Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Giáo xứ: Cộng Đoàn Hiệp Thông để Truyền Giáo - Lam Thy ĐVD

Giáo xứ: Cộng Đoàn Hiệp Thông để Truyền Giáo - Lam Thy ĐVD

Giáo xứ: Cộng Đoàn Hiệp Thông để Truyền Giáo - Lam Thy ĐVD

 

Theo Gợi ý mục vụ cho “Năm Tân Phúc-âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn”, tháng 2/2015 có chủ đề “Giáo xứ: Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo” (“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” – Ga 15, 12). Thử tìm hiểu xem “hiệp thông” là gì và tại sao lại phải “hiệp thông để truyền giáo”?

I- ĐỊNH NGHĨA HIỆP THÔNG:

Hiệp là gom lại, tập hợp lại nhiều phần tử cá biệt thành một thực thể. Thông là suốt, là liên tục, là luôn luôn không ngừng. Hiệp thông là sự liên kết chặt chẽ với nhau, lưu chuyển và chan hoà cùng một tính chất giữa các phần tử riêng lẻ trong một tổng thể duy nhất, sống động. Với Ki-tô giáo thì “hiệp thông (Koinonia – Communion)” mang ý nghĩa chỉ về sự quan hệ của tín hữu với Thiên Chúa, cũng như giữa các tín hữu với nhau trong Ðức Ki-tô nhờ Thánh Thần. Phạm trù hiệp thông rất rộng, khởi đi từ mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi cho tới sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với loài người, giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình, sự hiệp thông giữa loài người với nhau, sự hiệp thông 3 Giáo hội (GH Lữ hành, GH Thanh luyện, GH Khải hoàn), sự hiệp thông trong mỗi gia đình Ki-tô hữu … Xin giới hạn vấn đề trong phạm vi Giáo hội Lữ hành.  

Người Ki-tô hữu đạt được sự hiệp thông nhờ Lời Chúa và các Bí tích. Bí tích Thánh Tẩy là cửa ngõ và là nền tảng của việc hiệp thông trong Giáo hội. Bí tich Thêm Sức giúp tăng trưởng đức tin, nhằm lãnh nhận bí tích Hòa Giải để đạt đến Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là đích điểm của đời sống hiệp thông Ki-tô giáo. Sự hiệp thông đó chính là sự tháp nhập các Ki-tô hữu vào Đức Ki-tô, và lưu chuyển cùng một Đức Ái trong toàn thể cộng đoàn tín hữu, là hiệp nhất với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu trong Giáo hội. Hiệp thông là sự toàn vẹn, hay nói đúng hơn, thực tại ấy diễn tả nội dung cốt yếu của mầu nhiệm Giáo hội, tức là của chương trình Thiên Chúa cứu độ nhân loại. Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ là một thực tại có tính xã hội học và tâm lý học, mà là một “thực tai hữu hình và thiêng liêng” (“Giáo hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, cậy và mến, như một toàn bộ cấu trúc hữu hình trên trần gian… Qua Giáo hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo hội là xã hội có tổ chức qui củ, và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng.” – Hiến chế Tin Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 8).

Tông huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân “Christi Fideles Laici” (số 18-20) đã khẳng định: “Sự hiệp thông này là chính mầu nhiệm Giáo hội như Công Đồng nhắc lại, qua từ ngữ nổi tiếng của Thánh Cypriano: Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thành Thần….. Các hình ảnh Kinh Thánh được Công Đồng Va-ti-ca-nô II sử dụng nhằm giúp chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Giáo hội, đã làm nổi bật thực tại Giáo hội hiệp thông, trong chiều kích là sự hiệp thông của các Ki-tô hữu với Đức Ki-tô liên kết chặt chẽ với sự hiệp thông giữa các Ki-tô hữu với nhau. Các hình ảnh đó là: chuồng chiên, đàn chiên, cây nho, toà nhà thiêng liêng, đền thánh…”. Vậy hiệp thông, tự bản chất, đó là sự nối kết mật thiết các Ki-tô hữu với Thiên Chúa, qua trung gian của Đức Giê-su Ki-tô, và trong Chúa Thánh Thần.

II- TRUYỀN GIÁO – SỨ VỤ CĂN BẢN VÀ DUY NHẤT CỦA GIÁO HỘI:

1- Xuất phát điểm và đích điểm của việc truyền giáo: Xuất phát từ lòng nhân từ thương xót vô biên, Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ, để làm vinh danh Người và tạo nên hạnh phúc cho loài người. Nói rõ hơn, vì tình yêu, Thiên Chúa ban sự sống cho con người và lại quay lại mời gọi loài người san sẻ tình yêu ấy cho nhau, liên kết nhau thành một dân duy nhất quy hướng về nguồn cội là Thiên Chúa Tình Yêu (tức là khởi nguyên từ “Suối Tình Yêu” Thiên Chúa tuôn trào, để lại trở về với cội nguồn là “Biển Tình Yêu” bao la vô lượng của Thiên Chúa). Dòng chảy không ngừng ấy cũng chính là nguyên lý Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh (“Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha. Ý định này tuôn trào từ “suối tình yêu” cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài mà Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần” (Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 2).

Chính vì thế, nên chân lý “Thiên Chúa Tình Yêu” vừa là xuất phát điểm, vừa là đích điểm của hoạt động truyền giáo. Công cuộc truyền giáo bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, được duy trì và tiếp nối từ khi con người hiện diện trên trái đất. Những Thánh vịnh, Thánh ca, những ngôn từ, sách vở được lưu truyền rộng rãi, hoặc những hình ảnh về một cây nho, một vườn nho đan tử, một đàn chiên, một chuồng chiên trong Kinh Thánh, minh họa sống động cho điều này. Cho đến khi Thiên Chúa Cha sai Con Một xuống thế thực thi sứ mạng cứu độ nhân loại, thì một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vĩ đại – về truyền giáo được khai sinh. Và cũng từ đó, Giáo hội được thiết lập như một tiếp nối hành trình của Đức Ki-tô: Con Đường Cứu Rỗi. Rõ ràng, Truyền Giáo tức là tình yêu “nhận về – eros” (đón nhận Tình Yêu từ Thiên Chúa) và tình yêu “cho đi – agape” (chia sẻ cho anh em Tình Yêu ấy).

2- Truyền giáo – Tính chất căn bản của Giáo hội trần thế: Giáo hội trần thế còn gọi là Giáo hội Lữ hành, đó là một cộng đồng Dân Chúa đang trên hành trình tiến về Quê Trời (Giáo hội Thiên Quốc – GH Khải Hoàn). Vì tính cách tìm kiếm để chiếm hữu được Nước Trời, nên mọi hoạt động của Giáo hội nơi trần thế đều quy về một hướng: Rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Khởi từ biến cố “Ngôi Lời nhập thể”, một kỷ nguyên mới được mở ra giải thoát nhân loại đang đắm chìm trong tội lỗi nhuốc nhơ, trong bóng tối của tử thần, giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết đời đời. Đức Giê-su Ki-tô nhận lãnh sứ vụ từ Thiên Chúa Cha – qua thông hiệp của Chúa Thánh Thần – đã đến trong thế gian để hiện thực hóa sứ vụ rao truyền ơn Cứu Rỗi. Người chính là nhà Truyền Giáo vĩ đại nhất, bởi chính Người là Thiên Chúa tác tạo muôn loài lại phải trở nên “mọi sự trong mọi người” (1Cr 15, 28), phải đem chính mạng sống của mình ra cứu chuộc tội lỗi cho muôn người. Với dụ ngôn “Cây nho và vườn nho”, Người đã dạy cho các môn đệ và tín hữu biết tất cả đều là những cành nho hút nhựa từ thân cây nho duy nhất là Đức Ki-tô phải có bổn phận trổ sinh hoa trái, đó chính là bổn phận Truyền Giáo.

Lệnh truyền của Đức Ki-tô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15) đã minh chứng rằng khi thiết lập Hội Thánh Chúa nơi trần thế, Người đã trao cho Giáo hội sứ mạng tiếp nối hành trình Cứu Độ mà Người đã thực hiện qua Hy tế Thập Giá và sự Phục Sinh vinh hiển, đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại. Rõ ràng, tính chất căn bản của Giáo hội là truyền giáo (“Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản tính của Giáo hội. Nó truyền bá đức tin cứu rỗi của Giáo Hội, hoàn tất sự hiệp nhất công giáo của Giáo hội bằng cách làm bành trướng sự hiệp nhất này, nó dựa vào tính cách tông truyền của Giáo Hội, nó thể hiện ý nghĩa cộng đoàn của hàng Giáo Phẩm, nó làm chứng, truyền bá và thúc đẩy sự thánh thiện của Giáo hội” – SL Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 6). Trách vụ của toàn thể Giáo hội (bao gồm mọi Ki-tô hữu, mọi thành phần Dân Chúa), là phải loan báo Tin Mừng.

3- Tính chất cánh chung của hoạt động truyền giáo: Hoạt động truyền giáo là trường kỳ, là miên viễn, khơi nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi truyền sang con người là loài thụ tạo, trải qua thời gian thật dài (Cựu Ước), trước khi Đức Giê-su Ki-tô được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian lần thứ nhất, và chỉ chấm dứt khi không còn sự hiện diện của loài người trong vũ trụ. Nói khác hơn, “… thời gian hoạt động truyền giáo là thời gian ở giữa hai lần Chúa đến; và khi Chúa đến lần thứ hai, Giáo Hội ví như mùa gặt được thu góp vào Nước Chúa từ bốn phương trời. Thực vậy, trước khi Chúa đến, Phúc Âm phải được rao giảng cho mọi dân tộc.” (SL Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 9).

III- GIÁO HỘI LÀ MỘT CỘNG-ĐỒNG-HIỆP-THÔNG-VÀ-TRUYỀN-GIÁO:

“Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần “hợp nhất toàn thể Giáo Hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng khác nhau”, như là linh hồn làm sống động những tổ chức trong Giáo hội và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Ki-tô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy.” (SL Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 4). Vì thế, nên có thể khẳng định Giáo hội là một-cộng-đồng-hiệp-thông-và-truyền-giáo Tại sao lại thế?

Ấy cũng bởi “Chính một Chúa Thánh Thần kêu gọi và hiệp nhất Giáo Hội và sai Giáo Hội đi rao giảng Phúc âm “khắp trên mặt đất” (Acts. 1, 8). Còn Giáo hội, Giáo hội biết sự hiệp thông là ơn Chúa, nó có sứ mệnh đốí với mọi người. Như thế Giáo hội cảm thấy mắc nợ đã nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban tràn đức ái của Chúa Cha trong lòng các kẻ tin tưởng, là sức mạnh nốí kết bên trong và cũng là sức mạnh bành trướng bên ngoài. Sứ mệnh của Giáo hội nằm ngay trong bản tính của mình như Chúa Ki-tô đã muốn: đó là sứ mệnh phải trở nên “dấu chỉ và phương thế… làm cho toàn thể nhân loại được hợp nhất”. Sứ mệnh này có mục đích làm cho mọi người biết và sống sự hiệp thông “mới” ; sự hiệp thông đi vào lịch sử thế giới nhờ con Thiên Chúa làm người.” (T/H Ki-tô hữu Giáo dân, số 32). Chính vì thế, tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội đều sống hiệp thông huynh đệ với nhau để cùng thực thi sứ vụ chung là “… đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

IV- GIÁO XỨ: CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG ĐỂ TRUYỀN GIÁO:

Theo Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 28) thì: “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, một môi trường để lắng nghe Lời Chúa, để lớn lên trong đời sống Ki-tô hữu, để đối thoại, để rao giảng, để làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành. Qua tất cả các hoạt động của mình, giáo xứ khuyến khích và đào tạo các thành viên của mình thành những nhà truyền giáo.” Vì “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, một môi trường” nhất định, nên Giáo xứ chính là Giáo hội địa phương, là Gia đình của Thiên Chúa bao gồm các gia đình Ki-tô hữu với sứ mệnh truyền giáo của mình.

Vậy thì sứ vụ nhất quán và cánh chung của Giáo hội cũng chính là sứ vụ của Giáo xứ: Truyền giáo. Trong khi “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông.” (T/H Ki-tô hữu Giáo dân, số 32), thì điều tất yếu là mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ phải thực sự trở nên những cành nho của cây nho Giê-su Ki-tô, có nhiệm vụ trổ sinh hoa trái. Nói cách khác, tất cả “Giáo dân góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, nhờ được tham dự vào chức vụ của Chúa Ki-tô là tư tế, tiên tri và là vua… Được nuôi dưỡng nhờ tham dự vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần vào những hoạt động tông đồ của chính cộng đoàn đó; họ đem những người có lẽ đang xa lạc trở về với Giáo hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền Lời Chúa, nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi sóc các hnh hồn, và cả việc quản trị tài sản của Gìáo hội sinh hiệu qủa hơn.” (Sắc lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân “Apostolicam Actuositatem”, số 10).

KẾT LUẬN:

Tóm lại, “Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo… Vì thế, hoạt động truyền giáo hướng về sự viên mãn cánh chung: nhờ hoạt động truyền giáo này, Dân Chúa được phát triển tới mức độ và thời gian mà Chúa Cha đã ấn định do quyền riêng của Ngài như lời tiên tri nói với Dân này rằng: ‘Hãy mở rộng nơi con cắm trại, hãy căng rộng lều vải của con, đừng ngần ngại’ (Is 54, 2). Cũng nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể được triển nở đến thời hạn viên mãn của Chúa Ki-tô, và đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa được thờ lạy trong tinh thần và chân lý, sẽ lớn lên và được xây dựng ‘trên nền móng là các Tông đồ và các Tiên tri mà chính Chúa Giê-su Ki-tô là viên đá góc’ (Ep 2, 20)” (SL Truyền Giáo, số 9).

Giáo hội là một cộng đồng hiệp thông với nhau và với Thiên Chúa Ba Ngôi. Toàn thể Giáo hội đều cùng uống chung một chén, cùng ăn chung một tấm bánh, để cùng thi hành chung một sứ mạng Rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Biểu tượng tuyệt vời của tính hiệp thông trong Hội Thánh Chúa là hình ảnh một tấm bánh trên bàn tiệc cộng đồng dân Chúa, một thân cây nho sum suê cành lá hoa quả tốt tươi. Mỗi Ki-tô hữu là một chi thể đều được hút nhựa từ thân cây nho, đều được chia phần từ tấm bánh Giê-su Ki-tô. Vậy hãy làm sao cho mọi người – cả trong và ngoài Giáo Hội – đều cùng được chung hưởng như chính bản thân mình. Đó không những là trách vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi thành phần dân Chúa.

Có một điều kỳ diệu gắn liền đức tin với công cuộc truyền giáo, đó là từ cái “tôi” riêng lẻ mở ra với cái “chúng ta” liên kết với nhau trong cùng một sứ vụ (“Đức tin không chỉ đơn thuần là một chọn lựa cá nhân mà người tín hữu làm trong thâm tâm của mình, nó cũng không phải một mối liên hệ hoàn toàn riêng tư giữa cái “tôi” của người tín hữu và Thiên Chúa là “Ngài”, giữa một chủ đề tự trị và Thiên Chúa. Tự bản chất, đức tin được mở ra cho cái “chúng ta” của Hội Thánh, nó luôn luôn xảy ra trong sự hiệp thông của Hội Thánh. – Tđ. Ánh sáng Đức tin “Lumen Fidei”, số 39). Và đó cũng chính là một phương thế thi hành sứ vụ truyền giáo cách cụ thể và đắc lực nhất, bởi vì “trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống”. Vâng, theo Lời dạy của Người Thầy Chí Thánh (“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” – Ga 15, 12), tất cả mọi gia đình thừa sai hãy rao giảng Tin Mừng bằng chính đời sống hiệp thông trong Giáo xứ. Ước được như vậy! Amen./.

Lam Thy ĐVD.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 6050
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  19
 Hôm nay:  397
 Hôm qua:  5802
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12322197

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn