Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên năm A

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Chúa nhật tuần II thường niên năm A.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên Năm A


BÀI ĐỌC I (Is 49, 3. 5-6): "Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta".
BÀI ĐỌC II (1 Cr 1, 1-3): "Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta".
TIN MỪNG (Ga 1, 29-34): "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước".

 


Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: 'Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần'. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa"
____________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình”

Ngay câu đầu tiên của Bài Tin mừng, độc giả có thể nêu ra câu hỏi: “Tại sao Đức Giêsu lại tiến về phía Gioan?” Có phải để Ngài chịu phép rửa không? Xin thưa: KHÔNG, vì Ngài đã chịu phép rửa rồi. Vậy Ngài tiến về phía Gioan để làm gì?



Đây là câu hỏi hóc búa, và để trả lời được câu hỏi này, ta phải xét Gioan Tẩy Giả có nhiệm vụ gì? Vì việc Đức Giêsu tiến về phía Gioan ắt phải có liên quan đến ông. Khi xét đến nhiệm vụ của Gioan, người ta thường nghĩ: Gioan là Vị Tiền Hô đến trước để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, nhưng họ thường quên mất nhiệm vụ nữa cũng quan trọng không kém, đó là giới thiệu Đấng Cứu Thế cho mọi người.



Như vậy Gioan Tẩy Giả (từ nay gọi tắt là Gioan) có 02 nhiệm vụ:

1/. Dọn đường cho Đấng Cứu Thế, bằng việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và chịu phép rửa để thanh tẩy tội lỗi. (Mattheu, Marcô, Luca)

2/. Giới thiệu Đấng Cứu Thế cho mọi người. (Gioan)

 


Việc không chú ý đến nhiệm vụ giới thiệu Đấng Cứu Thế của Gioan Tẩy Giả, có lẽ phát xuất từ 03 Thánh sử Nhất lãm. Quả vậy, cả Matthêu, Marcô và Luca chỉ chú trọng đến việc Gioan kêu gọi sám hối và thực hiện phép rửa cho dân Do Thái và cho Đức Giêsu, mà không có dòng nào ghi lời chứng của Gioan về Đức Giêsu.



Nhưng ngược lại ở Thánh sử Gioan lại quá chú trọng vào nhiệm vụ làm chứng của ông, và Bài Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện: Gioan làm chứng cho Đức Giêsu.



Như vậy, ta phải kết hợp cả 04 Thánh sử, mới có một cái nhìn đầy đủ và chính xác về Gioan.



Hai nhiệm vụ của Gioan đi với nhau thật hợp lý, vì một khi dọn đường cho Đấng Cứu Thế, thì Gioan phải là người giới thiệu Đấng Cứu Thế cho người khác, lời chứng của ông rất có giá trị. Nếu ông không giới thiệu thì làm sao dân Do Thái có thể nhận ra Ngài.



Thánh sử Gioan viết: Đức Giêsu tiến về phía Gioan, chứ không viết Gioan đi về phía Đức Giêsu, vì Gioan đang đứng với đám đông ở sông Jordan.



“Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”



“Đây (là)”

“Đây là” không chỉ là tiếng bình thường, một từ dùng để chỉ. Từ gốc Do Thái "in neh" hoặc "zeh" là một từ ngữ Kinh Thánh rất thường gặp để chỉ "một mạc khải", bắt người ta phải tin: "Này (Đây là) trinh nữ sẽ thụ thai" (Is 7,14). "Đây là Môsê, chúng ta không biết điều đã xảy đến với ông" (Xh 32,1). "Đây là người sẽ nắm quyền trên dân Ta" (1 Sm 9,17).



“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”



Muốn hiểu hết ý nghĩa lời giới thiệu ấy, ta cần biết tập tục sau đây của người Do Thái:



Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế, mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi, làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên đó, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa đáng lẽ phải được trả bằng chính sinh mạng của con người, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận để con chiên chết thay con người.



Trong Lễ Xá Tội, Vị tư tế Lê-vi đã sát tế một con dê đực, một con cừu đực và một con bò tơ để làm lễ xá tội. “Ông sẽ lấy máu con bò tơ và máu con dê mà bôi lên các góc cong của bàn thờ. Ông sẽ dùng một ngón tay rảy máu bảy lần lên bàn thờ, mà thanh tẩy cho khỏi các điều ô uế của con cái Ít-ra-en, và thánh hiến bàn thờ” (Lv 16, 18-19). Nhưng tội lỗi và quyền lực của nó vẫn còn đó, không hề lay chuyển. Thi hành phận vụ xong, vị tư tế trở về với cuộc sống bình thường, và cũng như mọi người, ông lại tiếp tục sống dưới quyền lực không thể bị khuất phục của tội lỗi, rồi năm tới ông trở lại Đền Thờ và lập lại cùng một nghi thức như vậy.



Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh, Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi Tín hữu Côrintô, ông viết: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7). Đúng vậy, khi khởi đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu chịu phép rửa bằng nước, và khi kết thúc Ngài lại chịu phép rửa bằng máu và lửa, đó là cái chết của Ngài trên thập giá. Đức Giêsu đã mang hết tội của nhân loại từ khởi thiên lập địa cho đến tận thế vào mình và đóng nó vào thập giá. Ngài chính là Chiên Thiên Chúa, mà con chiên trong Cựu ước là hình ảnh báo trước về Ngài.



Khi Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa gánh hết tội trần gian, chịu chết trên thập giá, thì nơi Ngài phát sinh sự sống mới. Thánh sử Gioan viết: “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Máu và nước, biểu tượng cho sự sống mới, trào ra và đem lại sự sống cho những ai tin vào Người.



Khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan liền giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”. Như vậy, ông đã thực nhiệm vụ thứ hai, đó là GIỚI THIỆU ĐỨC GIÊSU CHO MỌI NGƯỜI.



“Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi.”



Ta để ý các cụm từ: “Đến sau” – “Có trước” – “Cao trọng hơn” diễn tả sự so sánh giữa Gioan và Đức Giêsu.



+ “Đến sau”: Đức Giêsu phải đến sau Gioan, đó là điều hợp lý, vì Gioan là vị Tiền Hô, mà làm tiền hô cho ai thì phải đi trước người đó, ngay cả đi bằng nhau cũng không được.

+ “Có trước”: Sự so sánh có trước và có sau ở đây thật hàm hồ, vì nó không phản ảnh đúng thực tế.



Thánh sử Gioan viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Đức Giêsu là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, do đó không thể dùng ngôn ngữ con người để diễn tả Ngài có từ bao giờ. Thánh sử Gioan chỉ viết: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Còn Gioan là người xuất hiện trong thời gian. Như vậy sự so sánh ở đây thật khập khiễng, nhưng Thánh sử Gioan viết Tin mừng cho con người, nên phải dùng ngôn ngữ con người để diễn tả. Như vậy, Đức Giêsu có trước Gioan là đúng.



+ “Cao trọng hơn”: Cũng một ý phân tích như trên, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, còn Gioan chỉ là con người nên không được phép so sánh. Nhưng ta cũng chấp nhận sự giới hạn của ngôn ngữ để nói rằng: Đức Giêsu cao trọng hơn Gioan.



Như vậy, ta phải hiểu: “Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi”, câu Tin mừng đó có thể diễn giải như sau:



“Vì Đức Giêsu cao trọng hơn tôi, Ngài có trước tôi, nhưng vì tôi là vị Tiền hô nên tôi phải đi trước Ngài”.

“Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước".



Ta lại gặp giới hạn của ngôn ngữ, vì từ “biết” ở đây phải xét theo nghĩa nào? Nếu hiểu theo nghĩa con người, ông Gioan nói không đúng, vì Gioan và Đức Giêsu là anh em họ với nhau, nên ông phải biết Đức Giêsu. Ông là vị Tiền Hô cho một Đấng mà ông không biết sao? Nếu ông không biết thì làm sao ông có thể giới thiệu Ngài cho người khác. Ông phải biết, chứ không được nói mình không biết.



Thế nhưng nếu hiểu từ “biết” theo nghĩa Kinh thánh, thì ông không biết Đức Giêsu là đúng, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là cái ta có thể định nghĩa, có thể nắm bắt. Nếu người ta có thể định nghĩa được Thiên Chúa, thì thiên chúa mà ta định nghĩa đó không phải là Thiên Chúa đích thực, Ngài luôn thoát khỏi sự nắm bắt của ta.



Vậy làm sao ta có thể tin một Đấng mà ta không biết, vậy hóa ra niềm tin đó mơ hồ sao? Tin mà không biết mình tin cái gì. Thế nhưng, tin vào Thiên Chúa, niềm tin đó đúng đắn và có cơ sở vì ta đã được mạc khải. Như vậy chỉ khi nào Thiên Chúa mạc khải chính Ngài ta mới biết được Ngài. Như vậy Gioan nói: “Tôi đã không biết Ngài” là đúng.



“Nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”. Tại sao Gioan lại nói: để Đức Giêsu được tỏ mình ra với Israel, ông phải đến làm phép rửa trong nước? Vậy hóa ra nếu ông không làm phép rửa thì Đức Giêsu không tỏ mình được sao?



Xin thưa: Có 02 lý do.



1/. Ông phải làm phép rửa trong nước để thanh tẩy tội lỗi cho người Do Thái. Lúc này tâm hồn họ đã được chuẩn bị sẵn sàng để có thể tiếp nhận Đấng Cứu Thế khi được ông giới thiệu.

2/. Ông phải làm phép rửa trong nước, để Đấng gánh tội trần gian cũng đến để chịu phép rửa. Mặc dù Ngài là Đấng vô tội, nhưng do gánh tội của con người, nên Ngài tự biến mình thành kẻ có tội và còn tội hơn ai hết. Và khi Ngài chịu phép rửa, Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ xuất hiện để làm chứng cho ông biết, từ đó ông mới biết Ngài là Con Thiên Chúa và từ đó ông mới giới thiệu cho người khác

.

"Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”



Mặc dù Thánh sử Gioan không mô tả sự kiện này, nhưng cả 03 Thánh sử Nhất lãm (Matthêu, Marcô, Luca) thuật lại rất chi tiết. Matthêu viết: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17).


Lúc này Gioan đang có mặt tại đó, dĩ nhiên ông đã thị kiến. Ông thấy gì? Xin thưa, ông thấy “các tầng trời mở ra,... , thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người,... và nghe được tiếng nói từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”.



Tại sao ông được thị kiến trong khi những người khác thì không? Xin thưa: vì ông đã được chính Đấng sai ông làm phép rửa trong nước nói như vậy. Còn những người khác sẽ tin vào điều đó, khi được nghe chính miệng ông nói. Người ta tin vào ông, niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở, vì khi nói về niềm tin, trước hết ta tin vì thế giá của người đưa tin. Người Do Thái tin điều đó vì con người của Gioan.



Để chứng minh điều này, ta hãy xem qua một vài sự kiện xảy ra trong đời sống hằng ngày. Giả sử có 02 miền A và B cách nhau cả trăm cây số, ta đang ở miền A. Thử hỏi làm sao ta có thể biết được miền B xảy ra sự kiện gì? Sở dĩ ta tin có sự kiện đó xảy ra ở miền B, vì có người đã chứng kiến tận mắt, người ấy đủ tư cách, đủ độ tin cậy báo cho ta biết. Như vậy, niềm tin có được do chính bản thân người đưa tin, chứ không phải do được chứng kiến. Và khi nói đến niềm tin, ta phải giả thiết ta không được chứng kiến, nếu được chứng kiến, thì nó không còn gọi là tin nữa, mà là sự mục kích rõ ràng.



Nhưng người ta có thể hỏi, có gì làm chứng cho điều ông nói: “Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi” là đúng? trong khi cả 04 Thánh sử không có dòng nào ghi về sự kiện này? Tại sao ta tin Đấng sai ông đã nói với ông như vậy?



Xin thưa: Ta tin điều đó cũng dựa vào thế giá của Gioan, dựa trên chính con người của ông.



Gioan là người đã được Cựu ước tiên báo, Matthêu viết: “Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mt 3, 1-3) Ông đã được tiên tri Isaia nói đến. Và lối sống của ông, thể hiện tiên tri Êlia: “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.” (Mt 3, 4)



Như vậy, thế giá của Gioan đã quá rõ ràng dưới con mắt người Do Thái, và khi ông kêu gọi ăn năn sám hối, chịu phép rửa, mọi người đã đến với ông. Bây giờ những gì ông làm chứng, những gì ông nói, mọi người sẽ tin, cho dù họ không được thấy.

Ta cũng được mời gọi làm chứng cho Đức Giêsu trong cuộc sống của mình, để qua ta mọi người có thể nhận ra Ngài. Thế nhưng để có thể làm chứng cho Đức Giêsu, ta phải ý thức rằng, chỉ khi nào ta có một cuộc sống đạo đức, một lối sống chuẩn mực, biết sống yêu thương, bao dung và độ lượng, có nghĩa đã tạo được một uy tín, thì lời nói và việc làm của ta sẽ được mọi người đón nhận. Bao lâu ta chưa sống được như vậy, bao lâu ta còn sống ích kỷ,... thì thay vì làm chứng cho Đức Giêsu, ta lại che mờ Ngài đi, không cho người khác thấy.



“Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa"



Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, hai lần Gioan khẳng định: "Tôi đã không biết Ngài" (Ga.1,31-33). Cho đến khi làm phép rửa cho Đức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa “biết” Ngài.



Dù Đức Giêsu là bà con họ hàng của ông (Lc.1,36), dù ông đã có một số thông tin về Ngài, và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (Mt.3,14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.



Được Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ. Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá ra Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là “Đấng Thiên Chúa Tuyển Chọn”. Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Đức Giêsu lúc Ngài được ông làm phép rửa. Bây giờ ông mới có thể nói: ông đã biết Đức Giêsu. Ông đã “biết” sau khi ông đã “thấy”.



Sau khi đã thấy, ông sẽ đi đến bước cuối cùng, đó là làm chứng. Ông nói: “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa". Ông không nói “Chính Ngài là Con Thiên Chúa” một cách bâng quơ, nói cho qua chuyện, nhưng ông nói trong sự xác tín mạnh mẽ. Vâng ông đã nói bằng tất cả con người mình, ông dám chết vì niềm xác tín đó. Quả thật, ông đã chết dưới bàn tay của Hêrôđê, khi cản đảm ngăn nhà vua không được lấy vợ anh mình. Cái chết của ông là cái chết của một vị anh hùng, chết cho chân lý.



“THẤY – BIẾT – LÀM CHỨNG – CHẾT” là chặng đường mà Gioan đã trải nghiệm, đó sẽ là chặng đường của mỗi Kitô hữu chúng ta.



Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 3914
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  1907
 Hôm qua:  2993
 Tuần trước:  21626
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12313489

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn