Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy sau Lễ Chúa Hiển Linh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh
(11/01/2014) - (Ga 3, 22-30)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.

Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa Thầy, người trước đây đã ở với Thầy bên kia sông Gio-đan và được Thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.”

Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng.

Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.
_______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Sau đó”

Ngay đêm hôm trước, có một người trong nhóm Pharisêu, tên là Nicôđêmô đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Thánh sử Gioan nói, ông là một trong những thủ lĩnh người Do Thái. Ông đến không phải để tranh luận như những người Pharisêu khác, mà chỉ mong Đức Giêsu chỉ giáo thêm một số điểm ông còn mù mờ chưa rõ. Ông nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” (Ga 3, 2).

Đức Giêsu mạc khải cho ông: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3, 5-8)

Cuộc trò chuyện còn nhiều vấn đề khác nữa. Như vậy, Đức Giêsu đã khẳng định với Nicôđêmô, mỗi người có 02 cuộc sinh ra: 1- Sinh ra bởi xác thịt, đó là sinh ra do cha mẹ. 2- Sinh ra bởi nước và Thần khí, đó là điều kiện để vào Nước Thiên Chúa.

“Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa.”

Miền Giuđê có sông Jordan, Đức Giêsu đến đây và đã làm phép rửa cho người Do Thái, như vậy ngoài Gioan Tẩy giả làm phép rửa còn có Đức Giêsu nữa.

Ta để ý cụm từ “các môn đệ”, nó cung cấp cho ta thông tin để có thể đoán được Đức Giêsu bắt đầu làm phép rửa khi nào và kéo dài bao lâu. Matthêu viết: “Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính."

“Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa”. Nhờ câu nói này, ta có thể biết chính xác Đức Giêsu đã làm phép rửa trước khi Ngài chịu phép rửa của Gioan. Vậy tại sao Ngài đang làm phép rửa cho dân chúng mà lại xin Gioan làm phép rửa cho mình? Điều này có vô lý không? Xin thưa: KHÔNG, vì Đức Giêsu nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Có nghĩa cứ làm như vậy để giữ trọn đức công chính, sự công chính nằm ở chỗ: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng không có tội nhưng đã biến thành người có tội để giải thoát người tội lỗi. Như vậy Đức Giêsu sẽ chu toàn tất cả những gì luật dạy và những gì người đạo đức phải làm, Ngài cũng đến đây xếp hàng để chịu phép rửa của Gioan.

Sau khi chịu phép rửa của Gioan, Đức Giêsu vẫn thực hiện phép rửa của mình cho người Do Thái, ít nhất đến giai đoạn Ngài kêu gọi các môn đệ và trước khi Gioan Tẩy Giả bị bắt.

Đến đây ta có thể đặt câu hỏi: Cả Gioan và Đức Giêsu cùng làm phép rửa, vậy 02 phép rửa này có giống nhau không? Xin thưa: Có và Không.

+ GIỐNG NHAU: vì 02 phép rửa cùng dùng nước.

+ KHÁC NHAU: Chỉ có Phép rửa của Đức Giêsu mới ban Thánh Thần, còn phép rửa của Gioan Tẩy Giả thì không. Phép rửa của Gioan chỉ để thanh tẩy, tẩy sạch tội lỗi, còn Phép rửa của Đức Giêsu mới ban sự sống Thần linh.

Thánh sử Gioan viết: “Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1, 32-34)

Gioan Tẩy Giả làm chứng về điều này và Đức Giêsu cũng xác nhận với Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3, 5) Đây là câu xác nhận gián tiếp.

“Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.”

Thánh sử Gioan cho biết, Gioan Tẩy Giả và các môn đệ đã di chuyển đến Ê-nôn, gần Sa-lim, miền Samari và làm phép rửa tại đây. Lý do Gioan Tẩy Giả dời địa điểm, theo Gioan, vì ở đấy có nhiều nước. Ta thử xem lý do này có đúng không?

Xin thưa: Lý do Gioan đưa ra không hẳn như vậy, nhưng ở đây có sự tế nhị và nêu bật sự cao cả của Gioan Tẩy Giả. Vì Gioan Tẩy Giả đến làm chứng cho Đức Giêsu, ông phải tự biến mình nhỏ đi để Đức Giêsu trổi vượt lên. Con sông Jordan này đã lôi cuốn hàng ngàn người đến với ông, thì bây giờ ở vị trí đó phải là Con Thiên Chúa, phải là Đức Giêsu. Còn ông sẽ dời đến địa diểm khác, sang tận Samari.

“Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.” Thánh sử Gioan muốn xác định thời gian xảy ra cuộc tranh luận về phép rửa.

“Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gio-an và nói”

Vâng việc gì đến cũng sẽ đến, khi cả Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu cùng làm phép rửa, ắt phải xảy ra cuộc tranh luận. Nhưng tại sao Gioan lại viết “một người Do Thái”, ngay sau đó ông lại viết: “Họ đến gặp ông Gio-an và nói”. Ở câu trước, Gioan xác định chỉ có một người, còn câu sau lại dùng từ “Họ”, tức có nhiều người? Như vậy có vô lý không? Xin thưa: KHÔNG.

Ta có thể hiểu: Trước đó đã có cuộc tranh luận giữa môn đệ của Gioan Tẩy Giả với một người Do Thái. Đó là người nào và tranh luận về điều gì, thánh sử Gioan không cho biết, nhờ phần tiếp theo ta biết được, họ tranh luận xung quanh phép rửa của Gioan. Cuộc tranh luận đã xong, và người Do Thái kia cũng đã đi về.

Sau đó, từ “Họ” chính là các môn đệ của Gioan, các ông mới đến Thầy mình để hỏi cho ra lẽ. Họ đã được Gioan Tẩy Giả trả lời. Có nhiều nhà chú giải cho rằng, cuộc tranh luận xảy ra giữa môn đệ của Gioan và môn đệ của Đức Giêsu, điều này sai hoàn toàn và ngớ ngẩn.

“Thưa Thầy, người trước đây đã ở với Thầy bên kia sông Gio-đan và được Thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.”

“Người trước đây đã ở với Thầy” có nghĩa gì? Từ “Người” ở đây nói về Đức Giêsu. “Trước đây đã ở với Thầy”, không lẽ Đức Giêsu cũng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả và bây giờ tách ra sao?

Xin thưa: Không phải như vậy. Ta đừng hiểu Đức Giêsu sau khi chịu phép rửa là ra khỏi vùng đó ngay, nhưng Ngài vẫn ở sông Jordan một thời gian. Thánh sử Gioan viết: “Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. (Ga 1, 29) ...... “Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói:” (Ga 1, 35) .... Mấy cái “Hôm sau” như vậy đủ chứng tỏ Đức Giêsu vẫn còn ở sông Jordan. Và khi Ngài còn ở đó, có thể có những cuộc tiếp xúc riêng giữa Đức Giêsu và Gioan. Như vậy, các môn đệ Gioan nói “Người trước đây đã ở với Thầy” là đúng và không có chuyện Đức Giêsu là môn đệ của Gioan.

“Bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.”

Câu nói của các môn đệ Gioan cho ta thấy 03 điều: 1- Đức Giêsu cũng làm phép rửa; 2 Danh tiếng và uy thế của Đức Giêsu ngày càng được nhiều người biết đến; 3- Sự ghen tức của các ông.

Vấn đề không phải nằm ở chỗ 02 phép rửa cùng tồn tại. Như ta biết thời đó có nhiều người cũng làm phép rửa, nhưng những phép rửa đó có tính cách lễ nghi, có nghĩa khi một người tham gia vào một đoàn thể, người ta sẽ thực hiện phép rửa, để tẩy sạch những gì xấu xa trong thành viên mới, và để họ bắt đầu sống với tôn chỉ mới.

Vấn đề mấu chốt ở đây nằm trong cụm từ: “thiên hạ đều đến với ông”. Đây là thái độ ghen tức của môn đệ Gioan. Theo các ông, thầy mình phải là người vĩ đại, không ai có thể so sánh được. Trước đây mọi người tuốn đến với thầy mình để chịu phép rửa, nhưng bây giờ họ đã chuyển sang Đức Giêsu. Như vậy, uy thế của thầy đã giảm sút nghiêm trọng. Nhưng có thực họ đang tức giùm cho Gioan không? Xin thưa: Tức cho thầy thì ít mà tức cho các ông thì nhiều, vấn đề nằm ở chỗ đó. Vì một khi đi theo Gioan, họ muốn thầy mình phải được mọi người kính trọng, thầy mình được kính trọng thì họ sẽ được vinh dự, đi đến đâu họ cũng có thể tự hào mình là học trò của Gioan. Vâng đó mới là động lực chính khi họ nói: “thiên hạ đều đến với ông”.

Ta đừng bao giờ nghĩ rằng, khi làm việc cho Chúa người ta sẽ hoàn toàn vô vị lợi. Đừng bao giờ nghĩ vậy. Có biết bao sự kèn cựa, nói hành nói xấu, ném đá sau lưng, đâm sau lưng chiến sĩ giữa các thành viên giữa các nhóm với nhau, giữa các hội đoàn trong cùng giáo xứ. Sự ghen tị chính là nguyên nhân sâu xa gây ra nhiều thảm kịch, không những nó xảy ra trong Giáo hội, trong xã hội mà còn giữa các cá nhân. Cái đích của sự ghen tị là gì? Đó là bực bội khi thấy người khác hơn mình, và phải làm mọi cách để đưa mình lên, hạ người khác xuống. Đưa lên, hạ xuống bằng cách nào? Xin thưa: Bằng tất cả mọi thủ đoạn. Mà nói đến thủ đoạn ta phải hiểu đó là điều xấu.

“Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.”

Đứng trước sự ghen tị của các học trò, Gioan Tẩy Giả đã cho họ 02 liều thuốc. Liều thuốc thứ nhất: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.”

Ta cũng có thể hiểu câu nói của Gioan theo cách khác, “Tất cả những gì ta đang có đều do Thiên Chúa ban cho”. Đây là một chân lý. Ta đừng nghĩ đó là do tài năng, do sự may mắn, tiền bạc, cơ ngơi, nhà cửa, tài năng,...Suy nghĩ như vậy ta vẫn mãi là một đứa trẻ chưa thể lớn lên. Thế nhưng còn phần cố gắng của ta ở đâu, chỉ toàn ơn Chúa ban sao? Xin thưa: Khi nói như vậy, không có nghĩa phủ nhận nỗ lực, phủ nhận những cố gắng của mình, mà ta nhận ra một điều, Thiên Chúa chỉ ban cho ta trong lúc ta nỗ lực hết mình, nó như một phần thưởng xứng đáng. Như vậy những gì ta đang có, do nỗ lực của ta cộng tác với ơn thánh. Thiên Chúa không bao giờ ban ơn cho kẻ lười biếng, cho kẻ buông xuôi. Nếu kẻ lười biếng mà được như vậy, thì hãy coi chừng, nó đang ẩn chứa một mối họa.

Thiên Chúa ban cho ta để làm gì? Để ta làm giàu trước mặt Ngài khi dùng những gì Chúa ban, mưu cầu ích lợi cho anh em mình. Vậy tại sao ta phải ghen tức với người khác, vì chính ta cũng đang sở hữu nhiều giá trị cao quý. Tại sao ta cứ nhìn sang người khác để so sánh, để rồi kèn cựa, mà không phát huy những khả năng trong người của ta.

Thiên Chúa ban cho con người không đồng đều, tùy theo khả năng mỗi người, người thì được 01 nén, người 02 nén, 05 nén,... Và ai được nhiều sẽ bị đòi lại nhiều trong ngày phán xét.

“Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.”

Gioan Tẩy Giả nhắc cho các môn đệ nhớ, chính ông đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.” Có nghĩa ông đã xác nhận ngay từ đầu, ông chỉ là Tiền Hô, dọn đường cho Đấng Cứu Thế, đó là Đức Giêsu. Luca viết: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3, 16)

Như vậy giữa vị Tiền Hô và Đấng Cứu Thế, ai cao trọng hơn? Một câu hỏi mà chỉ có người ngây ngô mới không trả lời được. Vâng, Đấng Cứu Thế luôn cao trọng hơn, vì ông chỉ là “kẻ được sai đi trước mặt Người”. Người đi trước để chuẩn bị cho một nhân vật quan trọng đến sau.

Liều thuốc thứ hai mà Gioan muốn gửi đến các môn đệ để chữa bệnh ghen tị, đó là phải nhận ra đúng giá trị của mình. Nhận ra mình không phải để hạ thấp mà là làm cho mình nên cao cả. Vâng Gioan đã nên cao cả khi ông nói: “tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.

Sở dĩ bao nhiêu bi kịch xảy ra chỉ vì ta không biết mình và không biết người. Tại sao ta cứ ganh đua sát ván với người này người kia, đó chỉ vì ta bị tha hóa, đánh mất mình. Ta đánh mất mình khi không nhận ra mình. Phải nhìn vào tận đáy sâu thẳm con người mình để thấy rằng ta chẳng là gì cả. Con người của ta đầy lỗi lầm, đầy khuyết điểm. Khi biết như vậy, đó sẽ là mức khởi đầu của quá trình hoàn thiện và vươn lên. Như vậy, chỉ khi nào ta nhận ra mình, ta mới được bình an, gạt bỏ tất cả sự ghen tuông vô lối mà nó chỉ làm hại ta.

“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng.”

“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể”, điều này ai cũng biết. Một điều đơn giản như vậy mà Thánh sử Gioan cũng viết sao? Vâng đúng vậy, ông muốn nói rằng, ai cưới cô dâu đó mới là chú rể thực sự. Nhưng ở đời lại có sự lầm lẫn khôi hài, có người không cưới cô dâu mà cứ coi mình là chú rể mới chết! chính môn đệ của Gioan Tẩy Giả đang nhầm lẫn như vậy. Vì thế Gioan Tẩy Giả mới nói với môn đệ của ông, ông chỉ là bạn, phụ rể mà thôi. Không được nhầm lẫn ông với chú rể.

Vấn đề bây giờ phải xác định: Ai là cô dâu, ai là chú rể theo cái nhìn của Kinh Thánh.

Cựu Ước coi dân Israen là cô dâu, còn Đức Chúa là chú rể.

Tiên tri Giêrêmia viết: “Hãy đi mà thét vào tai Giê-ru-sa-lem như sau: ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng.” (Gr 2, 2)

Tân Ước coi Giáo Hội là cô dâu, còn Đức Giêsu là chú rể.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô viết: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.” (Ep 5, 25-30)

Gioan là người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô. Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn của chú rể, vì thế ông không có quyền “có cô dâu”. Ông coi Đức Giêsu là chú rể, và ông đứng đó nghe chàng. Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói của chàng.

“Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”, Đây là châm ngôn của Gioan và nên là kim chỉ nam cho hết mọi người, khi chúng ta phục vụ Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta cũng giống như Gioan là dọn đường cho mọi người và chỉ cho họ đường đến với Thiên Chúa; chứ không lợi dụng việc phục vụ Thiên Chúa để tìm lợi nhuận, nổi tiếng, và thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta. Khi mọi người đã tới được với Thiên Chúa, chúng ta vui mừng vì đã hoàn tất sứ vụ, và sẵn sàng để lui vào bóng tối. 

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 1981
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  21
 Hôm nay:  1071
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12257225

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn