Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Thường Niên năm chẵn

Phân Tích Và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Thường Niên Năm Chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Thường Niên năm chẵn
18/01/2014) - (Mc 2, 13-17)
Bắt đầu tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao ! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
__________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.”

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử Nhất lãm tường thuật: Matthêu (Mt 9, 9-13); Marcô (Mc 2, 13-17); Luca (5, 27-32). Các Thánh sử đều nhất trí với nhau về việc Đức Giêsu kêu gọi Lêvi làm Tông đồ, ngay sau Ngài chữa cho người bất toại ở Carphanaum 01 ngày.

Nhưng có sự khác biệt ở đây: trước khi Đức Giêsu gọi Lêvi, thì Ngài đã ra bờ biển hồ Galilêa và dạy dỗ dân chúng, còn 02 Thánh sử kia (Matthêu, Luca) không đề cập đến, mà đi ngay vào việc Ngài gọi Lêvi.

Marcô thích dùng kiểu nói ấn tượng, “Toàn thể dân chúng”, đó là con số đông không thể đếm được. Ngày hôm qua, “Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ” (Mc 2, 1-2) Với một ngôi nhà, làm sao có thể thích hợp cho việc rao giảng Tin mừng, khi dân chúng đến với Ngài đông như vậy. Thì hôm nay, Đức Giêsu chọn bờ biển làm địa điểm loan báo Tin mừng, Ngài ra bờ biển hồ, một không gian rộng rãi, thoáng mát, rất thích hợp cho việc giảng dậy.

Khi Đức Giêsu xuất hiện ở đâu, thì “toàn thể dân chúng” kéo đến đó. Nó cho thấy một nhân loại đang chìm trong bóng tối sự chết, thèm khát nghe Lời Thiên Chúa. Đức Giêsu ra bờ biển hồ, Ngài sẽ làm cho thế giới này dậy sóng, vì không thể im lìm và đóng băng trước sự xuất hiện của Con Thiên Chúa, tất cả nhân loại phải chuyển mình đi về với Thiên Chúa, dứt bỏ sự thống trị của Satan mà bao đời nay nó hằng chế ngự.

“Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó.”

Sau khi dạy dỗ dân chúng xong, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế. Ta để ý cụm từ “đi ngang qua”, nó cho biết Ngài đang muốn đi xa hơn nữa, nhưng trên đường đi Ngài phải qua trạm. Đây có phải là sự vô tình không? Xin thưa: Không. Vì nếu vô tình, ắt hẳn Ngài không chú ý đến Lêvi. Nhưng Marcô viết: “Người thấy Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó”. Từ “thấy” trong Kinh thánh luôn mang ý nghĩa sâu sắc. Khi ta nói: “Thiên Chúa thấy”, có nghĩa Ngài đã thấu suốt đối tượng mà Ngài thấy. Đức Giêsu đi qua đây không phải vì vô tình, nhưng Ngài cố ý tìm kiếm một con người, đó là Lêvi, con ông An-phê, một nhân viên thu thuế.

Thánh Augustine mô tả sâu sắc việc Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, ông viết: “Timeo Jesus praetereuntem et non redeuntem”, có nghĩa: “Tôi sợ Chúa Giêsu có thể đi qua và không quay lại nữa.”

Vâng, ta sợ Đức Giêsu đi ngang qua đời ta, có thể Ngài chỉ đi qua mà không bao giờ trở lại. Đó là lúc ta không chú ý cho đủ việc Ngài đến để có thể đón Ngài, mà lại để Ngài đi qua luôn. Tại sao ta không chú ý cho đủ? Vì ta đang chú ý vào những vấn đề khác thực dụng hơn, mang lại lợi ích vật chất nhiều hơn. Ta đang tập trung suy nghĩ, làm sao kiếm được nhiều tiền hơn; làm sao cho đời sống thoải mái hơn....

“Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê”, Lêvi là người thứ năm được Đức Giêsu kêu gọi, sau Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan. Sau này ông sẽ trở thành Tông đồ Thánh sử Matthêu, là tác giả cuốn Phúc Âm thứ nhất, nguyên bản tiếng Aramaic, nhưng sau đó đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Theo tài liệu để lại, Lêvi khi ấy đang làm việc trong ngành thuế vụ của vua Hêrôđê. Mặc dù không phải là một quan chức chính thức, nhưng ông đã mua quyền được thu thuế.

“Đang ngồi ở đó”, có nghĩa lúc này Lêvi đang làm việc. Đức Giêsu gọi ông lúc ông đang làm việc, để chuyển ông sang một việc khác. Ông đang làm một nghề mà toàn dân Do Thái khinh bỉ, đó là nghề thu thuế. Tại sao nghề Thu thuế thời Đức Giêsu lại bị người Do Thái khinh bỉ? Xin thưa: Nó có 02 lý do:

1/. Nghề thu thuế thường lem nhem tiền bạc, hình như đó là “đặc tính” của nghề này. Nghề đó sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ. Bằng chứng trong Bài Tin mừng hôm nay, sau khi được Đức Giêsu kêu gọi, Lêvi đã mở tiệc khoản đãi Ngài và các môn đệ, trong bữa tiệc ấy có đông đảo bạn đồng nghiệp đến dự. Chi phí cho bữa tiệc này không nhỏ.

2/. Nghề này còn bị khinh bỉ, vì người thu thuế được xem như tiếp tay cho Đế quốc La Mã, là những kẻ thống trị. Không gì nhục cho bằng lấy tiền của đồng bào mình mà dâng cho kẻ ngoại bang.

“Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.”

Một lời kêu gọi ngắn gọn và một sự đáp trả quảng đại, mau mắn và dứt khoát.

“Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!”, Đức Giêsu chỉ bảo cứ theo mà không hề giải thích theo để làm gì. Thật kỳ lạ, một lời kêu gọi như vậy lại có sức mạnh ghê gớm, làm cho người được gọi, sẵn sàng bỏ tất cả để đi theo Ngài. Nó phải có cái gì đó, chứ không thể đơn giản như vậy. Vâng, cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong, đó là lời kêu gọi của Thiên Chúa. Lời đó thật mãnh liệt, trấn áp tất cả mọi quyến rũ cố kéo người được gọi lùi lại.

Lời kêu gọi đối với Lêvi khác với lời kêu gọi Phêrô và Anrê. Ở Phêrô và Anrê: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4, 19). Ở đây Đức Giêsu còn giải thích, tại sao theo Ngài, vì “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Nhưng đối với Lêvi thì không như thế, lời kêu gọi chỉ có 04 từ: “Anh hãy theo tôi!”. Chỉ 04 từ, không thêm không bớt.

“Ông đứng dậy đi theo Người.” Sự đáp trả của Lêvi cũng kỳ lạ không kém. Tại sao ông có thể bỏ nghề nghiệp, bỏ cuộc sống ổn định để đi theo một con người không hứa hẹn cho ông điều gì? Tại sao ông lại lao vào một tương lai không gì sáng sủa và bấp bênh như vậy? Nếu ta đọc hết Bài Tin mừng, ta sẽ có câu trả lời, đó là “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Vâng ông đang là người đau ốm, đang là người tội lỗi, khi ông gặp Đức Giêsu, có nghĩa ông đã gặp được Thầy thuốc của mình.

Ta đã được Đức Giêsu kêu gọi làm nhân chứng cho Ngài trong cuộc đời này. Vậy ta có quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi như Lêvi hôm nay không? Mặc dù Đức Giêsu không hiện ra để kêu gọi ta, nhưng Ngài cho ta một dấu chỉ “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy thương yêu nhau” (Ga 13,35). Đúng vậy, khi ta sống yêu thương, sống bao dung, đó là lúc ta đáp trả lại lời mời gọi của Đức Giêsu.

“Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.”

Được đi theo Đức Giêsu là một vinh dự và hạnh phúc lớn lao. Ông muốn đánh dấu sự kiện này bằng một bữa tiệc. Nó có 02 lý do:

1/. Theo cách nói của người thời nay, đó là tiệc ra mắt Thầy.
2/. Lêvi cũng muốn dùng bữa tiệc này để chia tay các bạn đồng nghiệp.

Trong Kinh thánh đã có những bữa tiệc như vậy. Người cha đã cho giết con bê béo ăn mừng khi thấy đứa con mình trở về. Người chăn chiên bỏ 99 con ở lại đi tìm con chiên lạc, cũng mời hàng xóm chung vui với mình khi tìm thấy. Đến độ nghèo như bà góa, cũng mở tiệc ăn mừng vì đã tìm thấy đồng bạc bị mất... Tất cả những bữa tiệc đó diễn tả niềm vui của người tìm lại được cái mình đã mất. Đó là những bữa tiệc thánh thiêng.

Cuộc đời ta cũng có những bữa tiệc diễn tả niềm vui có Chúa trong đời mình, tiệc mừng ngày Rửa tội, tiệc mừng ngày Rước lễ lần đầu, tiệc được chịu Phép Thêm Sức, tiệc lãnh Bí tích Hôn Phối,... Đó là những bữa tiệc ta phải ăn mừng, phải vui lên vì đã có Chúa trong đời của ta.

“Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người”. Những người dự tiệc trong nhà Lêvi gồm những ai? Ngoài Đức Giêsu và các môn đệ ra, Marcô nói, đó là “người thu thuế và người tội lỗi”. Người thu thuế và tội lỗi lại ngồi chung với Đấng Thánh sao? Vâng đúng vậy. Họ đến đây để bày tỏ niềm vui của mình, khi Đức Giêsu chọn một người như họ làm môn đệ. Như vậy có khác gì họ cũng được Ngài thương đến. Người Do Thái khinh chê họ, Kinh sư, Biệt phái miệt thị họ ra mặt, nhưng ở đây Đấng Thánh của Thiên Chúa lại cùng chung bàn với họ. Thật là niềm vui cộng hưởng với niềm vui. Lêvi vui một, họ vui hai, vì họ vui cho Lêvi và cũng vui cho mình nữa.

Marcô diễn tả sâu sắc “con số họ đông và họ đi theo Người”. Họ đông như thế nào Marcô không nói đến, nhưng cũng đủ để cho Kinh sư và Pharisêu thấy nhức đầu và chóng mặt. Hôm nay thật là ngày hội dành cho người thu thuế và kẻ tội lỗi. Những người công chính kia, Kinh sư và Pharisêu, chỉ biết đứng ở ngoài nhìn vào.

Tại sao Marcô nói: “và họ đi theo Người”? Đang trong bữa tiệc sao lại đi theo Đức Giêsu? Xin thưa: Câu này Marcô muốn nói, Đức Giêsu và các môn đệ được mời, người thu thuế và kẻ tội lỗi cũng được mời. Như vậy, khi vào trong phòng tiệc, dĩ nhiên Đức Giêsu sẽ vào trước, vì Ngài là Đấng thánh và cũng là nhân vật chính trong bữa tiệc hôm nay, đi sau Ngài là những người thu thuế và tội lỗi. Họ đi theo Đức Giêsu vào phòng tiệc. Đó cũng là hình ảnh Người chăn chiên đích thực đi trước, đàn chiên đi theo. Tất cả đều là chiên của Đức Giêsu, Ngài là Người chăn chiên đích thực.

“Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”

“Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu”, Tại sao lại có kinh sư thuộc nhóm pharsêu? Như ta biêt: ở xã hội Do Thái có nhiều nhóm tôn giáo và xã hội, ta có thể kể:

+ Nhóm Xađốc
+ Nhóm Pharisêu
+ Nhóm Eùt-xê-nô
+ Nhóm Sa-ma-ri
+ Nhóm Hê-rô-đê

Còn với giai cấp xã hội, ta có:

+ Giới Tư tế
+ Giới Kỳ mục
+ Giới Kinh sư
+ Dân chúng.

Marcô nói những Kinh sư thuộc nhóm Pharisêu, như vậy ông có ý muốn nói đến luôn Kinh sư và Pharsêu, vì mặc dù họ là kinh sư nhưng lại tham gia nhóm pharisêu. Những người này thấy Đức Giêsu ăn uống với những người thu thuế và kẻ tội lỗi, họ rất bực bội, nhưng lại không dám nói với Ngài, họ nói với các môn đệ của Ngài. Đây là cách họ hay dùng khi đối phó với Đức Giêsu, “Nhắn trò chửi thầy”.

Tại sao họ lại dùng cách này? Xin thưa: Vì mới hôm qua, khi Đức Giêsu chữa cho người bất toại, Ngài nói: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2, 5), họ cho Ngài nói phạm thượng vì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Đức Giêsu đã cho họ bài học nảy lửa, khi Ngài khẳng định, Ngài cũng có quyền tha tội. Chắc họ còn nhớ như in, nên hôm nay họ tránh xa Đức Giêsu.

Họ nói gì với các môn đệ: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”. Một câu nói xấc xược và ngạo mạn. Theo phép xã giao, khi họ nói với các môn đệ mà dùng từ “Ông ấy” là sự vi phạm nghiệm trọng, đó là thái độ xấc xược. Đáng lý ra họ phải nói “ Thầy các ông ăn uống ....” Và họ cũng ngạo mạn khi nói về người thu thế và tội lỗi, họ dùng từ “bọn” và “quân”, họ khinh những thành phần này ra mặt. Họ ngạo mạn, vì họ có hơn gì những người này không? Họ ngạo mạn vì cứ cho mình là người đạo đức và công chính. Đó là sự mạo nhận vô lối, trong khi chính họ còn tội lỗi gấp nhiều lần những người tội lỗi đó. Ai mà lại không có tội, nhưng người tội lỗi sống trung thực với mình khi tự nhận mình là kẻ tội lỗi, trong khi kinh sư lại cho mình là công chính, đó là sự giả hình, tội chồng lên tội.

“Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

“Nghe thấy thế”, Marcô dùng từ rất sâu sắc, những kinh sư này đang cố ý nói lớn tiếng cho mọi người nghe thấy. Đó là thái độ của kẻ tiểu nhân, không dám nói trực diện với Ngài, nhưng nói lớn tiếng với các môn đệ cố ý để Ngài nghe được.

“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” Đây là một chân lý. Nhưng: ai là người khỏe mạnh, ai là người đau ốm mới là vấn đề phải xem xét. Khi Ông bà Nguyên tổ phạm tội, đã đẩy nhân loại vào vòng tội lỗi, như vậy tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, do đó ai cũng là người đau ốm và không ai là người khỏe mạnh. Khi nhận ra chân lý này, ta đã khởi động đi lên trên đàng nhân đức. Nếu ai mạo nhận mình là người khỏe mạnh, người đó sẽ không cần đến thầy thuốc”, có nghĩa từ chối ơn Cứu độ.

Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho Timôthê, ông viết: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.” (1Tm 1, 15) Thánh Tông đồ dân ngoại đã nói như vậy huống chi chúng ta. Ta cũng cần được Thiên Chúa cứu độ.

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Đây là câu chủ lực trong Bài Tin mừng hôm nay. Đức Giêsu khẳng định Sứ mệnh của Ngài, Ngài không đến để kêu gọi người công chính. Như vậy, ai tự nhận mình là người công chính, sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa, vì họ đã từ khước ơn Cứu độ, họ đã công chính rồi nên không cần đến nó nữa.

Nhưng Đức Giêsu đến trần gian để kêu gọi người tội lỗi. Như vậy Ngài sẽ kêu gọi tất cả mọi người, vì ai cũng là tội nhân trước mặt Chúa. Qua việc Đức Giêsu gọi Lêvi hôm nay, ông bị coi là người tội lỗi dưới cái nhìn của các kinh sư và người Do Thái, Đức Giêsu muốn nhắn gửi các kinh sư và những người đang sống trong sự giả hình, những người luôn vỗ ngực xưng mình là người đạo đức, Ngài muốn nói với họ, phải biết sống khiêm tốn, phải biết quay về với lòng mình, để nhìn thật rõ con người mình, để thấy được mình cũng là người tội lỗi. Khi nhận chân vấn đề, ta mới tiến một bước dài trên đường nhân đức.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2594
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  27
 Hôm nay:  1173
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12257327

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn