Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa :Thứ Bảy 04/01/2014

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Bảy Trong Mùa Giáng Sinh.

(04/01/2014) - (Ga 1, 34-42)

Thứ Bảy Đầu Tháng.
NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:
Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.
Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rap-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là phê-rô).

_________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:
“Hôm sau”
Nếu ai tinh ý một chút sẽ nhận ra điểm này trong 02 Chương mở đầu của cuốn Phúc Âm thứ tư của Thánh sử Gioan:
(Ga, 1, 19):

“Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? " _____ (Hôm nay là Buổi khởi đầu của Đức Giêsu, ta gọi là ngày thứ nhất) (Ga 1, 29):

“Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” _____ (Ngày thứ hai)
(Ga 1, 35):

“Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông” ______ (Ngày thứ ba)(Ga 1, 43):

“Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: "Anh hãy theo tôi." _____ (Ngày thứ tư) (Ga 2, 1):

“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su” ______ (Ngày thứ bảy)
Vâng, Tin mừng cho mỗi ngày đều bắt đầu bằng cụm từ “Hôm sau” và “Ba ngày sau”. Như vậy Gioan đã cố ý dành hẳn tuần lễ đầu tiên, và qua cuộc dàn dựng này, ông muốn cho độc giả hiểu được, có một cuộc sáng tạo và cuộc sáng tạo đó đã bắt đầu. Cuộc sáng tạo đó chính là một thế giới được cứu chuộc.
Cuộc sáng tạo trong Cựu Ước được mô tả trong sách Sáng Thế Ký:
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất ......

Thiên Chúa phán: ....... Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.

Thiên Chúa phán: ....... Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.

Thiên Chúa phán: ....... Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.

............ “ (Stk 1, 1-31)

Cuộc Sáng tạo từ thưở ban đầu diễn ra trong 07 ngày, và mỗi ngày đều có sự tốt đẹp, phong phú. Nó đẹp đến nỗi ngay chính Thiên Chúa cũng phải xác nhận. Tác giả của Sáng Thế Ký luôn lặp đi lặp lại: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”.


Chính vì nó quá tốt đẹp nên đã bị sụp đổ. Con người thay vì cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa, họ lại muốn ngang hàng với Thiên Chúa, qua sự kiện Ông Bà Nguyên tổ vi phạm lệnh Chúa truyền, một tạo vật lại muốn ngang hàng với Đấng Tạo Hóa. Tất cả những gì tốt đẹp được dựng lên, bây giờ đã trở nên xấu xa và bị hủy hoại bởi sự chết.
Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người, mặc dù Ngài vẫn có thể xóa bỏ tất cả, cho chúng biến mất để làm cuộc Sáng tạo mới, nhưng Ngài không làm vậy. Ngài bắt đầu vạch ra Chương trình Cứu Chuộc.


Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã nhập thể và nhập thế để thực hiện Chương trình Cứu Chuộc đó. Khi Đức Giêsu xuất hiện, Thánh sử Gioan quá sâu sắc khi trình bày cuốn Phúc Âm của mình như là cuộc Sáng tạo mới, cũng với 07 ngày như 07 ngày từ thưở ban đầu. Mỗi ngày có một sự kiện, nó không làm cho tuần lễ đầu tiên rơi vào sự nhàm chán.


“Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.”
Ta để ý cụm từ “ông Gio-an lại đang đứng với hai người”, từ “lại” ở đây muốn nói lên điều gì? Tại sao có từ “lại”. Nếu câu văn bỏ từ “lại” nó sẽ trở thành: “Hôm sau, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông” thì dễ nghe hơn!
 

Vì có từ “lại” xuất hiện, nó cho phép ta nghĩ Bài Tin mừng hôm qua với câu mở đầu: “Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” (Ga 1, 29), nó cho phép ta có thể khẳng định: lúc đó có 02 môn đệ mà ngày hôm nay đề cập, họ cũng đang đứng với Gioan Tẩy Giả.
Như vậy sang ngày hôm nay, cũng 02 môn đệ đấy đang đứng với Gioan Tẩy Giả. Hình như kịch bản cũ được lặp lại.
 

“Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”


Vâng, cũng kịch bản cũ lặp lại, Gioan Tẩy Giả, 02 môn đệ và Đức Giêsu, nhưng hôm nay khác hôm qua ở chỗ:
 

+ Ngày hôm qua, khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, ông liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”. Có nghĩa, Đức Giêsu còn cách Gioan một khoảng, ông nói lớn tiếng để làm chứng Ngài cho dân Do Thái đang hiện diện ở đó. Dĩ nhiên 02 môn đệ cũng được nghe.


+ Nhưng hôm nay, ông đợi Đức Giêsu đi ngang qua, có nghĩa Ngài vừa qua mặt, thì ông liền lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Ông nói điều này cho ai? Hôm nay ông không nói cho dân chúng mà chỉ nói cho 02 môn đệ. Do đó không cần phải nói lớn, nói vừa đủ cho 02 môn đệ nghe. Ông giới thiệu Đức Giêsu cho 02 môn đệ của ông.
Ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Đức Giêsu đã chịu phép rửa của Gioan, được Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống, Ngài không đi đâu, mà vẫn hiện diện tại sông Giocđan này mỗi ngày?


Đây mới là điểm sâu sắc của Thánh sử Gioan. Như trong Bài mở đầu cuốn Phúc Âm thứ tư, ông viết: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành” (Ga 1, 3). Đức Giêsu là Ngôi Lời, Ngài đã tạo dựng trời đất muôn vật trong cuộc sáng tạo thưở ban đầu, thì trong tuần lễ này, ta gọi là Cuộc sáng tạo mới, thì Ngôi Lời (Đức Giêsu) sẽ hiện diện tại sông Giocđan này đủ 07 ngày đầu tiên của Tin mừng Gioan.
 

Gioan Tẩy Giả nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa” cho 02 môn đệ của mình nhằm mục đích gì?
 

Xin thưa: Ông muốn cho môn đệ mình đi theo Đức Giêsu. Gioan Tẩy Giả từng nói: “Ngài (Đức Giêsu) phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3, 30). Vâng đúng vậy, sau khi hoàn thành Sứ vụ Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế, nhiệm vụ của ông chấm dứt, ông rút lui vào bóng tối để cho Đức Giêsu xuất hiện, thực hiện chương trình Cứu Độ, Ngài phải lớn lên. Ông tự biến mình nhỏ đi và một trong những phương thức làm cho mình nhỏ đi, đó là chuyển môn đệ của mình sang cho Đức Giêsu, đây mới là người Thầy đích thực cho các môn đệ của ông. Dần dần ta thấy ông biến mất khỏi con mắt người Do Thái. Đây mới là sự cao cả của ông khi tự thu nhỏ lại.
Ý nghĩa danh xưng “Chiên Thiên Chúa” của Gioan dành cho Đức Giêsu đã được phân tích ngày hôm qua, nên không cần thiết nhắc lại. Đức Giêsu chính là Con Chiên, lễ vật hy sinh để đền tội cho con người.
 

“Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.”
 

Ta để ý cụm từ “liền đi theo”. 02 môn đệ này đã được nghe thầy mình nói về Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” không chỉ mới lần đầu, mà ngày hôm qua 02 ông cũng đã được nghe. Họ đã có một ấn tượng ban đầu, bây giờ nghe thầy mình nói, họ đã nhanh nhẹn và dứt khoát đi theo Đức Giêsu.
Người ta ngạc nhiên về thái độ của họ đối với Gioan Tẩy Giả. Họ không có một lời từ biệt sao? Họ không nói với Gioan Tẩy Giả điều gì sao? Dù sao đi nữa Gioan Tẩy Giả cũng là thầy của họ, tôn sư trọng đạo.
 

Xin thưa: Không có chuyện gì xảy ra hết, không cần phải từ biệt, vì họ đi theo Đức Giêsu ngay bây giờ để muốn khám phá về Ngài, còn việc trở thành môn đệ thì chưa. Đức Giêsu chỉ chính thức kêu gọi các ông trở thành môn đệ sau này ở bờ hồ Galilê, khi các ông đang đánh cá. (Lc 5, 1-11)
 

Đức Giêsu đối với họ hoàn toàn xa lạ, và thật là liều lĩnh khi theo một người lạ như thế . Có lẽ, đây là một cuộc mạo hiểm. Nhưng những cuộc hành trình vĩ đại đều bắt đầu như thế cả, vì nhờ đó mới mở ra một con đường mới.


“Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?”
 

Đức Giêsu biết 02 môn đệ Gioan đang đi theo mình, Ngài biết các ông theo Ngài để làm gì và Ngài cũng biết họ đang trong tâm trạng ngượng ngùng, không biết mở lời thế nào nên chỉ âm thầm đi theo. Ngài sẽ phá vỡ thế bế tắc này, vì Thiên Chúa luôn là Người mở lời trước.
 

Cú quay lại của Đức Giêsu, đã giúp họ đối diện với thực tại, bây giờ không còn là đi theo mà là sự chạm mặt thật sự, Ngài đã đưa họ vào thế phải đối diện và không thể lẩn tránh được nữa.


“Các anh tìm gì thế?”.
 

Đây là lời đầu tiên của Đức Giêsu được ghi nhận trong Tin Mừng thánh Gioan. Câu hỏi này Đức Giêsu muốn đặt ra cho mọi người. Hôm nay, Ngài cũng đang hỏi ta như thế. "Bạn tìm gì đó? Bạn đặt cho đời mình ý nghĩa nào? ước muốn của bạn là gì?
 

Ta cần ghi nhận, sự can thiệp đầu tiên của Đức Giêsu không phải là một "khẳng định", nhưng là một "câu hỏi”. Vì thực ra, để đến với Đức Giêsu, cần phải có thái độ "cởi mở", không thể "khép kín" trong một hệ thống đóng khung, như các "tư tế và trợ tế" đã đến gặp Gioan Tẩy Giả. (Ga. 1,19). Đối với những loại người này, cuộc đối thoại đã sớm kết thúc vì thực ra họ “không tìm cái gì cả”.


Chúng ta đang tìm gì? Có lẽ ta đang tìm nhiều thứ lắm. Ta đi tìm sự nghiệp, ta đi tìm công ăn việc làm, đi tìm danh thơm tiếng tốt cho mình, tìm một người vợ, tìm một người chồng để xây dựng hạnh phúc gia đình... vâng tất cả những thứ ấy đều tốt hết. Nhưng ta có biết điều gì cần thiết nhất không? Rất có thể ta đang đi tìm cái phụ mà bỏ qua cái chính, ta đang tìm kiếm cái tạm bợ, chóng qua mà bỏ qua cái vĩnh cửu. Vâng chính điều mình đang tìm kiếm sẽ lèo lái chúng ta đi theo một hướng xác định. Coi chừng ta đang tìm thiên chúa ở những nơi không phải là Thiên Chúa.

“Họ đáp: “Thưa Rap-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.”


Tại sao lại có câu trả lời lạ lùng này! Đức Giêsu đang hỏi: “Các anh tìm gì thế?”, các ông lại trả lời: “Thưa Rap-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Câu trả lời như vậy có thật sự ăn khớp với câu hỏi không? Xin thưa: KHÔNG.
 

Thật ra câu trả lời của các ông đã đốt giai đoạn. Đúng ra các ông phải trả lời: Chúng tôi đang muốn biết nơi ở của Thầy. Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Chính do sự lúng túng của các ông, nên câu trả lời có vẻ hơi lạc đề. Nhưng không sao, Đức Giêsu đang muốn mời gọi các ông tiến đến chỗ thân tình với Ngài, Ngài mời họ đến nơi Ngài ở.
“Người bảo họ: “Đến mà xem.” Đức Giêsu không phải là nhà tuyên truyền, càng không phải là nhà quảng cáo, Ngài muốn mời gọi họ cứ đến mà xem và chứng kiến tận mắt.


Người khác có thể nói với ta về Chúa, cho dù họ có nói hay thế nào, thì Thiên Chúa vẫn ở bên ngoài chúng ta, đó là Thiên Chúa của một mớ lý thuyết, của những giáo điều. Ta vẫn siêng năng đi lễ hàng ngày, nghe lời Chúa hàng ngày,... thế nhưng đời sống của ta vẫn không nhích lên được, có khi còn bị lùi lại, vì trong ta vẫn chưa có Chúa thực sự. Vâng đúng vậy, một cảm nghiệm về Thiên Chúa, đó là cái gì hết sức riêng tư mà không thể do ai truyền lại. Bất chợt một lúc nào đó ta gặp được Chúa thực sự, đó là lúc ta nhận ra Bàn tay Thiên Chúa can thiệp vào đời mình rõ rệt nhất. Có thể đó là một biến cố làm cho đời ta quay ngoắt 180 độ, nó như cú ngã ngựa của Phaolô.
 

“Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.”
 

02 người đi theo Đức Giêsu, đến nơi Ngài ở và ở lại với Ngài ngày hôm ấy là Gioan và Anrê. Đây là kỷ niệm đặc biệt đối với 02 ông, do đó Thánh sử Gioan muốn ghi lại chính xác thời gian, lúc đó vào khoảng giờ thứ mười (theo giờ Do Thái), tức khoảng 04 giờ chiều Việt Nam.
 

Chính vì 04 giờ chiều nên không còn thích hợp cho việc quay về, hình như thời gian muốn ủng hộ, nên họ đã ở lại với Đức Giêsu ngày hôm đó. Như vậy ngay phút đầu gặp gỡ, 02 ông đã được hoàn cảnh ưu đãi. Nhưng với một thời gian rất dài ở với Đức Giêsu, ta không thấy Gioan ghi lại một lời nào. Họ đã nói gì với Đức Giêsu và Ngài đã nói với họ những gì. Không ai biết được điều này. Theo các nhà chú giải, có thể hai ông đã kể lại đời sống, những khát vọng, những mong ước, thái độ "tìm kiếm" của họ. Còn Đức Giêsu, có thể Ngài đã nói cho họ biết về những dự tính, những ước muốn riêng của Ngài.


“Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô).”


Ta không biết cuộc nói chuyện giữa 02 ông và Đức Giêsu diễn ra thế nào, nhưng chỉ biết Anrê không còn gọi Đức Giêsu là Rabbi nữa (Rabbi là giáo trưởng Do Thái), ông đã gọi Đức Giêsu là Đấng Mesia (Đấng Kitô). Ở đây có sự thay đổi lạ lùng, mặc dù trước đó Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Nhưng cái ý niệm Chiên Thiên Chúa vẫn ở bên ngoài họ, bằng chứng họ vẫn gọi Đức Giêsu là Rabbi. Song sau khi ở với Đức Giêsu “ngày hôm đó”, họ đã tiếp xúc trực tiếp, có sự trải nghiệm sâu sắc, họ đã được Đức Giêsu biến đổi và nhận ra Ngài là Đấng Kitô.


Đó là niềm hạnh phúc lớn lao, không có gì so sánh được. Anrê không thể giữ lại cho mình mà phải chia sẻ cho người khác. Niềm vui luôn phải được thổ lộ, còn nỗi buồn thì muốn giữ kín. Người mà ông loan báo đầu tiên đó là Phêrô, em ông. Anrê nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô).”


“Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là phê-rô).

“Đức Giê-su nhìn ông Si-môn”, Ngài nhìn Simôn không phải với cái nhìn hời hợt bên ngoài, cũng không phải cái nhìn soi mói, càng không phải cái nhìn của người bói toán. Nhưng Ngài nhìn ông với cái nhìn của Con Thiên Chúa. Ngài nhìn thấu suốt con người của ông. Chính vì thế Ngài đã làm một việc mà cả Anrê và Simôn cũng không thể ngờ tới.


“Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là phê-rô), nghĩa là Đá, là Thạch. Vâng Đức Giêsu đã cho Simôn một cái tên mới. Ta không thấy Phêrô phản ứng gì? Tại sao ông không hỏi lý do Ngài đặt tên như vậy?
 

Chính thái độ im lặng của Phêrô đã nói lên 02 điều:


+ Phêrô được Đức Giêsu khuất phục, ông không đưa ra bất kỳ phản ứng nào. Tại sao Phêrô không phải như Gioan và Anrê đã ở với Đức Giêsu “ngày hôm đó”, ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế nhưng chỉ với cái nhìn của Đức Giêsu đã chiếm ngự hoàn toàn con người của ông. Vâng cái nhìn của Đức Giêsu có một sức mạnh mãnh liệt, thay đổi hẳn một con người.
 

+ Khi đổi tên cho Phêrô, có nghĩa Đức Giêsu sẽ trao cho ông một sứ mạng, một trách vụ tương xứng với cái tên ấy. Vâng ông sau này sẽ được Đức Giêsu đặt làm đầu Hội Thánh.


Trở nên môn đệ, nghĩa là "thay đổi" đời sống... đó là bước vào một cuộc phiêu lưu mới, trở nên một "con người mới". Đó là ý nghĩa việc đổi tên cho Simon. Đối với các môn đệ đầu tiên, mỗi khi hồi tưởng lại, các ông đều cảm thấy việc thay đổi đời sống của mình thật là phi thường .


Đó là khởi đầu cho một định hướng hoàn toàn khác lạ trong đời sống của các ông. Trong não trạng của người Do Thái, việc đổi tên cũng có nghĩa là, Thiên Chúa hoàn toàn ảnh hưởng trên Simon Phêrô. Những con người đó đã "tìm kiếm" Đức Giêsu, đúng vậy? nhưng chính Đức Giêsu cũng kiếm tìm họ... Chính Người khởi xướng trước nhờ "ân sủng" kỳ diệu của Người. Ơn gọi: vừa là tiếng kêu gọi của con người... vừa là lời mời gọi của Thiên Chúa.


Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2051
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  315
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12340320

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn