Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Quý Chức HĐMV Gx TTS Tham Dự Khóa Huấn Luyện HĐMV Tại Giáo Hạt.

Quý Chức HĐMV Gx TTS Tham Dự Khóa Huấn Luyện HĐMV Tại Giáo Hạt.

Quý Chức HĐMV Gx TTS Tham Dự Khóa Huấn Luyện HĐMV Tại Giáo Hạt

(Tin Bài và Hình Ảnh: Giuse Trần Đình Cánh)

 

Vào ngày 11 tháng 03 năm 2016 vừa qua, theo chương trình sắp xếp của ban Thường vụ HĐMV Giáo Hạt Tân Sơn Nhì, đã diễn ra buổi học hỏi về Quy Chế HĐMV Giáo xứ do Đức TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc ban hành ngày 01/06/2015. Buổi Huấn Luyện dành cho toàn thể Quý Chức Ban Thường Vụ và Ban Điều Hành các Giáo Khu và Giáo Họ của 18 giáo xứ trong Hạt và được tổ chức tại Nhà Thờ Giáo xứ Phú Trung.

 

Hưởng ứng lời mời gọi của Quý Cha Trong Giáo Hạt cũng như của Ban Thường Vụ HĐMV Giáo Hạt, cùng với hơn 700 Quý Chức trong Giáo Hạt, Toàn thể Quý Chức Ban Thường Vụ và BĐH các Giáo Khu Giáo xứ Tân Thái Sơn cũng đã hiện diện tham dự buổi Huấn Luyện này.

 

Đúng theo chương trình đã định, buổi Huấn Luyện được diễn ra với hai đề tài chính do cha Dặc Trách Huấn Đức của Giáo Hạt – Giuse Maria Lê Quốc Thăng và Cha Giuse Dương Vũ, chính xứ Tân Châu Phụ Trách.

 

(Thảo luận của linh mục Giu-se Maria Lê Quốc Thăng, Đặc trách Huấn giáo Giáo Hạt Tân Sơn Nhì, trong buổi Huấn Luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Hạt Tân Sơn Nhì tại Giáo xứ Phú Trung ngày 11/03/2016)

 

VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ.

(theo điều 3 và 11 Quy Chế HĐMVGX)

 

I. HĐMV MỘT CƠ CHẾ TRONG GIÁO HỘI

1.- Được thiết lập theo Giáo Luật:

Hội Đồng Mục Vụ giáo Xứ (HDMVGX), là chơ chế gồm những giáo dân thuộc giáo xứ được mời gọi và tuyển chọn để hợp lực và công tác với linh mục chánh xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ.

2.- Nhân tố chính yếu được thiết lập vì lợi ích của giáo xứ, phục vụ giáo xứ.

Xây đắp tình liên đới và sự hiệp thông, giải quyết những vấn đề, giải tỏa những bất đồng, nhằm xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn tư tế phụng thờ Thiên Chúa, sống, làm chứng và loan truyền Tin Mừng, yêu thương và phục vụ cho sự sống và phầm giá con người trong bối cảnh văn hóa xã hội ngày nay.(x giáo luật điều 536, 537)

II. TRUNG GIAN XÂY DỰNG GIÁO XỨ

(1)  nắm bắt tình hình giáo xứ, nhất là về đời sống đức tin và phong hóa, cùng với linh mục chính xứ hoạch định chương trình mục vụ, đề ra phương thức và phân công thực hiện;

(2)  Quan tâm phối hợp hài hòa các sinh hoạt và các công tác của các đơn vị mục vụ, trong sự tôn trọng tính tự lập của từng đơn vị và trong tinh thần liên đới, tương trợ và hiệp thông; góp phần giải quyết những vấn đề, giải tỏa những bất đồng trong giáo xứ (x. điều 10)

(3)  Theo dọi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, và báo cáo kết quả trong các phiên họp.

(4)  Hợp lực với linh mục chính xứ trong việc quản trị tài sản giáo xứ (x. giáo luật điều 537; điều 8 và 17 của Quy Chế này và Phụ Trương 2)

(5)  Quan tâm bồi dưỡng và nâng cao năng lực làm việc tập thể và phục vụ trong yêu thương.

 

HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ - HỌ ĐẠO VIỆT NAM (Linh mục Gioan Bùi Thái Sơn)

I. GIÁO XỨ TRONG GIÁO HỘI.

Thuật ngữ Hy lạp "paroikia" nghĩa là "những người sống gần hay bên cạnh", một cộng đoàn cùng địa giới. Tên gọi này xuất hiện từ thế kỷ II sau công nguyên, bắt nguồn từ các thành thị sau lan ra các làng quê. Khi đế quốc Roma suy tàn, vào thế kỷ thứ VIII, bắt đầu có các "nhà thờ tư nhân" do cá nhân hay một nhóm người điều hành qua thể chế "beneficio" (bổng lộc). Quan niệm nhà thờ - giáo xứ - "bổng lộc" cho một giáo sĩ kéo dài cho đến Vaticano II.

Theo tinh thần Công Đồng, Giáo Luật 1983 (điều 515) định nghĩa giáo xứ như một cộng đoàn dân Chúa với các yếu tố chính:

- 1 cộng đoàn dân Công Giáo được thiết lập chính thức; 

- 1 phần địa giới nhất định của giáo phận; 

- 1 nhà thờ; 

- 1 vị mục tử chịu trách nhiệm chăm sóc các linh hồn.

 Giáo xứ là một pháp nhân theo giáo luật với các quyền lợi và nghĩa vụ đối với giáo phận và Giáo Hội.

Trong Giáo Hội toàn cầu, Bộ Truyền Giáo phê chuẩn lần đầu một tổ chức "concilium fabricae a bonis ecclesiae parochialis administrandis", ngày 21/07/1856, và sau đó khuyên các xứ truyền giáo khác nên theo. Bộ Giáo Luật 1917 chỉ tạm chấp nhận tổ chức Concilium fabricae này vì các tranh chấp quyền hạn, nhất là trong Giáo Hội Mỹ. 
Theo tinh thần mới của CĐ Vaticanô II (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân 26), hiện nay trong giáo xứ, Giáo Hội muốn có hai tổ chức giáo dân giúp đỡ cha xứ trong việc mục vụ và quản trị kinh tế giáo xứ: Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Kinh Tế (GL. 536-537). Trong thực tế trên thế giới, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ vẫn chỉ là mong ước của các vị mục tử.

II. CẤU TRÚC HĐGX VIỆT NAM 1670-1880.

Khi các thừa sai Dòng Tên thành lập các cộng đoàn bền vững đầu tiên, dân tộc VIệT NAM đã có một tổ chức xã hội chặt chẽ theo hệ thống đại gia đình và làng xã. Mỗi họ, gia tộc đều có hội đồng gia tộc, gồm các ông trùm – trưởng tộc, lo việc quản trị của hương hỏa, nhà thờ họ, bàn thờ, tủ thờ, sổ gia phả – thế phả và các đồ dùng tế tự. Hội đồng gia tộc được luật pháp (Bộ luật Hồng Đức; Gia Long) công nhận quyền quản trị tài sản và cả quyền xét xử.

 Do tinh thần gia tộc và làng xã rất cao, những người VIệT NAM thế kỷ XVII thường theo đạo Công Giáo từng nhóm lớn, toàn bộ một họ hay một làng. Họ lập tức hình thành "họ đạo" và bầu ra "các trùm họ" để coi sóc "họ đạo" và "nhà thờ họ", lo giữ "sổ họ" và làm "sổ gia đình". Công đồng Dinh Hiến 1670 chia địa phận Đàng Ngoài làm 9 "xứ" để giao cho 9 thầy giảng vừa tiến chức linh mục (duới quyền 3 linh mục thừa sai). Mỗi xứ có một thầy giảng làm trưởng ban tài chính, nhưng do "cha xứ" chịu trách nhiệm với địa phận; trong các họ đạo vẫn do các trùm họ tự điều hành.

Tổ chức "trùm họ", theo mẫu hội đồng gia tộc và hội đồng hương xã lúc đó, có các ưu điểm không chối cãi được qua lịch sử: 

- Có khả năng tồn tại và bảo vệ cộng đoàn qua các thời kỳ khó khăn, vắng bóng linh mục lâu năm; 

- Có uy tín lớn trong cộng đoàn và thực sự đóng góp rất lớn trong việc xây dựng tinh thần cộng đoàn, nắm vững tình hình dân Kitô giáo;

 - Tổ chức linh hoạt việc thờ phượng; 

- Đóng góp công của rất nhiều cho cộng đoàn, rất ít khi thâm lạm của chung ….
Tổ chức trùm họ có những nguy cơ thường xuyên đi ngược tinh thần của Giáo Hội:

- Coi linh mục chỉ là một pháp sư được mời tới lo tế tự khi cần; 

- Coi mình là đại diện chính thức của họ đạo; 

- Coi trọng các hình thức hội hè đình đám mị dân hơn là những công việc căn bản của dân thánh: Phụng vụ chính thức, học hỏi và truyền bá Phúc Âm, bác ái cộng đoàn; 

- Chỉ lo cho họ mình, tách rời và đóng kín khỏi môi trường những người ngoại….
Tổ chức trùm họ có công lớn với lịch sử GH Việt Nam và còn bền vững đến hôm nay như một đặc điểm truyền thống và ưu thế của GH Việt Nam.

III. CHỨC SỞ MỤC LỆ CỦA GIÁO HỘI ĐÀNG TRONG 1880-1968.

Lo ngại trước các khuyết điểm của tổ chức trùm họ và thầy giảng, Công đồng Sài Gòn 1880 đã có những quyết định thay đổi mục vụ quan trọng. Bên cạnh Hội Đồng Trùm Họ, có một nhóm "biện việc" được tổ chức theo mẫu Conseil de fabrique (Hội Đồng Thành Phố) của Giáo Hội Pháp. Conseil de fabrique là tổ chức dân sự do chính quyền Pháp quy định từ 1809 đến 1905, có nhiệm vụ quản trị tài sản nhà thờ và trả lương giáo sĩ, duới quyền điều khiển của xã trưởng.

Trước đây, theo Luật Hồng Đức, mỗi di chúc hợp pháp phải để lại 1/20 di sản làm của hương hỏa (Đ.388-391); người Công Giáo đã có thói quen giao của hương hỏa này lại cho ông trùm họ đạo đứng tên. Dưới thời Pháp thuộc, số tài sản nhà thờ tăng nhanh và đứng tên địa phận. Một số nhân công, "biện việc", được thuê lo việc quản lý tài sản các họ đạo duới quyền cha sở; vì các xã trưởng người ngoại không xen vào chuyện tài sản nhà thờ. Theo kiểu Pháp, các ông biện đeo dây tam tài trong các đại lễ như Hội Đồng Xã dân sự.
Chức Sở Mục Lệ dành cho cha sở quyền tuyển chọn trực tiếp hay chuẩn nhận Hội Đồng Quý Chức. Do đó, trong họ đạo, dần dần mấy ông biện thay thế các trùm họ do dân bầu. Thường các ông biện về già giao việc quản lý tài sản nhà thờ lại cho con mình, nhưng vẫn giữ tước vị ông biện. Hội Đồng Quý Chức, vào thời di cư 1954, trở nên già lão quá đáng và không còn uy tín trong giáo dân.

IV. HĐGX CỦA GIÁO HỘI ĐÀNG NGOÀI 1900-1954

Đứng trước các vấn đề tương tự ở Đàng Trong, Công đồng Kẻ Sở 1900 và 1912 chọn những đường hướng khác: Duy trì tổ chức thầy giảng và trùm họ, nhưng có những thay đổi quan trọng.

Trường thầy giảng không còn được coi là phương thế huấn luyện linh mục và được tổ chức song song trong thế yếu so với chủng viện. Các thầy giảng được giao phó quản trị tài sản địa phận duới quyền cha quản lý, tài sản Nhà Đức Chúa Trời duới quyền cha xứ. Thầy giảng kiêm nhiệm toàn bộ việc tổ chức đọc kinh, sắp đặt trong nhà thờ và nhà xứ, lo việc mục vụ và bác ái.

HĐGX vẫn do dân bầu và cha xứ duyệt trước khi trình Đức Cha. Quyền hạn của HĐGX bị thu hẹp tối đa và chức vị ông trùm hầu như chỉ là danh dự, là người góp của. HĐGX quyên góp bằng cách bổ nhân danh cho những dịp đặc biệt; quỹ hàng xứ rất nhỏ, hầu như do các ông trùm đóng góp.

Sau năm 1954, do thiếu các linh mục và thầy giảng, HĐGX dần dần tự lo việc tổ chức và quản trị giáo xứ.

 

V. HĐGX VIỆT NAM HIỆN TẠI

Sau Công Đồng Vatican II, các Giám Mục Miền Nam Việt Nam lo nghĩ đến việc cải tổ Hội Đồng Quý Chức, vì những nguyên nhân rõ rệt:

- Tài sản đất đai của giáo hội bị mất quá nhiều, không còn cần đến nhóm "biện việc" quản trị; 
- Ảnh hưởng của HĐGX các xứ di cư do dân bầu có uy tín và tích cực hơn; 

- Ảnh hưởng của các nhóm tông đồ giáo dân thịnh hành…. 

Không có điều kiện để ban hành một Directorium giáo phận, các Đức Giám Mục tạm giải quyết bằng Chỉ Nam Linh Mục, Năng Quyền Thập Niên và Quy Chế HĐGX. Năm 1968, ĐGM Nguyễn Văn Thuận ban hành Quy Chế HĐGX và Quy Chế Giáo Dân cho Nha Trang. Theo mẫu này, lần luợt có các Quy Chế của Huế (1969); Sài Gòn và Phú Cường, Long Xuyên, Xuân Lộc (1971); Đà Lạt (1973); Cần Thơ (1974). Đặc điểm của các quy chế mới là:

- Nhấn mạnh việc do dân bầu hơn; 

- Chú trọng đến khả năng cộng tác vào hoạt động mục vụ.

Sau 1975 và nhất là sau khi ban hành Bộ Giáo Luật 1983, Giáo hội Việt Nam có nhu cầu ban hành một quy chế HĐGX mới. Để giải quyết tạm thời, Đại Chủng Viện Hà Nội cho các đại chủng sinh học lại Directorium 1941. Năm 1993, ĐGM Xuân Lộc ban hành các văn bản Đào Tạo Giáo Dân, Sinh Hoạt Ban Hành Giáo và Hướng Dẫn Sinh Hoạt Ban Hành Giáo. Năm 1997, Đức Giám Quản Huỳnh Văn Nghi phổ biến bản Quy Chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ mới cho Giáo Phận TPHCM. Do hoàn cảnh, cả hai quy chế của Xuân Lộc và TPHCM đều rất ngắn và giản lược tối đa.

Ngày 18/05/2002, Đức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn công bố Quy Chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ mới cho tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 01/06/2015, Đức tổng Giám Mục Phao-lô Bùi Văn Đọc đã ký công bố bản Quy Chế mới đã được bổ sung và chỉnh sửa.

Như thế, tổ chức HĐGX vừa là điều bắt buộc theo Giáo Luật (Điều 536-537), vừa là một truyền thống của Giáo Hội Việt Nam.

 

Thảo luận của linh mục Giu-se Dương Vũ (Dòng Tên), chính xứ Giáo xứ Tân Châu, Giáo Hạt Tân Sơn Nhì, trong buổi Huấn Luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Hạt Tân Sơn Nhì tại Giáo xứ Phú Trung ngày 11/03/2016.

 

MÔ HÌNH GIÁO HỘI THAM GIA ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

I.- GIÁO HỘI THAM GIA ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II xác nhận trong tông huấn giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia): “Các nghị phụ đã chọn mô tả Giáo Phận như là sự hiệp thông của các Cộng Đoàn quy tụ chung quanh chũ chăn, ở đó hàng Giáo Sĩ,những người sống đời thánh hiến và giáo dân đều tham dự vào cuộc đối thoại bằng cuộc sống và con tim được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ.” (số 25)

Thực tại sâu sa nhất của giáo hội là sự hiệp thông bắt nguồn từ hiệp thông của chính thiên Chúa Ba Ngôi.

-         Mỗi thành phần dân Chúa đều có vai trò và ơn gọi riêng của mình, tham dự vào sứ mạng chung của Giáo Hội, vì mọi tín hữu đều được chia sẻ  chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Ki-tô.

-         Công đoàn đồng trách nhiệm trong đó mọi tín hữu chia sẻ trách nhiệm chung. Họ không chỉ là cánh tay nối dài của linh mục, đúng hơn họ chia sẻ trách nhiệm chung với linh mục nhưng thể hiện theo ơn gọi và vị trí riêng của mình. Một cộng đoàn bình đẳng xét về phẩm giá cũng như về công việc trong cộng đoàn.

-         Cộng đoàn tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Ki-tô (x. Lc 4, 18); Ki-tô hữu không thể hành động đơn độc nhưng đồng hành và cộng tác với những anh chị em thuộc các tôn giáo bạn và mọi người thành tâm thiện chí.

 

II.- LÃNH ĐẠO TRONG LỐI SỐNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

-         Tất cả chúng ta đều là những người lãnh đạo trong mọi nơi và mọi lúc. Dù là giỏi hoặc dở.

-         Khả năng lãnh đạo đến từ bên trong tâm hồn. tôi là ai và tôi làm gì?

-         Lãnh đạo là chính cuộc đời của tôi và cách sống của tôi (không phải là một hành động, một công việc, một chức vụ)

-         Đây là một tiến trình không bao giờ hoàn tất.

Điều quan trọng là tất cả chúng ta khi tham gia đồng trách nhiệm. không có nghĩa là phải tìm lấy cho mình một chức vụ, một vai trò chỉ huy, tuyên huấn, giảng giải……. nhưng là có một thái độ sống, dám làm, dám ảnh hưởng trên người khác để họ phát triển trọn vẹn.

III.- ĐỊNH HƯỚNG MỤC VỤ

Xây dựng Giáo Hội tham gia đồng trách nhiệm (linh mục tiến sĩ Herchel H. Sheets)

1-    Trở nên người bạn thân và người ủng hộ mạnh mẽ cho Cha xứ của tôi.

2-    Tìm cách kết hợp sự cảm thông với lòng thành thật trong tương quan với Cha xứ của tôi.

3-    Trưởng thành tình cãm và tâm linh giúp tôi thoát khỏi những điều nhỏ nhan ti tiện.

4-    Cẩn trọng trong lời nói của tôi.

5-    Xa lánh thái độ bi quan như xa lánh dịch hạch.

6-    Tìm cách có được và gìn giữ một cái nhìn bao quát trên đời sống giáo xứ của tôi.

7-    Xây dựng sự hiệp thông và phát huy sự hiệp thông ấy với cộng đoàn của tôi.

8-    Cố gắng nhớ và giúp mọi người nhớ rằng Giáo Hội là của Thiên Chúa.

ở đây không nói gì về cầu nguyện, học hỏi kinh Thánh, thực thi Bác Ái hay tham dự các Bí Tích…… những việc đó là đương nhiên với những ai trung thành với Giáo Hội, Mẹ chúng ta. 

 

 

Sau hai bài thảo luận, Thánh Lễ đồng tế trọng thể được diễn ra vào lúc 10 giờ 30 do Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Bùi Văn Đọc chủ tế. Cùng đồng tế với Đức Tổng Phao Lô còn có cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Chưởng Ấn Tòa Giám Mục Sài Gòn, cha Phanxico Assisi Lê Quang Đăng, Hạt Trưởng Hạt Tân Sơn Nhì và hơn 30 Quý Cha chính xứ và phó xứ trong Giáo Hạt.

Kết thúc Thánh Lễ, toàn thể Quý Chức 18 giáo xứ trong Hạt cùng tham dự bữa cơm thân mật với Đức Tổng và Quý Cha tại hoa Viên Giáo xứ Phú Trung.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Buổi Chiều, toàn thể Quý Chức ban Thường Vụ của 18 Giáo xứ lại tập trung trên nhà thờ để học hỏi về Quy Chế HĐMV Giáo xứ dành cho Ban Thường Vụ, do cha Đặc trách Huấn Đức giảng giải.

Buổi học hỏi được kết thúc vào lúc 15 giờ 45 cùng ngày. 

 

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2828
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  8125
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12264279

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn