Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ lời Chúa Chúa Nhật (05/01/2014)

Phân Tích Và Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh

 Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Hiển Linh (05/01/2014)

- (Mt 2, 1-12) Bài Ðọc I: (Is 60, 1-6) "Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi".

Bài Ðọc II: (Ep 3, 2-3a. 5-6) "Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa".

Bài Tin Mừng: (Mt 2, 1-12) "Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua".

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi Đức Giê-su ra đời tại Be-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-se-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại be-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Be-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

 PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi Đức Giê-su ra đời tại Be-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì” Matthêu mở đầu Bài Tin mừng bằng một câu thật ngắn gọn, nói về nơi chốn và thời gian Đức Giêsu sinh ra. Như vậy, sự kiện Đức Giêsu xuống thế làm người là sự kiện có thật, vì nó gắn liền với một nhân vật lịch sử, đó là vua Hêrôđê. Bêlem miền Giuđê: Bêlem có nghĩa là “nhà bánh mì”, hoặc cũng có thể là “nhà của thần Lah(a)mu” (thần của dân Akkad).

Thành này cách Giêrusalem 7 cây số về phía nam, là quê hương của Bôát, của Isai (Giêsê), và nhất là của vua Đavít (1Sm 16; 20,6).

Matthêu hẳn có dụng ý khi nói, Đức Giê-su ra đời tại Be-lem, miền Giu-đê, vì cũng tại Giuđê này mà Ngài sẽ bị giết. Nơi sinh cũng sẽ là nơi tử của Ngài, nó muốn nói lên rằng Ngài đã sống trọn tình trọn nghĩa với con người, Ngài đã hy sinh đến cùng vì tội lỗi nhân loại.

Vua Hê-rô-đê: Vua này cai trị miền Giuđê (năm 37-4 tCN). Bởi vì ông xuất thân từ miền Iđumê, ở về phía nam xứ Giuđê, và ủng hộ nền văn hóa Hy Lạp, nên ông bị người Do Thái ghét bỏ, cho dù ông đã cho sửa lại Đền Thờ thật huy hoàng. Đến cuối đời, ông thường rơi vào trạng thái kinh hoàng, nên chỉ một chút nghi ngờ, là có thể hạ lệnh tàn sát, dù là tàn sát cả gia đình ông.

Qua lịch sử, người ta biết rằng cả đời ông bị ám ảnh vì sợ mất quyền bính, và ông thấy chỗ nào cũng có âm mưu, nên chỉ luôn luôn sống trong các thành lũy, và cho giết chết ba người con trai, bà mẹ vợ và thậm chí chính người vợ riêng của mình. Khi ông qua đời, nhiều tai ương đổ xuống trên xứ, đặc biệt là một cuộc suy sụp về kinh tế. Do đó, đất nước đầy những nhóm người bất mãn và nổi loạn.

Đức Giêsu đã ra đời trong một hoàn cảnh như thế, với ông vua đang trị vì tàn ác, nó có muốn nói lên rằng, Ngài ra đời trong một xã hội mà sự ác, sự xấu đã bị đẩy tới đỉnh điểm.

“Có mấy nhà chiêm tinh từ phương đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” Matthêu không xác định họ có mấy người, nhưng chỉ nói: họ là những nhà chiêm tinh và từ phương Đông đến. Có người cho rằng, dựa vào lễ vật mà họ dâng cho Hài Nhi Giêsu gồm: vàng, nhũ hương và mộc dược, để kết luận họ là những vị vua.

Nhận định này sai hoàn toàn, vì 03 lễ vật này họ muốn dâng lên một Đấng mà họ tin là Vua Dân Do Thái, chứ không phải để chứng tỏ họ là vua. Điều này thật dễ hiểu, vì lễ vật phải tương xứng với người nhận chứ không phải để biểu thị cho người dâng. Vấn đề đặt ra: Làm thế nào mà các nhà chiêm tinh, vừa ngoại quốc vừa ngoại giáo lại có thể đi tìm vua dân Do Thái như thế, trên đất Palestina? Xin thưa: Vào thời cổ, có một niềm tin nói rằng, cuộc chào đời của một nhân vật quan trọng sẽ được báo cho biết bởi một ngôi sao trên trời. Trong lãnh vực nghiên cứu của họ, các nhà chiêm tinh nhận được một thông tin cho biết Đấng Mêsia đã chào đời và họ được thúc đẩy lên đường. Các nhà chiêm tinh đã thấy ngôi sao được Kinh Thánh nhắc tới, chứ không phải là ngôi sao chổi hay ngôi sao nào trong bầu trời vật lý.

Sách Dân số viết: “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết, và xâm chiếm Ê-đôm, cả Xê-ia cũng bị xâm chiếm nữa. Ít-ra-en sẽ biểu dương sức mạnh, Gia-cóp sẽ thống trị quân thù, và tiêu diệt kẻ trốn khỏi thành phố.” (Ds 24, 17-19) Vâng Thiên Chúa luôn tỏ mình cho con người, nhưng vấn đề con người có nhận ra Ngài hay không lại là chuyện khác.

Chẳng lẽ trong Israen không có người nghiên cứu thiên văn, không có người nghiên cứu Kinh thánh, thế tại sao họ không nhận ra ánh sao lạ, mà những nhà chiêm tinh từ phương trời xa lạ đã nhận ra? Thật vô lý! Có một sự kiện bất ngờ xảy ra, khi những nhà chiêm tinh đến Giêrusalem thì ánh sao lạ đã biến mất, họ phải vào nhà vua hỏi. Ta không hiểu tại sao nó lại biến mất, nhưng ta sẽ nói gì về sự kiện này?

Vâng, Matthêu đã diễn tả thật sâu sắc. Khi ta nói: Thiên Chúa luôn tỏ mình cho nhân loại, để những ai thành tâm thiện chí có thể nhận ra Ngài. Nhưng sự hiện diện của Ngài luôn huyền nhiệm, có lúc Ngài tỏ mình cho ta, mời gọi ta, song cũng không thiếu trường hợp Ngài ẩn đi để ta phải tìm kiếm, đó mới là nỗ lực của con người. Một món quà, cho dù có giá trị đến đâu, nhưng lúc nào cũng có sẵn thì còn gì cao quý nữa. Ngược lại, khi ta phải vất vả, có khi phải vất vả suốt đời mới gặp, thì giá trị món quà đó sẽ tăng lên gấp bội. “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” Thật kỳ lạ, Danh hiệu “Đức Vua dân Do Thái”, hôm nay được các nhà chiêm tinh gọi một cách cung kính, nhưng sau này danh hiệu đó lại bị chế giễu bởi đám binh lính hành hạ Ngài trong cuộc Khổ nạn.

Cũng chính Matthêu đề cập đến sự kiện này: “Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!” (Mt 27, 28-29) Matthêu còn viết thêm: “Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: "Người này là Giê-su, vua dân Do-thái." Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.” (Mt 27, 37-38) Vua dân Do Thái bị xếp chung với bọn cướp sao! Không những Danh hiệu “Đức Vua dân Do Thái” bị đem ra chế giễu, mà các Thượng tế còn muốn loại bỏ nó. Gioan viết: “Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: "Xin ngài đừng viết: "Vua dân Do-thái", nhưng viết: "Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái". Ông Phi-la-tô trả lời: "Ta viết sao, cứ để vậy!" Các Thượng Tế muốn loại bỏ, còn Philatô muốn dùng Danh hiệu đó để sỉ nhục người Do Thái.

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông” “Vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”, chẳng lẽ vì sao đó không xuất hiện ở Israen sao? Ngài phải tỏ bày cho Dân Ngài trước chứ?

Quả vậy, Vì sao đó đã xuất hiện ở Israen như Tiên tri Isaia trong Bài đọc I hôm nay, viết về vẻ huy hoàng của Giêrusalem: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.

Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.” (Is 60, 1-6) Ngày xưa, có ánh sao lạ xuất hiện dẫn đường cho các nhà chiêm tinh tìm đến Hài Nhi Giêsu, ngày nay Thiên Chúa cũng gửi cho ta những tín hiệu để nhận biết Ngài.

Có rất nhiều tín hiệu trong đời ta, nhiều đến nỗi ta không còn coi đó là tín hiệu nữa, vì nó đã trở thành bình thường, bình thường đến độ nhàm chán. Khi ta vui hay buồn, khi ta thành công hay thất bại, khi ta khỏe mạnh hay bệnh hoạn,... đó là những tín hiệu Thiên Chúa muốn gửi đến cho ta. Thiên Chúa luôn gửi cho ta những tín hiệu, nhưng vấn đề đặt ra, ta có nhận ra những tín hiệu đó không?

“nên chúng tôi đến bái lạy Người”

Thật chua xót, các thượng tế, kinh sư, tư tế,... ở đâu sao không đến bái lạy Hài Nhi Giêsu mà chỉ có những người ngoại giáo này. Họ đã được các nhà chiêm tinh cho biết, nhưng họ vẫn bình chân như vại.

Đến đây ta mới hiểu, tại sao ánh sao lạ dẫn đường cho các nhà chiêm tinh, khi đến Giêrusalem lại biến mất. Vâng Thiên Chúa muốn như vậy, để cả Giêrusalem không còn lý do biện minh cho mình nữa. “Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-se-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại” Vua Hêrôđê bối rối vì sao? Xin thưa: vì ông cảm thấy một mối đe dọa mới xuất hiện. Ông đang là vua. Mà lại nghe tin “Vua Dân Do Thái mới sinh ra”, chẳng khác nào báo trước sự sụp đổ vương triều của ông.

Quyền bính luôn là cơn cám dỗ cho con người qua mọi thời đại. Mặc dù nó mau qua, chóng tàn nhưng nó lại là miếng mồi hấp dẫn. Chỉ vì miếng đỉnh chung mà người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau mà sống. Phải đội người này, đạp người kia mới có thể ngoi lên trong xã hội. Phải luồn, phải lách, phải làm angten, phải làm chỉ điểm để kiếm miếng cơm thừa canh cặn. Phải bợ, phải nâng để tìm cho mình một chỗ ấm thân. Vâng không kể bất kỳ thủ đoạn bẩn thỉu nào để giữ vững cái ghế của mình.

“Cả thành Giê-ru-se-lem cũng xôn xao”. Họ xôn xao vì nhiều lẽ, trước mắt họ cần một vị vua anh minh thay thế cho ông vua tàn bạo hiện hành, họ cần một ông vua anh dũng để đưa họ ra khỏi ách thống trị của Rôma,... vâng có rất nhiều lý do để họ xôn xao.

“Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại”, vì đó là những người am hiểu Kinh thánh. Hêrôđê sẽ tìm câu trả lời cho mình, vì Kinh thánh chứa đựng các lời tiên báo về Đấng Cứu Thế. Thực ra, trang Tin Mừng này, trong những thế kỷ đầu tiên, được dành để cố giải thích cho các Kitô hữu gốc Do Thái (Matthêu muốn nói trực tiếp cho chính họ) hiểu, tại sao Giáo Hội gồm có đa số là những Kitô hữu gốc ngoại giáo khi mà Thiên Chúa lại gắn bó quá mạnh mẽ với Do Thái.

Mátthêu, chứng minh nơi Giêsu, một Đấng Cứu Độ được mong đợi. Người đến vì tất cả mọi người: và nước Do Thái mới gồm có những người Do Thái hay ngoại giáo, bái lạy trước Đức Giêsu. Điều đó được tất cả những lại phát ngôn "có tính chất phổ độ" loan báo trước: Giêrusalem phải trở nên kinh đô của tất cả các dân tộc. "Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa" (Is 60,1-6).

“Rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại be-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăm dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” Vâng các Thượng tế và Kinh sư đã trả lời đúng, Ngôn sứ Mikha viết: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.” (Mk 5, 1) Đó là sự hiểu biết của con người, hiểu biết chỉ để hiểu biết chứ không phải để sống, hiểu biết để giảng cho hay, cho hấp dẫn và lôi cuốn người khác. Còn việc sống theo Kinh thánh là việc của ai đó chứ không phải của ta. Các Thượng tế và kinh sư đã trả lời ngay không cần phải suy nghĩ, chứng tỏ lời Chúa họ đã thuộc đến từng câu, nó nằm ở sách nào, chương nào, đoạn nào, câu nào.

Nhưng Lời Chúa có ích gì cho họ không? Xin thưa: Không. Họ vẫn bình chân như vại trước tin Đấng Cứu Thế ra đời. Họ không đứng lên, không bước đi tìm Ngài.

Trả lời cho vua Hêrôđê xong, coi như họ đã xong việc, về nhà đắp mền ngủ tiếp. Thật mâu thuẫn: Cả thành Giêrusalem đang xôn xao, nhưng giới lãnh đạo Do Thái lại coi như không có gì. Cũng vậy, rất nhiều Kitô hữu hiểu biết rất sâu xa về Thiên Chúa, về chân lý, nhưng họ biết chỉ để biết, để khoe, để dạy người khác, để rao giảng, chứ không phải để áp dụng sự hiểu biết ấy vào đời sống thực tế.

Vì thế, sự hiểu biết ấy không đem lại sự cứu rỗi cho họ. Đức Giêsu nói: «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá… Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát» (Mt 7,24.26). «Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành» (Lc 8,21); «Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em» (Ga 13,17); «Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa» (Lc 11,28).

“Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Be-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”

Tại sao vua Hê-rô-đê phải bí mật vời các nhà chiêm tinh đến? Một câu chuyện đang công khai, mọi người đều biết, tại sao phải bí mật? Vâng, đã đến thời gian của bóng tối, của Satan và của sự ác. Cần phải bí mật để vạch ra thủ đoạn tàn ác núp dưới cái vỏ bọc bên ngoài đẹp đẽ. Thủ đoạn gì? Xin thưa: Phải giết Vua Dân Do Thái mới sinh ra để trừ hậu họa. Hêrôđê luôn sống trong tâm  trạng nghi ngờ, nhìn về bất cứ phía nào cũng thấy kẻ thù, cũng thấy người muốn cướp ngai vàng của ông. Ông không muốn công khai cho mọi người biết, vì khi công khai, nếu ông ra tay giết Hài Nhi, ông đã tự mâu thuẫn, vì ông đã nói với các nhà chiêm tinh: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”

Ý hướng tốt đẹp này chỉ nói cho các nhà chiêm tinh biết mà thôi. Các nhà chiêm tinh, họ là những người từ xa tới, làm sao có thể hiểu được ẩn ý đàng sau câu nói của Hêrôđê, và vô tình làm người chỉ đường cho ông.

“Ông phái các vị ấy đi Be-lem”, có nghĩa các nhà chiêm tinh sẽ đến Bêlem không theo ý nguyện của mình, mà làm theo ý nhà vua. Mọi trạm kiểm soát sẽ được gỡ bỏ khi họ đi qua, vì đây là người của nhà vua. Vô tình Hêrôđê đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà chiêm tinh đến với Hài Nhi. “Khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Vua Hêrôđê cũng bái lạy Người thật ư?

Ta nên nhớ, ông đã giết chết ba người con trai, bà mẹ vợ và thậm chí chính người vợ riêng của mình, một con người như thế làm sao có thể bái lạy Đấng Chân Thiện Mỹ.

“Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.”

“Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”. Vâng ý định của Thiên Chúa vô tình đã được các nhà chiêm tình thực hiện, việc ngôi sao biến mất, đó là dịp để họ vào nhà vua đánh động cả thành Giêrusalem, từ vua cho đến dân được biết. Bây giờ là lúc ngôi sao xuất hiện trở lại để dẫn họ đến chỗ Hài Nhi.

Thiên Chúa lại hiện ra với ta, sau thời gian Ngài ẩn mình. Ngài không đi đâu hết, vẫn ở với ta, nhưng chỉ ẩn mình để ta phải nỗ lực tìm kiếm, Thiên Chúa lại tỏ hiện đúng lúc cần thiết.

“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người”. Họ đã gặp được Đấng Cứu Thế, đó là phần thưởng lớn nhất dành cho những ai tìm kiếm Thiên Chúa, đó là gặp được Ngài. Họ sấp mình thờ lạy Ngài. Vâng họ rất xứng đáng làm việc này, vì họ luôn tìm kiếm Ngài.

Ta chỉ có thể cúi đầu trước Mình Thánh Chúa trong Nhà Chầu một cách xứng đáng, ta chỉ có thể làm Dấu Thánh Giá trên người một cách có ý nghĩa, khi ta đã sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tin vào Đức Giêsu và sống theo Lời Ngài. Vì những cử chỉ đạo đức chỉ có giá trị khi nó thể hiện niềm tin sâu xa bên trong.

Còn ngược lại, chỉ là sự giả dối. Ta không thấy sự xuất hiện của Thánh Giuse, ông hiện đang ở đâu? Matthêu có lẽ không chú trọng đến những gì không cần thiết, vì đối tượng bây giờ, đó là Hài Nhi Giêsu. Phải làm nổi bật Hài Nhi, vì đây là lúc Ngài tỏ mình cho muôn dân, mà các nhà chiêm tinh kia là những đại diện.

Ta gọi là HIỂN LINH. Họ đã dâng cho Hài Nhi các lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Đó là những lễ vật dành cho một vị vua.

Như vậy, ngay từ đầu lúc bắt đầu lên đường từ phương Đông, họ đã xác định Hài Nhi chính là một vị Vua mới sinh, và họ đã chuẩn bị lễ vật cân xứng.

Có thể nói, cuộc tỏ mình cho dân ngoại của Hài Nhi Giêsu hôm nay đã diễn ra hết sức tốt đẹp, dành cho những người biết tìm kiếm Chân Thiện Mỹ. Nhưng nó bị nhuốm bẩn bởi bàn tay của Hêrôđê.

“Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.” Vua Hêrô chỉ có thể đánh lừa được các nhà chiêm tinh, vì họ là những con người đơn sơ chân thành, đam mê khoa học, không hề hay biết có một âm mưu bẩn thỉu đang chờ sẵn, mà mình vô tình trở thành kẻ tiếp tay.

Nhưng Hêrôđê không thể đánh lừa được Thiên Chúa. Sứ thần phải ra tay can thiệp để cứu các nhà chiêm tinh thoát khỏi một âm mưu bẩn thỉu và độc ác.

Vâng đúng vậy, không ai được phép biến họ thành nạn nhân của một ông vua tàn bạo. Sứ thần đã báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.”

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2247
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  25
 Hôm nay:  924
 Hôm qua:  1941
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12316922

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn