệnh lệnh của người có uy quyền, muốn người này rời khỏi đây lập tức. Anh ta đã được chữa lành, thì việc anh ở đây không còn cần thiết nữa, anh không cần câu nệ bởi những phép xã giao như cám ơn, tạ ơn,... Nếu anh muốn cám ơn Chúa thì có bao nhiêu dịp để anh thể hiện lòng biết ơn đó trong cuộc đời. Anh còn có gia đình, còn bao trách nhiệm và nghĩa vụ đang chờ anh. Họ đang mong anh trở về, họ cũng đang tuyệt vọng giống anh vậy, có khi còn hơn anh nữa. Bao nhiêu lần bố mẹ anh, vợ con anh, anh em của anh chỉ biết đứng nhìn anh từ đằng xa mà không dám lại gần. Họ mong mỏi chờ anh về từng ngày, và khi chờ lâu như vậy, họ đã tuyệt vọng.

Đức Giêsu “nghiêm giọng đuổi anh đi ngay”, là mong anh trở về với người thân của mình để mang lại cho họ hạnh phúc. Đức Giêsu không chỉ chữa cho anh mà Ngài còn chữa cho nhiều người liên hệ đến anh, Họ sẽ vui mừng. khấn khởi và lạc quan trở lại. Vậy anh phải đi ngay không được trì hoãn và Ngài đã “đuổi” thật sự.

“Và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

“Coi chừng, đừng nói gì với ai cả”, Tại sao Ngài không cho anh được nói với ai? Xin thưa: Vì Ngài biết dân Do Thái đang mong chờ Đấng Cứu Thế, để giải thoát họ khỏi sự áp bức của Rôma. Một quan niệm về Đấng Cứu Thế rất trần tục. Đức Giêsu không phải là Đấng Cứu Thế như vậy, vì Ngài sẽ chịu chết một cách ô nhục trên thập giá để giải thoát con người khỏi tội lỗi. Đây mới là Đấng Cứu Thế đích thực. Do đó, Ngài không cho người phong hủi nói với ai về việc này.

“Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Đức Giêsu nói với anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ xá tội để chứng nhận mình đã được sạch. Tất cả các điều này đã được Luật quy định trong sách Lêvi, ở 02 chương 13 và 14.

Sự chứng nhận này rất cần thiết, vì khi một người bị mắc bệnh phong sẽ được tư tế kiểm tra và xác nhận (quá trình xác nhận bị bệnh diễn ra 02 lần cách nhau 07 ngày) và bị cách ly khỏi cộng động.

Nếu người mắc bệnh may mắn được khỏi, anh ta cũng phải được tư tế kiểm tra và xác nhận, (quá trình xác nhận khỏi bệnh cũng diễn ra 02 lần cách nhau 07 ngày) và sau đó được chứng nhận để gia nhập cộng đồng trở lại. Đồng thời phải dâng của lễ tạ ơn.

Vì người Do Thái có quan niệm: bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, nên bệnh tật có liên quan với tôn giáo, vì vậy người xác nhận: bị mắc phải hay được khỏi, phải là các tư tế.

“Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.”

Nhưng Ngài có cấm được anh ta không? Xin thưa: không. Vì càng cấm anh ta càng nói lớn hơn. Nếu anh ta không nên tiếng thì hòn đất sẽ lên tiếng, vì không thể im lặng trước kỳ công của Thiên Chúa, phải nói lớn hơn, nói như hét vào khoảng không này cho mọi người biết: Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta. Đức Giêsu nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, không cho anh nói gì, anh sẽ theo lời Ngài, nhưng chỉ cần ra khỏi đó thôi, anh bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi.

Chính thái độ của anh đã làm hại Đức Giêsu, Marcô nói: “Người không thể công khai vào thành nào được”. Như vậy tất cả mọi thành đều biết. Chỉ còn một chỗ Ngài có thể ở, đó là nơi hoang vắng ngoài thành. Thật tai hại!

Ta đừng nghĩ, được nhiều người ái mộ mà thích, ta sẽ chết vì chính sự ái mộ đó. Nó sẽ giết chết tự do của ta, không cho phép ta làm theo sự suy nghĩ của mình. Vậy Đức Khôn Ngoan dạy ta điều gì? Xin thưa: Đừng phô trương, hãy sống khiêm tốn, để ta được tự do, để ta là ta chứ không phải là người khác theo sự nhào lặn của quần chúng. Thật nực cười khi trong xã hội có bao kẻ cố làm mọi cách để được người khác chú ý, kể cả những cách lập dị nhất, nhưng không thiếu người muốn ẩn mình đi. Thật ông bà ta nói rất chí lý:

“Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.”

Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.” Đã ở nơi hoang vắng rồi, Đức Giêsu cũng không được yên, nếu Ngài không vào thành thì dân trong thành sẽ đến với Ngài, vì họ đang cần nghe lời Thiên Chúa. Marcô dùng từ rất sâu sắc: “dân chúng từ khắp nơi”, có nghĩa dân chúng không chỉ một thành nào đó, mà là tất cả mọi thành. Rồi đây tất cả con người trên hành tinh này sẽ đến với Ngài, vì chỉ nơi Ngài mới có lời Hằng Sống. Lời Thiên Chúa là lời Hằng Sống sẽ làm cho con người được sống.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3024
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  14
 Hôm nay:  1803
 Hôm qua:  5802
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12323603

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn