Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần II thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ - Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên năm chẵn
(21/01/2014) - (Mc 2, 23-28) 
Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo.

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”
__________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa.”

Ngày sa-bat là ngày nghỉ của người Do Thái, người ta không được phép làm việc trong ngày này, thay vào đó họ sẽ đến Hội đường để nghe và giảng giải Kinh thánh. Ngày Sabbat nó được xuất phát từ đâu?

Xin thưa: Nó xuất phát từ biến cố dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ ra khỏi nước Ai Cập. Ngày xưa khi còn ở bên Ai Cập, dân Do Thái phải làm nô lệ cực nhọc. Bởi đó khi họ ra khỏi Ai Cập, Môsê đã ra luật nghỉ ngày Sabbath, trước hết là nhằm phục vụ cho chính người Do Thái: họ phải được một ngày nghỉ ngơi; kế đó là quan tâm tới những người tôi tớ và nô lệ: trong ngày đó những người chủ Do Thái phải để cho các tôi tớ và nô lệ được nghỉ ngơi, đừng tái phạm điều mà người Ai Cập trước kia đã phạm đối với họ.

Sách Xuất Hành viết: “Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.” (Xh 20, 8-11)

Giữ ngày Sabbath là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo. Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử. Sách Xuất Hành viết: “Các ngươi sẽ giữ ngày sa-bát, vì đó là ngày thánh đối với các ngươi. Kẻ nào vi phạm điều ấy, thì sẽ bị xử tử; phải, kẻ nào làm việc trong ngày ấy, sẽ bị khai trừ khỏi dân nó.” (Xh 31, 14)

Hoặc bị ném đá. Sách Dân số viết: “Khi con cái Ít-ra-en còn ở trong sa mạc, thì người ta bắt được một người đang lượm củi ngày sa-bát. Những người bắt được kẻ đang lượm củi liền điệu y tới ông Mô-sê, ông A-ha-ron và toàn thể cộng đồng. Họ nhốt y lại vì chưa có quyết định phải xử với y như thế nào. ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Con người ấy sẽ phải chết; toàn thể cộng đồng sẽ ném đá nó bên ngoài doanh trại." Theo lệnh ĐỨC CHÚA truyền cho ông Mô-sê, toàn thể cộng đồng đã đưa y ra khỏi trại, ném đá y và y đã chết. (Ds 15, 32-36).

Hôm nay là ngày Sabbat, Thầy trò Đức Giêsu đi băng qua cánh đồng, đã xảy ra sự kiện các môn đệ bứt lúa. Có thể Thầy trò Đức Giêsu đang từ hội đường đi về, vì vào ngày Sabbath, Ngài thường đến hội đường để giảng giải Kinh thánh và chữa bệnh. Do đó có cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người Pharisêu.

Bài Tin mừng hôm nay được cả ba Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 12, 1-8); Marcô (Mc 2, 23-28) và Luca (Lc 6, 1-5)

“Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.”

Ta có thể hiểu đây là hành vi tự nhiên không có chủ đích. Nó tự nhiên vì: đói phải ăn, khát phải uống và khi đi qua cánh đồng lúa, người ta có khuynh hướng bứt vài bông lúa ăn cho đỡ đói. Nhưng đối với người Pharisêu, họ sẽ không cho đó là tự nhiên, mà là sự vi phạm ngày Sabbath.

Ở Tin mừng Luca còn thêm hành vi nữa, đó là sau khi bứt lúa xong còn vò trong tay. Ông viết: “Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn.” (Lc 6, 1)

“Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!”

Ta để ý cụm từ “liền nói”, có nghĩa hành vi bứt lúa của các môn đệ đã làm cho người Pharisêu phản ứng tức khắc, họ liền nói với Đức Giêsu về việc này. Có lẽ họ quá chú trọng vào luật Sabbath, và vì thái độ căm ghét sẵn có, họ chỉ chờ có thế mà ra tay công kích. Đây cũng là cách “mắng trò chửi thầy” mà người Pharisiêu thường hay sử dụng.

Họ căm ghét sẵn, vì phái Pharisêu và kinh sư thường bị Đức Giêsu chỉ trích nặng nhất. Matthêu đã dành nguyên Chương 23 để lên án phái Pharisêu và kinh sư. Trong Chương này ta thấy Matthêu lặp đi lặp lại cụm từ: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình!”. Đây là điệp khúc cho một phiên khúc mới, mỗi phiên khúc Ngài vạch ra một thói giả hình nào đó của họ.

“Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!”. Người Pharisêu đưa ra cho Đức Giêsu 02 câu hỏi: 1/. Họ làm gì kia, ý họ muồn nói môn đệ Đức Giêsu đang bứt lúa. 2/. Điều ấy đâu được phép.

“Điều ấy đâu được phép!”, có nghĩa họ đang lấy tư cách là người nắm luật để dạy Đức Giêsu. Vâng, họ là những người nắm luật trong tay nên mạnh miệng nói với Ngài, có lẽ đây là dịp may hiếm có, họ muốn tranh thủ để hạ nhục Đức Giêsu. Ý họ muốn nói rằng: Các môn đệ của ông đã vi phạm luật, ông là Thầy của họ mà không biết dạy họ sao, họ đang làm công khai trước mặt ông chứ đâu phải lén lút, hay ông cũng không biết đến điều đó. Đây mới là thâm ý của người Pharisêu.

Nhưng người Pharisêu thật sai lầm khi nói “Điều ấy đâu được phép!”, và cũng vì căm ghét sẵn Đức Giêsu nên họ đã tự tố cáo mình.

Về luật pháp Do Thái, như ta biết có 02 quyển sách: Torah - Talmud

1/. Torah là bộ sách luật của Do Thái giáo. Nó gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật chia ra 365 khoản cấm (tương đương số ngày trong một năm) và 248 khoản buộc (tương đương số lượng các khúc xương trong cơ thể con người).

2/. Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do Thái giáo, chia thành 2 loại là Mishna và Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển.

Còn về ngày Sabbath, có tất cả 39 luật ngăn cấm không cho làm việc. 

Tại sao ta nói, người Pharisêu đã tự tố cáo mình khi nói với Đức Giêsu: “Điều ấy đâu được phép!”? Xin thưa: Vì HỌ ĐÃ BIẾN MỘT ĐIỀU NHỎ ĐƯỢC PHÉP LÀM THÀNH MỘT ĐIỀU LỚN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÀM TRONG NGÀY SABBATH.

Sách Đệ Nhị Luật viết: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại anh em, thì anh em có thể lấy tay bứt những bông lúa, nhưng không được tra liềm cắt lúa của người đồng loại anh (em). (Đnl 23, 26).

Việc bứt lúa của các môn đệ là việc được phép làm, nhưng người Pharisêu đã giải thich sai và biến nó thành việc không được phép theo cách biến nó thành việc lớn gấp nhiều lần để dễ quy kết tội. Ví dụ: từ việc “bứt lúa” trở thành việc “gặt lúa”. Ta có thể liệt kê các việc nhỏ bị phóng đại như sau:

BỨT LÚA = “Gặt”
VÒ LÚA TRONG TAY = “Xay”
THỔI VỎ ĐI = “Sàng”
LÀM LÚA SẴN SÀNG ĐỂ ĂN = “Chuẩn bị bữa ăn”

Thái độ biến hóa, nhào nặn luật pháp theo ý họ, đã làm cho Luật Môsê trở thành một rừng luật, tạo gánh rất nặng lên dân chúng.

“Người đáp: Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao?”

Trước thái độ công kích của người Pharisêu, Đức Giêsu đã “bênh vực” cho học trò mình, khi Ngài đưa cho họ câu hỏi: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao?”. Đức Giêsu có ý muốn vạch ra cái thói giả hình, thói vạch lá tìm sâu của người Pharisêu. Họ chỉ biết chúi mũi vào sách luật, đã vậy còn hiểu sai luật, và chờ chực sư vô ý của người khác để tìm cách bắt bẻ.

Kinh thánh đâu phải chỉ có sách Đệ Nhị luật mà còn nhiều cuốn sách khác. Cụ thể Đức Giêsu sẽ đưa ra trường hợp Vua Đavít, một ông vua đạo đức mà mọi người Do Thái đều biết đến, ông đã xử sự như thế nào trong trường hợp bị đói, ông còn hành động gấp nhiều lần so với các môn đệ của Ngài?

“Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

Đức Giêsu trả lời cho người Pharisêu bằng cách trưng dẫn chuyện vua Đavít. Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực. Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (1Sm 21, 1-6). Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (Lv 24, 5-9). Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.

Như vậy trường hợp vua Đavít, nếu nói đó là sự vi phạm, thì sự vi phạm đó còn gấp trăm lần so với việc các môn đệ đã làm, nhưng vua Đavit được phép làm và luật Sabbath trong trường hợp này bị vô hiệu hóa. Nó bị vô hiệu vì luật BẢO VỆ SỰ SỐNG.

Phải ưu tiên cho sự sống con người, trong trường hợp sự sống đó bị đe dọa, người ta có quyền làm những gì để duy trì nó, miễn nó không xâm phạm đến sự sống của người khác.

Trong Bài Tin mừng hôm qua, Đức Giêsu đã nói với người Pharisêu: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

Đức Giêsu không đến để phá hủy lề luật nhưng là để kiện toàn, kiện toàn theo nghĩa làm cho nó nên hoàn hảo. Luật Môsê được Thiên Chúa ban cho Môsê và đã được triển khai trong dân, nhưng nó đã bị giải thích, thêm thắt rất tùy tiện, bị bóp méo tạo nên gánh nặng cho người Do Thái. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nên Ngài hiểu ý Cha Ngài hơn ai hết, Ngài sẽ kiện toàn nó. Thế nhưng muốn đón nhận giáo huấn của Đức Giêsu, người ta phải thay đổi lối sống của mình, vì rượu mới phải được đựng trong bầu da mới.

Người Pharisêu không thể lãnh hội được giáo huấn của Đức Giêsu nếu họ cứ khăng khăng với cái nhìn soi mói, bắt bẻ, bới lông tìm vết, vì họ là những bầu rượu cũ không thể tiếp nhận giáo lý của Đức Giêsu.

“Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”

Điều này hiển nhiên, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabbath ra đời. Như vậy cái đến sau theo nguyên tắc phải phục vụ cho cái đến trước. Con người không được tạo dựng để trở thành nạn nhân hay làm nô lệ cho luật lệ của ngày Sabbath. Sở dĩ có luật lệ về ngày Sabbath, trước hết là để kính Thiên Chúa, và tiếp sau là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh thần.

Sách Xuất Hành viết: “Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.” (Xh 20, 10)

“Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát”. Ta để ý cụm từ “Con Người” trong câu này viết hoa, có ý nói về Đức Giêsu. Ngài khẳng định, Ngài làm chủ luôn cả ngày Sabbath, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Làm chủ theo nghĩa Đức Giêsu sẽ mặc cho ngày Sabbath một ý nghĩa mới, đó là ngày thờ kính Thiên Chúa và phục vụ con người. 

Người Pharisiêu và giới lãnh đạo Do Thái Giáo không chấp nhận quyền làm chủ của Đức Giêsu về ngày Sabbath, vì họ không chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Không chấp nhận quyền làm chủ, có nghĩa họ không cho phép Đức Giêsu được chữa bệnh trong ngày đó, Ngài có thể chữa bệnh trong bất kỳ ngày nào trừ ngày Sabbath, như vậy họ đang tự cho mình cái quyền quy định cho Đức Giêsu. Đã xảy ra rất nhiều cuộc xung đột giữa Đức Giêsu với các giới lãnh đạo Do Thái Giáo về ngày Sabbath này.

Nguyên nhân xảy ra xung đột:

Vì chỉ ngày Sabbath, người Do Thái mới tụ tập trong các hội đường để nghe và giảng giải Kinh Thánh, nên số người đến đây rất đông. Đức Giêsu cũng vào hội đường để loan báo Tin mừng vào ngày này. Và người ta thường đem các người bệnh, người bị quỷ ám đến đây để được Ngài chữa lành. Người Pharisêu và kinh sư cũng đến hội đường để quan sát Đức Giêsu có chữa bệnh trong ngày đó không. Như vậy, trong hội đường vào ngày Sabbath luôn xảy ra xung đột giữa Đức Giêsu với kinh sư và Pharisêu. Một bên ngồi quan sát, nghe ngóng, bắt bẻ, còn bên kia là Đức Giêsu, Ngài đã tuyên bố Ngài làm chủ cả ngày Sabbath, nên Ngài chữa mọi bệnh tật trong dân, để cho ngày Sabbath được dựng nên vì con người.

Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa. Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa. Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời để sống cả ba chiều kích ấy.

Amen.
 

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2335
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  1213
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12257367

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn