Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Chúa Thứ Hai Tuần II Thường Niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần II thường niên năm chẵn.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Thường Niên năm chẵn 
(20/01/2014) - (Mc 2, 18-22) 

 

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.

Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”
__________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay”

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 9, 14 -17); Marcô (Mc 2, 18-22) và Luca (Lc 5, 33 -39). Cả 03 thánh sử đều công nhận có 02 nhóm: Nhóm môn đệ Gioan và Nhóm Pharisêu tích cực ăn chay. Ta có thể đặt câu hỏi, tại sao chỉ có 02 nhóm này, còn những nhóm khác thì sao? Trước hết ta hãy nói về việc ăn chay của người Do Thái.

Trong Do-thái giáo thời Đức Giêsu có những ngày bắt buộc phải ăn chay, như vào ngày LỄ HÒA GIẢI: “Đó sẽ là quy tắc vĩnh viễn cho các ngươi. Thật vậy, ngày ấy, sẽ cử hành lễ xá tội cho các ngươi, để thanh tẩy các ngươi: trước nhan Đức Chúa, các ngươi sẽ được thanh sạch khỏi mọi tội lỗi của các ngươi. Đối với các ngươi, đó sẽ là một ngày sa-bát, một ngày nghỉ: đó là quy tắc vĩnh viễn” (Lê-vi 16, 29-31)

Hay vào những NGÀY LỄ HỘI (Dacaria 7, 3 và 8,19), vào thời gian khó khăn như chiến tranh, thiên tai. Ngoài ra, cũng có kiểu ăn chay của cá nhân, như ăn chay chuẩn bị cho việc cầu nguyện, hay ăn chay để chuẩn bị khấn hứa một điều gì đó. Chúng ta có thể nhớ đến hình ảnh Mô-sê ăn chay 40 ngày trên núi, để viết 10 điều răn Đức Chúa Trời: “Ông ở đó với ĐỨC CHÚA bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều.” (Xh 34, 28) Ngày ăn chay thường xuyên là ngày thứ Hai và thứ Tư. Vào ngày Sa-bát và ngày Lễ lớn, thì không ăn chay gì cả.

Ăn chay, đó là thái độ con người tỏ lòng ăn năn sám hối, mong chờ Đấng Cứu Thế, chính vì thế ở thế kỷ thứ I, khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Cứu Thế, thì rộ lên phong trào ăn chay, mà tích cực nhất là 02 nhóm các môn đệ Gioan và Pharisêu. Như vậy, câu đầu tiên của Bài Tin mừng đã cho biết điều này.

Đến đây ta có thể đặt vấn đề: Người Pharisêu ăn chay đã đành, vì họ không công nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, còn môn đệ của Gioan thì sao? Họ là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, mà Gioan là người đã giới thiệu Đức Giêsu cho người Do Thái khi ông nói: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. (Ga 1, 33-34), không lẽ các môn đệ của Gioan lại không tin vào lời thầy mình ư? Tại sao môn đệ Gioan vẫn ăn chay?

Để có thể trả lời câu hỏi này, ta sẽ xét niềm tin của Thầy trò Gioan vào Đức Giêsu. Khi Gioan bị giam trong ngục của Hêrôđê, ông đã cho môn đệ hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? " (Mt 11, 3). Có nghĩa Gioan và các môn đệ của ông hơi nghi ngờ Đức Giêsu, vì theo Gioan, Đấng Cứu thế phải là Đấng giải phóng con người bằng uy quyền, thẳng tay công phạt khi ông nói: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa." (Lc 3, 9). Trong khi đó Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế chỉ rao giảng Đức Yêu thương, làm phép lạ chữa cho người bệnh tật,... Như vậy Đức Giêsu không như Gioan đã nghĩ.

“Có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”

“Có người đến hỏi Đức Giê-su”, Marcô không xác định người nào, nhưng ở Matthêu cho đó là môn đệ của Gioan, còn Luca xác định là người Pharisêu

“Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đây sẽ là cuộc tranh luận giữa người Pharisêu, môn đệ Gioan với Đức Giêsu về vấn đề ăn chay.

Họ không tranh luận với Đức Giêsu về ăn chay theo luật buộc, vì theo luật, mỗi năm chỉ buộc 01 lần vào ngày Hòa Giải mà thôi. Ở đây họ tranh luận về ăn chay tự nguyện. Theo họ, mặc dù là ăn chay tự nguyện, không buộc, nhưng nếu ai ăn chay càng nhiều càng chứng tỏ là con người đạo đức, vì rõ ràng ăn chay là một công việc đạo đức.

Họ đang trách: “môn đệ ông lại không ăn chay”. Ta để ý từ “không”, như vậy các môn đệ của Đức Giêsu chỉ giữ chay theo luật buộc mà thôi, nói một cách khác họ cho môn đệ của Ngài không phải những con người đạo đức, đồng thời họ cũng xiên xỏ Đức Giêsu không biết dạy học trò của mình. Đây vẫn là cách họ muốn nói xấu Ngài khi thông qua các môn đệ.

“Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.”

Đức Giêsu đưa ra hình ảnh tiệc cưới để trả lời. Lẽ dĩ nhiên khách dự tiệc cưới không thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ, đó là điều hợp lý. Nhưng ở đây, Ngài muốn nói đến một điều sâu xa hơn, Ngài muốn xác nhận với họ Ngài là Đấng Cứu Thế.

Nếu họ ăn chay để tỏ lòng sám hối và chờ mong Đấng Cứu Thế, thì khi Đấng Cứu Thế đến, họ không cần phải ăn chay. Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế, Ngài là chàng rể trong dụ ngôn, các môn đệ của Ngài là những khách dự tiệc cưới, như vậy các môn đệ không thể ăn chay.

Marcô dùng cụm từ “không thể” ở đây rất chí lý, có nghĩa khi chàng rể còn ở với họ, họ có muốn ăn chay cũng không được, vì tiệc cưới là tiệc vui, khách dự tiệc phải sống trong niềm vui với đôi tân hôn, không ai được phép buồn khi đi dự tiệc cưới vì sẽ bị lạc điệu. Đức Giêsu muốn nói các môn đệ của Ngài không được phép ăn chay khi Ngài còn ở với họ.

Nhưng vấn đề chủ chốt ở đây, người Pharisêu và môn đệ Gioan có công nhận Ngài là Đấng Cứu Thế không? Vì nếu họ công nhận Ngài là Đấng Cứu Thế thì bản thân họ cũng không ăn chay như vậy, vì đã có Đ16ng Cưu thế rồi. Khổ nỗi, vì họ không công nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế nên họ ăn chay tích cực để tỏ cho mọi người biết họ là những con người đạo đức, trong khi họ đã loại bỏ Đấng Cứu Thế.

“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó”.

“Bị đem đi”, Đức Giêsu muốn nói đến cái chết của Ngài và sự phục sinh, lên trời, Ngài không còn ở với các môn đệ bằng xương bằng thịt nữa, mặc dù Ngài vẫn hiện diện với họ khi Ngài phán: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20)

Khi Đức Giêsu không còn ở với các môn đệ, Ngài nói: “bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó”.

Đây là lý do giải thích tại sao Giáo hội tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế mà Giáo hội vẫn có những ngày chay tịnh? Xin thưa: Lúc này ăn chay nó mang ý nghĩa: Ăn năn sám hối trở về với Chúa và mong chờ Ngày Chúa quang lâm, đến lần thứ hai, để thực hiện cuộc phán xét.

Như vậy câu trả lời của Đức Giêsu cho người Pharisêu và môn đệ Gioan nhắm vào 02 điều:

(1) Lý do ăn chay:

Ăn chay phải có mục đích rõ ràng. Đức Giêsu cho biết lý do tại sao các môn đệ của Ngài chưa ăn chay: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.” Chúa Giêsu nhận Ngài chính là chàng rể, và khách dự tiệc cưới, bạn hữu của chàng rể là các môn đệ.

(2) Thời gian ăn chay:

Chay tịnh có lúc của nó, không phải lúc nào cũng ăn chay. Chúa Giêsu cho biết khi nào các môn đệ của Ngài sẽ ăn chay: "Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.”

“Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.”

Đức Giêsu cho môn đệ Gioan và người Pharisêu biết, không những vấn đề ăn chay mà tất cả những lời Ngài giảng dạy là đạo lý mới, nó thuộc về thời Tân ước. Nhưng muốn đón nhận đạo lý đó, cần phải có tinh thần mới. Không thể tiếp nhận đạo lý của Đức Giêsu với một tinh thần cũ kỹ, vì nó phản tác dụng. Tinh thần cũ nó thuộc về thời Cựu ước. Người ta phải biết mở rộng tâm hồn mình ra, để đón nhận ánh sáng của Đức Kitô. Nếu ta cứ nhìn với một cái nhìn hẹp hòi, cứ sống với lối sống ích kỷ mà ta đã sống, thì làm sao lời của Đức Giêsu có thể đi vào và biến đổi đời ta được.

Sự không tương hợp giữa đạo lý của Đức Giêsu với lối sống hẹp hòi cố chấp, được Đức Giêsu diễn tả bằng 02 hình ảnh:

1/. Hình ảnh thứ nhất: Vải mới mà vá vào áo cũ.

Đức Giêsu nói, nếu làm như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Về việc may mặc thời đó: Quần áo được dùng rất lâu, từ thế hệ này qua thế hệ khác, và luôn luôn phải được vá lại. Một điều rất căn bản trong việc vá, là miếng vá không được phép lấy ra từ miếng vải mới dệt xong. Nếu không, miếng vá mới khi ướt sẽ co lại và kéo cho vết rách cũ to thêm. Vì vậy, khi vá người ta phải chọn miếng vải cũ hợp với quần áo cũ rách rưới.

“Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

2/. Hình ảnh thứ hai: Đổ rượu mới vào bầu da cũ.

Đức Giêsu dùng hình ảnh rất quen thuộc về cách chứa rượu của người Do Thái. Thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu mới đổ vào bầu da cũ, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.

Qua hai dụ ngôn rất ngắn gọn này, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta: “mới” và “cũ” đối chọi hoàn toàn với nhau. Đọc kỹ ta sẽ nhận ra được sức mạnh của “mới”. “Mới” có sức trẻ, năng động và có thể vượt qua “cũ” cách dễ dàng. “Mới” không thể hợp được với “cũ”. Trong ý nghĩa Thần Học, ta nói về hình ảnh năng động của vương triều Thiên Chúa, và hình ảnh của Giáo Hội, cộng đoàn mới của Thiên Chúa. Ta sẽ phải vượt ra khỏi “cuốn sách suy tư cũ rích”, vượt khỏi cách sống cũ kỹ, để với cái nhìn mới, suy tư về vương quốc của Thiên Chúa, về Giáo Hội của Ngài; và với con tim mới, xây dựng một đời sống mới trong vương quốc, trong Giáo Hội này. Vâng, nhóm người bước theo Đức Giêsu đâu có thể là nhóm học trò của Pharisêu được.

Amen.
 

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 3793
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  21
 Hôm nay:  243
 Hôm qua:  2507
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12324550

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn